(vhds.baothanhhoa.vn) - Gắn bó suốt cả thời gian công tác với ngành nông nghiệp ở nhiều vị trí khác nhau, từ cán bộ trại giống bèo dâu; Trung tâm giống cây trồng; Sở Nông nghiệp; Văn phòng UBND tỉnh; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); sau khi nghỉ “hưu” làm Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh; trực tiếp làm Chủ tịch Hội Giống cây trồng và Vật tư nông nghiệp Thanh Hóa hơn 16 năm rồi. Ông là Nguyễn Xuân Sang - người mà chúng tôi gặp khi chỉ ít ngày nữa, sau đại hội nhiệm kỳ lần này, ông được thôi vị trí lãnh đạo theo nguyện vọng. Những tâm sự của ông cũng chính là nỗi niềm của một người tâm huyết với ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Ông Sang “nông nghiệp”

Gắn bó suốt cả thời gian công tác với ngành nông nghiệp ở nhiều vị trí khác nhau, từ cán bộ trại giống bèo dâu; Trung tâm giống cây trồng; Sở Nông nghiệp; Văn phòng UBND tỉnh; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); sau khi nghỉ “hưu” làm Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh; trực tiếp làm Chủ tịch Hội Giống cây trồng và Vật tư nông nghiệp Thanh Hóa hơn 16 năm rồi. Ông là Nguyễn Xuân Sang - người mà chúng tôi gặp khi chỉ ít ngày nữa, sau đại hội nhiệm kỳ lần này, ông được thôi vị trí lãnh đạo theo nguyện vọng. Những tâm sự của ông cũng chính là nỗi niềm của một người tâm huyết với ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Ông Sang “nông nghiệp”

Sinh ra ở làng Tạnh Xá (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), một làng trồng hoa màu truyền thống và lớn nhất ở thị xã Thanh Hóa trước đây, ông thấu hiểu những vất vả của người làm nông nghiệp, lội ruộng từ sáng sớm tinh mơ đến hơn 11 giờ đêm chưa nghỉ. Nhà nghèo, tất cả những việc đồng ruộng, gánh phân, tát nước, chăn nuôi… ông đều thành thạo. Sau khi tốt nghiệp THPT, ông được gọi vào học Khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Vinh nhưng đã xung phong nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên Huế và Nam Lào từ năm 1969 đến 1975, kết thúc chiến tranh với thương tật loại A, hạng 3/4.

Sau khi lỡ hẹn với nghề giáo viên, ông được đơn vị cho đi ôn thi Đại học tại Trường Văn hóa Quân khu Hữu Ngạn để học ngành y theo nguyện vọng, kết quả đạt điểm số rất cao; được chọn đi học về Di truyền chọn giống cây trồng tại Liên Xô. Sau khi tốt nghiệp, ông cùng vợ về nước và đã tìm mọi cách để được về quê (vì học chuyên ngành này rất ít người, sau tốt nghiệp, không phân bổ về địa phương công tác); cùng với tâm nguyện được báo hiếu bố mẹ.

Đơn vị đầu tiên ông về làm việc là Trại bèo dâu giống cấp 1 của tỉnh với nhiệm vụ chọn lọc và nhân giống các loại bèo hoa dâu chuẩn rồi cấp phát cho các trại huyện tiếp tục nhân và xuất bán cho HTX phục vụ sản xuất nông nghiệp vì thời đó phân vô cơ, nhất là đạm urê rất hiếm. Sau này trại giống bèo dâu được sáp nhập, phát triển quy mô lớn thành trại giống lúa, bèo nguyên chủng, rồi được cải tạo, nâng cấp lên Trung tâm Giống cây trồng miền xuôi Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là trung tâm).

Con đường “lội ruộng” phấn đấu đi lên của ông Sang là từ một nhân viên lên đến tổ phó, tổ trưởng kỹ thuật, phó giám đốc phụ trách kỹ thuật - kinh tế của trung tâm. Vào thời điểm ấy vấn đề lương thực đang là khó khăn số 1 ở Thanh Hóa. Lúc đó, toàn tỉnh có trên 70.000 ha đất lúa thường xuyên bị úng trũng, dễ bị ngập lụt, liên tục mất mùa, cả tỉnh chỉ đạt gần 0,8 triệu tấn lương thực (tính cả lúa, khoai, ngô, sắn, dong riềng, kê…). Thôi thúc với điều đó, ông đã chủ trì, cùng các cán bộ kỹ thuật trung tâm nghiên cứu chọn lọc được bộ giống lúa cực ngắn và ngắn ngày, cơ cấu vụ hè thu, né lụt với thời gian từ gieo mạ đến lúc gặt chỉ trong khoảng 75 - 90 ngày, tùy đồng đất để bố trí; kèm thêm biện pháp kỹ thuật canh tác lúa chét, có thể thu thêm từ 40 đến gần 60kg lúa/sào mà gạo lại rất ngon (trong khi lúa mùa thường có thời gian gieo cấy đến gặt trung bình từ 110 - 130 ngày). Đối với cây trồng khác, như ngô, rau, màu, cây ăn quả… với trách nhiệm lãnh đạo trung tâm và mối quan hệ với bạn hữu từng học ở nước ngoài, ông đã đấu mối, đề nghị, được Trung ương thống nhất, đưa trung tâm vào hệ thống khảo nghiệm giống cây trồng Việt Nam; thường xuyên được cung cấp nguồn gen giống cây trồng rất lớn. Riêng giống cây ăn quả, ông đã chủ trì cùng cán bộ kỹ thuật của trung tâm đưa nhiều mắt ghép và hạt, cây giống, như: táo, ổi, đu đủ… về trung tâm sản xuất, kinh doanh, góp phần đắc lực phát triển sản xuất ở các huyện trong tỉnh.

Có thể nói giai đoạn 1984-1988, cái tên Nguyễn Xuân Sang được rất nhiều cán bộ nông nghiệp; nhất là nhà nông biết đến. Ông đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Thanh niên tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh, được Trung ương Đoàn tặng Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo... Chính thành quả đầu tiên trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là động lực để ông phấn đấu, cống hiến nhiều hơn trong cuộc đời hoạt động, công tác hội những năm qua.

Năm 2001, từ Văn phòng UBND tỉnh, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT. Ngoài công việc quản lý, điều ông trăn trở là làm thế nào để nông dân tin tưởng vào sở, ngành; tích cực sản xuất làm giàu cho gia đình và quê hương. Việc đầu tiên, ông chủ trì, tổ chức mời các đại biểu đi học tập mô hình của một số tỉnh về xây dựng và thành lập hệ thống khuyến nông viên cơ sở phục vụ cho NN&PTNT với tư tưởng để khuyến nông viên trở thành cánh tay nối của ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống đến cơ sở xã, phường; tập trung tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ KHKT đến tận nông dân, giúp nông dân sản xuất thắng lợi.

10 năm làm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, ông nhìn thấy khó khăn về vấn đề lương thực ở tỉnh. “Lúc đó tôi đặt ra câu hỏi: tại sao Trung Quốc lại chọn lúa lai để xóa đói giảm nghèo, để tìm ra câu trả lời có hiệu quả”. Ông đã chủ động báo cáo lãnh đạo sở, phối hợp cùng các ngành liên quan tham mưu, trình duyệt đề án phát triển lúa lai với sự hỗ trợ ngân sách, cơ chế mới cho công tác học tập, nghiên cứu ứng dụng sản xuất giống lúa lai và lúa lai thương phẩm, giao cho Công ty Giống cây trồng tỉnh mời chuyên gia Trung Quốc sang giảng dạy, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ giá mua giống, giá bán..., từ đó thành lập vùng sản xuất giống lúa lai và mở rộng vùng lúa lai thương phẩm một cách mạnh mẽ trên địa bàn; đồng thời với việc tăng cường nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật; hình thành những vùng sản xuất cây trồng; nhất là các giống lúa lai, ngô lai; đã góp phần chủ động, không phải nhập nội nhiều từ nước ngoài, tỉnh ngoài; cùng với việc tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách phát triển vùng thâm canh, năng suất, chất lượng cao… Kết quả đã tạo ra năng suất, sản lượng lương thực và giá trị hàng hóa, nông sản lớn trên một đơn vị diện tích trồng trọt.

Ngoài ra ông còn chủ trì, phối hợp tham mưu tỉnh ban hành thực hiện nhiều chính sách kích cầu để nông nghiệp phát triển như rộng mở thị trường giống cây trồng, phân bón và máy nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp ngoài tỉnh vào địa bàn sản xuất, cung ứng hàng hóa chất lượng; tạo điều kiện cho người sản xuất nông nghiệp được tiếp cận với nhiều loại giống mới, năng suất, chất lượng cao… tạo đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói sự nhiệt tình, trí tuệ và công sức của ông và nhiều cán bộ ngành nông nghiệp trong tỉnh, cùng sự phấn đấu tích cực của người nông dân trên địa bàn đã tạo nên những thành quả to lớn của ngành nông nghiệp Thanh Hóa. Đặc biệt sản lượng lương thực đã tăng nhanh và ổn định, lên đến 1,5 triệu tấn/năm với giá trị hàng hóa ngày càng cao; góp phần tích cực, hiệu quả trong việc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Ngay từ khi được bầu giữ trọng trách Chủ tịch Hội Giống cây nông nghiệp, ông đã mạnh dạn đề nghị và được ban chấp hành hội thống nhất, cùng đề nghị và được UBND tỉnh cho đổi tên thành Hội Giống cây trồng và Vật tư nông nghiệp với phạm vi hoạt động rất lớn. Đồng thời đã tạo nên cú “hích” trong tổ chức, cán bộ với cách nghĩ “Các bác nông dân hay hội viên chỉ là những toa tàu, doanh nghiệp là đầu tàu, nếu được thêm đầu đẩy là doanh nghiệp và KHCN thì nông nghiệp nói chung và hội nói riêng sẽ phát triển rất mạnh mẽ và hiệu quả sẽ rất cao”. Theo đó ông đã chủ động, sáng tạo cơ cấu 2 trong 3 phó chủ tịch là lãnh đạo doanh nghiệp KHCN lớn, ban thường vụ hơn 50% là cán bộ doanh nghiệp có tâm, tầm; trong hội có cả thành viên là công ty công nghệ có thành tích cao… Hội là thành viên duy nhất trong hệ thống Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tham gia hoạt động cùng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Gắn bó với ngành nông nghiệp, ở lại với người nông dân, sẵn sàng lội ruộng xuống đồng, dường như chỉ có ông Sang làm được. Điều ông luôn nhắc đến trong từng câu chuyện, từng cột mốc cuộc đời là ông có sự may mắn, có sự ủng hộ, tin tưởng của nhiều người. Vẫn biết, ông không thích đề cao mình mà luôn tôn vinh tập thể, đồng nghiệp... Tuy nhiên trước bài viết này, đã có nhiều bài viết phóng sự truyền hình về con đường bền bỉ gắn bó và lội ruộng cùng nông dân của ông Nguyễn Xuân Sang. Gần đây, ông được Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh vinh danh là Trí thức KHCN xuất sắc; Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Trung ương xét và đã tặng danh hiệu: “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2020; Hội Giống cây trồng Việt Nam tặng Bằng khen với trách nhiệm là Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội; UBND tỉnh tặng Bằng khen năm 2019-2020...

Ở nhà, ông trang trọng treo chữ Tâm giữa phòng khách; ở cơ quan ông lại đặt chữ tín ngay cửa ra vào… có thể bởi quan điểm ấy mà ở cơ quan nào, trên bất cứ vị trí gì ông cũng nhận được sự chia sẻ, ủng hộ và tin tưởng của mọi người. “Đại hội lần này đánh dấu một quá trình làm việc của tôi và 302 hội viên, đồng thời là khởi đầu của một giai đoạn mới của những đồng nghiệp trẻ và hội chúng tôi”. Trải qua nhiều vất vả cùng không ít niềm vui, ông Sang tin rằng, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của một tỉnh đầy tiềm năng như Thanh Hóa. Dù không ở vị trí Chủ tịch Hội Giống cây trồng và Vật tư nông nghiệp nhiệm kỳ 2022-2027 nhưng ông sẽ vẫn tiếp tục đồng hành với chức danh mới là Chủ tịch danh dự mà hội viên tôn vinh… Chắc chắn ông sẽ còn nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả cho phong trào hội; cùng đội ngũ trí thức KHCN của tỉnh cống hiến; góp phần xây dựng và phát triển quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]