(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay, như hầu hết sinh viên ra trường, tôi cũng bắt đầu cho mình sự kiếm tìm - một công việc phù hợp với sở thích, khả năng. Còn tôi lựa chọn về quê để thấy đời bình yên. Thế rồi “quay 180 độ” tôi chọn nghề báo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những năm tháng không quên

Khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay, như hầu hết sinh viên ra trường, tôi cũng bắt đầu cho mình sự kiếm tìm - một công việc phù hợp với sở thích, khả năng. Còn tôi lựa chọn về quê để thấy đời bình yên. Thế rồi “quay 180 độ” tôi chọn nghề báo.

Tôi trân quý khi biết được những bài viết về lĩnh vực di sản - lễ hội của mình trên Báo Văn hóa và Đời sống được một bộ phận độc giả yêu mến, đón nhận.

Từ bước đi chập chững vào nghề

Tôi vẫn nhớ thời điểm tháng 11/2013. Tôi bắt đầu công việc, và chuyến đi đầu tiên là ngược ngàn lên Yên Khương (Lang Chánh) để tìm hiểu những vất vả của bộ đội, giáo viên cắm bản. Hình ảnh bản Sắng, bản Hằng với những thiếu thốn của người dân, hiển hiện trong chiếc áo cánh chỉ còn lành một bên ống tay của những đứa trẻ bên đường giữa tiết trời giá lạnh vùng cao khiến tôi thắt lòng. Rồi huyện vùng cao Quan Hóa hiển hiện sau lớp sương mù dày đặc buổi sáng, ở nơi đấy sông Mã mới dữ dội làm sao... Sau mỗi chuyến đi, những bài viết được thành hình, gọt dũa và lên trang. Niềm vui với nghề dần nhen nhóm, thắp lửa.

Tôi bắt đầu “bén” nghề bằng những bài viết người thật, việc thật có phần giản đơn. Là hoàn cảnh của cụ bà đơn thân sống một mình trên chiếc ghe dưới gầm cầu Sâng (TP Thanh Hóa) khiến bất cứ ai gặp cụ cũng thấy nhói lòng thương cảm. Đi nhiều, gặp nhiều để dần hiểu, nghề báo đôi khi chẳng cần đao to búa lớn, chỉ mong những bài viết của mình có thể giúp đỡ những mảnh đời, hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội cũng đủ khiến người cầm bút ấm lòng. Cứ như vậy, chẳng quá lời khi nói nghề giúp ta khơi dậy cả yêu thương, để người gần người hơn.

Và sự trưởng thành

Báo Văn hóa và Đời sống với đặc thù là cơ quan ngôn luận của Sở VH,TT&DL, vậy nên cùng với thể thao và du lịch thì các vấn đề về văn hóa đương nhiên rất được tòa soạn cũng như độc giả quan tâm, trang báo dành cho lĩnh vực văn hóa cũng được ưu ái hơn so với các lĩnh vực khác của đời sống. Lựa chọn việc theo đuổi mảng đề tài về văn hóa có vẻ là một sự lựa chọn an toàn. Tuy nhiên, khi bạn là người đến sau, thiếu kinh nghiệm thì mọi thứ không bao giờ là dễ dàng.

Năm 2015 chính là dấu mốc quan trọng trong hành trình 7 năm gắn bó với Báo Văn hóa và Đời sống của mình. Cùng với việc Thanh Hóa là tỉnh đăng cai tổ chức năm Du lịch Quốc gia 2015 thì Báo VH&ĐS cũng đồng thời tổ chức cuộc thi viết Đất và Người xứ Thanh nhằm quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người Thanh Hóa đến với bạn bè trong và ngoài nước. Sau bài viết “Huyền thoại ngã ba Bông” được đăng tải, tôi nhớ Tổng Biên tập đã động viên: “Em có giọng điệu, cách viết phù hợp với những đề tài như vậy”. Chỉ như thế nhưng nó hơn bất cứ lời khen hoa mỹ nào khác. Bất ngờ hơn khi “Huyền thoại ngã ba Bông” được trao giải khuyến khích. Có thể nó chỉ là giải khuyến khích với nhiều người, chả có gì đáng nói. Nhưng với bản thân tôi lúc ấy, giải thưởng như lời khẳng định cho việc tôi không sai khi chọn nghề.

Sau 7 năm ra trường, từ khi chập chững bước vào nghề đến hôm nay, Báo Văn hóa và Đời sống với tôi là nơi đong đầy những kỉ niệm. Nó có thể đã từng khiến tôi mệt mỏi, chán chường rồi từng bước trưởng thành. Tôi đến và sống với nghề, làm việc tại Báo Văn hóa và Đời sống như cách người ta đến với mối tình đầu vậy. Không mang nhiều toan tính, sống trọn với đam mê, xúc cảm. 7 năm gắn bó nếu so với tờ báo có hơn 30 năm thành lập và phát triển thì cũng chỉ là một chặng đường rất ngắn. Nhưng, tôi tin rằng mình cùng những tiền bối, đồng nghiệp đã, đang gắn bó với tờ báo đã không ngừng nỗ lực vì một diện mạo, sức lan tỏa tốt hơn, sâu rộng hơn.

Nằm trong Đề án Quy hoạch Báo chí, Báo VH&ĐS thời gian qua đang được lãnh đạo các cấp, sở, ngành sắp xếp theo hướng phù hợp nhất. Tương lai của tờ báo rồi sẽ thay đổi. Người ta nói, cánh cửa này khép lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Biết là vậy nhưng có những sự “khép lại” khiến ta tiếc nuối khôn nguôi. Như ta phải nói lời chia tay người bạn tri kỷ mà không thể nói lời gặp lại, chỉ có thể xem nhau như cố nhân!

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]