(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ chiếm khoảng 1/5 số lượng hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, gần 100 nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh đã luôn nỗ lực hoạt động để cho ra đời những tác phẩm có giá trị.

Nữ sĩ xứ Thanh và hành trình khơi xa

Chỉ chiếm khoảng 1/5 số lượng hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, gần 100 nữ văn nghệ sĩ xứ Thanh đã luôn nỗ lực hoạt động để cho ra đời những tác phẩm có giá trị.

Nữ sĩ xứ Thanh và hành trình khơi xa

Với nỗi buồn của sự chia ly khi người bà ra đi, nhà thơ Thy Lan đã nhanh chóng đưa tập thơ thứ 5 của mình với tiêu đề “Mắt bà ở phía khơi xa” (NXB Quân đội Nhân dân, 2023) đến với bạn đọc. Từ nỗi nhớ của mình, chị nhớ tới hình ảnh bà, người phụ nữ miền biển: “Bà thương ông đỏ quạch ngọn đèn dầu/ Xóm ven biển những đêm trời trở gió/ Sóng đánh vào vách đá/ Rát bỏng mắt bà phía xa khơi”. Thậm chí đó là nỗi đau vô tận: “Rồi một ngày biển thôi không dào dạt/ Bà âm thầm đắp mộ gió thờ ông”. Chứng kiến và trải nghiệm cùng nỗi cô đơn, nỗi đau của những người thân yêu, thơ Thy Lan vì thế mà đằm, mà sâu, mà đau đớn bởi “Trời quá rộng cho những gì thương nhớ”. Và ánh mắt khơi xa ấy ám ảnh tuổi thơ chị. Chị thấu hiểu: “Con phổng phao bên má người tóp lại/ Ổi dùng dằng lay lắt đỏ vườn bên” (Bà ơi).

Từ chính mạch ngầm cuộc sống, chị thêm thương những người bên cạnh mình, thêm da diết tình yêu đất nước. Đọc những câu thơ như: “Tổ quốc ơi! Xin chào đất mẹ/ Nâng lên tay biết là ruột gan mình/ Đảo xa cách, đảo thành phên giậu/ Đảo thành cung nỏ cuộc trường sinh” (Đảo Mê nơi ấy gọi về); “Tổ quốc ơi, ta sinh ra có mẹ/ Núi biết cao lên, biển biết thẳm mình/ Tre biết truyền đời cho măng mọc thẳng/ Công lý quang minh bật gốc những mưu đồ” (Nơi đầu sóng ngọn gió)... chúng ta như được truyền nguồn năng lượng trường tồn về sức mạnh dân tộc, về sự tự hào hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng.

Đứng ở góc nhìn nào, Thy Lan cũng thể hiện tinh thần và trách nhiệm của một người con sinh ra nơi miền biển Nga Sơn (Thanh Hóa) luôn khát khao giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam. “Thơ Thy Lan đa sắc, đa thanh nhưng nhất quán trong phong cách, luôn có sự trải nghiệm, hồn hậu, nhân ái được chắt lọc những gì đẹp nhất từ cuộc đời” (Vương Gia).

Đến với thơ ca chưa lâu, nhưng Trịnh Lan Oanh đã nhanh chóng là gương mặt thơ nữ khó quên. Sau tập thơ đầu tiên “Em nhặt lại em” in vào năm 2021, tập thơ “Thì thầm” (NXB Hội Nhà văn, 2023) định hình rõ phong cách, tính cách thơ Trịnh Lan Oanh. Đã có người nhắc đến hoàn cảnh của chị, một góa phụ như cây giấy dó và trầm hương, riêng với tôi 86 bài thơ là tiếng lòng nồng nàn khao khát của một người phụ nữ, nhưng hơn hết là lời từ chối khéo sự sẻ chia. Đằng sau tiếng thì thầm là những ẩn ức, sự nổi loạn, là những “vỡ rạn tim em”. Chị có khá nhiều câu thơ hay, tứ thơ hay: “Ánh mắt nào níu giữ bước chân/ Rạo rực em trở về thời con gái/ Tim thổn thức tiếng gió hoang lay gọi/ Màu yêu đương ngùn ngụt cháy nồng môi” (Thì thầm); “Trút hết lá rồi cây bàng đứng bơ vơ/ Bốn phía mùa đông chỉ ù ù gió thổi/ Mở hết cửa chờ tia nắng mới/ Thắp cạn mình đợi tiếng chân quen (Đợi); “Lật tuổi xuân một nửa trống đến giờ/ Trong cúc áo gió trở mùa dữ dội/ Câu thơ này anh đừng mở vội/ Trong thẳm sâu con chữ có sóng cồn” (Gói ); “Sóng không nổi trước mũi tàu/ Dồn bao dữ dội phía sau cuộc đời...” (Lâu rồi nhà vắng đàn ông)...

Nhân vật trữ tình trong thơ Trịnh Lan Oanh tưởng là mạnh mẽ, nhưng lại dễ dỗi hờn, trách cứ. “Anh có nghe sóng thần trong im lặng/ Tiếng thì thầm vỡ ngực phía không nhau”, những câu hỏi không chờ câu trả lời, đầy ẩn ức. Thơ là tiếng lòng và thơ của Trịnh Lan Oanh đã gieo vào lòng tôi khá nhiều câu thơ hay, nữ tính mà dữ dội, lặng lẽ mà thẳm sâu sóng cồn.

Cô giáo Trần Thị Thu Hà, sau tập “Mây buông dải yếm” khá hiền lành, nhẹ nhàng, chị cho ra mắt “Ngược gió” với nhiều thi tứ mạnh mẽ, đầy cảm xúc.

Em đi ngược gió tìm hoa/ Hoa chưa thấy đã đậm đà ngát hương/ Em đi ngược gió tìm sương/ Sương từ đầu đã vấn vương vai gầy/ Em đi ngược gió tìm mây/ Giang tay em đón mây bay về mình... Nhà phê bình lý luận Bùi Việt Thắng nhận định: Thơ Trần Thị Thu Hà nghiêng về nội cảm, đã đành, lại còn tạo hấp lực bằng sự bện quấn giữa “nội cảm” và “ngoại cảm”. Đọc thơ Trần Thị Thu Hà ta thấy cái chênh chao của cuộc sống, cái nghiêng vào nhau của những thổn thức yêu...

Song, nếu chỉ dừng ở suy tư cá nhân thì có lẽ thơ cũng chỉ đủ rung cảm cho vài người. Thơ nói riêng, nghệ thuật nói chung là phải đi tìm cái đẹp trong đời sống. Đọc “Ngược gió”, độc giả còn bắt gặp những rung động về tình yêu quê hương, đất nước của chị. Bốn bài về đất nước: “Hãy một lần bạn đến đất nước tôi”, “Đất nước tôi”, “Đất nước mùa xuân” và “Tự hào Việt Nam - Tổ quốc tôi” đã thêm một lần lay thức mọi người về lòng yêu nước, sự kết nối đồng bào: "Mỗi xóm làng đã hóa những bài ca.../ Sự sống hồi sinh từ trong máu lửa.../ Tự hào thay đây dòng máu Lạc Hồng" (Tự hào Việt Nam - Tổ quốc tôi). Cảm hứng tự hào đã tạo nên nhiều giai điệu thơ tươi sáng trong thơ chị.

Từ biểu tượng “Mây buông dải yếm” đến “Ngược gió” là một hành trình của cảm xúc, chiêm nghiệm mà Trần Thị Thu Hà đã tạo ra. Với tâm thế sẵn sàng chấp nhận “ngược gió” để đón những yêu thương, khát vọng, thơ chị đến gần hơn với bạn đọc, những tình cảm của chị cũng giãi bày chân thực hơn, đắm say hơn.

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh đã có gia tài văn học lớn trong đời sống văn học xứ Thanh. Hầu hết các tác phẩm của chị viết về đề tài miền núi. Sinh ra ở vùng đất Cẩm Thủy, cuộc sống của những người Mường thân thuộc và ám ảnh chị. Nếu không dám sống với văn chương, có lẽ cô gái Mường này chỉ quanh quẩn nơi núi rừng. Cuộc đời chị thay đổi nhờ có văn chương và ngay cả khi tuổi đã cao, những bão giông ập đến thì chị vẫn nương náu vào văn chương. Có lẽ vì thế mà sức sáng tạo của chị bền bỉ, sắt son và ngược lại nhờ “hý hoáy” với con chữ mà chị quên đi những nỗi buồn, bớt đi những muộn phiền.

Gia tài văn chương của chị đến nay có gần 20 đầu sách, con số mơ ước của rất nhiều người theo đuổi nghiệp viết. Sau 3 cuốn tiểu thuyết Lính nghĩa vụ (NXB Công an Nhân dân, 2019), Đồng đội (NXB Hội Nhà văn, 2020), Lửa đỏ (NXB Thanh Hóa, 2020), chị đang hoàn chỉnh để xuất bản tiểu thuyết “Con ma đen và góa phụ Mường Chiềng” và “Huyền thoại Hàm Rồng”.

Nói về Hà Thị Cẩm Anh, đồng nghiệp đều nể sức viết của chị. Trong 4 năm cho ra đời 6 cuốn tiểu thuyết, trong đó có 3 tiểu thuyết đã xuất bản. Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh cho rằng: Sáng tạo là nhu cầu tự thân, là sự thôi thúc cá nhân. Bản thân tôi, tôi không có đề cương, phân vai phân tuyến như một số nhà văn. Ngồi trước chiếc máy tính là mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ tuôn theo tiếng bàn phím. Nghe thì thấy có vẻ dễ dàng, nhưng nhiều lúc ngồi mãi, ngồi mãi viết không ra chữ; hoặc viết dở quá thì vo lại vứt đi để làm từ đầu.

Phụ nữ làm văn chương như vận vào mình những buồn lo. Vì thế mà những câu thơ buồn thường dễ va chạm vào cảm xúc của bạn đọc. Đọc thơ của các tác giả nữ như Thy Lan, Trịnh Lan Oanh, đến Trần Thị Thu Hà... sau những sự riêng tư ấy là suy tư về thế sự, tự hào về đất nước dân tộc mình.

Đứng trước biển có thể ta thấy mình lẻ loi, nhưng đứng trước con đường văn chương, văn nghệ sĩ nói chung, nữ sĩ nói riêng như có động lực, như muốn được lên con thuyền để ra khơi xa.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]