(vhds.baothanhhoa.vn) - Bác sĩ Trương Thanh Tùng, Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp, Phó trưởng Khoa Ngoại tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) với bề dày thành tích trong sự nghiệp y khoa, vinh dự trở thành Phó Giáo sư đầu tiên của ngành y tế Thanh Hóa.

Phó Giáo sư đầu tiên của ngành y Thanh Hóa

Bác sĩ Trương Thanh Tùng, Trưởng khoa Kế hoạch tổng hợp, Phó trưởng Khoa Ngoại tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) với bề dày thành tích trong sự nghiệp y khoa, vinh dự trở thành Phó Giáo sư đầu tiên của ngành y tế Thanh Hóa.

Phó Giáo sư đầu tiên của ngành y Thanh HóaBác sĩ Trương Thanh Tùng (bên trái) trong lễ vinh danh tân Phó Giáo sư.

Làm bác sĩ là ước mơ từ nhỏ

Sinh ra trong gia đình truyền thống nghề y, khi cả bố và mẹ đều là bác sĩ, từ nhỏ cậu bé Trương Thanh Tùng đã hiểu về “nghề cao quý” và ước mơ được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng. Được sự ủng hộ của gia đình, chàng trai trẻ thi đậu Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) với số điểm cao, bắt đầu cuộc hành trình đầy gian khó của nghề bác sĩ. “Càng học tôi càng cảm thấy mình yêu quý và tâm huyết với nghề y nhiều hơn, tôi bị cuốn hút bởi những phương thuốc điều trị và phương pháp phẫu thuật hay. Tôi hiểu rằng thầy thuốc là một nghề cao quý, không chỉ cứu chữa bệnh nhân mà còn cho ta lý tưởng sống cao đẹp, có bản lĩnh và có ích cho xã hội”, anh Tùng tâm sự.

Quyết tâm trở thành bác sĩ giỏi, anh không ngừng nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm chủ kỹ thuật mới. Năm 2003, khi đang làm bác sĩ điều trị tại Bệnh viện 354 (Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng), vừa lúc bệnh viện trang bị dàn máy phẫu thuật nội soi mới, anh xin lãnh đạo được tập trên máy. Anh chia sẻ: “Phẫu thuật nội soi không giống phẫu thuật mổ phanh, chỉ một động tác nhỏ thiếu chuẩn xác có thể khiến ca phẫu thuật thất bại. Để sử dụng được máy, ban đầu tôi nghĩ ra cách lấy một hộp giấy lắp camera nội soi vào rồi tập gắp, tập khâu, kẹp ghim...”. Hàng tháng trời ròng rã, cặm cụi thực hành trên máy, với bao vất vả, nỗ lực, anh Tùng đã làm chủ và trang bị cho mình kỹ thuật mổ nội soi cơ bản.

Đây chỉ là một trong rất nhiều nỗ lực “làm chủ” những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong y học của anh. Hoàn thiện và nâng cao tay nghề, anh Tùng không ngừng học tập, tu nghiệp, rèn luyện chuyên môn ở những bệnh viện lớn trong và ngoài nước. Năm 2005, anh đã tốt nghiệp cao học chuyên ngành Ngoại tiết niệu tại Học viện Quân y. Năm 2012, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa đề tài “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi qua ổ bụng cắt thận bệnh lý lành tính”. Năm 2014, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Năm 2022, anh trở thành Phó Giáo sư đầu tiên của ngành y tế tỉnh nhà.

“Cơ trưởng” trong những ca ghép thận

Đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công 15 ca ghép thận, hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật ghép thận, trong đó có nhiều ca ghép khó như ghép thận từ người cho chết não, người cho và người nhận khác nhóm máu, có nhóm máu hiếm, có hiệu giá kháng thể cao. Trong đó, bệnh viện áp dụng kỹ thuật lấy thận người cho bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ngay từ ca ghép thứ 2, và là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện thành công ghép thận từ người cho chết não. Thành công này có đóng góp không nhỏ của bác sĩ Tùng.

Là người được bệnh viện giao trọng trách tiếp thu và thực hiện chuyển giao kỹ thuật ghép thận từ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, bác sĩ Trương Thanh Tùng vừa vui mừng, vừa áp lực. "Vui mừng khi mình được tiếp thu thêm một kỹ thuật mới, còn áp lực vì đây là kỹ thuật khó đối với một bệnh viện tuyến tỉnh”, bác sĩ Tùng cho biết. Sau thời gian cùng đồng nghiệp thực nghiệm chuyển giao công nghệ, rèn luyện tay nghề, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bệnh viện giao phó. Cụ thể, từ ca ghép thận thứ 2, ekip ghép thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã làm chủ và thực hiện tốt kỹ thuật dưới sự giám sát của các chuyên gia ghép thận của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Cũng từ ca thứ 2 trở đi, anh Tùng trở thành “cơ trưởng” của toàn bộ ekip, là người trực tiếp phẫu thuật nội soi lấy thận từ người cho sống, xử lý tình huống phát sinh và là người chịu trách nhiệm chính trong các ca phẫu thuật.

Trong 15 ca ghép thận, mỗi ca là một tình huống, đòi hỏi người “cơ trưởng” phải luôn tỉnh táo, nhanh trí, xử lý tình huống kịp thời. Anh cho biết: “Trong mỗi ca ghép thận, chỉ cần nhìn thấy quả thận tiết được nước tiểu là quả thận đã sống và là dấu hiệu cho thấy ca ghép đã thành công tốt đẹp”. Đến nay, qua 15 ca ghép thận, các bệnh nhân đều ổn định sức khỏe, trở lại cuộc sống bình thường và đang được theo dõi và điều trị sau ghép tại bệnh viện.

Bên cạnh công tác chuyên môn, bác sĩ Trương Thanh Tùng còn tích cực tham gia các hoạt động đào tạo đại học, sau đại học và hiện là giảng viên thỉnh giảng của Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa, Đại học Y dược Hải Phòng, Đại học Y dược Thái Bình và Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa. Song song với đó, anh luôn dành tình yêu cho nghiên cứu khoa học, tích cực tham gia các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ, cơ sở, hội nghị khoa học trong và ngoài nước, hội đồng nghiệm thu đề tài... Mặt khác, anh luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên trong khoa, trong bệnh viện nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận và làm chủ kiến thức y khoa mới. Theo anh: “Thầy thuốc là nghề cao quý vì vậy, bác sĩ phải làm việc hết mình, đúng lương tâm nghề nghiệp, y đức và đặc biệt là đúng khả năng của mình. Người bác sĩ giỏi phải là người làm chủ được nhiều kỹ thuật mới. Trước tiên để giúp bệnh nhân, sau đó là để giúp ngành y tỉnh nhà phát triển”.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]