(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (gọi tắt là Chỉ thị 05 - PV) đã, đang có sức lan tỏa rộng lớn, trở thành hành động tự giác, tích cực của nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Thanh Hóa, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới trên mọi lĩnh vực, nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Qua 2 năm thực hiện Chỉ thị 05: Nhân lên những giá trị tốt đẹp (Bài 1): Lan tỏa những việc làm tốt đẹp

Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (gọi tắt là Chỉ thị 05 - PV) đã, đang có sức lan tỏa rộng lớn, trở thành hành động tự giác, tích cực của nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Thanh Hóa, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới trên mọi lĩnh vực, nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Chỉ thị 05 đã được các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm thực hiện. Qua 2 năm phát động và học tập nghiêm túc, học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên của nhiều cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và người dân. Qua những việc làm thiết thực, hiệu quả đó, ngày càng xuất hiện nhiều những điển hình tiên tiến, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao và có sức lan tỏa sâu rộng.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu

Trong chuyến công tác về xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, chúng tôi ấn tượng về hình ảnh Phó Chủ tịch trẻ tuổi Lê Đình Huân. Bằng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, gần dân, sau 6 năm được tuyển dụng theo Đề án 600, anh đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của địa phương.

Năm 2012 anh được trúng tuyển làm Phó Chủ tịch UBND xã nhà, nơi tỷ lệ hộ nghèo còn tới 49%, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp manh mún. Nhìn những quả đồi trơ trọi, những mảnh đất bị bỏ hoang, với những kiến thức học ở khoa nông, lâm ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức, anh luôn trăn trở trong việc xác định phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang tính bền vững, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Anh chủ động, tiên phong trong việc chăn nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

“Tôi luôn tâm niệm rằng bản thân mình là một đảng viên phải luôn xác định, ngoài việc gương mẫu trong từng lời nói, việc làm, nói đi đôi với làm và khi làm mô hình có hiệu quả thì người dân nhìn vào học theo rất nhanh” - anh Lê Đình Huân chia sẻ.

Cũng từ hiệu quả mô hình của gia đình anh đã có tác động rất lớn đến ý thức cũng như hành động của nhân dân. Không chỉ là những người dân trong xã làm theo, “tiếng vang” đó còn khiến nhiều người con làm thuê xa quê trở về sinh sống, làm mô hình. Họ được anh chỉ bảo tận tình từ cách chọn giống, kỹ thuật chăn nuôi... Nhờ đó, nhiều hộ dân đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện nay trên địa bàn xã Hóa Quỳ có khoảng 30 trang trại chăn nuôi gà với quy mô từ 3.000- 10.000 con gà, bình quân thu nhập lãi khoảng 200 triệu/1 trang trại/năm.

Không dừng lại ở đó, anh “mạo hiểm” phát triển mô hình kinh tế trang trại. Chỉ tay về hàng trăm cây bưởi, cây cam.... đang lên xanh mướt, gương mặt Phó Chủ tịch UBND xã trẻ tuổi như giãn ra, ánh mắt đầy hy vọng. “Chỉ một năm nữa quay lại đây thôi, vườn cây sẽ đơm hoa, kết trái, cho thu nhập thôi. Chứ cứ để đất bỏ hoang như thế này thì phí lắm. Cán bộ, đảng viên phải làm trước thì dân mới làm theo. Tôi tin rằng mô hình sẽ mang lại hiệu quả trong thời gian tới” - anh Lê Đình Huân khẳng định.

Mới đảm nhận chức vụ Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Nga Sơn từ tháng 9/2016, nhưng thạc sĩ - bác sĩ Trần Văn Minh đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nói đi đôi với làm. Ở anh, không chỉ thấy một bác sĩ giỏi chuyên môn, mà còn là một người gần gũi, nhiệt tình, ân cần, hết lòng quan tâm đến bệnh nhân và giúp đỡ đồng nghiệp.

“Không chỉ có bệnh nhân trên địa bàn huyện, mà ngày càng có nhiều hơn bệnh nhân đến từ các huyện khác trong tỉnh, các tỉnh lân cận cũng tự nguyện đến khám và điều trị tại đây” - bác sĩ Trần Văn Minh tự hào cho biết.

Một tấm gương khác là bà Phạm Thị Mỳ - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa. Vượt lên rất nhiều khó khăn từ những ngày đầu thành lập, đến nay doanh nghiệp đã có sự phát triển đi lên, tạo được nhiều việc làm cho lao động của địa phương. Điều đáng nói là có khoảng 40- 50 người bị khuyết tật cũng được bà ân cần, bảo ban làm thêm việc, cho thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/ người/ tháng.

Bà Phạm Thị Mỳ tâm sự: “Bản thân những người bị khuyết tật là những người thiệt thòi trong xã hội, đối với những người vẫn có khả năng nhận biết việc thì tôi hướng dẫn tận tình để họ làm việc. Có thể sản phẩm họ làm lâu hơn, nhưng khi đã quen tay thì mọi việc đều ổn cả, tôi cũng chỉ muốn giúp đỡ một phần để họ “tàn nhưng không phế”, vươn lên trong cuộc sống".

Trên tinh thần của Chỉ thị 05, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện Quy định 101 của Ban Bí thư về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong những năm qua bằng những việc làm cụ thể hàng ngày của mình, những người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong từng lời nói, việc làm. Nhiều cán bộ, đảng viên tiêu biểu trong đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, gương mẫu hiến đất mở đường, dồn điền, đổi thửa, xây dựng nông thôn mới ở các huyện Yên Định, Đông Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thiệu Hóa,...

Thêm nhiều bông hoa đẹp trong vườn hoa

Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hà Trung là một trong rất nhiều tập thể trên địa bàn huyện đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong việc gắn thực hiện Chỉ thị 05 với công tác hội.

Chị em Hội LHPN Hà Trung mở thùng tiết kiệm vì phụ nữ nghèo.

Chị Đỗ Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Hà Trung, cho biết: Tích cực thi đua làm theo Bác, các cấp hội trong huyện đã đăng ký tham gia chương trình xây dựng NTM thông qua các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo; bảo vệ môi trường; xây dựng gia đình hạnh phúc. Kết quả từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã giúp 520 hộ nghèo, trong đó 357 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, có 217 hộ thoát nghèo. Các gia đình hội viên đã tiết kiệm được gần 1 tỷ đồng, trích ủng hộ phụ nữ và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn 136 triệu đồng. Từ phong trào Ống tiết kiệm được triển khai sâu rộng đã thúc đẩy phong trào Mái ấm tình thương làm nhà cho phụ nữ nghèo ngày càng phát triển.

Việc học và làm theo Bác đã được các địa phương, đơn vị triển khai sâu rộng gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị; xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, phát động các cuộc vận động và phong trào thi đua. Trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác, được xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Đó là hình ảnh của những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang không quản hy sinh, dầm mình trong mưa lũ, giá rét để cứu người, hộ đê, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân trong đợt mưa lũ. Đó cũng là hình ảnh của những cán bộ, đảng viên, thầy cô giáo, y, bác sĩ, văn nghệ sỹ, học sinh, vận động viên, công nhân lao động... đang ra sức miệt mài lao động, học tập, công tác làm nên những kết quả, thành tích mang thương hiệu, tự hào cho quê hương. Điển hình là tấm gương Trung úy Hơ Văn Trẻ - Trinh sát viên phòng Phòng chống ma túy và Tội phạm, đã dũng cảm tham gia phá 7 chuyên án ma túy, bắt 9 đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy; học sinh Lê Quang Dũng - Trường THPT Chuyên Lam Sơn, đạt huy chương Vàng môn Toán tại kỳ thi Olympic quốc tế.

Bên cạnh đó nhiều phong trào, mô hình hiệu quả trong việc học và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa, như phong trào thực hành tiết kiệm, hiến đất làm đường giao thông; các mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Tủ sách làm theo lời Bác”, “Sổ vàng nhật ký làm theo lời Bác”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”,... của các địa phương, đơn vị, đã và đang được nhân rộng trong toàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, tạo những bước phát triển đáng kể trong đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân và củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]