(vhds.baothanhhoa.vn) - Năng động, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi bản thân để theo đuổi mục tiêu - đó là những gương mặt phụ nữ trẻ trong thời đại mới.

Phụ nữ hiện đại không ngại thay đổi

Năng động, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi bản thân để theo đuổi mục tiêu - đó là những gương mặt phụ nữ trẻ trong thời đại mới.

Phụ nữ hiện đại không ngại thay đổiGiám đốc Công ty TNHH May Phúc Tiến - Hà Thị Cẩm đã và đang gây dựng sự nghiệp của riêng mình.

Nông trại hoa hồng hữu cơ và câu chuyện làm nông nghiệp của cô chủ nhỏ

Ấn tượng lần đầu tiên gặp cô chủ nông trại hoa hồng (Hồng Eco Farm) Trần Thị Hồng, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) là vẻ ngoài nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và đôi mắt sáng. Dẫn chúng tôi ra tham quan nông trại hoa hồng (giống hồng cổ) rộng gần 6.000m2 với lứa hoa mới đang bung nở sắc đỏ nồng nàn tỏa hương, cô chủ tự hào: “Rất đẹp phải không chị! Nhưng để có vườn hồng như ngày hôm nay, đã có những lúc vợ chồng em rơi vào cảnh... trắng tay”.

Trần Thị Hồng sinh năm 1993, tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ sinh học. Ngay khi còn ngồi trên giảng đường, Hồng đã có 1,5 năm thực tập ở Viện Công nghệ sinh học. Ra trường, kỹ sư nông nghiệp Trần Thị Hồng bắt đầu theo đuổi các dự án nông nghiệp hữu cơ. “Đó đều là các dự án khởi nghiệp do các bạn trẻ với khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp sạch theo đuổi. Tuy nhiên, khởi nghiệp đã khó, chọn khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ lại vạn lần khó. Dù tiền kiếm được khá ít ỏi, nhưng đó thực sự là khoảng thời gian cho em rất nhiều kinh nghiệm. Làm nông nghiệp, ngoài kiến thức được học, nếu không có kinh nghiệm thì sẽ phải trả giá... bằng tiền”, Trần Thị Hồng cho biết.

Phụ nữ hiện đại không ngại thay đổi

Trần Thị Hồng chăm sóc hoa hồng hữu cơ tại nông trại.

Năm 2018 sinh con đầu lòng, vợ chồng Trần Thị Hồng quyết định về quê ở huyện miền núi Cẩm Thủy lập nghiệp. Hồng chia sẻ: “Chồng em cũng là kỹ sư nông nghiệp, nên khi quyết định về quê cũng chỉ nghĩ đơn giản sẽ làm nông trại theo kiểu “bỏ phố về quê”. Nhưng về rồi thì mới nhận ra mình “ảo tưởng” bởi làm nông trại thì cần có đất rộng và số vốn lớn, mà cả hai cái đó vợ chồng em đều không có. Vậy là, với toàn bộ 30 triệu đồng tiền tích góp, hai vợ chồng quyết định nhập các giống cây về bán, trong đó phần nhiều là cây ăn quả. Ngay trong năm đó, trận ngập lụt lớn đã khiến toàn bộ cây giống chết và vợ chồng em trắng tay. Con còn nhỏ, tiền lại không có, lúc đó thực sự rất bế tắc. Sau đó, một người bạn đã cho em vay 5 triệu đồng để bắt đầu lại. Cũng may, cây nhập đến đâu bán hết đến đó. Em nhận ra nhu cầu của khách về các giống hoa hồng trồng làm cảnh rất nhiều. Song khi trồng em mới biết, nhiều người kinh doanh vì muốn cây phát triển nhanh đã sử dụng một lượng lớn thuốc kích thích cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Điều này khiến cho cây thời gian đầu có thể phát triển khá nhanh nhưng càng về sau càng cằn cỗi, sức chống chịu kém và nhanh chết. Với những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, em quyết định phải trồng hữu cơ, không thuốc hóa học”.

Trần Thị Hồng nhớ lại: “Nhìn thấy cả vườn hồng nở rực rỡ mỗi ngày, em thực sự... bối rối. Câu hỏi là phải làm thế nào để không lãng phí những bông hồng thơm ngát và thực sự sạch? Sau nhiều ngày trăn trở, nghiên cứu làm thử, em quyết định vay mượn từ nhiều nguồn số tiền 300 triệu đồng để đầu tư máy móc cho việc chưng cất nước hoa hồng sạch, đạt chuẩn. Đến nay, chi phí cho nhà xưởng và hệ thống máy móc đã hơn 1 tỷ đồng. Thực sự, em cứ “xoay xở” vậy thôi, chỉ mong mọi thứ thuận lợi, bởi những ai đã và đang đi theo con đường làm nông nghiệp hữu cơ sẽ đều hiểu, đầu tư cho nông nghiệp rất tốn kém, phải đối mặt nhiều rủi ro. Đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm của nông trại hoa hồng “Hồng Eco Farm” có nước cất hoa hồng, trà hoa hồng sấy lạnh, bột rửa mặt hoa hồng... 100% sản phẩm được làm từ những bông hồng của nông trại hữu cơ”.

Đáng nói, nước cất hoa hồng và trà hoa hồng của nông trại “Hồng Eco Farm” là một trong những sản phẩm được Hội LHPN huyện Cẩm Thủy chọn gửi đi dự thi ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp do Tỉnh hội tổ chức và là một trong 10 sản phẩm được Hội LHPN tỉnh lựa chọn dự thi ý tưởng khởi nghiệp ở Trung ương. Từ quy mô của vùng nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất của sản phẩm, Trần Thị Hồng đã mạnh dạn đăng ký và phấn đấu xây dựng thành công thương hiệu OCOP cho sản phẩm nước cất hoa hồng và trà hoa hồng.

Nữ giám đốc trẻ mong muốn gây dựng sự nghiệp riêng

Khác với Trần Thị Hồng, cô gái Hà Thị Cẩm, sinh năm 1992, xã Hợp Lý (Triệu Sơn) sau 3 năm theo học ngành y, ra trường lại quyết định làm việc trong một ngành nghề hoàn toàn khác: May túi xuất khẩu. Và theo cách nói vui của cô chủ Công ty TNHH May Phúc Tiến đóng trên địa bàn xã Hợp Lý thì: “Em vẫn theo nghiệp cầm kim, có điều thay vì cầm kim tiêm thì giờ đây em cầm kim khâu. Em nghĩ, làm nghề cũng là cái “duyên” và miễn công việc đó mang lại giá trị cho xã hội”.

Sau nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực may túi xuất khẩu, với tất cả 700 triệu đồng tiền tích lũy của gia đình, năm 2021, Hà Thị Cẩm quyết định thành lập công ty với số vốn ban đầu hơn 2 tỷ đồng cho việc đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị. Việc mở công ty của Cẩm không gặp nhiều khó khăn vì được sự hỗ trợ và ủng hộ của gia đình. Tuy nhiên, điều hành công ty là điều không dễ dàng. Hà Thị Cẩm chia sẻ: “Em phải lo mọi thứ, chi phí vận hành, trong đó đặc biệt là đào tạo tay nghề cho người lao động. Lao động vào làm việc tại công ty may túi xuất khẩu Phúc Tiến chủ yếu là chị em phụ nữ có tuổi, bận việc gia đình nên không thể đi làm việc tại các công ty may mặc, hay các bạn trẻ nghỉ học sớm, chưa từng biết về nghề may. Thời gian đầu, không chỉ đào tạo nghề, công ty còn phải hỗ trợ mỗi người 70 nghìn đồng/ngày để người lao động có động lực học nghề”.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH May Phúc Tiến do Hà Thị Cẩm làm giám đốc đã tạo việc làm ổn định cho hơn 80 lao động địa phương, trong đó 96% là chị em phụ nữ với mức thu nhập từ 3,5 đến 8 triệu đồng, có những người làm đạt mức lương 12 triệu đồng/tháng.

Ngoài Công ty TNHH May Phúc Tiến, mới đây Hà Thị Cẩm đã quyết định mở Công ty May TK 668 đóng trên địa bàn xã Xuân Dương (Thường Xuân) tạo việc làm cho hơn 100 lao động, trong đó phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số. Nói về việc mở công ty tại Xuân Dương, nữ giám đốc Hà Thị Cẩm cho biết: “Xuân Dương là xã miền núi, việc di chuyển có khó khăn hơn, đào tạo nghề cho người lao động cũng vất vả hơn. Bù lại, ở đây có nguồn lao động dồi dào. Khi quyết định mở công ty tại đây, em đã xác định mình sẽ “đi” từng bước có thể chậm nhưng chắc chắn”.

Cũng theo chia sẻ của Hà Thị Cẩm: Làm kinh tế vốn không dễ, với phụ nữ lại thêm phần khó khăn hơn bởi phía sau đó còn việc chăm lo cho gia đình. Vì thế, ngoài sự nỗ lực bản thân, người phụ nữ rất cần ở gia đình sự thấu hiểu, chia sẻ và động viên. Và em tự thấy mình là người may mắn khi trên con đường gây dựng sự nghiệp luôn có sự đồng thuận, ủng hộ của “hậu phương” vững chắc.

Trần Thị Hồng, Hà Thị Cẩm chỉ là hai trong số nhiều phụ nữ hiện đại đang từng ngày nỗ lực để khẳng định mình. Họ có thể chưa phải là những gương mặt nữ xuất sắc nhất, nhưng họ không ngại khó khăn, vất vả; không ngại thay đổi bản thân để theo đuổi mục tiêu và từng bước xây dựng được thương hiệu của riêng mình.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]