(vhds.baothanhhoa.vn) - Xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa) vừa tổ chức thành công Lễ công bố xã đạt chuẩn NTM năm 2017. Đó thực sự là niềm vui lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Bởi những khó khăn, thách thức trong xây dựng NTM là rất lớn nhưng với sự tập trung lãnh chỉ đạo quyết liệt, Thiệu Nguyên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đưa xã từ chỗ có xuất phát điểm thấp vươn lên trở thành một vùng quê phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm vui mới trên quê hương Thiệu Nguyên

Xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa) vừa tổ chức thành công Lễ công bố xã đạt chuẩn NTM năm 2017. Đó thực sự là niềm vui lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây. Bởi những khó khăn, thách thức trong xây dựng NTM là rất lớn nhưng với sự tập trung lãnh chỉ đạo quyết liệt, Thiệu Nguyên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đưa xã từ chỗ có xuất phát điểm thấp vươn lên trở thành một vùng quê phát triển.

Từ điểm xuất phát thấp

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM (2011), Thiệu Nguyên mới chỉ đạt 6/19 tiêu chí. Xã có kinh tế chậm phát triển; nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp; cơ sở vật chất giáo dục chưa đạt chuẩn; nhà văn hóa, khu thể thao còn thiếu, công sở chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc; hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ cho sản xuất và đi lại mới chỉ đạt được 50%... Đó là những trở ngại rất khó có thể vượt qua được, nhất là chỉ trong một thời gian hạn hẹp. Vì vậy, sau khi tiếp thu chủ trương của Đảng về xây dựng NTM, BCH xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về nội dung này và xây dựng đề án để thực hiện. Tiếp đó, UBND xã đã có quyết định thành lập các Ban phát triển thôn. Từ đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm và triển khai đến các thôn trên địa bàn xã.

Để Đề án xây dựng NTM sớm mang lại hiệu quả, xã đã tập trung chỉ đạo bằng nhiều cách làm hiệu quả. Đầu tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp nhân dân hiểu được, xây dựng NTM là “của dân, do dân và vì dân”, nhân dân làm, nhân dân hưởng thụ; các tổ chức chính trị cùng chung tay xây dựng. Trong quá trình huy động các nguồn lực, xã chỉ đạo các thôn thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, các khoản đóng góp được họp bàn công khai, minh bạch dựa trên nguyên tắc “đồng tình, tự nguyện; tránh tùy tiện, áp đặt”. Trước khi bắt tay vào xây dựng các tiêu chí, xã giao cho BCĐ tổ công tác thường xuyên giao ban để nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và những khó khăn cần tháo gỡ để kịp thời khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém. Đối với các thôn, tổ chức họp Ban phát triển của thôn để bàn bạc, xây dựng kế hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế, sau đó thông qua cấp ủy, chi bộ tổ chức họp toàn thể nhân dân, đến khi thống nhất chung quan điểm mới tổ chức thực hiện. Về phía xã, tập trung rà soát, đánh giá tỷ lệ % đạt của các tiêu chí còn lại rồi tiếp tục phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong BCĐ; đồng thời có chính sách khuyến khích, kích cầu nhân dân các thôn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng.

Lãnh đạo huyện Thiệu Hóa trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM cho lãnh đạo xã Thiệu Nguyên.

Ngoài ra, với quan điểm: “Xây dựng NTM phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân” nên địa phương còn có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến khích hộ dân mua máy gặt đập liên hợp, máy cày để từng bước đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất. Đặc biệt, với những hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công thuộc hộ nghèo, xã ưu tiên hỗ trợ giống giúp các hộ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, tạo cơ hội để người nghèo ổn định sản xuất, thoát nghèo bền vững. Mặt khác luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân vay vốn làm ăn, đa dạng hóa các loại hình ngành nghề như: xây dựng, vận tải, cơ khí, nghề mộc, may mặc, xay xát, buôn bán...

...Trở thành điểm sáng NTM

Với những cách nghĩ, cách làm đúng đắn kể trên nên chỉ sau 6 năm xây dựng NTM, Thiệu Nguyên đã có chuyển biến nhanh về mọi mặt. Nổi bật là trên lĩnh vực kinh tế, xã đã quy hoạch được 175 ha vùng lúa năng suất chất lượng cao; 5,2ha đất đã được quy hoạch thành trang trại tổng hợp; đồng thời đã chuyển 9,5ha đất cây trồng hàng năm kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: ớt, ngô ngọt, đinh lăng, cây ăn quả. Chăn nuôi trâu bò theo hộ gia đình tiếp tục phát triển mạnh. Tổng đàn trâu bò của xã năm 2017 là 1.534 con. Bên cạnh đó là sự hình thành ngày càng nhiều các mô hình sản xuất cá - lúa kết hợp, góp phần tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người nông dân trên địa bàn.

Cùng với nông nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn của Thiệu Nguyên trong 6 năm qua cũng có bước phát triển đáng kể. Hiện xã có 288 hộ tham gia làm dịch vụ; có 1.231 lao động là thợ mộc, thợ nề; 45 lao động đi xuất khẩu ở các nước; gần 200 lao động đi các công ty may mặc trên địa bàn huyện. Ngoài ra, xã có 8 ô tô con và 4 xe khách, 8 xe vận tải, 35 máy cày bừa, 6 máy vò lúa và 12 máy gặt đập liên hợp.

Thu nhập nâng cao, đời sống được cải thiện nên công tác xã hội hóa xây dựng NTM của Thiệu Nguyên vì thế càng dễ dàng, thuận lợi. Không ít hộ gia đình ngoài tự giác đóng góp theo mức quy định còn ủng hộ thêm sức người, sức của, thậm chí góp đất, hiến đất để xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp... Nhiều con em xa quê được tuyên truyền, vận động cũng gửi tiền về ủng hộ xây dựng, làm cho chương trình xây dựng NTM của xã phát triển thành một phong trào thi đua sâu rộng. Vì vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, xã đã chỉnh trang và xây mới hàng loạt công trình như: trụ sở, trung tâm văn hóa, trường mầm non, sân vận động; xây mới và cải tạo đường giao thông nội đồng, đường giao thông liên thôn ngõ xóm và nhà văn hóa của 9 thôn trên địa bàn... Nhờ đó mà đã làm thay đổi nhanh diện mạo của xã, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng mức tăng trưởng kinh tế hàng năm lên 14%; thu nhập bình quân đạt 30,5 triệu đồng/người/năm; hộ khá, giàu tăng cao, giảm hộ nghèo từ 15% (2011) xuống còn 3,9% (2017).

Từ một ngôi trường cũ nát...

...đến ngôi trường mới khang trang nhờ chương trình NTM ở Thiệu Nguyên.

Chia sẻ kinh nghiệm về những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên - Nguyễn Văn Thắng bày tỏ: “Hoàn thành được 19/19 tiêu chí đối với một xã có xuất phát điểm thấp như Thiệu Nguyên là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Thành tích đó ngoài sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, sự vào cuộc nhiệt tình của cả hệ thống chính trị còn là sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ xây dựng NTM từ huyện đến xã. Cũng bởi tinh thần chỉ đạo ấy mà càng những lúc khó khăn, địa phương càng cố gắng điều hành, năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Từ đó mà năng lực của người đứng đầu trong cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, đoàn thể được phát huy, tạo sự tin tưởng trong các đoàn viên, hội viên, giúp cho việc huy động sức mạnh của quần chúng nhân dân được dễ dàng, thuận lợi”.

Giờ thì xuân đã thực sự về trên quê hương Thiệu Nguyên. Từ làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng thấy người dân nói chuyện làm ăn, con cái học hành, dựng nhà dựng cửa... Toàn là những chuyện lớn phải lo nhưng giờ đây, họ đã lo với một tâm thế khác - tâm thế của sự lạc quan, tin tưởng.

Chi Anh


Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]