(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ là người thầy mẫu mực, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng khi còn đương chức quan trường đã khẳng định tâm, tầm của một kẻ sĩ dốc lòng vì nước, để lại sự cảm phục cho người đương thời và hậu thế.

Vang danh Bảng nhãn Lương Đắc Bằng

Không chỉ là người thầy mẫu mực, Bảng nhãn Lương Đắc Bằng khi còn đương chức quan trường đã khẳng định tâm, tầm của một kẻ sĩ dốc lòng vì nước, để lại sự cảm phục cho người đương thời và hậu thế.

Vang danh Bảng nhãn Lương Đắc BằngĐền thờ Lương Đắc Bằng - Lương Hữu Khánh.

Từ vùng đất học

Về làng Hội Triều (nay thuộc thôn Nam Hội Triều, xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa), thắp nén hương thơm lên đền thờ Lương Đắc Bằng càng hiểu tại sao nơi đây vang danh đất học, đất sinh tài. Nói như Nhà sử học Lê Văn Lan tại Hội thảo khoa học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng và Thượng thư Lương Hữu Khánh trong lịch sử và văn hóa Việt Nam được tổ chức tháng 10-2014 tại Thanh Hóa: “Chúng ta có Hương nguyên Lương Hay tiếp đến Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, sau đó là Thượng thư Lương Hữu Khánh, nếu kẻ một cột dọc từ trên xuống dưới ta có ba đời thân tộc, khi ta gạch nối từ Lương Hay xuống Lương Thế Vinh, tiếp đó lại nối vào Lương Đắc Bằng, nối sang Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và nối xuống Lương Hữu Khánh, chúng ta có 2 cột biểu đồ, một bên là hệ thống thân tộc máu mủ ruột già, một bên là thầy trò”.

Nhìn lại lịch sử, Lương Đắc Bằng là con của Giải nguyên Lương Hay (1401-1484) và bà Lê Thị Sử. Sau khi đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương, cụ Lương Hay không đi thi nữa mà ở nhà mở lớp dạy học. Học trò đến xin học rất đông. Trong số học trò có Trạng nguyên Lương Thế Vinh...

Từ nhỏ Lương Đắc Bằng (tên thường gọi là Lương Ngạn Ích) thông minh xuất chúng, nổi tiếng là Thần đồng đất Cổ Hoằng. Năm 1484, sau khi cha mất, cậu bé Lương Ngạn Ích 12 tuổi đã ra Bắc thụ nghiệp học trò cha mình là Trạng nguyên Lương Thế Vinh ở Cao Hương (Nam Định).

Năm 1495, Lương Ngạn Ích đỗ đầu kỳ thi Hương. Năm 1499, khi thi Hội, Lương Ngạn Ích lại đỗ đầu bảng. Tại cuộc thi đình, cái tên Lương Ngạn Ích được xướng danh tại điện Kính Thiên. Bảng vàng treo cửa Đông Hoa.

Sau khi đỗ Bảng nhãn, Lương Đắc Bằng được phong Hàn lâm học sĩ, bổ nhiệm chức Tả thị lang bộ lễ, Tả thị lang Bộ Lại, tước Đôn Trung Bá. Ông có nhiều đóng góp vào việc phát triển văn hóa, cất nhắc quan lại triều đình, được liệt vào hạng công thần.

Nhiều tài liệu cho rằng, Lương Đắc Bằng mất năm 1522 khi ở tuổi 50. Con trai ông là Lương Hữu Khánh, theo học Nguyễn Bỉnh Khiêm, trước đi thi theo nhà Mạc nhưng sau theo Trịnh Kiểm, làm đến Thượng thư, tước Đạt quận công. Có thể khẳng định, dòng họ Lương trải qua các đời vua Lê rất nhiều người đã được vinh danh khoa bảng.

Người dâng Trị bình thập tứ sách

Sống trong suốt 6 triều vua: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và tham dự triều chính qua 4 triều vua, từ Túc Tông đến Chiêu Tông, trực tiếp nhìn thấy tình cảnh nhiễu nhương của triều đại, sự sa đọa của vua quan, tháng 11 năm 1509, Lương Đắc Bằng theo Nguyễn Văn Lang phò tá Giản Tu công Lê Oanh và viết “Hịch dụ đại thần bách quan”, tố cáo và kêu gọi mọi người khởi binh đánh vua Lê Uy Mục.

Lê Uy Mục bị giết, Lê Oanh lên ngôi, Lương Đắc Bằng tưởng lập được minh quân nên dâng Trị bình thập tứ sách (14 kế sách trị nước). Ai ngờ vua cũng không tránh được vết xe đổ, hoang dâm vô độ, Nhân dân oán thán, gọi vua là vua lợn. Xét diễn biến lịch sử giai đoạn cuối Lê Sơ cùng nội dung của Trị bình thập tứ sách, có thể khẳng định, quan điểm của Lương Đắc Bằng đã chạm vào mâu thuẫn căn bản của nhà nước quân chủ lúc bấy giờ. Ngày hôm nay, hậu thế đọc lại Trị bình thập tứ sách không chỉ nhìn ra được thực trạng đất nước những năm đầu thế kỷ XVI với sự tha hóa của vua, quan nhà Lê, mà còn thấy khát vọng cải cách triều chính của Lương Đắc Bằng.

Tuy kế sách trên của Lương Đắc Bằng không được thực hiện nhưng lịch sử vẫn ghi nhận ông là một nhà cải cách xuất sắc của thế kỷ XVI. Những đề xuất của Lương Đắc Bằng vẫn còn giá trị đến ngày nay.

Rạng danh tiền nhân

Sau nhiều năm ở chốn quan trường, Lương Đắc Bằng cáo quan về quê dạy học và nghiên cứu lý số. Ông dốc lòng đào tạo những lớp nho sĩ mới. Học trò của ông có những người nổi tiếng đỗ đạt và trở thành danh nhân của dân tộc như: Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thừa Hưu, Đinh Bạt Tụy... Đặc biệt, ông truyền dạy và trao toàn bộ Thái Ất thần kinh cho Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Phương pháp dạy học của Lương Đắc Bằng là hỏi đáp. Gia phả và nhiều tài liệu còn ghi lại cách dạy học của ông như: Luôn tạo ra một không gian thỏa sức cho sự hăm hở hiểu biết, ham học hỏi của trò. Ông gợi ý các vấn đề để trò động não suy nghĩ, sau đó mới giải đáp tường tận những điều trò chưa hiểu, đôi khi vừa truyện trò về các tích xưa vừa học.

Vang danh Bảng nhãn Lương Đắc BằngÔng Lương Hữu Thao, người quản lý di tích là hậu duệ đời thứ 25 của Bảng nhãn Lương Đắc Bằng.

Về khu mộ và đền thờ hai cha con Lương Đắc Bằng - Lương Hữu Khánh, nghe cháu con kể chuyện cha ông để thấy sự tự hào về vùng đất học, về ngôi đền thờ thiêng. Nếu phải kể danh sách 10 nhà giáo tiêu biểu trong nghìn năm lịch sử Việt Nam, chắc chắn có Lương Đắc Bằng.

Kể từ năm 1994, khi lăng mộ và đền thờ Lương Đắc Bằng - Lương Hữu Khánh được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, hậu duệ đời thứ 25, ông Lương Hữu Thao trực tiếp trông coi đền chia sẻ: Di tích luôn được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hoằng Hóa và Nhân dân, cháu con trong dòng họ giữ gìn, trùng tu tôn tạo. Đặc biệt năm 2019, sau khi được trùng tu, từ khuôn viên vào đến hậu cung của đền đều ngăn nắp, đẹp đẽ.

Từ truyền thống tôn sư trọng đạo, trên chính mảnh đất Hoằng Hóa này ngôi trường trung học phổ thông ở thị trấn Bút Sơn đã mang tên Lương Đắc Bằng, làm rạng danh tên người thầy giáo hết lòng vì sự nghiệp trồng người, một nhà nho chính trực thanh liêm, một công thần dốc lòng vì nước. Thực hiện phương châm “Dân chủ, kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”, thầy và trò Trường Trung học phổ thông Lương Đắc Bằng đã luôn nỗ lực, cố gắng xây dựng trường vững mạnh, thầy giỏi trò ngoan. Hàng tuần, học sinh nhà trường đều đặn về lăng mộ, đền thờ Lương Đắc Bằng - Lương Hữu Khánh để quét dọn. Vào những ngày lễ, đặc biệt là trước các kỳ thi lớn, con cháu trong họ và nhiều em học sinh đã đến đây bái lạy, cầu mong đỗ đạt.

Ông Trương Tiến Lên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong, cho biết: “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia mộ và đền thờ Lương Đắc Bằng - Lương Hữu Khánh chính là niềm tự hào của Nhân dân xã Hoằng Phong. Noi gương những tấm gương ấy, các thế hệ con cháu trong xã luôn nỗ lực hết mình để xây dựng quê hương phát triển hơn. Xã đã về đích nông thôn mới năm 2016 và đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022”.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]