(vhds.baothanhhoa.vn) - Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế của gần 47.000 lao động tại tỉnh Thanh Hoá mà còn tác động không nhỏ tới thị trường lao động địa phương. Đảm bảo quyền lợi của người lao động khi mất việc cũng như giúp họ sớm có việc làm trong thời điểm khó khăn này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hoá đang là địa chỉ tin cậy để người lao động tìm đến.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tìm kiếm việc làm sau dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới sinh kế của gần 47.000 lao động tại tỉnh Thanh Hoá mà còn tác động không nhỏ tới thị trường lao động địa phương. Đảm bảo quyền lợi của người lao động khi mất việc cũng như giúp họ sớm có việc làm trong thời điểm khó khăn này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hoá đang là địa chỉ tin cậy để người lao động tìm đến.

Bước ra từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, anh Lê Văn Cảnh, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định phấn khởi, tự tin về khả năng tìm được việc làm ngay tại trung tâm này. Bởi theo anh, ngoài kinh nghiệm của bản thân đã từng làm việc 2 năm cho một doanh nghiệp Hàn Quốc đặt tại tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Dịch vụ việc làm là địa chỉ tin cậy để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm. Khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp cắt giảm nhân công nên anh Thịnh bị mất việc làm. Khi nghe bạn bè giới thiệu, anh đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa nộp hồ sơ phỏng vấn. Anh cho biết: “Bây giờ, tôi chỉ muốn có doanh nghiệp trong tỉnh, trong huyện tuyển dụng và làm nghề gì cũng được, miễn là có việc làm sớm để lo cho cuộc sống hàng ngày”.

Lượng người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa nộp hồ sơ BHTN và nhận thông tin tư vấn GTVL tăng cao.

Cùng cảnh bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đang có nhu cầu tìm được việc làm sớm, chị Tô Thị Thương, xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa tâm sự: Chị vào Nam lập nghiệp và đã từng làm nhiều công việc khác nhau. Tháng 8/2008 xin vào làm công nhân tại Công ty Saitex International Đồng Nai. Do phải cắt giảm lao động nên công ty cho chị nghỉ việc từ cuối tháng 4/2020. Cùng thời điểm chồng chị là Vi Văn Nhất, làm tại Công ty TNHH Kim khí Fuji Việt Nam (Đồng Nai) cũng bị nghỉ việc vì dịch Covid-19. Từ ngày nghỉ việc, cuộc sống bị đảo lộn, không có thu nhập nhưng vẫn phải trả tiền thuê nhà, vẫn phải chi tiêu ăn uống, sinh hoạt. Thấy không có khả năng để bám trụ nên vợ chồng, con cái dắt díu nhau về quê. Hai vợ chồng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để làm hồ sơ xin việc, hy vọng tìm được việc làm mới ngay trong tỉnh.

Làm việc tại công ty may ở huyện Nông Cống được hơn 3 năm và tay nghề đã thành thạo nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Nguyễn Thị Hồng Nhung, xã Trường Minh, huyện Nông Cống bị mất việc làm. Sau nhiều tháng ngồi nhà, chờ công ty gọi nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh. Vì vậy, Nhung quyết định lên trung tâm dịch vụ việc làm nhờ tư vấn, giới thiệu việc làm.

Không chỉ có Cảnh, vợ chồng chị Thương hay Nhung bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà có đến hơn chục ngàn người đã tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nhờ tư vấn giới thiệu việc làm từ đầu năm đến nay.

Ông Phạm Văn Viện, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết, 6 tháng đầu năm 2020, trung tâm đã tiếp nhận 14.070 hồ sơ của người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp và có 13.867 lao động được tư vấn giới thiệu việc làm... Bên cạnh đó, lượng người lao động đến trung tâm dịch vụ việc làm làm đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và tư vấn giới thiệu việc làm tăng dần trong những tháng gần đây. Nếu trong tháng 4 có 2.358 người đến nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp và có 2.328 người được tư vấn giới thiệu việc làm thì những ngày đầu tháng 6, lượng người đến nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp đã tăng lên 4.968 người và có trên 5.000 người được tư vấn giới thiệu việc làm.

Nhằm sớm đưa người lao động tái hòa nhập thị trường, bên cạnh việc thực hiện chính sách chi trả trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã chủ động lên phương án và triển khai các giải pháp để thực hiện. Đa dạng hóa, đổi mới hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, dạy nghề. Đồng thời phát huy hiệu quả chức năng kết nối "cung - cầu" lao động, đổi mới cách thức tổ chức sàn giao dịch việc làm và thông tin thị trường lao động, kết nối với doanh nghiệp để nắm bắt về vị trí việc làm trống cần tuyển dụng và cập nhật lên website, trang Fanpage, niêm yết tại bảng tin của trung tâm. Từ đó, người lao động dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm trước yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Hệ thống sàn giao dịch việc làm làm tốt vai trò tư vấn cho người sử dụng lao động về công tác tuyển dụng, về xác định chỉ tiêu tuyển dụng, đưa ra chế độ, quyền lợi phù hợp cho người lao động. Đối với doanh nghiệp khi đến với hệ thống sàn giao dịch việc làm được tư vấn về công tác quản trị và phát triển nguồn nhân lực, sử dụng lao động và phát triển việc làm. Thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm, người lao động được tư vấn để định hướng, lựa chọn nghề nghiệp, công việc phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân, cũng như nắm rõ hơn thông tin của thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn, chính sách về bảo hiểm. Ngoài ra người lao động còn được tư vấn về kỹ năng thi tuyển, phỏng vấn để sẵn sàng tham gia quá trình tuyển dụng của các doanh nghiệp. Thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm đã góp phần phát triển mạng thông tin việc làm, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người tìm việc, việc tìm người. Nhờ đó mà rất nhiều lao động đã xin được việc làm mới với mức lương ổn định, góp phần giảm bớt khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]