(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ trong phong trào thi đua yêu nước ở Sở VH,TT&DL đã xuất hiện điển hình tiên tiến. VH&ĐS xin giới thiệu một số gương mặt như vậy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua

Từ trong phong trào thi đua yêu nước ở Sở VH,TT&DL đã xuất hiện điển hình tiên tiến. VH&ĐS xin giới thiệu một số gương mặt như vậy.

VĐV Quách Thị Lan - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT

Có thể nói, Quách Thị Lan là gương mặt VĐV tài năng, giành được nhiều thành tích bứt phá và có nhiều đóng góp nhất cho thể thao Thanh Hóa trong giai đoạn 2015 - 2020.

Là VĐV tài năng sớm được phát hiện và đầu tư có trọng điểm, Quách Thị Lan đã nhanh chóng khẳng định mình với thành tích nổi bật ở các đấu trường trong nước ở các cự ly sở trường như 400m, 400m vượt rào, chạy tiếp sức nữ, tiếp sức hỗn hợp.

Từ những giải đấu ở khu vực Đông Nam Á, Quách Thị Lan đã vươn lên mạnh mẽ để liên tục giành được những tấm HCV ở giải vô địch điền kinh Grand Prix châu Á (năm 2017 và 2019), SEA Games 30. Đặc biệt, tấm HCV tại ASIAD 2018 của chị được xem là kỳ tích của thể thao Việt Nam ở đấu trường rất khó khăn này. Đây cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ nhất trong lịch sử điền kinh Thanh Hóa với tấm HCV đầu tiên ở đấu trường ASIAD. Quách Thị Lan cũng là VĐV có thành tích tốt nhất của thể thao Thanh Hóa ở SEA Games 30 - năm 2019 tại Phillipines.

Nữ VĐV sinh năm 1995 này đang phấn đấu để tìm kiếm cơ hội tham dự Olympic Tokyo năm 2021. Chị tâm sự: “Năm 2020 sẽ là một năm rất bận rộn với tôi. Các giải đấu trong nước sẽ là những sân chơi bổ ích, quan trọng để tôi tiếp tục cố gắng, duy trì phong độ, thành tích, qua đó có sự chuẩn bị cho các giải quốc tế trong năm 2020, hướng tới SEA Games 31, các giải điền kinh châu Á, khu vực”.

Diễn viên Vi Thị Thiên Thanh - Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn

Sinh năm 1989, Thiên Thanh hiện là chủ công trong các chương trình ca múa nhạc của Nhà hát Ca múa Kịch Lam Sơn. Năm 2013, Hội nhạc sỹ Việt Nam đã trao tặng giải A cho tiết mục song ca của chị và đồng nghiệp với tác phẩm “Thanh Hóa vào xuân” do nhạc sĩ Thế Việt sáng tác. Năm 2015 chị giành HCV tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2018, tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc tại Cao Bằng, bài hát “Lũ đêm” của nhạc sỹ Dương Cầm đã đưa chị đến với tấm HCV thứ 2.

Thiên Thanh chia sẻ: "Có lẽ may mắn lớn nhất của tôi là có chồng công tác cùng đơn vị, vì thế chúng tôi thấu hiểu nhau cả những niềm vui và khó khăn trong cuộc sống".

10 năm công tác không quá dài nhưng lại không hề ngắn với một nữ nghệ sĩ, chị luôn tâm niệm: Cố gắng lao động và cống hiến vì nghệ thuật hết sức mình, chắc chắn quả ngọt sẽ đến.

HLV Nguyễn Hồng Phi - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT

Năm 2018, cú bứt phá ngoạn mục của các lực sĩ Thanh Hóa tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII đã khiến giới chuyên môn trong nước không khỏi ngỡ ngàng. Từ một đơn vị vốn chưa lần nào nằm trong top 3 cả nước từ trước tới nay và lại không được đánh giá cao so với các trung tâm mạnh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng..., Thanh Hóa đã gây sốc khi giành tới 6 HCV, tạo ra một cuộc lật đổ ngoạn mục để vươn lên vị trí thứ Nhì toàn đoàn ở bộ môn cử tạ.

Góp công lớn vào thành tích trên chính là màn trình diễn xuất sắc của các lực sĩ Phạm Tuấn Anh và Trần Xuân Dũng. Hai VĐV nói trên ngoài việc giành 3 HCV cho cá nhân còn liên tiếp phá kỷ lục quốc gia, kỷ lục đại hội. Đây được xem là thành tích tốt nhất của cử tạ Thanh Hóa ở đấu trường cấp quốc gia từ trước tới nay.

Để có được thành tích như vậy, Trưởng bộ môn Cử tạ Thanh Hóa Nguyễn Hồng Phi đã mất một khoảng thời gian khá dài để xây dựng lại đội tuyển. Bước đầu là tìm kiếm những VĐV tuyến năng khiếu, trẻ cho mục tiêu dài hơi. Sau những năm tháng miệt mài, nỗ lực không ngừng, HLV Nguyễn Hồng Phi và các học trò đã được đền đáp với những thành tích và sự trở lại đầy ấn tượng ở giải vô địch quốc gia và giải trẻ quốc gia. Cử tạ Thanh Hóa đã trình làng lứa VĐV đầy tài năng, triển vọng. HLV Nguyễn Hồng Phi cũng được triệu tập vào ban huấn luyện đội tuyển quốc gia Việt Nam.

HLV Nguyễn Hồng Phi cho biết: Bước vào giai đoạn 2020 - 2025, cử tạ Thanh Hóa hướng tới những mục tiêu mới nhất là SEA Games 31 - năm 2021 được tổ chức tại Việt Nam, sau đó là Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX - năm 2022. Đây là những sự kiện thể thao rất trọng đại, là dịp để cử tạ Thanh Hóa khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh thực sự. Vì vậy, ban huấn luyện và các VĐV ở cả 3 tuyến của bộ môn sẽ phải làm việc cật lực, với sự tập trung cao nhất, có sự chuẩn bị tốt nhất cả về chuyên môn và tâm lý.

Nguyễn Thị Hoa - Trưởng phòng nghiệp vụ, Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử

Dù chưa có nhiều đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu về đất và con người xứ Thanh, tuy nhiên, với gần 20 năm công tác, chị Nguyễn Thị Hoa đã có một số công trình nghiên cứu đáng được ghi nhận. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020 chị đã tham gia biên soạn các tập sách mang tính chính yếu trong nhiệm vụ chức năng của Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hóa như: Lịch sử Thanh Hóa (tập 6 - 7, giai đoạn 1945 - 1954, 1954 - 1975); Danh nhân Thanh Hóa (tập 7,8,9,10); Niên biểu lịch sử văn hóa Thanh Hóa (tập III)... Ngoài ra, chị tham gia viết bài cho nhiều hội thảo, tổ chức mở lớp tập huấn và giảng dạy về phương pháp sưu tầm và biên soạn lịch sử địa phương...

Từ năm 2015 đến 2019 chị liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng nhiều giấy khen và kỷ niệm chương.

Gắn bó với đơn vị từ khi tốt nghiệp đại học đến nay, chị hiểu hơn ai hết những thuận lợi khi làm nghiên cứu ở mảnh đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt, song chị cũng biết những khó khăn khi tiếp cận công việc đòi hỏi sự nghiêm túc, chuẩn mực và khoa học. Đặc biệt với các nhà nghiên cứu trẻ, việc tuyên truyền được ý thức được vai trò, xây dựng niềm đam mê để họ có cái tâm, cái tầm trong nghiên cứu lịch sử, thật chẳng dễ.

Chị chia sẻ: Để đạt được kết quả của ngày hôm nay, tôi may mắn có sự động viên của lãnh đạo ban, sự cộng tác nhiệt tình của đồng nghiệp. Lực lượng nghiên cứu ở Thanh Hóa khá đông và hùng mạnh nhưng chưa có sự gắn kết trong hoạt động. Đó là còn chưa kể đến hoạt động của Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử ngày càng thu hẹp, biên chế bị tinh giảm. Chị mong muốn trong giai đoạn tiếp theo sẽ được lãnh đạo Sở VH,TT&DL cũng như lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa quan tâm hơn nữa để công tác nghiên cứu lịch sử về đất và người xứ Thanh được đẩy mạnh; trình độ và đời sống của các nhà nghiên cứu ngày càng được nâng cao từ đó góp phần hơn nữa chất lượng các công trình nghiên cứu đáp ứng nhu cầu của người đọc và sự tìm hiểu của nhân dân.

Nghệ sĩ Lê Thanh Tùng - Diễn viên Nhà hát Ca múa Nhạc Lam Sơn

Chính thức về Nhà hát Ca múa Nhạc Lam Sơn từ năm 2011, và tham gia ngay từ những số đầu tiên của Sân khấu truyền hình chiều thứ 7, sân khấu thiếu nhi, Lê Thanh Tùng được đánh giá cao về chuyên môn. Cụ thể là anh đã đạt Huy chương Bạc Hội thi tài năng sân khấu Kịch toàn quốc năm 2017.

Nghệ sĩ tỉnh lẻ vốn đã khó khăn và nghệ sĩ sân khấu kịch còn vất vả hơn nhiều kể cả về chuyên môn lẫn đời sống kinh tế. Họ chỉ gọi là tạm ổn khi tham gia các hoạt động bên ngoài, lấy tay trái nuôi tay phải. Tuy vậy, chẳng phải ai cũng làm được, và có cơ hội làm điều ấy.

Có thể khẳng định Lê Thanh Tùng được các anh các chị thế hệ đi trước ưu ái dồn nhiều vai diễn để cơ hội va vấp hướng tới tham gia hội diễn toàn quốc và các chương trình lớn trong tỉnh. Cho đến nay anh tham gia hầu hết các chương trình của Nhà hát, nói như Tùng là bởi: Tôi luôn sẵn sàng tham gia và xin tình nguyện tham gia.

Là tấm gương điển hình tiên tiến của Sở VH,TT&DL anh cho rằng: Với một diễn viên, điều đáng sợ nhất là xoay quanh lối cũ, không có kiến thức và có sự đổi mới. Chúng tôi mong muốn tiếp tục được đào tạo, cống hiến để có thể được nâng cao kỹ năng biểu diễn phục vụ tất cả các đối tượng khán giả”.

Nhóm P.V


Nhóm P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]