(vhds.baothanhhoa.vn) - Số phận nghiệt ngã đã cướp đi đôi chân của Đỗ Duy Hiếu (sinh năm 1986) khi anh đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Cơ khí của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thầy giáo Đỗ Duy Hiếu: Chắp cánh ước mơ cho mình và học trò

Số phận nghiệt ngã đã cướp đi đôi chân của Đỗ Duy Hiếu (sinh năm 1986) khi anh đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Cơ khí của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thầy giáo Đỗ Duy Hiếu: Chắp cánh ước mơ cho mình và học tròThầy giáo Đỗ Duy Hiếu trao giải cuộc thi Siêu tính nhẩm cho học sinh nhỏ tuổi.

Đỗ Duy Hiếu còn nhớ mãi cái ngày bị tai nạn, anh chán nản, mất phương hướng. Nhưng rồi chẳng thể cứ bi lụy mãi, gia đình nghèo nuôi 4 người con đã khó, giờ thêm anh “ăn bám” thì cuộc đời bố mẹ sẽ thế nào? Suy nghĩ ấy đã giúp anh thay đổi, thời gian dưỡng bệnh, cũng là lúc anh trải nghiệm việc dạy cho học sinh (HS) trong làng. Người này giới thiệu người kia, có ngày anh dạy tới 4 ca mà không có cách từ chối mọi người.

Anh nhận ra cái duyên và là hướng đi cho cuộc đời mình. Đỗ Duy Hiếu tâm sự: “Lúc đó tôi nghĩ, tôi phải tiếp tục giấc mơ ngồi ở giảng đường đại học”. Và trong 4 năm học khoa Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), anh đã giành được nhiều thành tích: Giải Nhất Nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường, Gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội, Giải Nhất Tài năng khoa học trẻ 2013, là thủ khoa đầu ra với số điểm 3,59/4. Vì thế, sau khi tốt nghiệp, anh được Đại học Lyon (Pháp) mời sang học tập và nghiên cứu với học bổng toàn phần. Tuy nhiên, anh đã từ chối và vào công tác ở Viện Toán học Việt Nam, được đặc cách làm luận án Tiến sĩ (không cần qua Thạc sĩ).

Hiểu được những khó khăn của mình và để thực hiện ước mơ dạy học, truyền lửa cho các thế hệ học trò, Đỗ Duy Hiếu đã mạnh dạn thành lập Trung tâm ôn luyện Toán dành cho HS từ lớp 2 đến lớp 12. Ngoài ra, anh áp dụng công nghệ trong việc giảng dạy để đưa kiến thức gần hơn với các em HS. Anh dành nhiều thời gian quay video bài học và đăng tải trên website, fanpage Toán học 247. “Kể từ khi có dịch COVID-19, trung tâm của tôi đã dừng hoạt động trực tiếp. Thay vào đó chỉ tập trung dạy online. Hiện tại, Trung tâm Học Toán Cùng Thủ Khoa đã có hơn 500.000 HS tham gia theo học", anh cho biết.

Để việc học và luyện thi của các em nhẹ nhàng và có hiệu quả hơn, anh Đỗ Duy Hiếu áp dụng hai phần mềm: Khóa học Toán online tương tác hai chiều và phần mềm luyện thi Violympic. Trong đó, Khóa học Toán online tương tác hai chiều do chính anh sáng tạo ra đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền Tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Điều hấp dẫn HS tham gia các lớp học của thầy Hiếu đó là bài học được soạn thảo theo chuyên đề, bao gồm cả phần lý thuyết (video) và phần luyện tập củng cố kiến thức (trên máy tính). Nếu HS chưa hiểu bài, máy tính sẽ yêu cầu học lại đến lúc hiểu bài mới được học tiếp phần khác. Hoặc HS có thể gửi câu hỏi, thầy sẽ giảng lại qua website hoặc fanpage của trung tâm. Điểm và xếp hạng sẽ được gửi qua email cá nhân của HS theo từng ngày. Ngoài ra, thầy Hiếu còn áp dụng thêm một kênh truyền tải kiến thức mới, tạo sự hứng thú và động lực cho HS: Dạy học bằng live stream trên facebook. Anh chia sẻ: “Học qua video các em chủ động tiếp thu kiến thức, còn livestream giúp các em củng cố kiến thức, giải đáp thắc mắc. Điều quan trọng, các em sẽ có hứng thú hơn trong việc học Toán - một môn được coi là khô khan và khó nhớ với nhiều công thức phức tạp”.

Thầy giáo Đỗ Duy Hiếu tâm sự: “Thỉnh thoảng vẫn có những HS ở rất xa muốn đến để được gặp thầy, một số phụ huynh gửi lời cảm ơn thầy Hiếu vì đã giúp họ trút bỏ nỗi lo học tập môn Toán của con em mình. Mỗi người tìm niềm vui theo cách của mình, với tôi, được làm công việc mình yêu thích, trao truyền sự mạnh mẽ cho các em HS, đó không chỉ là niềm vui mà còn là sự hạnh phúc!”.

Thầy giáo Đỗ Duy Hiếu: Chắp cánh ước mơ cho mình và học tròMột giờ dạy của thầy giáo Đỗ Duy Hiếu.

Chia sẻ về gốc rễ của giáo dục, thầy giáo Đỗ Duy Hiếu cho biết: HS càng bé, việc hình thành thói quen tư duy, thói quen học tập tốt càng quan trọng. Đôi khi chỉ một thói quen nhỏ cũng có thể làm thay đổi cả một cuộc đời. Ví dụ một HS có thói quen viết sạch đẹp thường sẽ dành thời gian nắn nót viết sao cho thật đẹp, gọn gàng mà ít dành thời gian hơn để nghe giảng, tư duy phân tích vấn đề, nháp bài… Ngược lại, những HS có thói quen ghi chép nhanh, ghi chép ý chính… sẽ có nhiều thời gian hơn để tư duy phân tích, phản biện vấn đề, thậm chí tìm thêm những cách giải nhanh và hiệu quả, nên sẽ có cơ hội phát triển nhiều hơn”. Có lẽ, chính vì vậy mà Đỗ Duy Hiếu đã quyết định đầu tư cho giáo dục mầm non. Anh vừa mở 2 trường mầm non tư thục và 1 trung tâm tiếng Anh ở phường Thiệu Dương và phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa).

Sau khi ổn định các hệ thống dạy online và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, Đỗ Duy Hiếu tập trung phần nhiều thời gian cho việc nghiên cứu về thuật toán. Đây là xu hướng mới hiện nay khi mạng xã hội facebook, zalo, các kênh mua sắm online đều cần sử dụng để phân tích dữ liệu, khả năng ước lượng... và phản biện xã hội.

Trong chặng đường vượt lên số phận, để có những thành công như ngày hôm nay, điều khó khăn nhất với Đỗ Duy Hiếu là anh đã phải trải qua những khủng hoảng về sức khỏe, tinh thần và kinh tế. “Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi vẫn thầm hỏi: Tôi lấy đâu dũng khí để có thể băng qua khó khăn. Có lẽ, tôi chẳng có sự lựa chọn nào. Tôi phải bước tiếp”. Hơn ai hết, anh hiểu để vượt qua khó khăn, một người khuyết tật cần phải khẳng định có ý chí là có con đường.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]