(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất huyện Hậu Lộc nằm trong địa bàn chiến lược quan trọng của Thanh Hóa cũng như miền Bắc Việt Nam. Với 12 km đường bờ biển, vùng biển Hậu Lộc với đảo Hòn Nẹ, cửa Lạch Sung ở phía Bắc; đảo Hòn Mê, của Lạch Trường ở phía Nam - là một trong những địa bàn chiến lược của hải quân nhân dân Việt Nam, là địa bàn trọng yếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trung đội gái dân quân Hoa Lộc trong hai cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất huyện Hậu Lộc nằm trong địa bàn chiến lược quan trọng của Thanh Hóa cũng như miền Bắc Việt Nam. Với 12 km đường bờ biển, vùng biển Hậu Lộc với đảo Hòn Nẹ, cửa Lạch Sung ở phía Bắc; đảo Hòn Mê, của Lạch Trường ở phía Nam - là một trong những địa bàn chiến lược của hải quân nhân dân Việt Nam, là địa bàn trọng yếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sự ra đời của trung đội gái dân quân Hoa Lộc

Phía Đông của huyện Hậu Lộc là tuyến đường sắt Bắc-Nam, Quốc lộ 1A, cửa ngõ phía Bắc của tỉnh lỵ Thanh Hóa. Đây là nơi có các cây cầu chiến lược như cầu Hàm Rồng (trên sông Mã), cầu Tào (trên sông Tào Xuyên), cầu Lèn (trên sông Lèn). Do đó, Hậu Lộc trở thành “túi bom”, là một trong những chiến trường chính trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Ngày 15/5/1967, được sự chỉ đạo của huyện Hậu Lộc, Đảng ủy, Ủy ban hành chính xã Hoa Lộc đã thành lập đội gái dân quân Hoa Lộc. Đội gồm 14 đội viên (Trung đội) do đồng chí xã đội phó Thăng Thị sắc làm Trung đội trưởng, đồng chí Trịnh Thị Cần làm Trung đội phó. Trung đội được trang bị 3 khẩu súng 12 ly 7.

Ngày 1/6/1967, tại xóm Hoa Trường, trung đội gái dân quân đã làm lễ xuất kích.

Trung đội gái dân quân đã xây dựng trận địa tại địa điểm Đông Ngàn (Cồn Cao, gần cầu De). Đây là vị trí thuận lợi cho việc bảo vệ làng xóm, nhân dân, cầu sông kênh De, bến đò Thắm, kho tàng trong khu vực; đồng thời thuận lợi cho việc đánh chặn máy bay Mỹ từ biển Đông bay vào “tập kích” khu vực Hàm Rồng, Đò Lèn, ngoài ra còn phối hợp bắn máy bay Mỹ với lực lượng dân quân các xã cận kề cũng như trận địa của dân quân huyện Hoằng Hóa ở khu vực Lạch Trường tạo thành trận địa hợp đồng tác chiến bảo vệ vùng ven biển huyện Hậu Lộc.

Hàng ngày trung đội gái dân quân tăng cường luyện tập bắn máy bay, trận địa Đông Ngàn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Các trận chiến đấu tiêu biểu

Huyện Hậu Lộc là nơi bị máy bay Mỹ bắn phá nhiều ngay từ năm đầu của cuộc chiến tranh phá hoại. Đến cuối năm 1965 đã có tới 26/26 xã bị bắn phá. Năm 1965 có 1.500 lượt máy bay Mỹ bắn phá vào 92 điểm trên đất Hậu Lộc, tập trung ở cầu Lèn, đường 1A, đường sắt, cửa Lạch Sung và Lạch trường. Trên bầu trời huyện Hậu Lộc luôn thường trực tiếng gầm rú của máy bay giặc Mỹ; nhiều điểm, pháo sáng thả liên tục trong đêm.

Ngày 16/6/1967, hai chiếc máy bay AD6 của Mỹ đã tiến hành đánh cầu De, ném bom bừa bãi xuống khu vực này. Trung đội gái dân quân Hoa Lộc sau một tháng tập luyện đã kịp thời nổ súng đánh trả quyết liệt. Đây là trận đầu trung đội chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ nhưng các tình huống đặt ra đã được tập luyện kỹ nên cả trung đội đều vững vàng quyết chí lập công. Mặc cho máy bay Mỹ điên cuồng bắn phá nhưng cả trung đội vẫn bình tĩnh, tự tin, dũng cảm, kiên cường bám trận địa, nổ súng kịp thời, bắn rơi một chiếc máy bay. Chiếc máy bay phản lực AD6 trúng đạn bốc cháy nhưng cả trung đội vẫn bình tĩnh, sẵn sàng tiếp tục cuộc chiến đấu.

Đây là đơn vị gái dân quân đầu tiên trên miền Bắc đã bắn cháy máy bay phản lực giặc Mỹ bằng súng bộ binh.

Chiến công của đội gái dân quân Hoa Lộc đã làm nức lòng nhân dân trong xã, trong huyện Hậu Lộc và tỉnh Thanh Hóa được bạn bè quốc tế ngợi ca.

Ngày 16/7/1967, Bác Hồ đã gửi thư khen và tặng huy hiệu cho các cô gái Hoa Lộc. Sau khi nhận được thư khen, huy hiệu của Bác, trung đội gái dân quân đã tổ chức sinh hoạt chính trị, học tập và làm theo lời Bác Hồ.

Trung đội đã viết thư gửi Bác, thể hiện lòng biết ơn tới sự quan tâm của vị lãnh tụ vĩ đại đối với đơn vị và hứa thực hiện tốt hơn nữa lời dạy của Bác “chăm học, chăm làm, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi”, quyết tâm lập thành tích bắn rơi thêm nhiều máy bay Mỹ.

Từ năm 1966 đến năm 1968, Trung đội đã chiến đấu nhiều trận, đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ, bảo vệ quê hương, xóm làng, đảm bảo an toàn tuyến đường thủy trên sông Kênh De, bảo vệ cầu De, tuyến giao thông huyết mạch đường bộ qua huyện, đò Thắm. Đặc biệt là trận đánh ngày 2/11/1967.

Theo đó, ngày 2/11/1967, một tốp máy bay Mỹ tiến đánh khu vực cầu De. Trung đội gái dân quân Hoa Lộc dưới sự chỉ huy của trung đội trưởng Nguyễn Thị Giang đã kịp thời nổ súng. Máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá nhưng trung đội gái dân quân Hoa Lộc đã bố trí trận địa hợp lý, tập trung hỏa lực đánh trả quyết liệt. Kết quả là một máy bay phản lực Mỹ đã trúng đạn và bốc cháy.

Nét đặc sắc không chỉ là việc trung đội gái dân quân dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực hiện đại của đế quốc Mỹ mà còn ở chỗ trung đội gái dân quân Hoa Lộc, có kỹ năng chiến đấu thành thục, bắn đúng tầm với độ chính xác cao, tiết kiệm đạn. Cả hai lần bắn cháy máy bay phản lực Mỹ cả trung đội chỉ sử dụng có 48 viên đạn, là một chuyện thần kỳ.

Nhân dân Hoa Lộc tự hào về chiến công của trung đội gái dân quân đã lập công trên mảnh đất quê hương, làm rạng danh thêm truyền thống anh hùng, bất khuất của phụ nữ Thanh Hóa. Các cô gái, với ý chí kiên cường và lòng dũng cảm “chỉ trong vòng 135 ngày, với 48 viên đạn súng máy, trung đội dân quân gái Hoa Lộc đã lập công bắn rơi 2 máy bay Mỹ (theo Lịch sử Đảng bộ huyện Hậu Lộc).

Với chiến công này, Trung đội gái dân quân Hoa Lộc đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: ngày 10/7/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thưởng Huân chương Quân công hạng Ba tặng “Trung đội gái dân quân Hoa Lộc lập chiến công trong chiến đấu. Ngày 30/11/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Trung đội gái dân quân Hoa Lộc Huân chương chiến công hạng Nhất (Lệnh số 131/LCT). Ngày 3/9/1973, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Tôn Đức Thắng đã tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội gái dân quân Hoa Lộc “đã lập được nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, góp phần cùng toàn dân đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi vẻ vang”. Quốc hội tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba; Chính phủ tặng cờ với 12 chữ vàng “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang, chống Mỹ cứu nước”, Hội phụ nữ Việt Nam tặng cờ “Ba đảm đang”, Trung ương Đoàn Thanh niên tặng cờ “Nguyễn Văn Trỗi”; Tỉnh ủy Thanh Hóa tặng cờ “Lao động, chiến đấu giỏi”; Huyện ủy Hậu Lộc tặng cờ “Dũng cảm vô song”. Năm 1973, Quốc hội phong tặng Trung đội danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang”.

Trong bối cảnh đế quốc Mỹ huênh hoang về “uy thế không lực Hoa Kỳ”, chiến công của Trung đội gái dân quân Hoa Lộc dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực hiện đại của Hoa Kỳ đã gây tiếng vang lớn trên thế giới.

Đã có 118 đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm Trung đội gái dân quân và trận địa bắn máy bay Mỹ.

Ngày 16/4/1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn tuyên bố tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai chống miền Bắc. Trong cuộc chiến phá hoại lần này, các loại máy bay chiến lược B52, F111 được đế quốc Mỹ sử dụng với quy mô lớn, tần suất dày đặc.

Trung đội gái dân quân Hoa Lộc vẫn luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cùng các đơn vị, chủ động phối hợp với các đơn vị dân quân các xã cận kề như dân quân xã Phú Lộc, Minh Lộc hợp đồng tác chiến. Sự hợp đồng này đã đem lại kết quả trong chiến đấu.

Ngày 30/7/1972, Trung đội gái dân quân Hoa Lộc đã phối hợp với dân quân hai xã (Minh Lộc, Phú Lộc) bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Đây là trận hợp đồng chiến đấu đạt hiệu quả cao giữa trung đội gái dân quân Hoa Lộc với các đơn vị dân quân các xã đã tạo nên lưới lửa làm cho máy bay Mỹ phải khiếp sợ.

Chiến công của Trung đội gái dân quân Hoa Lộc là một sáng tạo của chiến tranh nhân dân trong thời kỳ hiện đại đã góp phần vào truyền thống anh hùng của phụ nữ Việt Nam.

Trần Thị Liên


Trần Thị Liên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]