(vhds.baothanhhoa.vn) - Câu chuyện bà con xã đảo thoát nghèo, làm giàu nhờ đầu tư vào phát triển nuôi trồng thủy sản với nghề nuôi cá lồng, cá bè tại xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) một thời nay đã lùi vào quá vãng. Hiện tại, nhiều hộ dân bám trụ với nghề chỉ đơn thuần để cầm cự, duy trì cái nghề. Nghề nuôi cá lồng nơi đây chưa bao giờ lại lâm vào thực cảnh khó khăn đến vậy. Nếu không sớm có giải pháp căn cơ từ ngành nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, nguy cơ hàng loạt hộ dân bỏ nghề là chuyện một sớm một chiều.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nỗi lo nghề cá lồng trên xã đảo Nghi Sơn

Câu chuyện bà con xã đảo thoát nghèo, làm giàu nhờ đầu tư vào phát triển nuôi trồng thủy sản với nghề nuôi cá lồng, cá bè tại xã đảo Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) một thời nay đã lùi vào quá vãng. Hiện tại, nhiều hộ dân bám trụ với nghề chỉ đơn thuần để cầm cự, duy trì cái nghề. Nghề nuôi cá lồng nơi đây chưa bao giờ lại lâm vào thực cảnh khó khăn đến vậy. Nếu không sớm có giải pháp căn cơ từ ngành nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa, nguy cơ hàng loạt hộ dân bỏ nghề là chuyện một sớm một chiều.

Chiều nắng nhẹ trên xã đảo Nghi Sơn thơ mộng, dù được cảnh báo sóng lớn nhưng tôi vẫn nài nỉ anh Quân - Trưởng Công an xã cho lên xuồng trườn sóng ra khu vực nuôi cá lồng, cá bè của bà con nhân dân. Đáp xuồng tại lồng cá của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Hải (53 tuổi, thôn Nam Sơn). Ông Hải cùng với 2 lao công đang chữa ghẻ cho lứa cá dự là tết này sẽ xuất bán nếu không có gì trục trặc, đen đủi. 30 ô lồng nuôi thả cá, chủ yếu ông Hải cũng như các hộ dân nơi đây nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao như: cá Vược, cá Bớp, cá Hồng Mỹ, cá Mú... Ông Hải bảo: “Năm 2016 do ảnh hưởng của tảo đỏ, lứa cá chuẩn bị xuất bán bị thiệt hại nghiêm trọng. Năm nay, từ giờ đến tết nếu thuận hòa thì lứa cá này sẽ cho thu lãi khoảng hơn 200 triệu đồng”.

Tôi hồ hởi rồi vội chúc mừng ông làm ăn lớn, thu lãi khủng. Ông Hải vỗ vai tôi lắc đầu: “Lãi lời gì đâu chú! Cầm cự được là tốt rồi. Với 30 ô lồng này, gia đình phải bỏ ra số vốn 1,6 tỉ đồng tiền đầu tư giống má, thức ăn... Chỉ tính riêng tiền thức ăn, chi phí mỗi ngày cũng ngót nghét 6 đến 7 triệu đồng. Hiện gia đình còn đang nợ ngân hàng 600 triệu đồng tiền vốn đầu tư. Mình đầu tư thì tiền tỉ, lãi lời thì đôi, ba trăm triệu nhưng mất thì trắng tay, trở thành con nợ!”...

Cũng theo ông Hải cho biết, nghề nuôi cá lồng, cá bè bây chừ rất bấp bênh không như ngày trước. Nếu kể về cái thời hưng thịnh những năm 2010, 2012 thì khi đó, việc người dân xoay từ đi bể sang nuôi cá lồng, cá bè nhiều nhà đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Song thời điểm bấy giờ, nghề nuôi cá thuận lợi ở nhiều mặt, từ thức ăn cho cá chỉ 3 đến 4 ngàn/kg (chỉ bằng 1/3 so với giá hiện tại) cho tới vấn đề môi trường ít ô nhiễm, số lượng hộ nuôi ít... con cá có nhiều điều kiện thuận lợi để sinh trưởng, phát triển”.

Trở lại với thực tại, ông Hải lắc đầu thở dài: “Các anh thấy đấy, cái nghề thì càng ngày càng khó, thế mà các hộ cứ đua nhau để làm. Diện tích mặt nước thì có hạn, trong khi con cá cũng phải có không gian, ô xi để thở chứ... Vậy mà các hộ cứ đua nhau, không theo quy hoạch “mạnh ai nấy làm” dẫn tới con cá thiếu oxi để thở, chậm lớn, hay mắc bệnh dễ chết”.

Nghề nuôi cá lồng, cá bè tại xã đảo Nghi Sơn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, hộ gia đình ông Lê Khắc Quang (thôn Bắc Sơn) tỏ ra bức xúc khi cho rằng: “Có cả anh cán bộ xã ở đây, tôi nói thẳng trăm thứ nước thải đều đổ ra bể, từ nước thải sinh hoạt, nước thải chợ búa cho tới các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp thì nguồn nước không ô nhiễm mới là lạ!? Con cá chứ con tôm, con cua sống khỏe mấy cũng chết!”.

Trước kiến nghị, bức xúc của bà con về cái nghề vốn làm giàu cho nhiều hộ, tôi hỏi ông Nghiêm Văn Thành - Cán bộ văn phòng xã. Ông Thành cho biết: Ngành nghề nuôi cá lồng, cá bè tại xã chủ yếu là các hộ tự phát nuôi trồng từ nhiều năm trước. Trong khi tỉnh có chủ trương và nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy hải sản thì hầu như với 64 hộ nuôi thả này chưa hề nhận được một sự hỗ trợ nào khi gặp rủi ro. Điều người dân nơi đây mong muốn là tỉnh có quy hoạch cụ thể, tránh tình trạng thi nhau nuôi thả, phá vỡ quy hoạch. Và hơn hết là khi gặp rủi ro bà con còn có cơ chế hỗ trợ từ tỉnh, hoặc khoanh giãn nợ từ ngân hàng.

Nói về vấn đề ô nhiễm, ông Thành cũng khẳng định, hiện tại địa phương có hơn 9 nghìn dân, 6 khách sạn nhà nghỉ, chợ búa và các cơ sở chế biến hậu cần nghề... tất cả nguồn nước từ sinh hoạt đến kinh doanh hầu như đều thải chảy ra bể gây ô nhiễm. Bên cạnh đó là các nhà máy, xí nghiệp từ khu kinh tế... Về tương lai, nghề nuôi cá lồng, cá bè tại đây cần có một quy hoạch mới. Địa phương đang tính đến phương án quy hoạch đưa các hộ ra khu vực đảo Mê.

Đó chỉ mới là phương án của địa phương. Để người dân yên tâm, ổn định, các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp tỉnh cần hơn nữa sự quan tâm, chỉ đạo một cách kịp thời.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]