(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đứng giữa một ‘rừng’ các loại sữa, hãng sữa công thức dành cho trẻ nhỏ, các bà mẹ có thêm nhiều sự lựa chọn nhưng đồng thời cũng ‘đau đầu’ để tìm ra loại phù hợp nhất, đặc biệt là phân biệt sữa thật - giả, đảm bảo chất lượng hay không đảm bảo chất lượng khi nạn sữa giả, sữa nhái gần như đã trở thành nỗi lo thường trực hiện nay của người tiêu dùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phân vân giữa ‘rừng’ sữa công thức

(VH&ĐS) Đứng giữa một ‘rừng’ các loại sữa, hãng sữa công thức dành cho trẻ nhỏ, các bà mẹ có thêm nhiều sự lựa chọn nhưng đồng thời cũng ‘đau đầu’ để tìm ra loại phù hợp nhất, đặc biệt là phân biệt sữa thật - giả, đảm bảo chất lượng hay không đảm bảo chất lượng khi nạn sữa giả, sữa nhái gần như đã trở thành nỗi lo thường trực hiện nay của người tiêu dùng.

Sữa công thức dành cho trẻ em được bán với đa dạng nhãn hiệu và nhiều nguồn gốc, xuất xứ.

Qua nhiều vụ việc sữa công thức dành riêng cho trẻ sơ sinh bị làm giả, làm nhái và được cơ quan chức năng phát hiện, người tiêu dùng mà trực tiếp là các bà mẹ nuôi con nhỏ trở nên thận trọng hơn với việc lựa chọn sữa và nơi cung cấp. Tại Thanh Hóa, hệ thống các cửa hàng chuyên kinh doanh ngành hàng mẹ và bé ngày càng nhiều, các mặt hàng cũng đa dạng với đủ nguồn gốc, xuất xứ. Riêng đối với mặt hàng sữa công thức, hầu hết là các nhãn hàng nước ngoài được nhập khẩu hoặc xách tay về Việt Nam. Hãng sữa trong nước chiếm tỷ lệ rất nhỏ, thậm chí chỉ duy nhất một loại được người tiêu dùng biết đến trong phân khúc sữa công thức đó là Vinamilk. Trong khi đó, với vô vàn các tên tuổi khác đến từ Úc, Anh, Đức, Hàn Quốc hay Nhật Bản... các bà mẹ bỉm sữa hiện nay có thêm nhiều sự lựa chọn nhưng đồng thời cũng trở nên lúng túng trong việc chọn sữa cho con. Đặc biệt, việc xác định nguồn gốc, xuất xứ, xác định chất lượng sữa là điều khó khăn, đôi khi chỉ có thể dùng... niềm tin.

Chị Võ Thị Huyền Trang (Quảng Xương), hiện là mẹ của bé 8 tháng tuổi cho biết: “Mình thường lựa chọn những cửa hàng lớn, uy tín để mua sữa cho con vì ở đó có chế độ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Còn về sữa thì quả thực mình cũng như nhiều mẹ khác nhìn bao bì vỏ hộp không thể biết được đâu là thật giả”.

Theo thống kê của Chi cục QLTT tỉnh, năm 2016 và trong 6 tháng của năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 1.214 vụ hàng không bảo đảm ATTP, thu phạt 6.977 triệu đồng, tịch thu nhiều loại hàng hóa trong đó có bao gồm 2.829 hộp, 46 thùng sữa bột, sữa tươi các loại. Riêng các trường hợp giả về nguồn gốc, xuất xứ, giả về tem, nhãn, bao bì, giả về nhãn hiệu... không có vụ việc nào liên quan tới mặt hàng sữa công thức.

Tuy vậy, vì là sản phẩm dành cho trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh nên người tiêu dùng vẫn tỏ ra rất cẩn trọng khi chọn mua sữa công thức. Chị Hồng Phương (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa), hiện là mẹ của 2 bé chia sẻ: “Sữa công thức tràn lan trên thị trường và hầu như không có cơ sở nào chứng thực nguồn gốc vì tôi nghe thông tin rằng giấy tờ hiện nay cũng có thể làm giả. Chính vì vậy tôi chọn sữa xách tay từ những người bán hàng uy tín, là người quen biết, người sinh sống hoặc có người nhà sinh sống ở nước ngoài. Tuy giá thành cao hơn và lên xuống thất thường nhưng đổi lại mua được sản phẩm an tâm hơn hay ít nhất là mình chắc chắn được nguồn gốc sữa hơn mua ở các cửa hàng”.

Trao đổi với một số tiểu thương kinh doanh ngành hàng mẹ và bé được biết, hiện nay ở khu vực thành thị, các bà mẹ thường rất cẩn trọng trong chọn sữa cho con, không chỉ tìm đến địa chỉ uy tín mà còn kiểm tra nguồn gốc qua bao bì, phần mềm check code... Tỷ lệ các mẹ dùng sữa ngoại cho con cũng rất cao với mức giá giao động của dòng sữa ngoại từ 400 nghìn trở lên và có thể cả triệu đồng/hộp sữa. Tuy vậy, sữa nội với mức giá hợp lý, chất lượng ổn định chỉ từ khoảng 170 nghìn đồng trở lên vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn và đánh giá cao.

Ngày nay, dưới tác động của các Hiệp định thương mại tự do, thị trường sữa được dự báo sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa doanh nghiệp nội và ngoại. Tuy nhiên việc chọn sữa nội hay ngoại không khó bằng chọn sữa như thế nào để an tâm về chất lượng. Và đó vẫn là bài toán khó khi không chỉ có các loại sữa nhập khẩu chính ngạch được bán trên thị trường mà sữa gắn mác xách tay không giấy tờ vẫn chiếm ưu thế.

Nguyên Mai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]