(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 30 năm "chinh chiến" với Praktica, Pentax, Nikon… hết phim lại số, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Công Thắng đã có 2 triển lãm ảnh cá nhân, 2 cuốn sách ảnh. Có lẽ vì thế mà khi rất nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (đợt 1, năm 2020), Phạm Công Thắng vì rỗi rãi, vì không được cầm đến máy ảnh, “bỗng nhiên” nghĩ ra việc có một "Gallery Ký ức Nhiếp ảnh".

Phạm Công Thắng đã có “Gallery Ký ức Nhiếp ảnh”

Hơn 30 năm “chinh chiến” với Praktica, Pentax, Nikon… hết phim lại số, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Phạm Công Thắng đã có 2 triển lãm ảnh cá nhân, 2 cuốn sách ảnh. Có lẽ vì thế mà khi rất nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội (đợt 1, năm 2020), Phạm Công Thắng vì rỗi rãi, vì không được cầm đến máy ảnh, “bỗng nhiên” nghĩ ra việc có một “Gallery Ký ức Nhiếp ảnh”.

Phạm Công Thắng đã có “Gallery Ký ức Nhiếp ảnh”NSNA Phạm Công Thắng giới thiệu với nhà sử học Dương Trung Quốc về câu chuyện phía sau mỗi chiếc máy ảnh.

Căn nhà số 225A, phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa (TP Hà Nội) hầu như ngày nào cũng có khách đến chơi. Nơi đó Phạm Công Thắng âm thầm thực hiện dự án “Gallery Ký ức Nhiếp ảnh”. Thực ra, ngay từ khi còn ở Thanh Hóa, ông đã ý thức việc lưu giữ đồ nghề làm ảnh như một kỷ vật của cá nhân. Và đến khi ra Hà Nội vẫn tiếp tục công việc của một nhà báo, ông nghĩ tại sao mình không làm việc lưu giữ những kỷ vật của các nhiếp ảnh gia, nhà báo lăn lộn nơi chiến trường, những con người mang dấu ấn của thời gian. “Ban đầu tôi chỉ định làm gallery trưng bày ảnh. Nhưng trong quá trình làm, tôi lại nghĩ nếu chỉ có ảnh không thì chưa đủ. Để gọi là ký ức cần phải tập hợp không chỉ ảnh mà còn cả máy ảnh, thiết bị ảnh... Từ đó sẽ ra những câu chuyện, kỷ niệm… đời làm báo, đời nghệ sĩ".

Khởi đầu xây dựng gallery, ông thổ lộ ý định trên trang cá nhân. Tưởng đơn giản thế thôi, nhưng bắt tay làm mới thấy nhiều vấn đề phát sinh. Thực ra nếu có tài chính “xông xênh”, ông đã mở rộng thêm được không gian, đóng thêm nhiều tủ trưng bày tách bạch những hiện vật quý hiếm. Song, điều khó khăn nhất lại là sự nhọc nhằn. Ông chia sẻ: “Không đơn giản chút nào. Mình đẻ nó ra thì phải chăm sóc, nuôi dưỡng nó, mà để đáp ứng được yêu cầu của chính mình thì lại phải mệt. Ngay vấn đề tiếp khách đã kiệt sức...”. Điều Phạm Công Thắng bất ngờ là các nghệ sĩ, thân nhân những nghệ sĩ đã quá cố, nhiếp ảnh gia, nhà báo và rất nhiều người mà ông không hề quen biết đã ủng hộ nhiều hiện vật. Gần 8 tháng nay, đã có hơn 400 hiện vật được gửi tới. Dẫu chưa khai trương nhưng ngày nào cũng có khách văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, dịch giả, diễn giả đến đây tham quan, nghiên cứu. Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cũng đã có 2 nhóm sinh viên đến quay không gian chân dung nghệ sĩ,...

Trong số những máy ảnh được tặng, có không ít kỷ vật vô giá. Đó là chiếc máy ảnh Pentax của NSNA Hoàng Kim Đáng được ông coi như vật báu, đã từng được sử dụng để chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các văn nghệ sĩ tên tuổi như Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi... Đó là chiếc máy ảnh D200 của Anh hùng Lao động, NSNA Trần Lam - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang, sử dụng để có tác phẩm nổi tiếng “Mặt trời trong lăng sáng tỏa” được Tập đoàn Tân Tạo mua với giá 1 triệu USD (năm 2008). Toàn bộ số tiền này được tặng cho “Quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang”, thực hiện 500 ca phẫu thuật cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh. Đó là chiếc máy ảnh cổ Zeiss Ikon có tuổi đời trên 80 năm của doanh nhân Bùi Việt Hưng tặng; máy chiếu phim dương bản sản xuất năm 1930, được nhiếp ảnh gia, TS Nguyễn Ngọc Bình trao tặng.... Rồi máy Nikon Af - F800S đã từng chụp cho hàng trăm người đẹp của NSNA nude số 1 Việt Nam Thái Phiên; bộ máy ảnh mà GS Hà Đình Đức chụp rùa Hồ Gươm, Vườn Quốc gia Bến En... Ngoài ra còn nhiều bộ máy của các phóng viên chiến trường như Vũ Hồng Hưng, Hoàng Như Tính, Trần Hồng,….

Mỗi kỷ vật trong “Gallery Ký ức Nhiếp ảnh” của NSNA Phạm Công Thắng, vì thế đều có đời sống, số phận. Đằng sau kỷ vật là những câu chuyện về con người, dấu ấn nghề nghiệp thuộc các giai đoạn lịch sử khác nhau. Đến lúc này dẫu có 400 hiện vật nhưng ông vẫn chưa thể trưng bày hết. Phần vì hiện vật trùng, phần do diện tích của gallery chưa đủ lớn.

Từ ngày xây dựng gallery, NSNA Phạm Công Thắng dường như phải phân thân. Ông chăm chút kỷ vật, viết giới thiệu, sắp đặt khoa học. Không gian nhỏ nhưng tập trung được nhiều câu chuyện lớn. “Tính đến thời điểm này thì gallery nhỏ nhưng đã hàm chứa được hầu hết ý tưởng, và toát lên điều mà tôi mong muốn”, NSNA Phạm Công Thắng chia sẻ.

Khi tôi hỏi: Sau 8 tháng, nếu để tổng kết lại sự được mất, ông sẽ nói gì? Phạm Công Thắng cho biết: “Tôi khởi xướng “Ký ức Nhiếp ảnh”, trước hết để thỏa thú vui lúc về già, một phần muốn góp sức cùng nền nhiếp ảnh Việt Nam lưu giữ hiện vật của các nhà báo, NSNA, nhiếp ảnh gia trên cả nước. Nhưng kèm theo đó là sự nhọc nhằn, tốn không ít công sức mà không phải ai cũng thấu hiểu chia sẻ. Hàng ngày, tôi vừa là chủ nhân mệt phờ tiếp khách, vừa là anh lao công làm vệ sinh, vừa làm công việc lau chùi bảo quản hiện vật. Đêm ngủ gác gôn tại phòng trưng bày để trông giữ kho báu mà mọi người đã tin tưởng giao phó. Bù lại, tôi đã thành công ngoài mong đợi, bởi nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của đông đảo bạn bè, người yêu máy ảnh, yêu nhiếp ảnh trong và ngoài nước".

Chia sẻ về mong muốn của mình, NSNA Phạm Công Thắng cho biết: Ông đã từng rất mong muốn sẽ tập hợp những bộ máy của Triệu Đại chụp bộ ảnh Điện Biên Phủ, Đinh Quang Thành chụp tác phẩm đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất của thời khắc lịch sử năm 1975… Tham vọng thì vô cùng, nhưng ông rất hài lòng với những gì mình đang có.

Đọc những dòng bút tích của nhà sử học Dương Trung Quốc: “Nhiếp ảnh có thần lực là “biến khoảnh khắc thành vĩnh viễn”. Do vậy nó là phương tiện và phương cách để lưu giữ ký ức. Người sưu tập máy ảnh là người góp phần lưu giữ ký ức của xã hội... Cũng vì thế tôi phải cảm ơn anh đã làm cái công việc mà cho đến nay chưa ai nghĩ tới, chưa ai chịu làm... Sau này sẽ có nhiều người hiểu anh hơn và biết ơn những người như anh”. Hay những tình cảm của NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam: “Đến thăm” Gallery Ký ức Nhiếp ảnh" của NSNA Phạm Công Thắng, nhìn cách anh dành cả tầng 2 căn nhà, đầu tư tiền bạc, chăm chút viết lời, sắp đặt rất kỹ cho từng hiện vật mà mọi người trân quý trao tặng, tôi thật sự xúc động về tình yêu của anh đối với nghề, với nhiếp ảnh. Tôi cũng hiểu vì sao những người làm nghề và bạn bè gần xa đã yêu quý, tin tưởng, gửi gắm các kỷ vật gắn liền với những dấu ấn nghề nghiệp cho anh”... Tôi nghĩ rằng, những ghi nhận này không chỉ là sự trân quý mà còn là động lực thôi thúc Phạm Công Thắng mỗi ngày hoàn thiện và bổ sung thêm cho gallery của mình.

Mỗi kỷ vật từ khay tráng phim, máy phóng ảnh đen trắng, áo khoác hay những chiếc máy ảnh của nhiều thương hiệu... đều là những câu chuyện, những ký ức về con người, về nghề nghiệp và sự kiện của các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Từ trước tới nay, ở Việt Nam có nhiều nhà sưu tầm máy ảnh, nhưng Phạm Công Thắng là người đầu tiên kể lại ký ức của những chiếc máy ảnh. Chính bởi thế mà “Gallery Ký ức Nhiếp ảnh” của NSNA Phạm Công Thắng có sức hút với những người làm nghề và cả những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]