(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những ngày này, mảnh đất Thọ Ngọc (huyện Triệu Sơn) như bừng thêm sức sống khi lễ đón nhận NTM đang được thông báo tới mọi nhà. Trong thời khắc hoan ca ấy, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương vẫn không quên nhớ về những nhọc nhằn, vất vả đã trải qua kể từ sau khi bắt tay vào triển khai chương trình xây dựng NTM. Trong đó, đọng lại nhiều hơn cả là hình ảnh của những người dân dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tự nguyện đóng góp sức người, sức của để làm đổi thay nhanh diện mạo của xã.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thọ Ngọc ngày ấy, bây giờ...

(VH&ĐS) Những ngày này, mảnh đất Thọ Ngọc (huyện Triệu Sơn) như bừng thêm sức sống khi lễ đón nhận NTM đang được thông báo tới mọi nhà. Trong thời khắc hoan ca ấy, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương vẫn không quên nhớ về những nhọc nhằn, vất vả đã trải qua kể từ sau khi bắt tay vào triển khai chương trình xây dựng NTM. Trong đó, đọng lại nhiều hơn cả là hình ảnh của những người dân dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tự nguyện đóng góp sức người, sức của để làm đổi thay nhanh diện mạo của xã.

“Khó vạn lần...”

Còn nhớ khi mới bước vào xây dựng NTM (2011), Thọ Ngọc còn là một xã thuần nông, ngành nông nghiệp chiếm gần 50%, sản xuất mang tính nhỏ lẻ, hệ thống giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh, đường giao thông nông thôn, trục chính nội đồng đi lại còn khó khăn và mới kiên cố hóa được 30%; hệ thống trường học mới được 1/3 trường đạt chuẩn Quốc gia; công sở làm việc và hội trường xã xuống cấp; khu trung tâm văn hóa xã chưa có; hệ thống nhà văn hóa - sân thể thao thôn chưa đạt yêu cầu; chợ và trạm y tế xuống cấp nghiêm trọng; tỷ lệ hộ nghèo còn tới 13,59%; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 11 triệu đồng /người/năm; tỷ lệ người dân tham gia BHYT còn thấp; người lao động qua đào tạo mới chỉ đạt dưới 35%...

Đó là những thách thức lớn đòi hỏi xã Thọ Ngọc phải mất rất nhiều thời gian và kinh phí mới có thể thay đổi được... Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế và chưa kịp thời, lại thêm đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, không thể cùng một lúc huy động thực hiện quá nhiều tiêu chí. Địa phương chỉ còn biết trông vào nguồn kinh phí cấp phát quyền sử dụng đất nhưng thực tế thì việc quy hoạch đất không phải lúc nào cũng đáp ứng được nhu cầu xây dựng. “Tuy nhiên, những vấn đề đó còn không đáng lo ngại bằng việc lúc bấy giờ, một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân chưa nhận thức đầy đủ sự cần thiết phải xây dựng NTM, đa số còn thờ ơ vì cho rằng địa phương không thể hoàn thành đúng tiến độ chỉ trong một thời gian hạn hẹp. Đây chính là sức nặng lớn nhất khiến cho địa phương không ít lần bế tắc vì “dễ trăm lần không dân cũng chịu”, huống hồ đó là một cuộc vận động có tính chất toàn diện, liên quan trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội”. - Chủ tịch UBND xã Thọ Ngọc Lê Văn Đăng kể lại.

Nhờ có được sự đóng góp của người dân mà 15/15 nhà văn hóa của Thọ Ngọc đã được xây mới và nâng cấp khang trang, rộng rãi.

Biết là lắm thách thức, gian nan nhưng vì nhận thấy xây dựng NTM là một cuộc “cách mạng” có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo đà làm thay đổi bức tranh KT-XH của địa phương nên để có thêm quyết tâm thực hiện, xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM; cùng với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giúp cho mỗi đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu được, xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, trong đó người dân là chủ thể. Dẫu ngân sách của xã hạn chế nhưng nhằm giảm áp lực đóng góp trong nhân dân, để nhân dân thêm tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, xã đã ban hành chính sách “kích cầu” xây mới và nâng cấp đối với một số công trình công cộng; đồng thời hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, ưu tiên những hộ có phụ nữ, người tàn tật, hộ chính sách, người có công; hỗ trợ giống để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cây trồng cho giá trị kinh tế cao...

Từ những cách làm kể trên đã giúp người dân dần hiểu rõ và cùng phối hợp thực hiện. Cũng từ đây, những câu chuyện về người dân tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công cho đến góp đất xây dựng các công trình có trong hạng mục quy định dần trở nên phổ biến. Không ít gia đình và con em xa quê còn ủng hộ thêm với tổng số tiền lên đến cả tỷ đồng. Nhờ đó mà một số tiêu chí khó như tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa tưởng không thể hoàn thành kịp tiến độ thì lại hoàn thành trước cả thời hạn.

“...Dân liệu cũng xong”

Nếu như tổng kinh phí xây dựng NTM của xã Thọ Ngọc trong 5 năm (2011 - 2016) là 94.853.000.000 đồng thì trong đó có tới 62.482.000.000 đồng là vốn của nhân dân. Cũng từ nguồn vốn này mà Thọ Ngọc đã từng bước “thay da đổi thịt” với 3 trường học đạt chuẩn Quốc gia; trạm y tế, công sở xã được xây mới; hệ thống nhà văn hóa - khu thể thao thôn được xây dựng và nâng cấp theo quy định; đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt 96,6%; giao thông nội đồng cứng hóa đạt 86%; kênh mương nội đồng được cứng hóa đạt 85,53%; hàng trăm ngôi nhà và công trình vệ sinh được tân trang, cải tạo...

NTM đã đem lại cho Thọ Ngọc sức sống mới, diện mạo mới.

Sự chuyển biến nhanh về diện mạo của xã Thọ Ngọc có một ý nghĩa vô cùng to lớn bởi nó vừa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển trong tình hình mới, vừa giúp nhân dân thêm tin tưởng: xây dựng NTM thực chất là tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng - kỹ thuật để nhân dân được hưởng thụ những điều kiện tốt nhất trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, đi qua những vất vả, khó khăn thì vui nhất với người dân của vùng quê này chính là nhận ra được, chẳng cần phải đi xa làm ăn như trước đây mà chỉ cần có sự năng động, chịu khó bươn chải thì ngay tại quê hương vẫn có được việc làm và nâng cao nguồn thu nhập nhờ tham gia sản xuất nông nghiệp; đồng thời đầu tư kinh doanh buôn bán, dịch vụ phù hợp với thời gian và sức lao động của mỗi gia đình. Chính sự nhận thức đó đã giúp người dân dần loại bỏ được những thói quen sản xuất lạc hậu, thay vào đó là tư duy hàng hóa giúp nhân dân không chỉ chủ động chuyển dịch việc làm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo mùa vụ, thị trường mà còn chủ động áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tránh được tình trạng “được mùa mất giá” vốn vẫn luôn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó mà đến năm 2015 đã nâng tỷ lệ người lao động có việc làm thường xuyên lên 93%, cho mức thu nhập bình quân đạt 22,434 triệu đồng/người/năm, giảm hộ nghèo xuống còn 4,97%. “Đó quả là điều kỳ diệu bởi Thọ Ngọc không nằm trong Kế hoạch các xã về “đích” NTM năm 2016 của huyện Triệu Sơn. Điều này một lần nữa cho thấy, xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, hợp với ý Đảng lòng dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ để rồi tạo thành sức mạnh tổng hợp giúp Thọ Ngọc đẩy nhanh tiến độ, xây dựng thành công NTM trong năm 2016”. - Chủ tịch UBND xã Lê Văn Đăng chia sẻ.

Lại nói về vai trò của nhân dân, ông Đăng cho biết thêm: Người dân Thọ Ngọc xưa nay có truyền thống đoàn kết đồng lòng. Dù đời sống còn nhiều vất vả nhưng những người trưởng thành từ mảnh đất này luôn có tinh thần xây dựng làng, xã rất cao, nhất là khi địa phương đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Đây cũng là lí do mà Chương trình xây dựng NTM ở Thọ Ngọc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn nhưng đã kịp hoàn thành đúng tiến độ. Điều này đã giải thích được vì sao, càng đứng trước những thách thức, gian nan, Thọ Ngọc càng có những bước đi vững chắc, khiến cho mỗi người dân sinh ra trên mảnh đất này đều luôn mang trong mình một niềm tự hào, hãnh diện.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]