(vhds.baothanhhoa.vn) - Tự hào người xứ Thanh

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tự hào người xứ Thanh

Dược sỹ Lê Thị Bình: Bản lĩnh xây dựng thương hiệu

Dược sỹ Lê Thị Bình với Đông ấm xứ Thanh.

Sinh ra ở huyện Thiệu Hóa trong gia tộc nhiều đời làm nghề thuốc, lại được đào tạo bài bản ở Trường Đại học Dược (Hà Nội), dược sĩ Lê Thị Bình chia sẻ “Chọn nghề này là duyên và cũng là nghiệp của mình. Dù có vất vả nhưng quan trọng là được sống với đam mê”.

Đầu tư máy móc, thiết bị cho ngành Dược chi phí rất lớn, nhiều người gàn, khuyên ra, khuyên vào, nhưng vốn là người táo bạo, đã quyết là phải làm bằng được, nên dù ở độ tuổi 40, thâm niên kinh nghiệm trên 20 năm trong nghề thuốc Nam cùng với độ chín của tư duy khoa học, lần đầu tiên chị đã đưa ra thị trường 3 sản phẩm ghi dấu ấn của riêng mình là: Thực phẩm chức năng Viên Gout Tâm Bình, thực phẩm chức năng Viên Khớp Tâm Bình, thực phẩm chức năng Đại Tràng Tâm Bình - Công ty Dược phẩm Tâm Bình ra đời, tách rời hoàn toàn khỏi cái bóng của gia đình.

Và cũng chỉ hơn một năm sau đó, các nhãn hiệu “Tâm Bình” đã phủ rộng khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước, được người tiêu dùng tín nhiệm sử dụng.

Chị vẫn thường nói vui với mọi người là mình có “lộc thuốc”. Bằng chứng là tuy nền kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp đều ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng doanh số bán hàng của Tâm Bình thì vẫn tăng trưởng đều, tháng sau cao hơn tháng trước.

Vinh dự 5 lần nhận cúp Bông Hồng Vàng tôn vinh các nữ doanh nhân Việt Nam xuất sắc, 2 lần nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì những đóng góp trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, 3 lần được vinh danh trong Top 100 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được trao tặng Cúp Thánh Gióng; tặng danh hiệu “Tri thức trẻ thủ đô”, “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” và “Nữ Doanh nhân Tri thức thành đạt”... Đặc biệt chị vinh dự được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng bảng vàng “Trái tim nhân ái tỏa sáng” vì những đóng góp tích cực cho các hoạt động thiện nguyện.

Không chỉ chú trọng phát triển công ty lớn mạnh, TGĐ Lê Thị Bình còn luôn tích cực tham gia các chương trình xã hội từ thiện. Chị về tận vùng sâu, vùng xa để thăm và tặng quà cho bà con hộ nghèo, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi, người tàn tật và trẻ em bị bỏ rơi; khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người cao tuổi, gia đình chính sách... dành ngân sách hàng tỷ đồng cho các hoạt động này. Nhưng điều làm chị ấm lòng hơn cả là qua những đợt từ thiện như vậy, người bệnh đã được chăm sóc sức khỏe, được khám bệnh và phát thuốc miễn phí.

Với Thanh Hóa, mảnh đất quê hương, chị đã có rất nhiều chuyến thiện nguyện. Năm 2019, công ty đã tài trợ 500 triệu đồng xây dựng cây cầu mang tên “cầu Tâm Bình” tại bản Chiềng (xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa) – nơi chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Công ty đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa và UBND huyện Quan Hóa tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho 300 người dân. Tổ chức Hội chợ nhân đạo tặng đồ dùng thiết thực và đón tết cho 416 hộ gia đình bị lũ cuốn trôi nhà. Công ty còn tặng 314 áo đồng phục và trao 30 suất học bổng cho học sinh Trường Tiểu học Trung Sơn.

Có được thành công như ngày hôm nay chị phải trăn trở để tìm con đường riêng. Đó là con đường xây dựng niềm tin với người tiêu dùng. Xây dựng niềm tin là một quá trình mà ở đó đòi hỏi doanh nghiệp thực sự phải đến với khách hàng bằng sự thật tâm. Đặc biệt, trong thời công nghệ số người tiêu dùng rất dễ dàng để tìm hiểu về sản phẩm hay thông tin về một doanh nghiệp. Vì vậy, chị luôn nhủ: “Mình làm nghề thuốc thì luôn phải giữ chữ Tâm, chữ Tín”.

Đỗ Trung Hiếu: Đón đầu cơ hội từ Edtech

Anh Đỗ Trung Hiếu - đại diện Hệ thống Giáo dục Học mãi trao quà cho các em học sinh trong chương trình Tủ sách Lam Sơn.

Đỗ Trung Hiếu, chàng trai đất Thọ Xuân (Thanh Hóa) với xuất phát điểm là dân chuyên Toán - Lý (Trường Chuyên Lam Sơn) sau khi học Trường Đại học Dược ra và khá thành công với nghề dược. Quyết định rất đột ngột, anh chuyển hướng sang làm giáo dục. Ban đầu là mở lớp dạy offline, nhưng sau đó, anh nhận thấy thị trường giáo dục sẽ phát triển theo mô hình Edtech. Vì thế mà những trang giáo dục trực tuyến như hocmai.vn anh đầu tư đã thành công.

Có thể nói sự phát triển của mô hình Edtech rất nhanh chóng, nếu năm 2010, thị trường giáo dục chứng kiến sự vào cuộc của một số đơn vị tiên phong Violet.vn, hocmai.vn, Topica... thì tới năm 2016, Việt Nam đã có khoảng 150 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR) đang được áp dụng rộng rãi trong giáo dục, cho phép xóa nhòa mọi khoảng cách và mang lại cơ hội học tập chất lượng, với chi phí rẻ hơn nhiều so với cách học truyền thống. Trong đó, nền tảng học tập trực tuyến hocmai.vn được đánh giá cao ở khả năng kết hợp những công nghệ mới để tạo ra một kho dữ liệu nội dung số cung cấp cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Đây là nền tảng học tập trực tuyến được nghiên cứu kỹ theo khung chương trình Việt Nam và phương pháp tiếp cận, giảng dạy tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt với các môn khoa học ứng dụng và môn Toán thì sản phẩm của Học mãi giúp học sinh hứng thú hơn nhiều.

Sau khi thành công với nền tảng trực tuyến, Đỗ Trung Hiếu đã mở hệ thống trường liên cấp Học mãi (mua giáo trình và liên kết với giáo dục Australia). Với mục tiêu lấy sự tiến bộ của học sinh làm mục đích cho sự phát triển, hiện tại, hơn 1,4 triệu học sinh trên cả nước tham gia học trực tuyến tại website học trực tuyến lớn nhất Việt Nam: hocmai.vn và hơn 10.000 học sinh tham gia vào hàng trăm lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức. Mỗi năm, Học mãi sát cánh cùng hàng ngàn học sinh xuất sắc thi đỗ vào các trường THCS chất lượng cao, THPT chuyên và không chuyên, các trường đại học trên cả nước với số điểm cao và nhiều học sinh đạt danh hiệu thủ khoa, á khoa. Học mãi được xem là lò luyện thi vào các trường chuyên ở Hà Nội.

Là người con của đất xứ Thanh, anh Đỗ Trung Hiếu thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện, trong đó, hệ thống Giáo dục Học mãi là nhà tài trợ vàng của Tủ sách Lam Sơn - ngôi trường anh đã học tập và phát triển. Anh nói: Bằng cả tấm lòng hướng về thế hệ trẻ tương lai, Học mãi mong muốn chung tay giúp học sinh nơi đây “khai hoang” những miền tri thức mới. Mỗi một cuốn sách hôm nay có thể là một ngọn nến góp phần làm sáng lên tương lai tươi đẹp ngày mai.

Đỗ Trung Hiếu chia sẻ: Đầu tư vào giáo dục luôn là hướng đi đúng, Việt Nam đang bước vào thời kỳ vàng son phát triển giáo dục trực tuyến. Điều này mở ra cơ hội tiếp cận tri thức cho học sinh, và là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng các mô hình, start-up trực tuyến có công nghệ ưu việt, mang lại trải nghiệm tối đa giá trị của những nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới ngay tại Việt Nam.

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng: Người làm mới phim tài liệu

Đạo diễn, NSƯT Trịnh Quang Tùng (bên phải ảnh) trong chuyến làm phim tài liệu.

Trầm lắng như phim tài liệu là ấn tượng khi tôi tiếp xúc với NSƯT, Đạo diễn Trịnh Quang Tùng - Phó Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương. Với anh em trong nghề, Trịnh Quang Tùng luôn được đánh giá cao. Đặc biệt cũng là thế hệ đạo diễn trẻ nên anh rất ưu ái anh em nghệ sĩ trẻ. Bởi anh quan niệm: Bên cạnh các nhà làm phim am hiểu, có kinh nghiệm vẫn tiếp tục sáng tạo, thì một lớp đạo diễn trẻ đang trưởng thành, biết kế thừa thế hệ đi trước và có sự dấn thân, tìm mới, tạo nên những bước chuyển cho phim tài liệu Việt Nam.

Vì thế, nếu trước đây phim tài liệu của chúng ta thường có nhiều lời bình, thể hiện ý kiến chủ quan của tác giả. Nhưng hiệnnay đề tài phim tài liệu đã đa dạng, hấp dẫn hơn, các nhà làm phim cũng chú trọng đến tính nghệ thuật trong mỗi khuôn hình, đầy tính khám phá, bất ngờ, cung cấp kiến thức song hành cùng tính giải trí trong mỗi bộ phim.

Đất nước không có phim tài liệu giốngnhư một gia đình không có album ảnh. Anh Tùng cũng chia sẻ: “Bình quân, mỗi năm hãng làm 25 phim theo đơn đặt hàng của nhà nước, mỗi phim khoảng 700 triệu. Đầu ra chủ yếu là các kênh truyền hình. Phim làm xong, các đơn vị truyền hình sẽ gửi công văn sang, hãng copy và được chi trả một chút gọi là công copy. Đến nay, với hàng ngàn phim được lưu giữ, trong đó có những phim tài liệu, phóng sự thực hiện từ sau năm 1954, hãng đang sở hữu một khối lượng tác phẩm - di sản văn hóa lớn”.

Tôi hỏi anh: “Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thiệu Hóa, nhưng sao chẳng mấy người quê Thanh như chúng tôi biết về anh?” Anh cười nói: “Nghề nghiệp của tôi như vậy, tôi còn chưa đóng góp được gì, chưa làm gì nhiều cho quê hương, khoe sao được chứ. Hy vọng trong thời gian tới tôi sẽ có những cống hiến nhất định cho quê mình, ít nhất là có bộ phim tài liệu”.

Trần Văn Tân: Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019

Doanh nhân trẻ Trần Văn Tân tại lễ trao giải thưởng Sao Đỏ năm 2019.

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sao Đỏ (1999 - 2019) và trao Giải thưởng Sao Đỏ - Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho 100 doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu; trao Giải thưởng Sao Đỏ 2019 cho 10 doanh nhân trẻ xuất sắc và 1 Giải thưởng Sao Đỏ danh dự cho nữ doanh nhân có nghị lực sống vươn lên. Thanh Hóa vinh dự có 4 doanh nhân được vinh danh tại lễ kỷ niệm. Doanh nhân trẻ Trần Văn Tân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới là một trong những doanh nhân tiêu biểu xứ Thanh được trao danh hiệu Doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Sao Đỏ là giải thưởng đầu tiên ở Việt Nam được bình chọn, tôn vinh doanh nhân trẻ có thành tích xuất sắc trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh, là những gương sáng điển hình góp phần khơi dậy tinh thần lập nghiệp trong thế hệ trẻ Việt Nam.

Trở về sau lễ vinh danh, Trần Văn Tân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới không giấu nổi niềm tự hào, qua đó như tiếp thêm động lực tinh thần để anh tiếp tục theo đuổi hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Từng là cán bộ công tác tại Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, năm 2004 anh Trần Văn Tân đã bỏ công việc ổn định để ra ngoài làm ăn và thành công trong lĩnh vực kinh doanh, lắp đặt các loại cửa nhựa, nhôm, phụ kiện lõi thép. Cơ duyên sau một lần được tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong nước cùng Hiệp hội Doanh nhân trẻ Thanh Hóa và hiểu ý nghĩa, giá trị của làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), năm 2017 anh bắt tay vào làm NNCNC. Được chính quyền, địa phương trên địa bàn huyện Quảng Xương tạo điều kiện, anh chuyển đổi 7,5 ha đất nông nghiệp của bà con nhân dân thôn Dục Tú, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương để làm NNCNC mang tên Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới (Queenfarm) với tất cả sự tâm huyết. Hiện nông trại của anh với đủ các loại như dưa lưới Taki Nhật Bản; trồng rau thủy canh. Không chỉ là nơi cung cấp sản phẩm rau, quả sạch, chất lượng mà nông trại Queenfarm còn là địa chỉ tham quan lý tưởng cho các em học sinh trên địa bàn khu vực lân cận đến trải nghiệm du lịch đồng quê. Hi vọng rằng, với cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Trần Văn Tân sẽ tiếp tục dẫn dắt, đưa Queenfarm ngày càng phát triển hơn - với hành trình khởi nghiệp trong lĩnh vực đầy tính nhân văn - nông nghiệp công nghệ cao.

Chàng 9X xứ Thanh bỏ lương “khủng”... về làng trồng hành

Ngô Hữu Sáu, trồng hành không khó nhưng cũng dễ thất bại.

Đó là chàng trai Ngô Hữu Sáu (SN 1994, thôn Mậu Đông, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương), sau khi tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sáu sang Nhật Bản làm du học sinh một năm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến khi trở về nước anh làm cho một công ty Nhật Bản ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) chuyên về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Tưởng như thế là chàng trai ấy sẽ bằng lòng với công việc của mình. Nhưng rồi, vốn ưa mạo hiểm chàng trai lại từ bỏ mức lương “khủng” 40-60 triệu đồng/tháng để về quê "nghịch đất, nghịch nước" trồng hành.

Ban đầu Sáu xin dồn hết ruộng của gia đình lại một khu và thuê thêm đất của bà con không canh tác để bắt tay vào trồng rau sạch. Vụ thu hoạch đầu tiên với mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, Sáu đã thành công. “Tuy lợi nhuận không cao nhưng đó là lần đầu để lấy động lực phấn đấu. Với tôi không lỗ đó là một thành công bước đầu”. Khi được hỏi về lý do chấp nhận bỏ một công việc với điều kiện làm việc tốt, lương tương đối cao để về quê làm nông nghiệp, Sáu không mất quá nhiều thời gian suy nghĩ mà trả lời rất quả quyết: “Từ khi còn nhỏ mình đã có một niềm yêu thích rất đặc biệt với các hoạt động nông nghiệp và luôn mơ ước xây dựng được cho riêng mình một mô hình nông nghiệp”.

Cuối năm 2018, Sáu quyết định dốc toàn vốn tự có, vay mượn thêm người thân để mở rộng mô hình sang trồng hành. Anh bảo: “Biết sao được cũng phải mạo hiểm. Nhưng là mạo hiểm có cơ sở”. Sau khảo sát tại địa phương và nhu cầu thị trường, Sáu quyết định chuyển hướng sang trồng hành trong nhà màng. Đây là mô hình đem lại lợi nhuận cao hơn so với các cây trồng khác. Tiếp tục, Sáu mua thêm ruộng đất và mở rộng mô hình từ 1ha lên 2ha, xây dựng nhà màng và hệ thống tưới tự động để phục vụ mô hình trồng hành. Kết quả như mong đợi, lứa hành đầu tiên đã cho năng suất cao đem về lợi nhuận hàng chục triệu đồng.

Nói thì thế thôi, nhưng có làm mới biết mỗi cây mỗi tính, trồng hành tưởng chừng rất dễ nhưng cũng rất dễ thất bại. Nhất là vào mùa mưa bão, hệ thống thoát nước không tốt sẽ bị ngập úng. Mỗi năm có thể trồng được 6 vụ hành, tương đương với mỗi vụ là 45 ngày trồng. Thời điểm này là thời điểm vụ hành trái vụ, nếu trồng hiệu quả sẽ đem lại lợi nhuận gấp đôi so với vụ thường. Giá bán thị trường hiện nay khoảng 5 triệu/1 sào hành. Nếu so với trồng rau củ quả thì trồng hành đem lại lợi nhuận hơn rất nhiều.

25 tuổi, Ngô Hữu Sáu đã tạo công ăn việc làm cho gần 45 nhân công tại địa phương. Điều đó chẳng thể dễ gì có được với nhiều cậu ấm cô chiêu, đang tận hưởng sức lao động và thành quả của bố mẹ. Nhiều người khâm phục Sáu bởi chàng trai này dám sống với đam mê của mình, dẫu rằng không biết con đường phía trước với nhiều cám dỗ, nhiều hoa hồng và cả không biết bao gian nan, Sáu liệu có thành doanh nhân không, nhưng đến lúc này, người ta đã có thể gọi Sáu là chàng trai trẻ thành công.

P.V


P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]