Trong 5 năm qua (2016 - 2020), hướng vào chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được đổi mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa: Nhiều cách làm hay trong phong trào thi đua yêu nước

Trong 5 năm qua (2016 - 2020), hướng vào chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được đổi mới.

Ngoài thi đua thường xuyên, Thanh Hóa đã phát động thi đua theo chuyên đề, thi đua theo đợt, thi đua nước rút gắn với kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, của tỉnh góp phần thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, giải quyết có kết quả nhiều việc khó khăn, bức xúc. Các phong trào thi đua trong tỉnh đã thực sự được phát động rộng khắp trên các lĩnh vực, các vùng, miền với nhiều cách làm hay có tính sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, được nêu gương trong toàn quốc.

Tiêu biểu thi đua theo chuyên đề, đó là phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động, từ năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã đưa chương trình xây dựng nông thôn mới vào nội dung thi đua.

Thi đua trong xây dựng nông thôn mới. (Ảnh: AM)

Để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế trong xây dựng nông thôn mới, với nhiều biện pháp và cách làm sáng tạo, tỉnh đã lựa chọn 11 xã điểm để chỉ đạo thực hiện và nhân ra diện rộng, chủ động xây dựng các quy định, hướng dẫn lập quy hoạch, đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ vay vốn, đầu tư phát triển công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng cho các xã, huyện đăng ký có khả năng đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4312/2015/QĐ-UBND ngày 27/10/2015 quy định về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch 197/KH-UBND ngày 29/12/2016 của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020, quy định cơ chế chính sách khen thưởng cho các huyện, xã, thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới như: Tặng cờ thi đua của UBND tỉnh và thưởng 3 tỷ đồng đối với huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Tặng cờ thi đua của UBND tỉnh và thưởng 500 triệu đồng đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới; tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và thưởng 50 triệu đồng đối với thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, bổ sung tiêu chí về sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, sau này đã được triển khai trong toàn quốc. Bước sang giai đoạn mới, để phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đạt hiệu quả, chất lượng, tỉnh tiếp tục ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu; xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020.

Đến tháng 8 năm 2020, toàn tỉnh đã có 07 huyện và 01 thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (các huyện: Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn; thành phố Thanh Hóa). Toàn tỉnh có 2 đơn vị là thị xã Bỉm Sơn, thành phố Sầm Sơn đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 379 xã (sau sáp nhập 312 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 66,61%, vượt 10,8% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,01 tiêu chí/xã, tăng 0,31 tiêu chí so với đầu năm 2019 và 4,71 tiêu chí so với năm 2015. Có 961 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 748 thôn, bản miền núi (sau sáp nhập còn 754 thôn, bản đạt chuẩn, trong đó, có 591 thôn miền núi); 17 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (sau sáp nhập còn 16 thôn, bản).

Tổng kết 10 năm thực hiện phong trào thi đua "Chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2011 - 2020, có 8 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Chính phủ; 12 tập thể, 03 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Tỉnh Thanh Hóa vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba đã có thành tích xuất sắc đi đầu trong xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản.

Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ và triển khai tích cực, huy động được nhiều nguồn lực lớn của xã hội vào xây dựng phát triển kinh tế, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Thanh Hóa đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, thực hiện các nội dung “3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp”; cải thiện môi trừờng đầu tư, kinh doanh; cải cách hành chính theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; xây dựng, triển khai các đề án khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; định kỳ lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp FDI, hội nghị xúc tiến đầu tư; hàng năm (13/10), tổ chức Lễ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp và sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu, tôn vinh các doanh nhân được tặng danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa”... Vì vậy, đã tập hợp sức mạnh, nguồn lực, trí tuệ và sức sáng tạo của các doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng, phát triển kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh có số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay, dự kiến thành lập mới 14.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 98.000 tỷ đồng, so với giai đoạn 2011 - 2015, gấp 2,6 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,3 lần về vốn đăng ký. Nhiều doanh nghiệp được đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ngày càng ổn định, giải quyết hàng nghìn việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017 - 2020, tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 27 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đứng thứ 3 trong cả nước, có 16 lượt doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia hàng năm (4 giải vàng, 12 giải bạc); có 03 doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Trong giai đoạn 2015 - 2020, có 05 doanh nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 07 doanh nhân được tặng danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa” và nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp được Đảng, Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý khác.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ/TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo, giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Phong trào đã làm chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm chính sách hỗ trợ: hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như: nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin, nước sạch; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Chỉ đạo, vận động thực hiện chính sách khám, chữa bệnh, hỗ trợ giáo dục, miễn, giảm học phí, trao tặng học bổng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; xây dựng quỹ “Vì người nghèo” được các tổ chức, các nhà hảo tâm, doanh nhân và các tầng lớp nhân dân nhiệt tình ủng hộ, góp phần cải thiện cuộc sống của những người nghèo.

Những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua đó là huyện Như Xuân (1 trong 7 huyện của tỉnh thuộc Chương trình 30a), là huyện đầu tiên của tỉnh thoát nghèo; cụ Đỗ Thị Mơ, 83 tuổi, thôn Lương Thiện, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân, làm đơn xin thoát hộ nghèo... đã một phần minh chứng cho sự thực chất, hiệu quả của phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong công tác giảm nghèo, đặc biệt tại các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; vùng dân tộc, miền núi, bãi ngang ven biển, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn tiếp cận đa chiều từ 13,51% (cuối năm 2015), xuống còn 3,27% (cuối năm 2019), bình quân giảm 2,56%/năm, vượt kế hoạch đề ra. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, tích cực đẩy mạnh bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao dân trí, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2020, có 70% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa và 75% thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, 78,2% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và 49,2% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (số liệu sau khi sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố); 62,7% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp huyện và 27,2% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 851 di tích được xếp hạng (01 Di sản thế giới, 05 Di tích quốc gia đặc biệt, 139 Di tích quốc gia; 706 Di tích cấp tỉnh) có 11 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; khôi phục nhiều trò chơi, trò diễn dân gian. Các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình đẩy mạnh thi đua đổi mới nội dung, tăng thời lượng và mở rộng phạm vi phát sóng đến vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi dân tộc.

Đồng thời với cách tổ chức thi đua theo chuyên đề, theo công việc, chủ đề, sự kiện, thời gian..., phong trào được đẩy mạnh trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, lực lượng an ninh quốc phòng, công nhân viên chức, người lao động trong toàn tỉnh.

Từ hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước, Thanh Hóa đã kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai và đẩy mạnh thi đua yêu nước với tinh thần không ngừng đổi mới, khen thưởng cả nội dung và hình thức, biện pháp; tập trung về cơ sở, khơi dậy truyền thống yêu nước cách mạnh, truyền thống anh hùng của quê hương Thanh Hóa, tự giác, tích cực, tham gia và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn cách mạng mới; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức các đợt thi đua phong phú, hấp dẫn; chủ động kết hợp giữa tổ chức phong trào thi đua hàng năm với các phong trào thi đua theo đợt, chuyên đề, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực, đúng hướng, có trọng điểm, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết, vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Quyết tâm thực hiện mục tiêu đưa Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu và thịnh vượng.

Theo dangcongsan.vn


Theo dangcongsan.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]