(vhds.baothanhhoa.vn) - Bắt đầu dựng cờ khởi nghĩa từ năm 1418, đến khi giành lại độc lập, tự chủ cho nước Đại Việt và dựng lên triều Hậu Lê năm 1427, những năm tháng nếm mật nằm gai ấy, gắn bó với Lê Lợi là 3 bà vợ. Sách “Lam Sơn thực lục” ghi rõ vua Lê không định vị cho các bà vợ, ai là vợ cả, vợ lẽ. Mỗi người một số phận, tuy nhiên, câu chuyện thần phi Phạm Thị Ngọc Trần sẵn sàng hiến thân cho thủy thần vì giang sơn, xã tắc đến nay vẫn được nhắc đến như một hình mẫu tiêu biểu về đức hy sinh của người phụ nữ Việt.

Quốc thái mẫu Phạm Thị Ngọc Trần: Người hiến thân vì giang sơn xã tắc

Bắt đầu dựng cờ khởi nghĩa từ năm 1418, đến khi giành lại độc lập, tự chủ cho nước Đại Việt và dựng lên triều Hậu Lê năm 1427, những năm tháng nếm mật nằm gai ấy, gắn bó với Lê Lợi là 3 bà vợ. Sách “Lam Sơn thực lục” ghi rõ vua Lê không định vị cho các bà vợ, ai là vợ cả, vợ lẽ. Mỗi người một số phận, tuy nhiên, câu chuyện thần phi Phạm Thị Ngọc Trần sẵn sàng hiến thân cho thủy thần vì giang sơn, xã tắc đến nay vẫn được nhắc đến như một hình mẫu tiêu biểu về đức hy sinh của người phụ nữ Việt.

Quốc thái mẫu Phạm Thị Ngọc Trần: Người hiến thân vì giang sơn xã tắcĐền thờ Quốc mẫu Phạm Thị Ngọc Trần mới được tu bổ bằng nguồn xã hội hóa và ngân sách.

Sách “Thanh Hóa chư thần lục” ghi lại việc Lê Lợi gặp một người con gái có tên húy là Ngọc Trần, người làng Quần Lai, xã Đa Mỹ, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân) “chân quê mà quý phái, sắc sảo mà hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát như tơ”, bèn đặt lễ hỏi làm vợ.

Sau khi về làm thiếp của Lê Lợi, bà Ngọc Trần sớm hôm gánh vác việc thu xếp trang trại, coi sóc sản xuất, cây trồng. Khi vua tự xưng là Bình Định Vương dựng cờ khởi nghĩa, bà lặn lội theo hầu, trải qua nhiều gian lao nguy hiểm, đói khát, phải ăn củ nâu, măng rừng mà vẫn kiên trinh giữ đạo làm tôi, làm vợ. Thân phụ của bà là Trần Hoành, anh trai là Trần Vận đều sớm tham gia khởi nghĩa Lam Sơn. Sử cũ có ghi rõ vai trò nội tướng của bà, đặc biệt 6 năm nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu ở miền Tây Thanh Hóa, nhiều lần bị địch vây hãm ở núi Linh, bà cùng Nguyễn Nhữ Lãm vượt vòng vây về Đa Mỹ huy động thuyền chài chở gạo muối cho nghĩa quân.

Năm Giáp Thìn 1424, với khát vọng mưu đồ việc nước, theo lời bàn của tướng Nguyễn Chích: “Nay xin dẫn quân vào trại của Cầm Bành tỉnh Nghệ An, hễ ai hàng thì ta phủ dụ, nếu không hàng thì ta đánh lấy trại ấy làm căn bản, rồi từ từ tính việc lấy lại Đông Đô. Như vậy việc nước có thể sẽ thành" (Đại Việt thông sử, quyển 1). Từ đó, nghĩa quân Lam Sơn đã tiến vào đất Nghệ An với nhiều trận thắng ở Trà Lân, Lậu Thư, Bồ Ải... buộc quân địch phải co cụm vào thành Nghệ An. Năm Ất Tỵ 1425, Lê Lợi vây đánh Nghệ An, khi đến thành Triều Khẩu ở huyện Hưng Nguyên nơi đây có đền thờ thủy thần phổ hộ, nhưng vì sóng to gió lớn, nghĩa quân và voi ngựa không qua được sông. Lê Lợi hỏi ra mới biết: “Sông này thờ thần Giản Hộ, cứ ba năm lại phải hiến một người con gái. Mấy năm nay loạn lạc, dân tình bỏ đi nơi khác nên việc cúng tế bỏ trễ”. Đêm ấy, Lê Lợi không ngủ được, trằn trọc mãi, gần sáng, thì mơ thấy vị thần đến bảo: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ tướng quân dẹp được giặc Ngô, làm nên nghiệp đế”.

Hôm sau, vua gọi các bà vợ đến kể lại giấc mộng. Rồi ông nói: “Có ai chịu hiến mình làm vợ thần Giản Hộ không? Sau này lấy được nước, ta sẽ lập con của người đó làm Thiên tử”.

Trong khi những người khác còn đắn đo, chỉ có bà Phạm Thị Ngọc Trần khảng khái quỳ thưa: “Nếu minh công giữ lời hứa, thì thiếp nguyện xả thân vì nước. Sau này làm nên nghiệp lớn, chớ có phụ thiếp”. Vua khen ngợi và thương cảm, nói với bề tôi nhận theo lời hẹn đó, rồi sai làm lễ tế thần, dùng bà Ngọc Trần làm vật tế, đó là ngày 24 tháng 3 năm Ất Tỵ (1425).

Cái chết của thần phi Phạm Thị Ngọc Trần dẫu có nhuốm màu thần thoại thì đó vẫn là câu chuyện có thật về người phụ nữ chấp nhận gieo mình xuống dòng nước dữ để làm vợ cho thủy thần với mong mỏi ngài sẽ giúp chồng mình giữ nước. Cái chết của bà, một người phụ nữ sẵn sàng hy sinh là hồi trống xung trận để nghĩa quân Lam Sơn tiến ra Bắc, quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, giải phóng đất nước, lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài gần 360 năm.

Sau khi hiến thân, thi thể của bà đã được quản tại Núi Na, làng Lộc Điền, tổng Tam Đăng (nay là thôn 5, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Mãi đến năm Thuận Thiên (1428-1433) vua Lê Thái tổ sai Lê Cố đem quan tài Phạm Thị Ngọc Trần về an táng ở Lam Sơn.

Giữ đúng lời hứa với người vợ can đảm, giàu đức hy sinh vì đại nghĩa, con trai bà Phạm Thị Ngọc Trần là Nguyên Long đã được sắc phong làm Lương Quận Công (năm 1428) rồi được lập làm Thái tử năm 1432. Năm 1433, Thái tử Nguyên Long lên ngôi, nối nghiệp đức Thái tổ Cao Hoàng Đế phục dựng đất nước, đặt nền móng vững chắc cho một triều đại và nền độc lập, phồn vinh cho quốc gia Đại Việt thế kỷ XV. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái tông đã sai quan Hữu bộc xạ Lê Nhữ Lãm đến Lam Kinh dựng miếu thờ Cung Từ Thái Mẫu để đời đời hương khói.

Những cống hiến và hy sinh của bà đã được chính con trai là vua Lê Thái tông vinh phong là Cung Từ Hoàng Thái Hậu (năm 1423); Cung Từ Quốc Thái Mẫu (năm 1434); Cung Từ Quang mục Thái Quốc Mẫu (1437). Cùng với những vinh phong đó, để tỏ lòng tôn kính năm 1435 vì kiêng tên húy của Cung từ, nhà vua còn hạ lệnh đổi họ Trần thành họ Trình.

Để tôn vinh và ghi nhớ sự hy sinh của người anh hùng liệt nữ, Nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ bà. Trở về làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa lần này, vẫn không gian mộ và đền thờ Thái hậu với kiến trúc khiêm tốn mà đầy thâm nghiêm nhưng người dân trong làng đã thấy thật sự vui mừng. Tương truyền, đền thờ trước đây được làm bằng gỗ, gồm 5 gian, chạm trổ hoa văn, mái lợp ngói mũi, nhà Hậu cung 3 gian, bằng gỗ lợp ngói. Nhà Tiền đường cách Hậu cung một khoảng sân nhỏ rộng chừng 3m, trước nhà Tiền đường là sân gạch rộng có 4 cột nanh, đầu cột nanh có nghê chầu, hai bên có tượng hộ pháp. Trải qua thời gian, không gian của đền có nhiều sự thay đổi. Sau nhiều lần được trùng tu, đến năm 2015, đền thờ bà Phạm Thị Ngọc Trần được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Tháng 7-2020, UBND huyện Thọ Xuân đã tiến hành động thổ khởi công trùng tu, tôn tạo lại khu đền thờ. Ngôi đền mới được trùng tu khang trang, rộng rãi. Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: Theo kế hoạch, giai đoạn 2 dự kiến sẽ thực hiện từ nay đến cuối năm. Cụ thể là chúng tôi sẽ bao quanh cả khu vực đền với tổng diện tích 0,9 ha. Kể từ sau khi trùng tu giai đoạn 1, không chỉ bà con trong làng mà Nhân dân khắp nơi trên địa bàn huyện Thọ Xuân đều rất vui mừng. Hằng năm, ngày 24-3 âm lịch, ngày húy kỵ của bà cũng trở thành ngày lễ hội để Nhân dân đến đây chiêm bái, tìm hiểu về di tích và cuộc đời Quốc Thái Mẫu.

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Đại Việt thông sử” (quyển 1, Lê Quý Đôn, NXB Trẻ); “Vương triều Tiền Lê - Hậu Lê” (Lê Xuân Kỳ, NXB Thanh Hóa).

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]