(vhds.baothanhhoa.vn) - Chạm Sa Ná khi mùa Xuân đã gõ cửa từng nhà. Đâu đó, tiếng trẻ con ríu rít, tiếng chày, tiếng cối vang lên trong mỗi gia đình hòa trong khí xuân se lạnh cho tôi cảm giác ấm lòng. Trước mắt, một bản tái định cư (TĐC) Sa Ná quây quần, đoàn tụ thật đẹp. Cảnh bùn lũ tang thương hôm nào, tiếng khóc đã dịu lại, cây cối đâm chồi tách mình nở hoa, và những nếp nhà lên khói...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sa Ná... mùa xuân về!

Chạm Sa Ná khi mùa Xuân đã gõ cửa từng nhà. Đâu đó, tiếng trẻ con ríu rít, tiếng chày, tiếng cối vang lên trong mỗi gia đình hòa trong khí xuân se lạnh cho tôi cảm giác ấm lòng. Trước mắt, một bản tái định cư (TĐC) Sa Ná quây quần, đoàn tụ thật đẹp. Cảnh bùn lũ tang thương hôm nào, tiếng khóc đã dịu lại, cây cối đâm chồi tách mình nở hoa, và những nếp nhà lên khói...

Một góc Sa Ná hôm nay.

Chạm... Sa Ná!

Vẫn là Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Đạt đồng hành cùng chúng tôi lên với bà con Sa Ná. Dường như con đường lên với bản hôm nay ngắn hơn nhiều so với con đường những ngày lũ tôi đã đi. Xe đã có thể trườn mình đưa đoàn tới tận khu bản mới (dù xa hơn bản cũ 1km). Tấp nập, nhộn nhịp là những gì chúng tôi cảm nhận được khi mới chạm Sa Ná. Thời điểm này cũng là lúc Xuân Canh Tý 2020 cận kề. Khí xuân, cái se lạnh của xuân đã gõ cửa từng nhà, điểm trên những lộc non, trong tiếng trẻ con ríu rít hát ca, tiếng chày, tiếng cối vang lên trong mỗi gia đình...

Rảo một vòng quanh bản, nhìn bao quát cả con suối Son hôm nào là “quái thú” nuốt chửng bản làng, nay suối Son đã hiền hòa, êm lắng! Nơi tôi đứng là khuôn viên nhà văn hóa bản rộng rãi, bằng phẳng cận giáp con suối Son. Phía sau mình là những nếp nhà xây liền kề, nối vách. Cao hơn nữa là những nếp sàn đặc trưng của bản Thái.

Ở khu mới này, phần nhiều những gia đình có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn thì cất dựng nhà xây. Đối với những hộ nhà bị đổ sập, chưa bị cuốn trôi thì vẫn giữ nếp văn hóa cũ là nhà sàn. Trước mỗi căn nhà mới là những cây non đã bén rễ đâm chồi, những khóm hoa đã nở... Sự trầm trồ của tôi trong phút mê hoặc được cắt nghĩa sau cái vỗ vai thông tin của một vị lãnh đạo huyện: “Rằng tới đây, huyện vùng biên sẽ xây dựng bản Sa Ná là bản nông thôn mới, bản kiểu mẫu của xã vùng biên Na Mèo”.

Theo lãnh đạo huyện Quan Sơn, Sa Ná sẽ là bản Nông thôn mới, bản kiểu mẫu của huyện vùng biên.

Ghé căn nhà mới của gia đình ông Lương Văn Mơ khi các thành viên đang quây quần trên bộ sập gỗ, thứ anh vớt vát được sau khi lũ kéo đến cuốn trôi căn nhà. Tôi nhớ, lần lên cùng đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Thanh Hóa hỗ trợ gia đình, khi đóông Mơ với mộttrạng thái khác hoàn toàn. Một gương mặt hốc hác, một nỗi lo ghì chặt anh. Còn đổi lại bây giờ trước mắt tôi, anh đầy sức sống. “Nhà mất, thóc gạo mất... lo đã đành! Trong khi cả bản có nhiều người mất, có cả người thân. Không chỉ là lo lắng, khi đó là cả nỗi sợ hãi đến tột cùng.” - ông Mơ cho biết.

Mọi thứ giờ đã ổn? Gia đình đã chuẩn bị gì cho tết? - Lời Chủ tịch huyện Quan Sơn Vũ Văn Đạt hỏi thăm hộ gia đình cũng là điều tôi đang tìm hiểu. Ông Mơ hồ hởi trả lời: “Cũng không phải sắm sửa nhiều cán bộ à! Gạo ăn đã được hỗ trợ, bánh kẹo, mì tôm từ hàng cứu trợ hãy còn! Chỉ mua vài ba cân thịt lợn nữa là xong cái tết! Năm nay bản mới, nhà mới, bà con bảo góp gạo thổi cơm chung ở nhà văn hóa”...

Lên bản Sa Ná có lẽ cái tên gợi nhớ nhất chính là Hà Văn Vân. Một con người phải gánh chịu nỗi đau thương, mất mát tột cùng. Cùng lúc cơn lũ đã cướp bố mẹ, vợ con, chị gái của anh. Với nhiều người thật khó để có thể gượng dậy sau những mất mát. Thế nhưng nhờ tình đoàn kết, đùm bọc của bản làng, suốt từ tháng 8 định mệnh đến giờ phút này, anh Vân không hề cô đơn! Có cán bộ, có biên phòng cùng bà con dân bản ở bên mỗi ngày, vừa là động viên vừa là chung sức cất dựng căn nhà mới cho anh.

Anh Vân bảo “Mình dựng nhà để ban thờ vợ con, bố mẹ được ấm cúng, không còn lo bão lũ! Cũng bởi sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền mà căn nhà liền kề TĐC của tôi được đặt ở vị trí gần nhà văn hóa. Mọi người bảo, ở vị trí đông vui này tôi sẽ bớt cô quạnh. Đến cả Chủ tịch huyện cũng tặng riêng tôi chiếc điện thoại. Là lãnh đạo nhưng ông thường xuyên gọi thăm hỏi, động viên. Quý lắm!”.

Trong căn nhà còn thơm mùi vôi mới, anh Vân cũng đã hứa với các cấp lãnh đạo sẽ tìm phương kế làm ăn mới và ổn định cuộc sống.

Cuộc sống mới nơi bản TĐC Sa Ná những ngày chạm xuân.

Hoa đã nở trên bản tái định cư

Còn nhớ hôm các ban, ngành huyện Quan Sơn tổ chức lên nhà mới cho bà con bản Sa Ná theo phong tục địa phương. Chủ tịch UBND huyện Vũ Văn Đạt đã tâm tư rằng: “Cơn bão số 3 vào hồi đầu tháng 8/2019, đã khiến xã Na Mèo, huyện Quan Sơn có 113 hộ bị trôi, sập nhà. Trong đó, bản Sa Ná có 51 căn nhà của người dân bị sập, hư hỏng nặng nề. Trong thời gian vỏn vẹn hơn 3 tháng cật lực để lựa chọn, tái tạo và xây dựng bản TĐC tôi đếm từng ngày. Hơn 3 tháng, nhưng có tới 1 tháng mưa gió không thể thi công. Ấy vậy mà, hôm nay bà con đã có thể lên nhà mới! Niềm vui này không chỉ của riêng bà con mà của toàn thể Đảng bộ và nhân dân trong huyện cũng như những tấm lòng hảo tâm, những người thiện nguyện chung tay cùng bà con vùng lũ bản mình”.

Khu TĐC Sa Ná được xây dựng trên diện tích5,2ha ở phía trên đồi của bản ngay sau lũ quét. Theo thiết kế, dự toán dự án xây dựng khu TĐC khoảng 15 tỷ đồng, kinh phí từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ một phần. Khu TĐC được quy hoạch đường bàn cờ, bê tông hóa, mỗi hộ được giao 240m2 thiết kế theo mẫu chung, hộ nào có điều kiện thì làm nhà sàn truyền thống. Về chính sách hỗ trợ bà con dân bản Sa Ná, đối với nhà bị thiệt hại từ 70% đến 100% được hỗ trợ 300 triệu đồng; nhà bị thiệt hại từ 50 đến 70% được hỗ trợ 200 triệu đồng, còn nhà bị thiệt hại từ 30 đến 50% thì được hỗ trợ 150 triệu đồng.

Ngày hôm nay bản Sa Ná đã đẹp thật rồi. Các hạng mục như nhà ở, nhà văn hóa, điện, nước, trường, trạm... đã cơ bản hoàn thành đón người dân về ở. Thế nhưng để no ấm còn đó bộn bề những lo toan. Đó là công tác khôi phục sản xuất, thủy lợi. Nếu không giải quyết được 2 nhiệm vụ cốt cán trên thì bản đẹp dân đói cũng bằng không. Hiện tại, phần lớn diện tích đồng ruộng canh tác của bà con đã bị bùn lũ vùi lấp. Để cải tạo là không hề dễ! Vậy bà con lấy đâu ruộng để cấy, cày? Theo Chủ tịch huyện Vũ Văn Đạt thì phương án chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ giống là ưu tiên. Bên cạnh đó, là hệ thống kênh mương thủy lợi phải đầu tư lại, phải có một đập chứa nước phục vụ tưới tiêu...

Ngoài nông nghiệp mang tính tự cấp tại chỗ thì đối với bà con Sa Ná cây lâm nghiệp là nguồn thu chính. Song, kể từ sau thảm họa của thiên tai ập tới, hầu như giao thông cũng bị phá hủy, huyện đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án xây dựng cầu bê tông vượt sông Luồng, làm đường giao thông nối bản Bo Hiềng vào Sa Ná, Son và đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy), bản Ché Lầu (xã Na Mèo) để người dân đi lại, giao thương thuận lợi, an toàn hơn.

Dẫu biết công cuộc tái kiến thiết còn đó bộn bề những công việc. Song tất cả chúng tôi, bà con dân bản đều tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự chung tay giúp sức của cộng đồng xã hội, người dân Sa Ná sẽ ấm no, vững bền hơn. Đó cũng chính là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc vượt lên những đau thương mất mát để phát triển.

Sau lưng tôi, xuân này Sa Ná đã nở hoa!

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]