(vhds.baothanhhoa.vn) - Uy hiếp người dân bằng cách ném chất bẩn vào nhà để “dằn mặt” nếu bị quay phim, clip tố cáo đến cơ quan chức năng về việc khai thác cát trái phép. Hành động ngang ngược của các đối tượng mang danh “cát tặc” đã gây sự phẫn nộ với người dân thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa trong suốt thời gian kéo dài.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thiệu Hóa: Vẫn “nóng” tình trạng khai thác cát trái phép

Uy hiếp người dân bằng cách ném chất bẩn vào nhà để “dằn mặt” nếu bị quay phim, clip tố cáo đến cơ quan chức năng về việc khai thác cát trái phép. Hành động ngang ngược của các đối tượng mang danh “cát tặc” đã gây sự phẫn nộ với người dân thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa trong suốt thời gian kéo dài.

Khi“cát tặc” quay sang “dằn mặt” dân

Theo ghi nhận, các hộ dân dọc tả, hữu con sông Chu đoạn qua thôn Quản Xá bức xúc cho biết: Tình trạng các thuyền khai thác cát trái phép diễn ra suốt một thời gian dài dưới sự bất lực từ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng. Đặc biệt những ngày gần đây, mưa bão, giông gió nhưng các đối tượng bất chấp, sẵn sàng “rút ruột” tài nguyên, đe dọa sự an nguy của con đê và cả tính mạng của cả hàng ngàn hộ dân.

“Khi người dân bức xúc phản ánh, quay phim để gửi cơ quan chức năng, phản ánh lên báo, mạng thì ngay lập tức bị các đối tượng “xã hội” dùng nhiều thủ đoạn như ném chất bẩn vào nhà, nửa đêm rồ rú ga... gây mất trật tự” - một hộ dân cho biết.

Các thuyền hút cát luôn thường trực trên tuyến sông Chu đoạn chảy qua xã Thiệu Hợp.

Đơn cử, ngày 19/8, ông Quản Hữu Vinh, thôn Quản Xá, xã Thiệu Hợp sau khi dùng điện thoại di động ghi lại cảnh các thuyền cát đang sục vòi rồng vào sát chân đê để moi móc tài nguyên thì ngay tối hôm đó, khi cả nhà đang ngủ, nhiều đối tượng côn đồ, lưu manh đã ném chất bẩn vào nhà ông để “cảnh cáo”, kèm những lời lẽ xúc phạm, chúng nẹt pô xe máy, rồ ga làm hoảng loạn con nhỏ, hoang mang, mất trật tự trong khu dân cư.

Ông Bách Khâm (thôn Quản Xá) lắc đầu cho rằng: Đoạn đê xung yếu nhất xã Thiệu Hợp chúng cũng không tha. Chúng hút cả ngày lẫn đêm làm xói lở, sạt lở mặt đê. Khi người dân phản ánh thì trận “mưa” gạch đá trút xuống nhà dân từ bọn xã hội. Để lấy lại sự bình yên cho con sông Chu thơ mộng, sự an toàn cho tuyến đê tả hữu và tính mạng của hàng ngàn hộ dân kính mong các cấp, ngành chức năng sớm dẹp bỏ triệt để vấn nạn “cát tặc”.

Qua tìm hiểu cho thấy, hiện trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có 3 mỏ cát đang hoạt động trên sông Chu. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo từ chính quyền, cấp ngành chức năng để đánh cắp tài nguyên một cách công khai, thách thức pháp luật.

Hậu quả nhãn tiền cho thấy, chỉ trong 2 năm trở lại đây, do tác động của dòng chảy và nạn khai thác cát trộm, diện tích đất nông nghiệp của bà con đã mất khoảng 1 héc ta. Tình trạng sạt lở, gây mất đất sản xuất khiến người dân rất bức xúc. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn là việc họ cắm vòi vào hút cát ở sát chân đê. Nếu không có biện pháp mạnh để xử lý, tuyến đê xung yếu này gây “thảm họa” thiên tai vào mùa mưa lũ là điều khó tránh khỏi.

Ngành chức năng nói gì?

Lãnh đạo xã Thiệu Hợp cho rằng, phía chính quyền xã đã rất nỗ lực trong việc dẹp loạn cát tặc. Thậm chí, xã đã liên tục duy trì cắt cử lực lượng để bảo vệ, canh giữ dọc tuyến đê không để các đối tượng hút cát cho thuyền khai thác cát ngoài phạm vi của mỏ.

Bên cạnh đó, phía UBND huyện Thiệu Hóa có chỉ đạo về cấp xã là giám sát các mỏ này không để tình trạng hút trộm cát xảy ra. Nếu đơn vị nào vi phạm thì UBND xã được quyền lập biên bản tạm giữ phương tiện...

Nói là vậy, song thực trạng đang diễn ra thì chính quyền xã này “quay gót”thừa nhận khó khăn?!

Lý do, lực lượng mỏng, không chuyên trách. Khó khăn về nguồn kinh phí duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát. Khối lượng cát hút phải từ 6m3 thì mới được lập biên bản, xử phạt. Bên cạnh đó, các đối tượng “cát tặc” khai thác tinh vi thường vào đêm. Các đối tượng đều có “tai mắt” khi có động tĩnh từ phía chính quyền thì các thuyền này lại chạy vào trong vị trí mỏ được cấp phép và “ẩn mình”. Và, nghìn lẻ một lý do khác...

Trong khi đó, lãnh đạo huyện này thì cho rằng, địa bàn huyện có tới 17 xã có sông và có cát nên huyện không thể làm thay các xã trong công tác quản lý, giám sát được. Mà quan trọng là chính quyền cấp sở tại phải có phương án tại chỗ để ngăn ngừa vấn đề này.

Tạm gác cái gọi là lý do cố hữu, thực trạng “cát tặc” vẫn “nóng” ở huyện Thiệu Hóa. Phải chăng nguyên do chỉ bởi địa bàn này có trữ lượng cát lớn nhất tỉnh Thanh Hóa?! Đã nhiều lần huyện Thiệu Hóa đưa ra “bố cáo” đến các xã, nếu địa phương nào để xảy ra nạn “cát tặc” thì sẽ kỷ luật chủ tịch UBND xã đó, chủ tịch xã là người chịu trách nhiệm chính. Nói là vậy, nhưng so với thực tế có lẽ đang là nghịch lý?! Tính từ đầu năm tới nay, số lượng thuyền hút cát vi phạm đã lập biên bản và xử lý là hơn 20 vụ...

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]