(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện lời dạy của Bác về thi đua yêu nước, trong 5 năm qua, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, phong trào thi đua và công tác khen thưởng ở Thanh Hóa tiếp tục được đổi mới. Các phong trào thi đua đã thực sự được phát động rộng khắp trên các lĩnh vực, vùng, miền trong tỉnh với nhiều cách làm hay có tính sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, được tuyên dương trong toàn quốc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa thi đua yêu nước

Thực hiện lời dạy của Bác về thi đua yêu nước, trong 5 năm qua, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, quyết tâm xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, phong trào thi đua và công tác khen thưởng ở Thanh Hóa tiếp tục được đổi mới. Các phong trào thi đua đã thực sự được phát động rộng khắp trên các lĩnh vực, vùng, miền trong tỉnh với nhiều cách làm hay có tính sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, được tuyên dương trong toàn quốc.

Từ những phong trào của Trung ương

Được phát động từ năm 2012, phong trào Chung sức xây dựng NTM ban đầu tỉnh Thanh Hóa lựa chọn 11 xã điểm để chỉ đạo thực hiện và nhân ra diện rộng. Đến tháng 8/2020, Thanh Hóa đã có 7 huyện đạt chuẩn NTM và TP Thanh Hóa hoàn thành xây dựng NTM, 379 xã (sau sát nhập 312 xã) đã được công nhận đạt chuẩn NTM đạt tỷ lệ 66,61%, vượt 10,8% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Đáng kể nhất trong số đó có Như Xuân là huyện đầu tiên trong tỉnh Thanh Hóa đã ra khỏi danh sách huyện 30a. Thông qua phong trào thi đua xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng; tham gia hiến đất làm các công trình công cộng; đóng góp công sức lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trong đó phải kể đến những người như ông Hoàng Ngọc Năm (thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ) đã xây dựng trang trại chăn nuôi, trồng cây ăn quả tổng thu nhập hàng năm đạt trên 400 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Bà Nguyễn Thị Thu (thôn 10, xã Bãi Trành) đã phát triển trang trại tổng hợp với 20ha cây lâm nghiệp, 3ha cây ăn quả, 1ha cây cao su, đồng thời chăn nuôi thêm gia súc và gia cầm. Tổng thu nhập hàng năm đạt trên 1 tỷ 900 triệu đồng. Họ là 2 trong số những gương điển hình xuất sắc trong nhiều phong trào xây dựng NTM ở Như Xuân nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Từ phương châm “Doanh nghiệp phát tài địa phương phát triển”, phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” nhanh chóng được triển khai, huy động được nhiều nguồn lực lớn ở Thanh Hóa. Để thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước trong doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển, thực hiện các nội dung “3 đồng hành, 5 hỗ trợ doanh nghiệp”; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách hành chính theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; xây dựng, triển khai các đề án khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; định kỳ lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức gặp gỡ với các doanh nghiệp FDI, hội nghị xúc tiến đầu tư; nhiều lễ tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp và sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu... Vì vậy, giai đoạn 2016 - 2020, cũng là giai đoạn Thanh Hóa có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất từ trước đến nay - khoảng 14.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 98.000 tỷ đồng, so với giai đoạn 2011 - 2015, gấp 2,6 lần về số doanh nghiệp và gấp 4,3 lần về vốn đăng ký. Vĩnh Lộc là một trong những huyện khởi sắc khi có thêm 1.047 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong 5 năm trở lại đây, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm.

Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” ở Thanh Hóa đã được các đơn vị hành chính sự nghiệp tích cực hưởng ứng, tạo nên tác phong, môi trường làm việc tích cực, thân thiện gắn với thực hiện hiệu quả cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Ngoài ra, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo nhiều chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo của người dân. Từ đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,51% (năm 2015) xuống còn 3,27% (năm 2019). Tự tin với những kết quả này, Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở mức thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Đến các phong trào thi đua trong tỉnh

Cùng với các phong trào thi đua trên cả nước, Thanh Hóa luôn tổ chức các cuộc thi đua thường xuyên. Nổi bật trong 5 năm qua là phong trào thi đua xây dựng “Công dân, gia đình, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu” đã thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng, tham gia tích cực, làm thay đổi hình ảnh, quê hương, con người Thanh Hóa. Tính đến nay, toàn tỉnh có 285/4.315 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp kiểu mẫu, 1 phường kiểu mẫu, đạt 6,6% tổng số xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Hàng năm, Thanh Hóa đã tổ chức biểu dương, khen thưởng 10 “Công dân kiểu mẫu” tiêu biểu. 5 năm một lần nhân dịp kỷ niệm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947), tổ chức hội nghị biểu dương, vinh danh các công dân, hộ gia đình, tập thể kiểu mẫu tiêu biểu trong toàn tỉnh.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, ngành GD&ĐT tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để “Mỗi giáo viên là một bông hoa dạy tốt, mỗi học sinh là một bông hoa học tốt”, “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”. Các phong trào thi đua đã có tác động tích cực làm chuyển biến chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học và các vùng miền, Thanh Hóa liên tục đứng trong tốp đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, có 353 học sinh đạt giải quốc gia các môn văn hóa THPT; 16 học sinh đoạt huy chương Olympic Quốc tế, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngành y tế đã phát động nhiều phong trào thi đua: “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp”, “Giảm thiểu rác thải nhựa”, “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”,... nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ bệnh nhân của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y. Đến nay, tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế đạt 90%, tăng 44,9%, vượt kế hoạch; 100% trạm y tế xã có bác sĩ, tạo điều kiện cho y tế tuyến cơ sở phát triển toàn diện. Ở khắp các vùng miền, các tuyến y tế đều xuất hiện những gương điển hình tiên tiến.

Thi đua yêu nước, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai và thực hiện nhiều phong trào riêng. Đáng kể phải nói đó là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Phong trào “Thi đua quyết thắng”, “Huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, an toàn tuyệt đối”; “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Thi đua bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” với 20.018 thanh niên lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn 2015 - 2020...

Và những người truyền lửa ước mơ

317 cá nhân vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh lần này, họ là những con người dám thay đổi số phận, thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và cách tư duy. Đặc biệt, rất nhiều trong số họ thuộc thế hệ 7X, thậm chí là 8X, xác định đầu tư, phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Chị Lê Thị Vân (1980) khởi nghiệp từ nền tảng hộ kinh doanh cá thể của gia đình nhưng chỉ sau một năm thành lập Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Rich Farm. Chị Vân đã đưa các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều địa phương, đồng hành cùng bà con nông dân trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Doanh thu hằng năm đạt hàng chục tỷ đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 35 lao động với mức thu nhập từ 6,5 - 10 triệu đồng/ tháng.

Hay chị Trịnh Thị Tình (1987) - Giám đốc HTX rau củ quả an toàn, đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới trồng rau quả theo mô hình Vietgap và làm xưởng mộc, thu lợi nhuận hàng năm đến 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương. Anh Lê Ngọc Anh (1985) - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia, đã xây dựng thành công thương hiệu nước mắm truyền thống của gia đình thành sản phẩm OCOP tiêu biểu. Anh Dương Văn Khoa (1989), thôn Song Nga, xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy đã đầu tư 1.200m2 nhà màng, áp dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, trồng cây dưa vàng, dưa lưới, dâu tây. Hàng năm anh thu về lợi nhuận trên 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập ổn định. Anh Nguyễn Thanh Hảo (1990) ở xã Tế Lợi, huyện Nông Cống xây dựng mô hình rau sạch, cho lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/tháng. Hiện nay cơ sở của anh có 10 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Và còn rất nhiều điển hình tiên tiến khác là người trẻ. Mang theo kinh nghiệm và cả khát vọng làm giàu của tuổi trẻ, họ đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con nhân dân và đoàn viên thanh niên tham gia phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống gia đình.

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”, lời dạy của Bác Hồ năm nao vẫn đầy ý nghĩa. 46 tập thể và 136 gương điển hình được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, là những bông hoa đẹp nhất, tỏa thơm hương nhất trong cả rừng hoa xứ Thanh. Họ đang góp một phần nhỏ xây dựng Thanh Hóa trở thành “tỉnh kiểu mẫu”.

Chi Anh


Chi Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]