(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở vùng đất “Vãn Hà phong tục mỹ” (tức Vãn Hà có nhiều phong tục đẹp), Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh người làng Trí Cẩn, nay thuộc thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa), là 1 trong 3 người đỗ đại khoa của làng quê bên bờ sông Chu. Tên tuổi của ông ngày nay còn được lưu danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh: Vị đại khoa trên đất Vãn Hà

Sinh ra ở vùng đất “Vãn Hà phong tục mỹ” (tức Vãn Hà có nhiều phong tục đẹp), Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh người làng Trí Cẩn, nay thuộc thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa), là 1 trong 3 người đỗ đại khoa của làng quê bên bờ sông Chu. Tên tuổi của ông ngày nay còn được lưu danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh: Vị đại khoa trên đất Vãn Hà

Sắc phong đang được lưu giữ tại Di tích lịch sử - văn hóa nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Quang Minh.

Theo các tài liệu (văn bia, gia phả, sắc phong) còn lưu giữ, tiến sĩ Nguyễn Quang Minh sinh ra trong gia đình có truyền thống làm quan. Cha ông là quan võ, có công lớn trong sự nghiệp “phù Lê diệt Mạc”. Tuy vậy, ông không theo con đường nhà binh giống cha, ông lựa chọn dùi mài kinh sử theo văn nghiệp. Năm 1628, triều vua Lê Thần Tông, tại khoa thi Mậu Thìn ông đỗ Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh: Vị đại khoa trên đất Vãn Hà

Nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Quang Minh được lập dựng ở làng Trí Cẩn sau khi ông qua đời.

Trong cuộc đời làm quan, ông giữ chức Lại bộ Tả thị lang, từng được triều đình cử đi sứ phương Bắc giao thiệp với nhà Minh. Các tài liệu đều nhắc đến ông với sự ngợi ca tài năng, làm quan thanh liêm và thương dân như con. Bởi vậy mà được người đời nể trọng. Theo nội dung tại văn bia Văn miếu Quốc Tử Giám, tiến sĩ Nguyễn Quang Minh còn được nhà vua ban tước “Mỹ Lộc Hầu”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh: Vị đại khoa trên đất Vãn Hà

Bên trong hậu cung di tích nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Quang Minh.

Sau khi mất, triều đình phong ông là phúc thần tại quê nhà. Đặc biệt, ông còn được phong phúc thần ở làng Phù Lỗ (nay thuộc Sóc Sơn, Hà Nội). Tại đền thờ ông ở làng Trí Cần còn lưu câu đối: “Vạn Hà bất một cao danh bảng/Phù Lỗ phục sinh đại phúc thần” (được hiểu là Vạn Hà không mất đi cao danh bảng, Phù Lỗ sống lại đại phúc thần).

Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh: Vị đại khoa trên đất Vãn Hà

Di tích lịch sử văn hóa nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Quang Minh được tôn tạo khang trang.

Nhà thờ ở làng Trí Cẩn được lập dựng sau khi tiến sĩ Nguyễn Quang Minh qua đời. Trải qua các triều đại phong kiến trong lịch sử, ông nhiều lần được nhà vua ban sắc phong. Đạo sắc phong thời vua Khải Định còn lưu giữ đến ngày hôm nay ngợi ca ông là “Vị tôn thần giúp nước cứu dân có nhiều linh ứng”.

Tuy nhiên, trải qua thời gian cùng những thăng trầm lịch sử, di tích đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo. Ông Nguyễn Khắc Trường 86 tuổi - cháu đời thứ 16 của tiến sĩ Nguyễn Quang Minh cho biết: “Tại di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Quang Minh hiện nay còn lưu giữ một số hiện vật như áo bào vua ban; sắc phong và bức đại tự cổ… Tất cả đều là hiện vật gốc của di tích, được các đời con cháu cố gắng gìn giữ”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Minh: Vị đại khoa trên đất Vãn Hà

Di tích nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Quang Minh ở làng Trí Cẩn là nơi tập trung con cháu trong những ngày lễ lớn, để cùng nhau nhớ về nguồn cội.

Trông coi di tích nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Quang Minh nhiều năm qua, bà Đỗ Thị Hoan - con dâu dòng họ tự hào: “Hàng năm vào ngày lễ, tết, kỵ (giỗ) của tiền nhân, con cháu trong dòng họ lại tề tựu đông đủ về nhà thờ. Ngoài việc thắp nén hương thơm tưởng nhớ người xưa, còn cùng nhau nhắc nhớ công lao của cụ, lấy đó làm gương sáng để noi theo”.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]