(vhds.baothanhhoa.vn) - Phụ nữ trong xã hội hiện đại, làm thế nào để có thể “tỏa sáng” trong mọi hoàn cảnh?... Phóng viên Báo Thanh Hóa đã có trao đổi với bà Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; chị Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân nữ tỉnh, Giám đốc Công ty CP Dạ Lan; chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chủ nhân giải thưởng KOVA cho hạng mục “Sống đẹp”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tỉnh Thanh Hóa.

Phụ nữ xứ Thanh: Tự tin để tỏa sáng

Phụ nữ trong xã hội hiện đại, làm thế nào để có thể “tỏa sáng” trong mọi hoàn cảnh?... Phóng viên Báo Thanh Hóa đã có trao đổi với bà Ngô Thị Hồng Hảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; chị Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân nữ tỉnh, Giám đốc Công ty CP Dạ Lan; chị Nguyễn Thị Thu Hiền, chủ nhân giải thưởng KOVA cho hạng mục “Sống đẹp”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tỉnh Thanh Hóa.

Phụ nữ xứ Thanh: Tự tin để tỏa sáng

Bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” khẳng định vị thế của người phụ nữ trong gia đình, cộng đồng và xã hội

Thưa bà, nhiều người vẫn giữ quan niệm, người phụ nữ chỉ cần làm vợ, làm mẹ, chăm lo thật tốt cho gia đình. Còn các công việc kiếm tiền, hoạt động xã hội… đều chỉ nên coi là phụ. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Theo tôi, quan niệm này chưa chính xác. Cùng với sự thay đổi chung của thời đại, người phụ nữ ngày nay ngoài trách nhiệm truyền thống làm con, làm vợ, làm mẹ… đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa, khoa học - kỹ thuật… Phụ nữ đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cơ quan, doanh nghiệp… với tỷ lệ cao. Rất nhiều phụ nữ là chủ doanh nghiệp, có địa vị xã hội nhưng vẫn không quên thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Gia đình có được ấm êm, hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười cũng là nhờ sự khéo léo của người phụ nữ, họ chăm lo cho gia đình về vật chất và thắp lên ngọn lửa tình yêu, niềm tin, ước mơ hy vọng cho mỗi thành viên trong gia đình. Cho dù theo thời gian, chuẩn mực về người phụ nữ có thay đổi nhưng vai trò “thắp lửa” và “giữ lửa” cho gia đình thì không bao giờ thay đổi.

Đâu là tiêu chí xây dựng đạo đức người phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ xứ Thanh nói riêng trong thời đại mới, thưa bà?

Bà Ngô Thị Hồng Hảo: Trong lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã đóng góp đáng kể vào việc bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam đã được giữ gìn phát huy qua nhiều thế hệ, nhiều giai đoạn phát triển của đất nước.

Phát huy giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc kết hợp với những tiêu chí đạo đức của thời kỳ CNH, HĐH đất nước, hội LHPN các cấp đã phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ phấn đấu rèn luyện theo 4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, đó là: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” để hình thành nên đạo đức người phụ nữ mới, hiện đại.

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ tỉnh, Giám đốc Công ty CP Dạ Lan: Gia đình là hậu phương vững chắc

Phụ nữ xứ Thanh: Tự tin để tỏa sáng

Là một nữ doanh nhân trẻ, giữ vai trò quan trọng trong doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực ăn uống có quy mô lớn hàng đầu tại Thanh Hóa, chị có thể chia sẻ quan điểm về công việc của mình?

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên: Tôi là người có đam mê bất tận với công việc, bởi tôi biết rõ đằng sau có rất nhiều người tin tưởng mình. Tôi nhìn thấy những nụ cười hài lòng của khách hàng về dịch vụ của Dạ Lan và cảm thấy rất vui vì điều đó. Để được như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực kiên trì, không ngừng học hỏi. Xác định đi đường dài, lấy chữ “tâm”, chữ “tín” làm kim chỉ nam để Dạ Lan ngày càng phát triển.

Do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, sức mua của người dân giảm, không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Bản thân tôi luôn tranh thủ sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng với đội ngũ cán bộ công ty từng bước đưa ra các biện pháp tháo gỡ, nghiên cứu tiếp cận các chính sách hỗ trợ, phát huy nội lực, xây dựng chiến lược hoạt động. Từ đó tạo sự khác biệt, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Là một doanh nhân bận rộn, song cũng là vợ, là mẹ. Làm thế nào để chị “cân bằng” hai vai trò này?

Chị Nguyễn Thị Hồng Liên: Tôi luôn cố gắng giữ cho mình sự cân bằng trong đời sống tinh thần, vui vẻ, lạc quan. Trong mỗi việc tôi làm, “mục tiêu” và “hiệu quả” luôn được đặt ra từ đầu. Và thói quen lên kế hoạch chi tiết, lường trước rủi ro, ảnh hưởng có thể xảy ra trước khi bắt đầu cũng giúp tôi tránh bị động.

Tôi thường tuân thủ nguyên tắc “ưu tiên việc quan trọng”. Những việc đã được “lên lịch” vào khoảng thời gian cố định của một ngày, tôi không cho phép mình tùy tiện thay đổi. Công việc điều hành doanh nghiệp vốn nhiều áp lực và vô số vấn đề cần được giải quyết, với một phụ nữ, nếu không có hậu phương gia đình vững chắc sẽ rất khó khăn.

Trong cuộc sống có những thứ tự ưu tiên nhất định. Với tôi, gia đình là điều quan trọng nhất. Tôi cố gắng thu xếp tốt thời gian cho công việc và gia đình; thường xuyên chia sẻ với chồng về những vướng mắc và đặc thù công việc, phương pháp nuôi dạy con... Nhờ đó mà có sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật tỉnh Thanh Hóa: Khi thiếu tự tin, ta không dám bước qua nỗi sợ hãi

Phụ nữ xứ Thanh: Tự tin để tỏa sáng

Con người, sinh ra bị khuyết tật vốn là nỗi đau và người phụ nữ bị khuyết tật, sự bất hạnh càng nhân lên gấp bội. Chị đã làm thế nào để vượt qua?

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền: Từ nhỏ, có lẽ do không thể chạy nhảy vui chơi như các bạn đồng trang lứa nên tôi dành trọn thời gian của mình cho đam mê học tập, đọc sách. Lớn lên, khi đã ý thức và chấp nhận nỗi đau, tôi hiểu ra, người bình thường “thiếu hiểu biết” đã là không nên, người khuyết tật nếu không có học thức, thiếu tri thức thì càng thiệt thòi. Khi đó, người khuyết tật không chỉ sống trong sợ hãi mà còn trở thành gánh nặng thực sự của người thân, gia đình. Chính vì thế, tôi không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, tự mình “làm chủ” cuộc đời của chính mình.

Từ kinh nghiệm bản thân, chị có chia sẻ gì dành cho người khuyết tật nói chung, những chị em phụ nữ khuyết tật nói riêng?

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền: Theo tôi, rào cản đối với người khuyết tật là sự thiếu tự tin. Khi ta thiếu tự tin, ta không dám bước qua nỗi sợ hãi, có người tự nhốt mình trong bóng đêm của sự bất hạnh. Để có sự tự tin, lại cần có tri thức, hiểu biết. Người khuyết tật vẫn thường nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt. Nhưng chúng ta không nên trông chờ vào điều đó, hay nói đúng hơn, phải nỗ lực để xứng đáng với sự quan tâm. Tự mình bứt phá, vượt ra khỏi giới hạn của chính mình. Đừng so sánh mình với bất kỳ ai. Hãy luôn cố gắng để thấy mình hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, như vậy đã là thành công.

Thu Trang (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]