(vhds.baothanhhoa.vn) - 4 giờ sáng, trước mắt tôi, một khối mờ mờ, đen đen trong làn sương ken đặc, thỉnh thoảng lại lọc xọc, lạch cạch!... Âm thanh được phát ra từ chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, chị Lê Thị Nhung (phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) bắt đầu một ngày mới bằng việc đạp xe đến bãi rác lượm lặt những thứ vứt bỏ của người khác để mưu sinh!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phận người nhặt rác...

4 giờ sáng, trước mắt tôi, một khối mờ mờ, đen đen trong làn sương ken đặc, thỉnh thoảng lại lọc xọc, lạch cạch!... Âm thanh được phát ra từ chiếc xe đạp Thống Nhất cũ, chị Lê Thị Nhung (phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) bắt đầu một ngày mới bằng việc đạp xe đến bãi rác lượm lặt những thứ vứt bỏ của người khác để mưu sinh!

Chị Nhung ngoài 50 tuổi, nhưng đã có thâm niên nửa đời người gắn cùng nghề nhặt rác. Mọi người trong con ngõ, góc phố nơi chị ở biết đến chị, khâm phục nghị lực và cái nghề nhặt rác của chị. Với cái nghề không có trong danh bạ đào tạo, chị đã nhờ nó để nuôi con, chăm lo mẹ già và là trụ cột kinh tế trong gia đình 4 khẩu vốn nghèo “truyền thống”.

Theo chị chừng mươi phút, cái mùi hôi thối nồng nặc đặc trưng phát ra từ bãi rác báo hiệu nơi chị làm việc. Những tưởng sáng sớm thế này thì tôi và chị là người đến đầu tiên có mặt trên bãi rác, nhưng trái lại với suy nghĩ đó là tiếng xì xào, í ới... đã rôm rả từ lâu.

Chị Nhung nơi bãi rác TP Sầm Sơn.

Chừng 1 tiếng đồng hồ quan sát, khi tất cả những gì có thể lượm lặt từ ve chai, sắt vụn, túi ni lông, bao bì... đã được chị em gom nhặt chuyển về lều lán của mình để phân loại. Những lều lán tạm bợ được dựng từ những tấm bạt rách nát, những tấm ni lông, ga màn xiêu vẹo. Trong khi các lều lán đều có 2 đến 3 người cặm cụi phân loại thành phẩm nhặt được thì lều của chị Nhung chỉ mỗi mình chị! Cái lán lều của chị quy mô cũng không to bằng các chị em khác, là cái ô dù hỏng người ta vứt bỏ chị nhặt tận dụng che nghiêng tránh nắng.

Tôi tiến lại gần chị, chị cười bảo: “Chú ngồi chơi, chứ đụng chạm mấy thứ ni nguy hiểm lắm! Rác kim loại, rác thủy tinh, kim tiêm, ống chích của bọn nghiện... Chúng tôi làm cái nghề ni cũng đánh cược sức khỏe và tính mạng chứ chẳng chơi, nhưng rồi phải chấp nhận, làm lâu cũng thành quen, găng tay cứ phải đeo loại dầy nhất bán trên thị trường, bên trong đeo thêm lớp găng tay bằng vải, chân đeo ủng, mặt mũi chỉ để lòi 2 con mắt đủ nhìn... Ngày nào cũng thế, trăm ngày như một chú à”.

Đang câu chuyện, một chiếc xe đặc dụng mới lại gằn máy vào bãi, tiến trườn lên đống rác. Chưa kịp định hình, một chị dáng nhỏ thó, hô lớn: “Có xe mới chị em ơi!”. Câu chuyện dừng đột ngột, chị Nhung tất tưởi tay xách bao bì, mắt hướng ngay về chiếc xe rác. Chiếc xe vừa đổ xong, vài ba chị em tiến ngay đến đống rác, nhanh như cắt lượm lặt tất cả những gì có thể bán được cho vào bao bì.

Nhắc tới thu nhập, chị Nhung bảo: “Một ngày đi nhặt rác từ khi mờ sáng đến 8 - 9 giờ tối, trung bình mỗi ngày chị cũng lượm nhặt bán được 100 - 200 nghìn đồng. Chẳng là bao so với các nghề làm dịch vụ du lịch, khổ nỗi mình không biết việc! Làm cái nghề ni, tuy ít nhưng “tiền tươi, thóc thật” hết ngày cân bán có tiền luôn. Cũng bởi thế mà mọi chi tiêu trong gia đình có cái mà duy trì”.

Các chị em khác cũng đa phần hoàn cảnh đều éo le, khó khăn. Chú nghĩ xem, nếu có điều kiện chắc chẳng ai chọn cho mình cái nghề tận cùng xã hội thế này! Khổ lắm, có chị U40 không chồng; có chị thì chồng bỏ, một mình nuôi con; có người thì mồ côi từ nhỏ và bám trụ với bãi rác tới giờ...

Trước khi mặt trời tắt lặn, trong khi các chị em vẫn đang cặm cụi với công việc lượm nhặt phế phẩm, tôi rảo một vòng bãi rác! Khu bãi mà lâu nay tôi nghe nhiều ở cánh báo chí đồng nghiệp phản ánh về sự quá tải, ô nhiễm. Dẫu ô nhiễm, nhưng trái ngang thay đó lại là nơi kiếm cơm của những phận người như chị. Chị Nhung không khỏi rầu rĩ ngậm ngùi “bãi rác ni sắp đóng cửa vì quá tải rồi. Nghe mô tỉnh chủ trương đóng cửa nay mai thôi!” chị nói vậy rồi bỏ lửng, còn tôi cũng hiểu rằng đóng cửa bãi rác đồng nghĩa với việc kế sinh nhai của hàng chục chị em nơi đây không còn.

Họ lại phải lo tìm kiếm một bãi rác mới để bám nghề hoặc tìm nghề mới.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]