(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra trong dòng họ, gia đình có truyền thống Nho học và làm thuốc ở làng Canh Hoạch, tổng Phú Hà, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân), sau khi thi hỏng tam trường, chàng thanh niên Hà Duyên Đạt về nhà mở lớp dạy chữ Nho cho con em trong làng, trong tổng và bốc thuốc chữa bệnh.

Từ người thầy giáo, thầy thuốc đến người chiến sĩ cách mạng

Sinh ra trong dòng họ, gia đình có truyền thống Nho học và làm thuốc ở làng Canh Hoạch, tổng Phú Hà, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân), sau khi thi hỏng tam trường, chàng thanh niên Hà Duyên Đạt về nhà mở lớp dạy chữ Nho cho con em trong làng, trong tổng và bốc thuốc chữa bệnh.

Từ người thầy giáo, thầy thuốc đến người chiến sĩ cách mạngMột số hình ảnh về ông nội Hà Duyên Đạt được ông Hà Duyên Sơn giữ gìn.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến nổi lên mạnh mẽ trong cả nước. Đặc biệt là cuộc xuống đường của học sinh, sinh viên đấu tranh đòi ân xá nhà cách mạng yêu nước Phan Bội Châu và làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Trực tiếp chứng kiến nhiều mảnh đời nghèo khổ, sự bóc lột của địa chủ cường hào, càng tác động mạnh mẽ tới thầy giáo – thầy thuốc Hà Duyên Đạt.

Năm Giáp Thìn (1924), nhân “Tứ tuần đại khánh” của vua Khải Định, Hà Duyên Đạt được triều đình nhà Nguyễn sắc phong chức Tòng cửu phẩm văn giai. Trong số nhiều câu chuyện về cửu phẩm Hà Văn Đạt, nhiều người trong dòng họ vẫn tự hào kể lại: Khi ông lên dạy cho một gia đình ở tổng Phú Hà, làng Đông Thành xây hai cột nanh làm cổng làng, các vị chức sắc đến xin đôi câu đối, ông viết: “Độc lập giang biên bình đẳng trụ - Quảng khai hạng lý tự do môn”. Hai câu đối được các cụ trong làng hết lời ca ngợi nhưng ngay lập tức ông có trát lên phủ đường. Vừa vào công đường, ông đã bị hỏi: “Thầy Cửu vừa ở Lao Bảo về mà còn muốn độc lập tự do nữa sao?” Ông hỏi lại: “Quan lớn nói gì ạ?”. Quan phủ sẵng giọng: “Độc lập, tự do không phải mục đích của cộng sản sao?”. Ông cười nói: “Tôi chỉ nói đó là hai cái cột bằng nhau đứng ở bên sông, nhưng là cửa rộng rãi để mọi người tự do ra vào làng chứ có cộng sản gì đâu”. Đuối lý, quan phủ nói: “Tôi biết thầy Cửu là người hay chữ, nhưng phải có chừng mực mới được”.

Có chữ, có kiến thức uyên thâm là điều kiện để chàng thanh niên Hà Duyên Đạt vượt qua rất nhiều sự kìm kẹp để có thể hoạt động cách mạng. Tháng 10-1927 được sự giới thiệu của thầy Nguyễn Tam Khôi, giáo viên Trường Pháp - Việt (phủ Thọ Xuân), Hà Duyên Đạt đã đấu mối được với các đồng chí Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Văn Hồ, người làng Phong Cốc, tổng Thử Cốc, phủ Thiệu Hóa (nay là xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân), và tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng (gọi tắt là Đảng Tân Việt). Đến tháng 4-1929, ông bí mật dự lớp huấn luyện 3 tháng cùng các đảng viên Tân Việt huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định, tại nhà ông Đỗ Huy Trinh ở làng Thuần Hậu (xã Xuân Minh). Tại đây, ông đã được bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tiểu sử các lãnh tụ và một số tài liệu của Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội như “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và bài huấn luyện bằng văn vần về phương châm, nguyên tắc hoạt động của Đảng Tân Việt.

Nhận thức nhanh, hiểu thấu đáo những vấn đề lý luận cách mạng và thực tiễn đời sống, mỗi giờ dạy học hay đi chữa bệnh, ông đều vận dụng để truyền bá tư tưởng cách mạng tới học sinh và các tầng lớp Nhân dân.

Càng về cuối năm 1929, Đảng Tân Việt ở Thanh Hóa càng bị địch khủng bố mạnh mẽ, hầu hết các đảng viên chủ chốt đều bị bắt và cầm tù. Hà Duyên Đạt và các đảng viên chưa bị lộ một mặt nâng cao cảnh giác bảo vệ tổ chức, một mặt tích cực hoạt động để chuẩn bị cho việc thành lập tổ chức cộng sản.

Rất nhanh sau đó, trong năm 1930, nhiều nhóm cộng sản ở các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân lần lượt ra đời đã đấu tranh đòi cải cách hương thôn, xóa bỏ, giảm bớt các hủ tục phong kiến nặng nề lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan…

Sau Hội nghị thành lập Đảng bộ Thanh Hóa (29-7-1930), hội nghị tái thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tại làng Hồ Thượng trước cổng phủ lỵ Tĩnh Gia, nay thuộc phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn (1-1-1931), đến tháng 4-1931, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng bàn và triển khai một số công tác quan trọng, đồng chí Hà Duyên Đạt được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, phụ trách khu vực Thọ Xuân.

Từ người thầy giáo, thầy thuốc đến người chiến sĩ cách mạngThư viện tư nhân mang tên Hà Duyên Đạt được ông Hà Duyên Sơn mở ra với tâm nguyện góp phần mang ánh sáng văn hóa đọc và tri thức đến với Nhân dân.

Giữa lúc phong trào cách mạng ở Thanh Hóa đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ thì ngày 18-5-1931, đồng chí Lê Văn Thiệp và một số đồng chí khác bị bắt trên đường làm nhiệm vụ. Từ đây, địch đã phát hiện ra đầu mối, truy lùng gay gắt các đảng bộ và một số cơ sở cách mạng. Toàn bộ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và nhiều quần chúng cách mạng bị địch bắt tra tấn dã man, trong đó có đồng chí Hà Duyên Đạt.

Năm 1936, trở về sau 5 năm giam đày ở nhà tù Lao Bảo, dù bị địch quản chế nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, bắt liên lạc với cấp trên và thành lập Hội Tương tế ái hữu làng Canh Hoạch (xã Xuân Lai).

Tài y thuật của ông đã được nhiều người tin tưởng. Căn nhà của ông luôn là nơi qua lại, nghỉ ngơi của cán bộ. Chính ông đã nuôi giấu, chăm sóc, cơm cháo, thuốc thang cho rất nhiều đồng chí. Trong đó có đồng chí Trịnh Ngọc Phớc lúc đó là Tỉnh ủy viên kiêm Chủ tịch Mặt trận phản đế tỉnh; Hoàng Thị Minh Ba (Ba Rốt), Tỉnh ủy viên... Không chỉ chữa bệnh cho các đồng chí của mình, ông còn chữa bệnh cho vợ tri phủ Thọ Xuân. Cũng chính nhờ y đức mà ông đã tránh được sự nghi kị của địch để tiếp tục hoạt động cho phong trào “Mặt trận phản đế cứu quốc” và sau này là Mặt trận Việt Minh, góp phần cùng cả nước khởi nghĩa thành công, giành chính quyền về tay Nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng 8, ông được Nhân dân cử làm Chủ tịch lâm thời tổng Phú Hà, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Minh Nghĩa (Thọ Xuân) (lúc đó gồm 14 làng và 1 trại, ngày nay là các xã Xuân Lai, Xuân Minh, Xuân Lập, và Xuân Tân), rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính kiêm Bí thư chi bộ xã Minh Nghĩa. Đến năm 1950, ông được Tỉnh ủy điều lên làm tại Ủy ban Mặt trận Liên Việt tỉnh.

30 năm tuổi Đảng, 73 năm tuổi đời, ông dồn hết sức lực của mình để hoạt động cách mạng. Thật vinh dự, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng Ba, Bằng gia đình có công với nước.

Tiếp bước truyền thống, người con cả của ông là Hà Duyên Tuyển ngay từ nhỏ đã theo ông hoạt động cách mạng. Vợ ông Tuyển là bà Hà Thị Sước cũng là người nuôi giấu các đồng chí hoạt động cách mạng. Thế hệ thứ 3 trong gia đình là ông Hà Duyên Sơn khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Vinh (Nghệ An) cũng đã gác bút nghiên lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kháng chiến thắng lợi, ông trở về địa phương dạy học, là Hiệu trưởng Trường THPT Thọ Xuân 4.

Thông tin đến chúng tôi, ông Lê Văn Sâm, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lai (Thọ Xuân) cho biết: Sau ông Hà Duyên Sơn, thế hệ thứ 4 trong gia đình nhiều người tiếp tục theo nghề giáo viên, trong đó có PGS.TS Hà Duyên Trung hiện là Trưởng khoa Kỹ thuật truyền thông, Trường Điện – Điện tử thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo thống kê sơ bộ của gia đình, đến nay có hơn 20 người theo nghề giáo. Trong số những người đỗ đạt của gia đình, có 2 PGS, 3 tiến sĩ, 8 thạc sĩ và gần 30 người trình độ đại học đang công tác ở nhiều lĩnh vực. Để giữ truyền thống học hành, ông Hà Duyên Sơn đã thành lập quỹ khuyến học gia đình mang tên ông nội là Hà Duyên Đạt. Hàng năm, quỹ đều trao phần thưởng cho các con cháu trong dòng họ đạt thành tích học tập cao. Đồng thời, để hướng con cháu đến việc đọc sách, vợ chồng ông cũng xây dựng thư viện sách tư nhân. Hiện nay, thư viện có trên 2.000 đầu sách, với hơn 8.000 cuốn phục vụ miễn phí cho học sinh và người dân địa phương".

*Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Những chiến sĩ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa” (tập 1, NXB Thanh Hóa, 2010).

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]