(vhds.baothanhhoa.vn) - 15 người chết và mất tích, 34 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi, bản Sa Ná gần như tan hoang sau cơn “đại hồng thuỷ”. Dọc con suối Son (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) những tốp người vẫn miệt mài cào bới tìm kiếm xác người, những tiếng gào khóc xé trời ai oán đầy ám ảnh!...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sa Ná - Nước mắt chảy ngược theo thác lũ

15 người chết và mất tích, 34 ngôi nhà bị sập và cuốn trôi, bản Sa Ná gần như tan hoang sau cơn “đại hồng thuỷ”. Dọc con suối Son (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) những tốp người vẫn miệt mài cào bới tìm kiếm xác người, những tiếng gào khóc xé trời ai oán đầy ám ảnh!...

Nước mắt đổ ngược lên phía đường biên

Dọc con sông Luồng lên xã vùng biên Na Mèo khi chúng tôi lên thác lũ vẫn gào thét bên tai. Để tiếp cận, tiếp tế được lương thực cho bà con Sa Ná, người dân, chính quyền cũng như lực lượng chức năng phải phụ thuộc vào 4 sợi dây cáp treo, 1 bè mảng. Không có gì là đảm bảo an toàn khi mà lũ dữ vẫn gầm gào thách thức nhưng không một ai ái ngại chuyện lên bè vượt lũ đến với bà con. Vượt dòng nước lũ, để tiếp cận được bà con Sa Ná, thay vì đi theo con đường bê tông trước khi lũ cuốn bay thì giờ đây mọi người phải leo đồi, lội suối Son mất chừng hơn 2km... mới đến được nơi. Trước mắt chúng tôi theo dọc con suối, những đoàn viên thanh niên, những người lính cụ Hồ trên người đẫm mồ hôi vẫn gồng mình khuân vác gạo, mì tôm... đến bản cứu tế. Phía 2 bên con suối những khối cây cổ thụ đổ gãy nằm ngổn ngang, những tấm tôn, cột gỗ dải dọc mọi nơi... Đến được bản rồi, một cảnh hoang tàn đến sợ hãi, nhà đổ sập, nhà bị cuốn trôi còn trơ trọi, ngổn ngang.

Trong đống hoang tàn ngổn ngang đó, anh Hà Văn Vân người còn sót lại trong gia đình có tới 6 người bị lũ cuốn trôi mắt ngầu đỏ ngồi thất thần bên mỏm đá giữa suối Son. Cán bộ xã Vi Hồng Xiên bảo: “Kể từ ngày mùng 4 tới nay, anh Vân như người mất hồn ngồi đó. Khi thì gào khóc, lúc thì chạy đi như người điên cào bới khắp mọi nơi, trong mọi đống đổ nát để mong tìm được xác vợ con, bố mẹ”. Cũng theo cán bộ Xiên, anh Vân vừa đi xuống phố theo bố vợ làm phụ hồ được 1 ngày công. Mùng 2 anh đi thì mùng 3 thác lũ đổ về cuốn trôi bố mẹ già, chị gái, vợ con... Giờ trong gia đình còn mỗi mình anh, không nhà không cửa, không người thân!

Trong khi đó, ông Lương Văn Chon người từ cõi chết trở về vẫn còn chưa hết hoảng loạn kể. Rạng sáng ngày 3, một trận lũ đổ về từ trên thượng nguồn suối Son, ông cùng với bà con đang di chuyển đồ đạc lên cao, dọn dẹp bùn đất nhà cửa... Tưởng chừng lũ chỉ có vậy, bởi nó rút rất nhanh, và trong suốt vài chục năm qua chưa có một trận lũ nào lớn hơn thế! Nhưng chỉ được 30 phút sau thì bất ngờ cơn “đại hồng thuỷ” thứ 2 lớn gấp ngàn lần trận lũ trước đổ về cuốn bay tất cả! Không một ai kịp trở tay, không một thứ gì tồn tại. Hàng ngàn khối nước lũ kèm gỗ, đá, bùn đất... đổ ập vào bản làng. “Khi lũ ập đến, nước lũ ngập tới cổ, tôi cố đưa tay để cứu vợ mà không sao với tới. Nhưng may sao bà ấy leo được lên nóc nhà tắm. Trong khi thác lũ mỗi lúc một hung bạo, nó phá nát, cuốn bay nhà cửa rồi đẩy tôi trôi theo. Khi đó, bản thân đã nghĩ tới cái chết. Những cành cây, khối đá đập vào người đau đớn, may sao khi trôi ra giữa dòng sông Luồng tôi bám được vào một ngọn cây. Cứ thế, sau nhiều giờ cầu trời được sống thì anh Phạm Bá Huy đã liều mình ra cứu.

Trời đã ngừng đổ mưa, nhiều tốp người gồm dân bản, lực lượng chức năng, dân quân, biên phòng vẫn nối tiếp theo nhau từ hạ nguồn con suối Son ngược dòng lên vùng thượng nguồn giáp Lào để đào bới tìm kiếm, mong thấy được xác những người mất tích. Nước mắt vẫn đổ ngược lên phía đường biên. Tại bản, những chiếc quan tài được đục từ những thân cây được đặt sẵn dù chưa tìm được người. Bản thân chúng tôi cũng không dám chắc dưới chân mình, phía dưới những đống đổ nát này liệu có ai trong số 7 người đang còn mất tích!?

Để xoa dịu những nỗi đau

Bản Sa Ná nằm dưới chân núi Luốc Mu gồm 3 khu bản, sau cơn thịnh nộ của đất trời càn qua bản, 34 ngôi nhà nơi đây đã bị trận “đại hồng thủy” san bằng (24 nhà dân bị lũ cuốn trôi, 10 nhà dân bị sập hoàn toàn). Đến sáng 6/8, chính quyền địa phương xã Na Mèo đã huy động 2 máy xúc, lực lượng vũ trang điều động trên 200 cán bộ, chiến sĩ tiếp tục hành quân về Sa Ná giúp dân. Cùng với đó, lực lượng thanh niên, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vũ trang quân đội, công an, dân quân địa phương đã tổ chức thành nhiều mũi đi dọc sông suối mong tìm được người bị nạn; một bộ phận tập trung tháo dỡ nhà cửa bị lũ cuốn đổ và tìm kiếm người ở những nơi có nguy cơ bị vùi lấp. Ngoài ra, các lực lượng quân y, y tế địa phương cũng được bố trí túc trực chăm sóc sức khỏe, phòng trừ dịch bệnh sau lũ. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ lâu dài cho bà con và lực lượng làm nhiệm vụ, một đường ống nước tự chảy cũng đã khẩn trương được lắp đặt dẫn nước từ đỉnh núi về bản.

Ông Phạm Văn Tiệu - Chủ tịch UBND xã Na Mèo, huyện Quan Sơn cho biết: Những ngày sau lũ, đặc biệt sau khi tiếp cận được bản Sa Ná đã có nhiều đoàn hỗ trợ, nhiều tổ chức đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, người hiện còn mất tích. Đã có khoảng hơn 1.000 người thuộc nhiều lực lượng đang nỗ lực tham gia tìm kiếm những người mất tích. Bên cạnh đó, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào) cũng đã có đề xuất giúp đỡ tìm kiếm cứu nạn, xác minh danh tính người mất tích từ huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trong khi đó, Giám đốc Công an tỉnh đã có điện chỉ đạo các đơn vị đặc biệt là Công an các huyện miền núi và địa bàn xung yếu tập trung lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia phối hợp ứng phó và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Đồng thời, tổ chức lực lượng, bố trí các tổ, chốt tuần tra, hướng dẫn giao thông tại các điểm xung yếu để cảnh báo và hỗ trợ người dân tránh xa khu vực nguy hiểm.

Chia tay Sa Ná, sau lưng còn đó những trăn trở về những nỗi mất mát và đau đớn. Các lực lượng chức năng, người dân vẫn đang miệt mài tìm kiếm người mất tích; những đoàn cứu trợ vẫn nối đuôi nhau ngược biên lên chia sẻ, chung tay mong xoa dịu những nỗi đau.

Theo thống kê, tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 gây ra, tính đến sáng ngày 6/8đã có 7 người chết, 8 người mất tích. 76 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 66 nhà bị thiệt hại từ 50 - 70%; 1.242 nhà bị ngập lụt; hàng nghìn héc ta hoa màu, lúa bị ngập lụt, hư hỏng... Mưa lũ cũng gây sạt lở, hư hại về giao thông cho nhiều tuyến quốc lộ như QL15C, QL 217, QL16, QL47,...

Để kịp thời hỗ trợ người dân vùng lũ, tỉnh Thanh Hóa đã cấp hỗ trợ 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 519 thùng nước uống. Bộ Tư lệnh Quân khu 4 hỗ trợ 200 triệu đồng tiền mặt, 1 tấn lương khô, 1.345 thùng mì tôm; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 5 tấn gạo...

Đình Giang - Xuân Cường


Đình Giang - Xuân Cường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]