(vhds.baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm 4 lần. Trong mỗi lần ấy, đông đảo cán bộ và nhân dân lại được nghe những lời dạy bảo sâu sắc, chí tình của Người. Và cũng có rất nhiều người con ưu tú của quê hương Thanh Hoá trên chặng đường học tập, công tác của mình đã may mắn có thời gian được sống bên Bác hoặc được trực tiếp gặp Bác.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tấm lòng những người con ưu tú xứ Thanh may mắn được gặp Bác

Xứ Thanh đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm 4 lần. Trong mỗi lần ấy, đông đảo cán bộ và nhân dân lại được nghe những lời dạy bảo sâu sắc, chí tình của Người. Và cũng có rất nhiều người con ưu tú của quê hương Thanh Hoá trên chặng đường học tập, công tác của mình đã may mắn có thời gian được sống bên Bác hoặc được trực tiếp gặp Bác.

Được gần gũi Bác, làm người học trò nhỏ của Bác là một vinh dự vô cùng lớn lao. Trong những lần được gặp Bác, học tập lối sống và đạo đức của Bác, nhiều người đã được rèn luyện và trưởng thành, trở thành những công dân ưu tú, những cán bộ cốt cán, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Bà Ngô Thị Tuyển (người đội mũ) vinh dự được gặp Bác Hồ tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV. (ảnh tư liệu)

Bà Bùi Thị Khuê, hiện cư trú tại số nhà 6, phố Trần Quang Diệu, phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, là người con của vùng đất khoa bảng Hoằng Lộc, Hoằng Hóa. Từ khi còn rất trẻ, bà Khuê đã tích cực tham gia các phong trào, hoạt động cách mạng ở địa phương. Năm 1952, bà trúng cử Đại biểu HĐND huyện, được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa khi bà mới 21 tuổi. Năm 28 tuổi, bà Khuê tiếp tục trúng cử đại biểu HĐND tỉnh và được điều về UBND tỉnh Thanh Hóa đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ty Thương binh - Xã hội; Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ trẻ em tỉnh.

Dù ở độ tuổi “cổ lai hy”, sức khỏeđã yếu, song bàKhuê vẫn còn minh mẫn cho tôi biết, bà vinh dự được gặp Bác Hồ tới 3 lần: Lần thứ nhất tại Hội nghịĐại biểu Phụ nữ tham gia chính quyền ở Nhà hát lớn Hà Nội (năm 1960); Lần thứ 2,khi Bác Hồ về thăm Thanh Hoá (1961); Vàlần thứ 3, tại Hội nghị chính trị đặc biệt ở Hội trường Ba Đình. Lần gặp cuối cùng này,ngoài bà còn có ông Nguyễn Đình Ngân - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh. Bà và ông Ngân là hai đại biểu của Thanh Hóa đã được Bác Hồ gặp riêng để hỏi về tình hình địa phương và căn dặn nhiều điều. Trong đó, bà Khuê luôn nhớvà khắc ghi lời Bác dặn dò phải cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, đồng thời là cán bộ thì phải luôn gần gũi và phục vụ nhân dân.

Thấm nhuần lời Bác dạy, suốt trong thời gian còn tham gia công tác xã hội, cho đến lúc về nghỉ chế độ, bà Khuê luôn phấn đấu làm một phụ nữ trí thức mẫu mực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và giữ lối sống liêm khiết, chí công vô tư suốt cuộc đời.

Cựu chiến binh (CCB) Hoàng Tiến Lực, quê xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa có cơ duyên được gặp Bác Hồ nhân Bác xuống thăm và nói chuyện với cán bộ Tiểu đoàn135 của ông. Ông Lực cho biết: Bác xuống thăm đơn vị vào ngày 13/11/1962, khi ông đang làm phân đội trưởng phân đội 1 tàu phóng lôi T313 tiểu đoàn 135, đóng quân trên đảo Vạn Hoa (tỉnh Quảng Ninh). Ông vinh dự được gặp Bác có một lần, nhưng ký ức về một lãnh tụ thiên tài, giản dị, gần gũi lúc nào cũng in đậm trong trái tim ông. Ông Lực chậm rãi kể: Khi Bác vừa bước xuống thang chiếc máy bay, đập vào mắt ông và những cán bộ chiến sĩ trong tiểu đoàn là hình ảnh Bác với bộ quần áo lụa, màu gụ đã bạc, đầu đội mũ cát rộng vành, chân đi đôi dép cao su có quai rất to được làm bằng săm ô tô và đế dép làm bằng lốp ô tô.

Điều đặc biệt nữa, Bác không đi vào giữa 2 bên hàng quân mà tiểu đoàn đã sắp xếp, bố trí đón tiếp mà Bác rẽ vào bếp ăn của đơn vị. Tại đây, Bác đã ân cần thăm hỏi, dặn dò các đầu bếp: “Các cô, các chú là người chăm lo bữa ăn hàng ngày cho anh em trong đơn vị nên nấu ăn phải đảm bảo vệ sinh; đảm bảo cơm ngon, canh ngọt để bộ đội có sức khỏe sẵn sàng và phục vụ chiến đấu. Khi Bác từ nhà bếp quay ra, cả tiểu đội không còn xếp hàng đứng đón tiếp Bác nhưtrước, tất thảy đều đi theo Bác vào trong đơn vị. Một chi tiết mà ông Lực cho rằng đã hoàn toàn xóa đi ranh giới của một vị Chủ tịch nước. Đó là, trong quá trình đi theo Bác vào trong đơn vị, có một chiến sĩ không may dẫm vào đôi dép của Bác, khiến dép bị đứt quai, Bác xử lý nhanh, lặc lò cò lại ghế rồi ngồi xuống để xâu lại đôi dép. Thấy Bác ngồi xâu dép, Tiểu đội trưởng tiến lại gần Bác kính cẩn: Thưa Bác, đôi dép của Bác cũ lắm rồi, cháu biếu Bác đôi giày mới ạ. Còn đôi dép này..., Bác cho cháu xin để làm kỷ niệm ạ. Bác mỉm cười, rồi nói với đồng chí cán bộ: Bác cảm ơn chú, đôi dép của Bác là vật kỷ niệm, nó còn dùng được, lại thuận lợi nên đôi giày của chú, Bác không nhận đâu. Rồi Bác nhẹ nhàng: Đất nước còn nghèo, cuộc kháng chiến còn kéo dài gian khổ, đôi dép của Bác còn dùng được thì tiết kiệm dùng, bỏ đi thì lãng phí quá.

Còn một chi tiết khiến ông Lực vô cùng xúc động và cảm phục bởi lối sinh hoạt giản dị, mộc mạc, gần gũi và chân chất như bao người dân khác. Đó là khi bữa cơm của Bác được người phục vụ đem đến từ Hà Nội và ông Lực là người trực tiếp đem cơm vào cho Bác. Nhìn bữa cơm của Bác với các món: Lát cá kho, chút rau xanh, quả cà ghém và ít thịt rang mắm tép, ông Lực không thể nghĩ rằng: món ăn hàng ngày của vị Chủ tịch nước lại đạm bạc, đơn giản và đậm chất quê hương Nghệ An đến thế.

Tận mắt nhìn thấy hình ảnh Bác tự tay sửa lại đôi dép cao su bị đứt quai, chứng kiến bữa cơm đạm bạc và những cử chỉ ân cần khi Bác nói chuyện, dặn dò cán bộ, chiến sĩ: phải cảnh giác, đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu, bảo quản vũ khí cho tốt... và dù công tác ở dưới tàu, hay trên bờ đều có chung nhiệm vụ nên các chú yên tâm công tác... khiến ông Lực vô cùng xúc động và cảm phục bởi lối sinh hoạt giản dị, tiết kiệm và tác phong chuẩn mực của vị lãnh tụ cao nhất nước.

Những lời căn dặn chân tình, sâu sắc của Bác chính là sức mạnh tinh thần cổ vũ hành động cách mạng của cán bộ chiến sỹ trong lực lượng Hải quân. Không đầy hai năm, sau lần Bác Hồ thăm cảng Vạn Hoa, ngày 2/8/1964, phân đội tàu phóng lôi tiểu đoàn 135 đã đánh đuổi tàu khu trục Ma đốc ra khỏi vùng biển nước ta, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu vẻ vang của Hải quân nhân dân Việt Nam.

Năm 1969 khi Bác mất, ông Hoàng Tiến Lực là một trong số 100 CBCS tiêu biểu của lực lượng Hải quân đã về dự lễ tang của Người tại Quảng trường Ba Đình. Dù Bác Hồ đi xa, đến nay đã 50 năm trôi qua, song lời dạy của Bác và những cử chỉ ân cần của Bác luôn đọng mãi trong tâm trí người CCB có 87 năm tuổi đời, 71 năm tuổi Đảng. Thấm nhuần, khắc ghi lời Bác dạy, trong suốt cuộcđời đi theo Đảng, ông Lực luôn nỗ lực và đạt nhiều thành tích với phần thưởng là huân, huy chương các loại.

Cựu chiến binh Hoàng Tiến Lực.

Chúng tôi tìm về căn nhà số 310 đường Trường Thi, TP Thanh Hóa, để gặp lại một nữ Anh hùng. Mở cửa đón chúng tôi là phụ nữ đã vào tuổi xế chiều, mái tóc ngả màu muối tiêu, trên khuôn mặt chữ điền hằn nhiều nếp nhăn, nhưng từ ánh mắt, nụ cười vẫn toát lên vẻ đôn hậu và cương nghị. Bà chính là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Ngô Thị Tuyển - người đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, với kỳ tích vác 2 hòm đạn nặng hơn gấp đôi trọng lượng cơ thể mình.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bà vinh dự được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, được gặp Bác Hồ 3 lần và được chính Bác tặng huy hiệu của Người, 6 lần được tặng bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT tại Đại hội chiến sĩ Thi đua toàn quốc lần thứ IV diễn ra từ ngày 28/12 đến ngày 1/1/1967.

Ở tuổi 73, sức khỏe của bà cũng không còn được như xưa nữa. Căn bệnh đau cột sống,thoái hóa khớp,bệnh tiểu đường đã khiếnbà già và yếu hơn nhiều so với tuổi. Song ký ức về lần gặp Bác, vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Bà Tuyển cho biết: Trong cuộc đời bà, giây phút được gặp Bác là kỷ niệm đáng nhớnhất. Bà kể: Ngay sau đại hội kết thúc, buổi tối cùng ngày, bà vàcác tập thể, cá nhân anh hùng được gặp Bác tại nhà khách Chủ tịch. Đang ngồi, Bác hỏi: Cháu nào trả lời cho Bác 2 “chớ”, 2 “nên”?. Lúc ấy, bà vinh dự được ngồi cạnh Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bác Đồng đứng lên: “Thưa Bác, cháu Tuyển trả lời ạ!”. Tôi lúng túng không biết thế nào nhưng nhận mệnh lệnh của bác Đồng, tôi trả lời: Thưa Bác, 2 “chớ” nghĩa là, chớ chủ quan thỏa mãn, chớ xa rời quần chúng; 2 “nên” nghĩa là nên khiêm tốn học hỏi, nên gần gũi quần chúng. Tôi trả lời xong, Bác hỏi: Các cô, các chú có làm được như lời cháu Tuyển không. Tất cả tập thể, cá nhân anh hùng đều đồng thanh trả lời: Thưa Bác, chúng cháu làm được ạ.

Lời Bác dặn đã tiếp thêm sức mạnh để nữ Anh hùng Ngô Thị Tuyển tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ quê hương, phục vụ tiền tuyến. Năm 1969, khi Bác ốm nặng, bà Tuyển là một trong những người được về túc trực, lắng nghe hơi thở cuối cùng của Người trước lúc ra đi, và đứng trực bên linh cữu của Người. Nỗi đau thương trào dâng khiến bà ngất đi ngay sau khi kết thúc ca trực.

Với những ai đã từng gặp Bác Hồ, được nghe những lời căn dặn của Người đều như có thêm động lực để phấn đấu sống đẹp hơn trong đời thường. Những lời căn dặn của Bác đã trở thành hành trang cuộc đời, giúp họ rèn luyện, phấn đấu để trở thành những công dân gương mẫu, cống hiến sức lực, trí tuệ cho quê hương, đất nước. Đó chính là sức cảm hóa kỳ diệu của một nhân cách lớn, một trí tuệ lớn Hồ Chí Minh.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]