(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi đã từng du lịch và thăm thú khá nhiều đền chùa, nhưng không hiểu sao, lần đầu tiên đặt chân đến chùa Am Các - một ngôi chùa tọa lạc trên cao điểm 7 - 8 trăm mét của một vùng rừng xanh, núi thẳm giữa lòng đồng bằng huyện Tĩnh Gia “Nam Thanh - Bắc Nghệ”, tôi lại thấy ấn tượng và nao lòng đến khó tả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sự hồi sinh của chùa Am Các và ấn tượng về một nhà sư

Tôi đã từng du lịch và thăm thú khá nhiều đền chùa, nhưng không hiểu sao, lần đầu tiên đặt chân đến chùa Am Các - một ngôi chùa tọa lạc trên cao điểm 7 - 8 trăm mét của một vùng rừng xanh, núi thẳm giữa lòng đồng bằng huyện Tĩnh Gia “Nam Thanh - Bắc Nghệ”, tôi lại thấy ấn tượng và nao lòng đến khó tả.

Ấn tượng trước hết vì cảnh trí ở đây cũng kỳ thú, lung linh như chùa Hương, Yên Tử. Ở đây, ngoài đồi núi điệp trùng, nhấp nhô đến tận tít mù xa là những cánh rừng đại ngàn mới hồi sinh phủ kín một màu xanh khắp mọi chỗ. Nhưng từ dưới chân đến lưng chừng núi là rừng thông lá nhọn vài chục năm tuổi đã cao vút như rừng thông Đà Lạt, và phía dưới rừng thông là hồ nước Hao Hao hình cánh dơi đang giang cánh rộng, dài thật là thơ mộng. Còn xa hơn nữa là làng mạc và những cánh đồng trên vùng đất ven biển, có Quốc lộ 1A và kênh Than - con đường thủy Bắc - Nam trong nghìn năm phong kiến chạy qua. Rồi lại có một con đường cao tốc mới mở từ Sân bay Sao Vàng qua chân núi Am Các để đến với khu công nghiệp Nghi Sơn. Tất cả đều giúp cho người tứ xứ xa, gần đến được nhiều hơn với Am Các...

Nhưng cách đây chỉ mới 5 năm, mà cụ thể là vào tháng 3 (âm lịch) của năm 2014 - thời điểm đầu tiên mà nhà sư trẻ Thích Nguyên Đại mới 26 tuổi được phép về coi sóc chùa Am Các thì ít ai có thể tưởng tượng được về sự hoang sơ, u tịch của một phế tích chùa chiền đã bị chính con người bỏ quên và ngủ dài suốt vài ba thế kỷ. Ở ngay khu đất bằng mấy ngàn mét vuông trên sườn núi - nơi có một ngôi chùa cổ (mà bây giờ gọi là chùa Hạ) đã từng tọa lạc trong nhiều thế kỷ thời phong kiến nghìn năm chỉ là nơi cây dại mọc đầy cả chỗ nền móng cũ và chỗ các di vật đá (như bia ký, chân tảng, tượng pháp...).

Từ chân núi Các leo lên đến chùa Hạ với khoảng cách đến vài cây số phải đi theo những lối mòn, hoặc đường nước chảy, để đến được chùa cũng phải mất 3,4 tiếng đồng hồ. Ấy thế mà chỉ trong hơn 5 năm, sư Thích Nguyên Đại bằng ý chí, nghị lực và tinh thần vượt khó cùng cái tâm trong sáng đã từng bước vận động nhân dân và các “Mạnh Thường Quân” có lòng hảo tâm đóng góp tiền bạc, vật tư, công sức để tu tạo, phục hồi lại chùa Am Các thành một quần thể di tích thắng cảnh đầy dấu ấn ở vùng đất đại ngàn Nam Thanh - Bắc Nghệ này, đồng thời đã mở ra tiềm năng du lịch tâm linh và sinh thái cho huyện Tĩnh Gia và cả xứ Thanh có thể bắt đầu khai thác, phát huy một cách hiệu quả.

Chính nhà sư đã là người lần mò, khám phá ra các địa điểm đã từng được các sư tăng thời xưa cho xây dựng thành quần thể di tích chùa thờ Phật như chùa Trung, chùa Thượng, đền Mẫu và bức phù điêu khắc hình Bồ Tát ở hòn núi đá ẩn khuất trong rừng cây rậm rạp - nơi mà nhiều nhà nghiên cứu cho là địa điểm của khu vực chùa cổ đầu tiên được xây dựng hồi thế kỷ X - lúc vị Quốc sư Ngô Chân Lưu về tu thiền ở đây. Với các kiến trúc mới được phục dựng, cùng hệ thống đường giao thông từ chân lên đỉnh núi, sư Thích Nguyên Đại đã phải huy động xã hội hóa lên tới vài chục tỷ đồng cho thấy sự nỗ lực rất nhiều.

Nhà sư Thích Nguyên Đại và các nhà nghiên cứu lịch sử trước đền hạ chùa Am Các.

Giờ đây, trong suốt cả 4 mùa, khách hành hương và những ai có cái thú du ngoạn, khám phá những gì kỳ thú ở núi và chùa Am Các đều có thể đến một cách thuận lợi để thỏa lòng khátkhao bởi vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của vùng thắng tích đặc biệt nơi đây.

Và, với những gì đã có trong hơn 5 năm phục dựng, hồi sinh, núi và chùa Am Các đã và đang trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh và sinh thái hấp dẫn trên vùng đất phía Nam xứ Thanh. Chắc chắn trong thời gian tới, huyện Tĩnh Gia và các “Mạnh Thường Quân” cùng với nhà sư Thích Nguyên Đại tập trung đầu tư đáng kể, nhanh chóng như quy hoạch, núi và chùa Am Các sẽ là nơi hút khách hành hương và du lịch đông đúc như chùa Hương, Yên Tử.

Hiện tại, thấy núi và chùa Am Các đã hồi sinh một cách ít ai ngờ, tôi và bất kể khách hành hương nào cũng đều nhớ và thầm cám ơn về công lao đóng góp đáng kể của nhà sư trẻ Thích Nguyên Đại - người đã biến núi và chùa Am Các trở thành nơi hẹn hò của bạn bè và du khách gần, xa.

Chi Anh


Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]