(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 27/5/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 1913/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình (huyện Nga Sơn).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trùng tu, tôn tạo Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình

Ngày 27/5/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 1913/QĐ-UBND về phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình (huyện Nga Sơn).

Theo đó, di tích có tổng diện tích 48ha có 6 điểm căn cứ: Núi Thúc và núi Giá thuộc thôn Điền Hộ; đồn Thượng Thọ và đình Thượng Thọ thuộc thôn Thượng Thọ; đình Mậu Thịnh thuộc thôn Mậu Thịnh; đình Mỹ Khê thuộc thôn Mỹ Khê và khu vực đệm là các khu vực làng mạc, ruộng lúa, sông rạch, đường giao thông hiện hữu nằm tiếp giáp và bao quanh 6 điểm căn cứ.

Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo tồn, tu bổ, phục hồi, tôn tạo Khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình, địa danh tiêu biểu nhất trong phong trào Cần Vương đánh Pháp của tỉnh Thanh Hóa, để nơi đây trở thành điểm giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc và lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ con cháu.

Lãnh đạo xã Ba Đình giới thiệu các vị trí quy hoạch bảo tồn, phát huy di tích khu căn cứ Ba Đình.

Cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã đi qua hơn 13 thập kỷ. Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX chống lại thực dân Pháp xâm lược được diễn ra ở xã Ba Đình, huyện Nga Sơn. Âm vang của cuộc khởi nghĩa còn vang vọng mãi cho các thế hệ con cháu. Mọi người không quên lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa: Đinh Công Tráng, Phạm Bành và Hoàng Bật Đạt.

Với vị trí có nhiều lợi thế về quân sự, cách trung tâm huyện Nga Sơn 5 km, TP Thanh Hóa gần 50 km, tỉnh Ninh Bình hơn 30 km, thủ đô Hà Nội hơn 100 km nên Đinh Công Tráng đã xây dựng Ba Đình thành khu căn cứ rộng 400 m, dài 1,2 km với lũy tre dày đặc và một hệ thống hào rộng cắm đầy chông tre. Trên mặt thành, nghĩa quân đặt các rọ tre chứa đất nhào rơm xếp vững chắc có những khe hở làm lỗ châu mai sẵn sàng chiến đấu. Phía trong thành có hệ thống giao thông hào vững chắc. Các hầm chiến đấu được xây dựng theo hình chữ “chi” để hạn chế thương vong. Ở mỗi làng được xây dựng một đồn đóng quân. Làng Thượng Thọ có đồn Thượng, làng Mậu Thịnh có đồn Trung, làng Mỹ Khê có đồn Hạ. 3 đồn này hỗ trợ cho nhau khi bị tấn công và cũng có thể chiến đấu độc lập.

Có thể nói, căn cứ Ba Đình là một tuyến phòng ngự quy mô nhất thời Cần Vương. Từ Ba Đình, nghĩa quân có thể tỏa ra các nơi, kiểm soát các tuyến giao thông quan trọng trong vùng, phục kích các đoàn xe vận tải của địch đi lại trên con đường Bắc Nam, do đó thực dân Pháp quyết tâm tiêu diệt căn cứ này. Sau khi xây dựng căn cứ xong, quân ta đã đánh bại nhiều đợt tấn công của kẻ địch về phía Ba Đình. Nghĩa quân liên tiếp tấn công các phủ, thành, huyện lỵ, chặn đứng nhiều đoàn xe, toàn quân lẻ gây nhiều thiệt hại cho kẻ thù. Đặc biệt với sự trang bị bằng các vũ khí: súng hỏa mai, giáo mác, cung nỏ, liềm, đòn càn, có lúc quân ta là những nông dân đang gặt hái trên đồng ruộng, chờ khi quân Pháp đi từ Hà Nội về dùng đòn càn đánh túi bụi, gây hoang mang cho địch. Để tiêu diệt cuộc khởi nghĩa, thực dân Pháp đã điều động tên Đại tá Brissand thống lĩnh 76 sĩ quan và 3.500 quân vây hãm và tiến đánh căn cứ Ba Đình. Nghĩa quân Ba Đình đã chiến đấu dũng cảm suốt 32 ngày đêm chống lại quân giặc đông gấp nhiều lần, lại có vũ khí tối tân hiện đại, nên bị thương vong rất nhiều. Cuối cùng nghĩa quân phải mở con đường máu vượt qua vòng vây dày đặc của Pháp lên căn cứ Mã Cao tiếp tục chiến đấu...

Âm vang cuộc khởi nghĩa Ba Đình còn vang vọng mãi, nhiều dấu tích lịch sử còn ghi. Vậy trùng tu tôn tạo như thế nào đúng với lịch sử của cuộc khởi nghĩa là điều trăn trở...

Theo không gian, kiến trúc cảnh quan của quyết định trên thì căn cứ khởi nghĩa Ba Đình được tái hiện bằng phương pháp phỏng dựng lại một phần không gian kiến trúc đồn lũy tại khu căn cứ trung tâm núi Thúc, phục hồi các ngôi đình của 3 làng chiến đấu. Điều này được dựa trên cơ sở những dữ liệu, số liệu về những ngôi đình làng vốn có và các đồn lũy Ba Đình của thời kỳ Cần Vương. Trên cơ sở những yếu tố đó làm trọng tâm kết hợp với không gian phụ trợ, không gian đệm tạo thành một chỉnh thể gồm nhiều căn cứ được kết nối liên hoàn. Qua đó tạo thuận lợi cho việc bảo tồn gìn giữ, quản lý sử dụng và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giáo dục cộng đồng, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân Nga Sơn và vùng phụ cận... Phân kỳ đầu tư thực hiện quy hoạch đến năm 2030. Giai đoạn từ năm 2020 - 2023: Đền bù giải phóng mặt bằng; cắm mốc theo quy hoạch được duyệt; ưu tiên đầu tư xây dựng đền thờ các thủ lĩnh và nghĩa quân Ba Đình tại khu căn cứ trung tâm Núi Thúc. Đồng thời đầu tư tu bổ, phục hồi tôn tạo 3 ngôi đình của làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê. Giai đoạn 2024 - 2027: Đầu tư xây dựng các dự án tu bổ, phục hồi, phỏng dựng, tôn tạo các hạng mục tại các căn cứ. Giai đoạn 2028 - 2030: Đầu tư, thực hiện các dự án còn lại.

Nguồn vốn đầu tư theo quyết định được lấy từ chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2020 và các năm tiếp theo của Bộ VH,TT&DL; vốn ngân sách tỉnh bố trí theo kế hoạch hằng năm, vốn ngân sách địa phương và vốn huy động từ xã hội hóa.

Về tổ chức thực hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Nga Sơn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng, ban hành quy chế, quản lý di tích và xây dựng quy hoạch đã được duyệt. Đồng thời công bố quy hoạch, đền bù giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới bảo vệ di tích. Cập nhật ranh giới diện tích quy hoạch vào kế hoạch sử dụng đất của huyện của tỉnh theo quy định. Căn cứ vào điều kiện thực tế về kinh tế, xã hội của địa phương để xây dựng lộ trình thu hồi đất, bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ di tích và thực hiện các dự án đầu tư thành phần. Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương, huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện theo đúng kế hoạch... Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, tham mưu thẩm định và trình duyệt các nhóm dự án thuộc nội dung quy hoạch theo quy định; tham mưu cân đối vốn ngân sách để thực hiện bảo tồn, tu bổ tôn tạo các di tích thuộc nội dung quy hoạch...

Quyết định số 1913/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa là cơ hội tốt cho huyện Nga Sơn tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong việc phát huy các giá trị di tích danh thắng trên địa bàn, trở thành điểm đến hấp dẫn phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh...

Thúy Hòa


Thúy Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]