(vhds.baothanhhoa.vn) - (Vh&ĐS) Ai đã về với các bản Tam Sơn, Đồng Lách (xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia), chắc chắn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cuộc sống của những người dân nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tam Sơn, Đồng Lách: Những bản nghèo như bị lãng quên

(Vh&ĐS) Ai đã về với các bản Tam Sơn, Đồng Lách (xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia), chắc chắn sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cuộc sống của những người dân nơi đây.

Đường về bản Đồng Lách thường xuyên bị sụt lún.

Bởi nằm trong KKT Nghi Sơn năng động và phát triển nhưng các bản làng này cho đến nay vẫn lặng lẽ, tựa như một nốt nhạc trầm bị quên lãng cùng thời gian.

Tôi đã từng về 2 bản Tam Sơn, Đồng Lách cách đây gần chục năm trong một lần theo bản hội về chiêm bái tại một di tích nơi đây. Ngày đó, khi các xã miền xuôi chúng tôi đều có điện lưới, tôi cứ nghĩ khắp nơi người dân đều có chung niềm vui ấy, nhưng điện vẫn chưa về tới vùng đất này.

Ghé vào một nhà dân ở gần với di tích để xin hớp nước nhưng nhìn đâu cũng thấy chum vại chỏng chơ, khô khốc, có ít nước nào trữ lại thì cũng không được vệ sinh cho lắm. Hình như năm đó người dân mất trắng vì hạn hán nên chẳng những cơm không có mà ăn, đến khoai sắn cũng phải tằn tiện.

Cứ nghĩ đó chỉ là hình ảnh của 10 năm trước, nào ngờ đến nay trở lại, vùng đất ấy dường như vẫn chưa có nhiều khác biệt, phần nhiều vẫn là những ngôi nhà tranh tre nứa lá; những con đường đất sụt lở, chật hẹp và những con người lầm lũi, khắc khổ quanh năm thiếu đói.

Có chăng là mới đây, bản Tam Sơn đã có điện lưới về nhưng vì nằm cách xa trung tâm nên cuộc sống người dân vẫn còn lạc hậu, thiếu thốn. Đặc biệt là những người dân của bản Đồng Lách. Thật không thể tin nổi là chỉ cách trung tâm xã Tân Trường có hơn 10km mà nhiều người dân trong bản thậm chí không biết đến cái tivi là gì.

Mà cũng phải thôi, bởi cho đến nay, điện vẫn chưa về tới bản thì sao có thể nhìn và nghe thấy gì về cái gọi là “hiện đại”.

Vậy nên, mùa đông còn đỡ chứ vào mỗi mùa hè, người già và trẻ nhỏ của bản vẫn phải gồng mình chịu đựng dưới cái nắng nóng có lúc lên tới 41 độ mà không hề có một thiết bị điện nào để xoa dịu.

Trẻ em ở bản Đồng Lách vẫn phải học trong điều kiện không có điện, quạt mát dưới tiết trời nắng nóng.

Được biết, bản Đồng Lách có 111 hộ với 546 nhân khẩu nhưng mới chỉ có một hộ thoát nghèo, còn lại đều là hộ nghèo và cận nghèo. Thu nhập của các hộ này chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng hiện hai hồ đập của bản cái thì quá bé, cái lại bị sói lở nên không trữ được nước để phục vụ sản xuất.

Thành ra, trong 45 ha đất canh tác chỉ có 20 ha cấy được lúa, còn lại bà con phải trồng hoa màu để tiết kiệm nước. Ấy vậy mà có vụ nắng nóng quá, xã không dám bơm nước ra, đành để lúa chết cháy vì phải giữ lại lượng nước ít ỏi còn lại trong hang để người dân sinh hoạt và cho trâu bò uống.

Cũng bởi lẽ đó mà người dân đã quen với chuyện mất mùa, đói kém. Ví như vụ mùa năm 2015, toàn bản đều mất trắng đến nỗi người dân hoang mang vì không biết lấy gì để sống.

Đó cũng là lý do khiến cho người dân không dám đầu tư chăn nuôi vì thóc gạo cho người còn không đủ, lấy đâu thóc gạo cho gia súc, gia cầm?

Nói về cái đói triền miên của các bản Tam Sơn, Đồng Lách, Chủ tịch UBND xã Tân Trường - Nguyễn Ngọc Bê cho biết: “Là lãnh đạo, hơn ai hết chúng tôi muốn cuộc sống của bà con ở đây bớt khổ nên luôn có cơ chế quan tâm bằng các hoạt động thiết thực như: hỗ trợ mất mùa; tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất; tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm; vận động giáo viên dưới xuôi thay nhau lên giảng dạy cho các cháu ở bậc mầm non, tiểu học…

Tuy nhiên, dù xã có nỗ lực quan tâm đến đâu thì cũng chỉ như muối bỏ bể bởi cái cốt yếu nhất vẫn là làm sao để cho người dân ở đây có điện mới mong soi sáng được nhận thức, tư tưởng; có đập để sản xuất cho hiệu quả, ít nhất cũng giúp người dân có thể tự cung tự cấp, không lo bị đói; có đường bê tông để không còn cảnh mất đường sau mưa bão, để các cháu học sinh THCS không phải thức dậy từ 4h sáng để đi học.

Và quan trọng hơn, có đường còn là để cho người dân có thể giao lưu hàng hóa với bên ngoài, tạo điều kiện khuyến khích chăn nuôi, trồng trọt ở đây phát triển. Đó đều là những nhu cầu bức thiết nhưng chỉ với khả năng của xã là không thể đáp ứng”.

Câu chuyện của người dân Tam Sơn, Đồng Lách hẳn sẽ không ám ảnh tôi nhiều như vậy nếu như trên đường về ngày hôm đó, chúng tôi không quan sát thấy cảnh người dân của xã Tân Trường và một số xã lân cận đang giao lưu mua bán tấp nập dọc các con đường bê tông lớn nhỏ.

Chắc họ cũng không biết rằng, trong lúc gia đình và người thân đang mua sắm, sử dụng ngày một nhiều các thiết bị điện và công nghệ hiện đại như tivi, quạt điện, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa… thì ở một nơi rất gần kia vẫn có những hộ dân đến ánh sáng của ngọn đèn dầu cũng phải tiết kiệm.

Vậy nên mới có chuyện cứ đêm xuống, những đứa trẻ của bản Đồng Lách lại rủ nhau nhìn lên phía bên kia đỉnh núi và chúng tò mò tự hỏi, không biết bên ấy có gì mà sáng thế nhỉ?

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]