(vhds.baothanhhoa.vn) - Năm 2008, tôi nhận được thư mời của anh Phan Văn Phờ, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Trưởng ban vận động sưu tầm lịch sử, hiện vật về Quảng Nam anh dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ vào Quảng Nam. Cái lý do cũng rất đơn giản, anh Phan Văn Phờ muốn trao đổi cùng tôi về cuốn tiểu thuyết Truyền thuyết sông Thu Bồn, tôi gửi vào từ hồi đầu năm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trở lại sông Thu Bồn

Năm 2008, tôi nhận được thư mời của anh Phan Văn Phờ, Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam - Trưởng ban vận động sưu tầm lịch sử, hiện vật về Quảng Nam anh dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ vào Quảng Nam. Cái lý do cũng rất đơn giản, anh Phan Văn Phờ muốn trao đổi cùng tôi về cuốn tiểu thuyết Truyền thuyết sông Thu Bồn, tôi gửi vào từ hồi đầu năm.

Quang cảnh một đoạn sông Thu Bồn.

Tôi nhớ, năm 2005 tôi vào Quảng Nam dính vào mùa lũ, trong một buổi tiệc của Hội Văn nghệ Quảng Nam chiêu đãi, mời anh Phan Văn Phờ dự, anh Nguyễn Bá Thâm, Phó chủ tịch hội giới thiệu, tôi từ Thanh Hoá vào, có duyên nợ với "Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn", đi trại sáng tác từ năm 1985. Anh Phan Văn Phờ bắt tay và chúc tôi về chuyến đi, anh nói: "Nếu không gặp lũ lụt thì đi cùng tôi lên thượng nguồn sông Thu Bồn". Tôi cũng tưởng như trăm ngàn cuộc giao tiếp khác ở trên đời này, nói xã giao thôi.

Về cuốn tiểu thuyết, là một nỗi day dứt tôi suốt hơn hai chục năm qua (từ 1985 - 2008). Tôi rất sợ mình là một người thua cuộc, nói dối. Chuyện thua cuộc của người viết thì vẫn thường xảy ra như cơm bữa. Nhưng có thể nói tôi bị cái nợ của sự bồng bột, bởi một lời hứa.

Năm 1985, đang công tác ở phòng Văn nghệ của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá, biết tin Quảng Nam - Đà Nẵng mở trại sáng tác hai tháng, tôi đã xin đi. Được đi cũng không phải là đơn giản gì, thời gian những hai tháng kia. Không hiểu ai ca ngợi về Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, có thể do đoàn Thanh Hoá vào thăm Quảng Nam - Đà Nẵng mà đưa tin về tiểu đoàn đặc công này. Một lần tôi về Yên Phong (Yên Định) có gặp ông Trịnh Đăng Bưởi vốn là Tỉnh đội phó tỉnh Quảng Nam, đưa cho xem một tấm hình "Bốn người của tiểu đoàn đặc công Lam Sơn". Tôi quả là liều khi nhận viết về tiểu đoàn Lam Sơn khi họ đã hy sinh hầu hết ven sông Thu Bồn. Nhưng biết sao được, sự nông nổi của tuổi tứ tuần mà phải nhận cái giá ấy.

***

Trại sáng tác ở khách sạn công đoàn Thanh Bình ngay sát biển Đà Nẵng. Ngước mắt nhìn, bán đảo Sơn Trà như con tàu neo trước mặt. Trại viên toàn là những nhà văn đáng nể. Ở Quảng Nam có nhà văn Phan Tứ, Nguyễn Văn Bổng, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Lưu Trùng Dương, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Nguyễn Quang Lập. Bình Trị Thiên có: Nguyễn Khoa Điềm, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà... Quảng Ninh, Hải Phòng có Nam Ninh, Lưu Văn Khuê, Nguyễn Kim; Thanh Hoá có Xuân Liên (âm nhạc) và Từ Nguyên Tĩnh. Tôi thật sự choáng khi gặp những nhà văn đã nổi tiếng và có nhiều thành tựu. Chắc họ đi trại sáng tác nhiều lần nên thật nhởn nhơ, thoải mái.

Sau sự xúc động mang tính tự ti cũng phải cố gắng trấn tĩnh để làm quen với các bậc sư huynh, tìm cách mà gỡ bí. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng lúc này còn tráng kiện. Ông mặc chiếc quần sóc trắng, đội mũ trắng, đeo cái túi phòng hóa, kính râm và chơi tennis. Ông có nhiều rượu rất ngon của người ta biếu và hay rủ tôi nhâm nhi. Lúc đó tôi chưa biết uống và uống chưa được là bao nhưng được nhà văn, tác giả Con trâu và Rừng U Minh... bộc bạch là một ân huệ. Ông nói, có thể viết cuốn tiểu thuyết này với tên là "tấm ảnh" cũng được. Tôi nghe và cũng không biết lần ra từ đâu, cái vốn văn chương đâu có nhiều để lựa chọn. Nhớ lại lúc đưa tiễn tôi lên tàu hỏa, có anh Lê Sĩ Oanh, Đỗ Xuân Thanh, Lê Xuân Giang và vợ tôi, không ai tin là tôi làm được cuốn sách với hai bàn tay không. Loay hoay với cuốn Ký sự Hàm Rồng mà còn không ra chi. Cũng không thể trách được ai, khi mình chưa có sản phẩm.

Tôi nhờ hội, mà trực tiếp là anh Nguyễn Bá Thâm (lúc này là ủy viên thường trực) giúp cho đi thực tế. Tôi sang bên tỉnh đội, vào bảo tàng Quân khu 5, ở đâu nói đến "Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn" cũng trầm trồ và khen ngợi. Nhưng một điều thật đáng thất vọng là tư liệu hầu như không có và không biết nằm ở đâu. Vì sau giải phóng miền Nam, năm 1975, Tiểu đoàn 491 (phiên hiệu của Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn) đã giải tán mất rồi. Tôi đến gặp Trung tướng Phan Hoan, Phó tư lệnh Quân khu 5 ở tư dinh, là người từng nằm ở Gò Nổi chỉ huy chống càn, người rất mến Tiểu đoàn Lam Sơn. Tôi theo Xã đội trưởng Trần Văn Tẫn khi ông lên Tỉnh đội xin tiền về xây nghĩa trang cho Duy Tân (Duy Xuyên), nơi Tiểu đoàn Lam Sơn đứng chân, được nhân dân đùm bọc trong lúc khó khăn, gian khổ của Mậu Thân 1968. Tôi theo các chiến sĩ tự vệ của xã ngồi trên xe đạp thồ đi khắp căn cứ An Hoà, Đức Dục và Kiểm Lâm... Đó là những khu nhà, hoặc chỉ còn là sự hoang phế, đổ nát sau chiến tranh.

Rồi một đêm nào đó, tôi gặp may xuôi dòng nước trên một chiếc thuyền có gắn máy, uống rượu và độc thoại cùng dòng Thu Bồn bát ngát ánh trăng.

Tôi nhìn lên đồn Cồn Cao và đồn Đen năm nào ở quận lỵ Ai Nghĩa huyện Đại Lộc, là nơi mà tụi địch vẫn thường rêu rao: Bao giờ nước Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới đánh nổi Cồn Cao và đồn Đen.

Hết đi dọc các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, tôi quay về Tam Kỳ, Núi Thành ở đây gặp những cán bộ ra bắc tập kết và có cả những người từng là công nhân Nông trường Sao Vàng về làm Bí thư Huyện ủy. Tôi được mấy anh thuê một chiếc tàu chở ra nhìn cảng Kỳ Hà và căn cứ Chu Lai, nằm như một phế tích sau chiến tranh. Những cái nạc thì con người đã gỡ ra, còn thì đổ nát, nóng hực lên giữa cái nắng nôi của ngày hè. Tôi nghe một ông Phó Chủ tịch huyện Tam Kỳ kể, ngày ông ở nhà tù Côn Đảo về gặp con. Cha con không nhận ra nhau, lúc đi nó còn ẵm ngửa cùng má ra tận cầu tàu. Lúc về má nó đi lấy lính ngụy còn nó thì đi lính... Chưa biết làm được gì nhưng là một phóng viên đi thực tế, chả lẽ không chép chép ghi ghi. Tôi lại lên tận Học viện Quân sự Đà Lạt để tìm người có trong ảnh là Ngò Văn Cảnh, một học sinh lớp 9 rời trường cấp 3 Hậu Lộc vô Tiểu đoàn Lam Sơn từ năm 1967, bây giờ là cán bộ giảng dạy ở đây. Lên đến Học viện Đà Lạt thì được biết, Ngò Văn Cảnh đã chuyển về căn cứ hai ở Bình Long, tỉnh Đồng Nai. Lại mua vé xe đò quay về Đồng Nai. Gặp Ngò Tiến Cảnh, anh tiếp tôi cũng rất đạm bạc, có lẽ đã từng gặp gỡ các nhà văn, mà mình thì tên tuổi mờ nhạt, hun hút ở tận đẩu đâu?

***

Lần này, vào Quảng Nam với niềm vui, thăm lại vùng quê Thu Bồn để chỉnh sửa những tên đất và tên người mà biết đâu quá trình hư cấu chả đụng phải. Quảng Nam - Đà Nẵng trong chiến tranh có mặt trận Quảng Đà, Quảng Nam và chính quyền cũ đặt một tỉnh mới là Quảng Tín. Ngay tên xã cũng có nhiều đổi thay. Xe đi rất sớm từ Thanh Hoá mà vào tới thành phố Tam Kỳ đã lên đèn. Cô Phạm Thị Điểm cán bộ ban tuyên giáo là người trao đổi cùng tôi về cuốn sách và ý kiến của anh Phan Văn Phờ mời tôi vào lần này. Thành phố mở rộng mà chưa quen đường nên phải vòng xe nhiều lần mới vào được Tỉnh uỷ. Anh Lê Xuân Mai, phó văn phòng chờ mất cả ngày trời để đón tôi. Anh Mai nói, anh Phờ chờ từ chiều, có việc vừa đi khỏi chốc nữa sẽ gặp anh Tĩnh nghen.

Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh - tác giả của cuốn Truyền thuyết sông Thu Bồn. (Ảnh: Trần Đàm)

Sáng thứ sáu (11/7/2008), tôi được mời tới Văn phòng Ban Tuyên huấn để làm việc với các anh trong “ban vận động về sưu tầm về chiến tranh”, hay nói cách khác nghe các anh phản hồi về cuốn tiểu thuyết của tôi: Truyền thuyết về dòng sông Thu Bồn. Buổi làm việc thân mật nhưng không kém phần kỹ càng. Người thẩm định không hiểu đào đâu ra cả cái lý lịch và tên cúng cơm của tôi từ thời cha sinh mẹ đẻ (Lê Văn Tĩnh), và lai lịch về sáng tác của tôi. Được tóm tắt từng chương và có cả nhận xét về ý đồ nghệ thuật nữa. Lại còn có một tiên đoán hết sức cảm động: Cuốn tiểu thuyết có thể dựng thành một bộ phim nhiều tập về cuộc chiến tranh bảo vệ dòng Thu Bồn. Tôi nghe những ý kiến của các anh, chị hỏi về lịch sử, con người; từ những tên gọi và bóng dáng của nhân vật phía bên này hay bên kia, chính diện hay phản diện mà hầu như còn đọng lại những ám ảnh của người dân Quảng Nam trong quá khứ đau thương và kiêu hãnh. Nhờ những chuyến đi thực tế cách nay hơn hai mươi năm mà khi viết tôi đã huy động được ra. Nhờ có tác phong của người viết người tốt việc tốt mà khi cuốn sách ra đời chắc trong sự hư cấu có được hình bóng của những người tôi gặp từ: Mỹ Sơn, Trà Kiệu, An Hoà, Đức Dục, Kiểm Lâm, Hội An, Tam Kỳ hay Núi Thành... Đặc biệt là mỗi lần đi Quảng Nam về tôi có một ba lô chật căng sách viết về Xứ Quảng.

Ngày hôm sau anh Lê Xuân Mai đưa tôi đi ngược dòng Thu Bồn. Nếu mà đi ca nô từ Trung Phước lên Hòn Kẽm Đá Dừng thì một ngày không có thấu, nên đành đi ô tô lên huyện Nông Sơn mới tách ra từ Quế Sơn và một số xã của Đại Lộc, Duy Xuyên. Đón ở thị trấn huyện Nông Sơn là “cụ chủ tịch mặt trận” nhưng chưa tới tuổi sáu mươi, một phó chủ tịch mặt trận và một cô gái còn trẻ, sau này thì tôi biết cô làm chánh văn phòng của mặt trận. Chủ tịch Mặt trận huyện Nông Sơn là Trần Văn Dư, anh là người Quế Lâm (Quế Sơn), sợ không đi nổi đường đang mở nên phải điều một chiếc xe gầm cao của huyện. Xe đi chừng hai chục cây số là đến một bến sông. Như hầu hết những bến sông rất khó mà định hình bởi dòng sông luôn chịu những cơn lũ. Lội qua một động cát là gặp một chiếc thuyền cỡ vừa có gắn máy chờ sẵn. Tôi cũng kịp điện cho nhà văn Tiêu Đình (Nguyễn Đình Quý) vừa đi thực tế các đồn biên phòng địa bàn miền núi huyện Nam Giang, anh không quản khó nhọc cùng nhập đoàn đi dọc sông Thu Bồn. Tiêu Đình với tôi là cái duyên của tình bạn viết. Nhớ một lần đi họp Liên Hiệp VHNTVN, tôi được ghép vào ở cùng hai người của Quảng Nam là Tiêu Đình và Nguyễn Tấn Sĩ, sẵn cái tình kết nghĩa Thanh Hoá - Quảng Nam nên vui sang cả chuyện viết lách. Lần này tôi và Tiêu Đình lại được đi bù giữa trời nắng, dòng sông Thu Bồn mở ra giữa hai triền núi, như hai cánh cung giữa khoang trời. Lúc thì phô bầy bãi cát ngút ngát như sông Mã, sông Chu, khi thì nhô ra núi đá dựng đứng dăng thành như đoạn sông Mã quăng mình qua Hồi Xuân, La Hán. Chừng một tiếng sau chúng tôi được lái thuyền neo lại ở chân Hòn Kẽm. Không hiểu cá tươi mua hay cất lên từ sông được nướng thơm choang, đưa lên làm mồi nhắm cùng bia Xứ Quảng. Uống bia nơi ngày xưa từng chứng kiến biết bao biến động của lịch sử. Một câu ca dao đọc lên nghe đến nao lòng:

Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng ậu ơi!

Qua câu chuyện của anh Mai phó văn phòng ban tuyên huấn và anh Phan Văn Dư, tôi mới biết, từ những năm sáu mươi anh Phan Văn Dư mới mười một tuổi mà đã bỏ nhà đi hoạt động cách mạng. Không trách ai đó đã nói cùng tôi, mỗi con người của mảnh đất này là một sự tích - một kỷ vật của chiến tranh. Không ghi chép sưu tầm lại sẽ mai một đi theo thời gian.

Con thuyền neo đậu nơi thắt lại của dòng Thu Bồn, qua những ngọn núi đá này là mở ra một khoảng mênh mang của dòng sông. Không hiểu ai là người đầu tiên đặt tên cho nơi có hòn đá dựng cao này gọi trại đi là dừng, về mùa lũ từ trên rừng xanh đổ xuống cơ man là nước. Dòng sông Thu Bồn không còn thơ mộng nữa mà là sự kinh hoàng với rừng núi và đồng điền. Quá trưa thì chúng tôi quay về nhiệm sở của huyện lỵ mới, trở về chân đèo Le. Bên một con suối nhỏ, cách nay chưa đầy hai năm còn là vùng hẻo lánh nay đã mọc lên những quán nhỏ đón khách đi về thượng Thu Bồn nghỉ trưa. Nhà Văn Tiêu Đình nói với tôi:

- Phải bỏ ra thời gian lâu lâu mà đi vào trong miền sơn cước, sẽ có nhiều câu chuyện dễ thương lắm. Tôi hiểu mình mới chỉ cưỡi ngựa xem hoa thôi. Chưa đi được là bao để hiểu về dòng sông đầy truyền thuyết này.

Sáng hôm sau Trần Phan Quang trợ lý cho Đỗ Xuân Diện - Giám đốc Công ty Đầu tư - Phát triển hạ tầng Chu Lai đưa chúng tôi đi Chu Lai. Khu kinh tế mở Chu Lai có diện tích 32.400 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tiên trên đất Quảng Nam, có hai di sản văn hoá thế giới là Khu đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn. Chu Lai có chiều dài 70km/trên 125 km của bờ biển Quảng Nam. Nếu lấy Chu Lai làm tâm của compa thì có thể quay nhiều vòng tròn mà có các cung độ khác nhau với các nước ở Đông Nam châu Á và châu Á nói chung. Có cảng biển Kỳ Hà và sân bay Chu Lai. Chu Lai còn có thế mạnh mà các khu công nghiệp khác không có được là tiềm năng du lịch và tắm biển. Tôi có dịp trò chuyện với giám đốc Đỗ Xuân Diện hôm mới vào, nói bao thứ chuyện. Cả những lĩnh vực mà mình ít biết đến là quy hoạch thành phố. Diện nói cùng tôi, quy hoạch thành phố hiện đại trên thế giới người ta tạo ra sự ổn định bên trong và phát triển rộng ra ngoài; khi phát triển bề thế cũng không phá vỡ cấu trúc ổn định bên trong. Trên đường ra cảng Kỳ Hà tôi nhận ra, trên phim ảnh thì nói rất lớn nhưng Chu Lai vẫn còn nhiều bề bộn, ngổn ngang. Tàu vào cảng, cảng hàng không còn rất khiêm tốn, đâu đây mấy nhà chứa máy bay mà tôi gặp từ hồi năm tám lăm của thế kỷ trước, thời gian làm cho màu rỉ sắt như sỉn lại trong cái nóng gắt. Và cả khu thương mại tự do nữa, còn ngổn ngang chưa bắt đầu khởi động. Vả lại khi đã vào WTO thì tất yếu thương mại tự do là điều không thể tránh khỏi. Có lẽ sự đầu tư mà chậm, điều chính yếu là do cơ sở hạ tầng chậm trễ làm mất đi cơ hội chăng?

Nhà văn Tiêu Đình chỉ cho tôi nhà máy ôtô Trường Hải lớn nhất Đông Nam châu Á, do một người con Quảng Nam đầu tư để tạo việc làm cho người dân quê hương có công ăn việc làm. Anh chỉ ra hòn đảo nằm thành một vệt dài trước mặt: - Tam Hải đấy! Sau này có thể phát triển thành khu vui chơi giải trí, ở đó sẽ có Casino... Anh nhấn mạnh, những người Quảng giàu có đi làm ăn nơi xa không thiếu, thu hút được họ về thì sẽ mở ra nhiều cơ hội lắm. Tôi tin điều anh nói, như Khu kinh tế Nghi Sơn ở Thanh Hoá, biết bao chật vật mới khởi động và làm một cuộc di dân có lẽ rất lớn với người dân chỉ quen nhìn vào miếng đất làm ruộng, đi biển... để tạo một mặt bằng cho khu công nghiệp lớn.

***

Dù cho bận nhiều việc, anh Phan Văn Phờ cũng đưa tôi đi về Tam Tiến, Tam Hiệp... và dọc bờ biển, con đường hành lang phía đông đang hình thành. Mai này con đường này sẽ mở ra cả một tuyến du lịch trên bờ biển dài 125 km của Quảng Nam. Bãi biển ở đây thật là lý tưởng, trong vắt và sóng lại hiền hòa. Người đi du lịch và tắm biển có thể thỏa thích và thăm quan các di tích phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, đi khu công nghiệp mở Chu Lai và thăm tượng đài chiến thắng Núi Thành; thuận tiện và hưởng đặc sản của biển. Có thể lên Trà My thăm sông Trưng, ngọn nguồn của những con suối xanh trong tạo ra một phần cho nguồn nước Trường Giang, Thu Bồn.

Nhớ lại hôm mới vừa đến Tam Kỳ, anh Phan Văn Phờ có giới thiệu tôi cùng chị Bí thư Tỉnh đoàn còn rất trẻ. Chị Phan Thị Lan vừa tròn ba mươi tuổi, Tỉnh ủy viên, Anh Phờ nói sẽ là độc giả của tôi. Tôi định nói, cuốn sách của tôi có nhiều nhân vật nữ, là những người mẹ, người chị đã anh dũng chiến đấu hy sinh trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho Xứ Quảng - Xứ Thanh và dân tộc mình.

Tôi từng ngẫm nghĩ về tên của cuốn tiểu thuyết: “Tấm ảnh”, “Bốn người còn lại, “Trong vòng vây của kẻ thù”... Nhưng rồi cái tên Truyền thuyết sông Thu Bồn mãi đến phút chót mới hình thành. Nó mở ra cho người viết một suy nghĩ rộng hơn. Dù Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn chiến đấu có anh dũng đến mấy nhưng không được sự bao bọc, che chở của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng thì không thể trụ vững trong cuộc chiến ác liệt này. Mà truyền thuyết là do con người không ngừng không nghỉ tạo ra, chắp nối với truyền thuyết, huyền thoại của người đi trước mở cõi. Của tầng tầng trầm tích còn nằm im lìm hay được khai mở ra để con người có cơ hội mà thưởng ngoạn nghĩ suy, chiêm nghiệm.

Không biết có đáp ứng được mong muốn của bạn đọc hay không. Nhưng chuyến về lại Quảng Nam, tắm mát dòng Thu Bồn cho một suy nghĩ mới, chỉnh sửa hay biết đâu là một trang mới trong cuộc đời sáng tác của mình. Có lẽ cuốn Trường Ca Hàm Rồng, viết và đến lúc in là tròn ba mươi năm, thì Truyền thuyết sông Thu Bồn ra đời cách lúc phôi thai có hai mươi ba năm (từ 1985 đến 2008) vui và tin vào tấm lòng của bạn đọc và con sông Thu Bồn mà tôi từng yêu thương gửi gắm.

Niềm vui ấy càng gấp bội, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã mời những người chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 491 tức là Tiểu đoàn đặc công mang tên Lam Sơn - Thanh Hóa chi viện cho Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1968 về họp mặt. Từ một bản danh sách liệt sĩ mà Tỉnh đội Quảng Nam - Đà Nẵng cung cấp, nay lại tập trung được những chiến sĩ đặc công Lam Sơn trong mọi miền của đất nước. Tiểu đoàn bị giải thể từ sau giải phóng năm 1965, nay làm hồ sơ đề nghị “tuyên dương đơn vị anh hùng". Thật vui sướng biết bao, một người cầm bút, đã làm được một điều vô cùng ý nghĩa, làm sống lại truyền thống một tiểu đoàn đặc công mang tên “Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn" ra đi từ Thanh Hóa, với 500 cán bộ, chiến sĩ, đến ngày giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ còn lại vỏn vẹn 4 người. Không riêng gì Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, biết bao người con quê hương Thanh Hóa đã chiến đấu và ngã xuống đất Quảng, được mẹ Quảng Nam ôm vào lòng giấc ngủ ngàn thu. Quảng Nam là quê hương thứ hai của những người lính Thanh Hóa kiên cường.

Tôi đã có dịp đi lại nhiều lần trên mảnh đất “anh dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” hễ gặp ai, cán bộ hay nhân dân nói đến Thanh Hóa, ai cũng dành cho sự trìu mến... Không phải Xứ Quảng là nơi mở cõi của các bậc vua chúa, mà là nơi ôm ấp, đùm bọc những đứa con từ xứ Thanh chiến đấu và ngã xuống viết những trang tình nghĩa muôn đời bất diệt.

(Tác phẩm viết vào tháng 8/2008, khi Tỉnh ủy Quảng Nam in cuốn tiểu thuyết Truyền thuyết sông Thu Bồn. Cuốn tiểu thuyết này được làm quà tặng kỷ niệm 50 năm Thanh Hóa - Quảng Nam kết nghĩa. Tháng 12/2019 tác giả bổ sung thêm một vài chi tiết).

Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh


Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]