(vhds.baothanhhoa.vn) - Sức hấp dẫn đưa chúng tôi đến Quảng Xương vào những ngày cuối năm vì được biết huyện đang khẩn trương cho việc thẩm định danh hiệu “Huyện nông thôn mới” năm 2018.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sức sống mới trên đất Quảng Xương

Sức hấp dẫn đưa chúng tôi đến Quảng Xương vào những ngày cuối năm vì được biết huyện đang khẩn trương cho việc thẩm định danh hiệu “Huyện nông thôn mới” năm 2018.

Bút ký củaHỏa Diệu Thúy

Thế là sau 8 năm triển khai (khởi động năm 2010), lặng lẽ nhưng quyết đoán của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân Quảng Xương, mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã cán đích trong sự ngạc nhiên và thán phục của nhiều huyện bạn trong tỉnh. Đại diện lãnh đạo huyện đón tiếp chúng tôi tại phòng họp ủy ban và cung cấp những thông tin mới nhất về những kết quả xây dựng nông thôn mới với những tiêu chí đầy thuyết phục: “Kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao” (Báo cáo về việc thẩm tra hồ sơ đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Quảng Xương năm 2018). Và đây là những thông số đáng nể: 29/29 xã, nghĩa là 100% xã ở Quảng Xương đều đạt tiêu chuẩn “xã nông thôn mới”, trong đó có những tiêu chí quan trọng đạt mức hoàn hảo, như: giao thông, môi trường, y tế - dân số, gia đình và trẻ em. Đạt mức 100% ở những tiêu chí này còn là giấc mơ xa của nhiều huyện, bởi, nếu chưa kết nối và hội tụ được các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như Quảng Xương thì mục tiêu “nông thôn mới” còn gian nan lắm.

Kết quả ấy của Quảng Xương là trái thơm của sức mạnh nội lực, sự hài hòa tuyệt diệu của “ý Đảng lòng dân”. Quảng Xương là huyện đồng bằng ven biển, nhưng đó là đồng bằng đặc trưng miền trung: nhỏ, vụn và không màu mỡ. Hình ảnh quen thuộc của làng xã Quảng Xương trước đây là những mái nhà màu nâu lợp kè thấp thoáng dưới những vườn kè (thứ cây gần giống cây cọ). Ven những thửa ruộng nhỏ là những rặng kè. Bà con tận dụng bờ ruộng để trồng kè, vừa làm bóng mát giữa buổi trưa cày, vừa lấy lá lợp nhà (xưa kia còn để lợp vách). Bây giờ, bộ mặt nông thôn Quảng Xương đã đổi khác, công cuộc xây dựng nông thôn mới với mục tiêu kiên cố hóa, ngói hóa nhà ở dân cư đã khiến những mái kè chỉ còn trong ký ức. Theo báo cáo của ủy ban nhân dân huyện (năm 2018) trên địa bàn huyện 100% hộ dân không còn nhà tạm, dột nát, đảm bảo “03 cứng” với diện tích 14m2/người trở lên và đầy đủ công trình phụ trợ. Đi vào trung tâm các xã có cảm giác như đang đi giữa một phố thị sang trọng, nhà cao tầng san sát mà quy củ, đường rộng thoáng như phố, đi sâu vào các thôn xóm vẫn thấy một sự ngăn nắp, sạch sẽ, chững chạc như đã có từ thuở nào, không còn bắt gặp những con đường lầy lội, hay lởm chởm ngập rác.

Ngay tại xã Quảng Nham, xã có 100% cư dân theo nghề biển với mật độ dân cư đông nhất, vẫn thấy hình ảnh con đường sạch sẽ, không hề có rác thải để bừa bãi ngoài đường. Chúng tôi đã kiên cố hóa gần 100%các tuyến đường liên xã, trục xã, thôn, chỉ còn khoảng 200 km đường đất nội đồng - người dẫn đường là phó phòng văn hóa huyện, một cán bộ còn rất trẻ và năng nổ. Anh tỏ ra biết từng ngóc ngách ngõ xóm trong huyện. “Do phải đi phong trào, tuyên truyền, kiểm tra về xây dựng văn hóa nên chúng tôi phải đến từng thôn, thôn nào có những hiện tượng đặc biệt và cá biệt chúng tôi đều nắm rõ”, anh ta trả lời trước sự ngạc nhiên của chúng tôi. Để có sự sạch sẽ, phong quang này ư, anh nói tiếp, huyện đã đầu tư 2 lò đốt rác thải công suất 3.750kg/h, ngoài ra còn hỗ trợ lò đốt rác hộ gia đình tại 15 xã. Việc xử lý nước thải sinh hoạt được người dân tự giác trên hệ thống kênh mương toàn huyện. Xây dựng môi trường xanh sạch có lẽ là một trong những tiêu chí khó nhất của xây dựng nông thôn mới. Người ta có thể giữ sạch nhà mình nhưng rất khó giữ sạch ngõ xóm hoặc nơi công cộng. Đây là tập quán rất khó bỏ của tư duy tiểu nông, thay đổi được tập quán thiển cận ấy là đã tạo được nếp sinh hoạt văn minh.

Quan tâm đến y tế, giáo dục, văn hóa và trẻ em cũng là những tiêu chí nhân văn mà Quảng Xương chọn đầu tư sớm nhất và đạt kết quả tốt nhất. Bệnh viện đa khoa huyện được xếp hạng là bệnh viện hạng 3 theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế, đồng thời được lựa chọn là bệnh viện vệ tinh của Đại học Y Hà Nội; Trung tâm Y tế dự phòng được xếp hạng 2 cũng theo quy chuẩn Bộ Y tế, 100% trạm y tế tuyến xã đạt chuẩn quốc gia. Văn hóa và giáo dục cũng được chăm sóc và đầu tư tích cực. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện được xây dựng đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch góp phần nâng cao đời sống văn hóa - văn nghệ của nhân dân. Trung tâm đã nhiều lần được tặng bằng khen về việc tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ cho địa phương. Giáo dục và chăm sóc trẻ em cũng là mục tiêuhàng đầu mà Quảng Xương khẳng định. 3/5 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, 100% các trường trung học cơ sởvà mầm non đều khang trang sạch đẹp.

Nỗ lực lớn này của một huyện dựa vào nông nghiệp là chính cho thấy quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân Quảng Xương. Song, như ông bà đã dạy “Có thực mới vực được đạo”, để có được những kết quả như mong muốn cần phải nói tới sự đúng đắn, thiết thực của tư duy lãnh đạo trong nhận thức cần ưu tiên trước hết cho mục tiêu: nâng cao thu nhập cho người dân. Họ - những người quản lý nắm trọng trách “đầu máy” của đoàn tàu thấm thía: Đây là một trong những nội dung chủ yếu, quan trọng nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới, yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, lâu dài của chương trình, là nội dung khó nhất. Họ đã “ngồi lại” với nhau để cùng “phát hiện lại” chính mình: đâu là lợi thế của địa phương và đâu là điểm yếu cần tháo gỡ; phương pháp làm thể nào để có kết quả bền vững? Và thế là, trước hết bộ máy chính quyền chỉ đạo được kiện toàn, những trái tim tâm huyết và những bộ óc năng động, sáng tạo được tập hợp, các phương án táo bạo được hình thành: biến hạn chế thành ưu điểm, khai thác triệt để lợi thế cả khách quan lẫn chủ quan làm tiền đề cho những nền móng ban đầu.

Kinh tế biển của Quảng Xương chưa bao giờ là điểm mạnh, bởi, bờ biển ở đây rất nông, từ xa xưa người dân chỉ quen đánh bắt bằng dụng cụ thủ công gần bờ, trừ Quảng Nham, tiếp giáp với Tĩnh Gia có bờ biển sâu và có lạch Ghép nên là xã có truyền thống đánh bắt xa bờ, các xã còn lại đều là bãi ngang. Thế thì sẽ biến dải cát vàng mềm mịn tinh khôi kia, với dải bờ biển hoang sơ dài hơn 10 km kia thành không gian lý tưởng cho bãi tắm, cho du lịch sinh thái, cho nuôi trồng thủy hải sản; Huyện thuần nông ư? sẽ biến thành lợi thế để quy hoạch trồng rau sạch, gạo sạch, thực phẩm sạch. Những người dân cần cù, giỏi nghề nông đã từng trụ vững hàng ngàn đời sẽ trở thành những nhà nông hiện đại và họ sẽ làm giàu trên chính mảnh đất của cha ông mình; Trục đường Quốc lộ 1A sẽ là lợi thế phát triển dịch vụ, thương mại; sẽ đầu tư cho chiến lược con người - đào tạo nhân lực từ chính con em quê hương... Kết quả là những con số đáng tự hào: năm 2017 bình quân thu nhập của người dân đạt 36 triệu đồng/người/năm tăng 2,9 lần so với năm 2010 và năm 2018 là 40,3 triệu đồng/người/năm. Dân giàu thì nước mạnh, an cư lạc nghiệp thì tự khắc phong hóa sẽ hình thành. Quảng Xương xưa kia đã hình thành những nét phong hóa đẹp, giờ đây, vùng đất ấy đang vươn mình tỏa sáng trong vận hội mới.

Học sinh Trường THCS Quảng Lưu tham quan nhà truyền thống huyện Quảng Xương.

Điểm nhấn cuối cùng thật ấn tượng chính là nhà truyền thống của huyện. Song, tôi muốn gọi đó là nhà bảo tàng, bởi quy mô và tính chất đúng là một bảo tàng - nơi lưu giữ, bảo vệ những giá trị văn hóa và lịch sử của vùng đất Quảng Xương. Có lẽ trên 27 huyện/thị của xứ Thanh này chỉ duy nhất ở đây có một bảo tàng cấp huyện. Hàng nghìn hiện vật quý hiếm từ văn hóa đến lịch sử từ bao đời trên đất Quảng Xương đã được chính nhân dân góp nhặt, cung tiến về đây. Riêng chiếc trống đồng nghìn tuổi có thể sánh ngang với hiện vật của viện Viễn Đông Bác cổ. Dám nghĩ và dám xây dựng một công trình như thế này đủ thấy tâm huyết, tính cách vừa lãng mạn vừa táo bạo của những người lãnh đạo nơi đây. Những con người lãng mạn và táo bạo ấy, họ đã xây dựng hành trình cho điểm đến thành công của họ. Nhân dân đã đặt hoàn toàn niềm tin tưởng vào các cấp lãnh đạo và đoàn tàu “nông thôn mới” mang thương hiệu Quảng Xương đã cán đích.

Vẫn còn đó những khó khăn bộn bề, nhưng nhìn cách họ đối phó với hạn chế để đoán cách họ giải quyết khó khăn trong tương lai.

Ngẫm ra, khi ý tưởng của chính quyền đi vào lòng dân thì chính con thuyền dân sẽ mang những ý tưởng ấy cập bến bờ hạnh phúc.

Hỏa Diệu Thúy


Hỏa Diệu Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]