(vhds.baothanhhoa.vn) - Mỗi di tích có ý nghĩa to lớn, trở thành kỷ vật vô giá, là niềm tự hào, nơi giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, yêu nước của cha ông. Cũng như nhiều vùng quê khác, người dân xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa luôn tự hào khi nơi đây từ những năm 1967 - 1973, làng Viên Nội được chọn để xây dựng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Về nơi trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967 - 1973

Mỗi di tích có ý nghĩa to lớn, trở thành kỷ vật vô giá, là niềm tự hào, nơi giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, yêu nước của cha ông. Cũng như nhiều vùng quê khác, người dân xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa luôn tự hào khi nơi đây từ những năm 1967 - 1973, làng Viên Nội được chọn để xây dựng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967 - 1973).

Tự hào khu di tích lịch sử cách mạng

Theo chân cán bộ công chức văn hóa xã Thiệu Viên, chúng tôi đến thăm di tích cách mạng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967 - 1973) và được nghe kể về lịch sử của di tích với niềm tự hào lớn lao. Trụ sở làm việc của cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa thời kỳ 1967 - 1973 vẫn còn đó với ngôi nhà đơn sơ, trước nhà là cây cổ thụ long não và xà cừ được trồng từ thời điểm đó.

Qua lời kể của các cụ cao niên trong xã thì từ tháng 5/1967 Tỉnh ủy Thanh Hóa đã về làm việc và đặt vấn đề với Đảng ủy, UBND xã Thiệu Viên về việc chọn địa điểm xã Thiệu Viên làm nơi sơ tán và đặt trụ sở làm việc của cơ quan Tỉnh ủy ở làng Viên Nội để chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sau đó Tỉnh ủy đã cho thi công xây dựng các công trình như: nhà làm việc của Thường trực, hội trường lớn của Tỉnh ủy, nhà ăn, các nhà ở và làm việc của cán bộ, giếng nước. Đồng thời cùng với nhân dân địa phương xây dựng hệ thống hầm trú ẩn, hệ thống giao thông hào, công sự trận địa chiến đấu trên khắp địa bàn của xã. Trong suốt thời gian Tỉnh ủy đóng và làm việc tại xã Thiệu Viên, nhân dân địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt về vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời ra sức đề cao cảnh giác phòng gian bảo mật, trực tiếp canh phòng nghiêm ngặt sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cơ quan lãnh đạo đầu não của tỉnh, góp phần thắng lợi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Đây là di tích có giá trị lớn về mặt lịch sử. Trong thời điểm khó khăn cả nước chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và sự bảo vệ của nhân dân địa phương, nơi đây đã được bảo mật tuyệt đối và trở thành nơi trung tâm đầu não của cả tỉnh Thanh Hóa. Trong thời gian làm việc tại đây, Tỉnh ủy đã ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, những lời kêu gọi nhân dân trong tỉnh ra sức sản xuất và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, góp phần thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước của cả dân tộc. Trong thời gian cơ quan Tỉnh ủy sơ tán và làm việc, ở đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh.

Đó là vào ngày 6/9/1969, tại hội trường lớn của tỉnh, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Hàng ngàn đại biểu nhân dân, đại diện cho các dân tộc, tôn giáo, các ngành các địa phương từ khắp nơi trong tỉnh về dự lễ truy điệu trong niềm đau thương vô hạn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Đảng bộ, quân dân trong tỉnh đọc điếu văn và nguyện ra sức thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người. Từ ngày 7 - 9/9/1969 nhiều đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã lần lượt đến hội trường làm lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ ngày 21/10 - 4/11/1969 tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 7. Trên cơ sở đánh giá những thành tích đạt được, phân tích hạn chế khuyết điểm trong các năm qua, đại hội đã đề ra nhiệm vụ trong những năm 1970 -1972 nhằm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung mọi nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, bảo vệ, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tỉnh. Năm 1971 tại Ải Tre, xóm Đông đã diễn ra Đại hội toàn quân tỉnh Thanh Hóa. Từ ngày 4 - 6/4/1971, Tỉnh ủy mở Hội nghị nghiên cứu nghị quyết của Quân ủy Trung ương và bàn công tác quân sự địa phương. Tỉnh ủy quyết định đổi cơ quan chỉ huy Quân sự tỉnh (Tỉnh đội) thành Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để đủ sức bao quát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự trong tình hình mới; đổi tên huyện đội thành Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thị. Tháng 1/1972, Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Ủy ban phòng không các cấp và quyết định tăng cường lực lượng cho Ban cung cấp quốc phòng và cử đồng chí Trịnh Ngọc Bích (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) làm trưởng ban.

Sau thời gian dài đánh phá miền Bắc, đế quốc Mỹ đã bị thất bại thảm hại. Ngày 27/1/1973 buộc phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau khi chấm dứt chiến tranh, cơ quan Tỉnh ủy đã trở về trung tâm thị xã (thành phố) Thanh Hóa tiếp tục lãnh đạo các địa phương tăng cường khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, từng bước ổn định đời sống nhân dân, xây dựng hậu phương vững mạnh. Đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.

Tôn tạo, phát huy giá trị di tích

Di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc Tỉnh ủy Thanh Hóa (thời kỳ 1967 - 1973), xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóaxếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2009. Di tích đã trải qua hơn 50 năm, hiện nay nhiều hạng mục công trình di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, gồm hệ thống mái ngói, lớp tường trát, nền nhà, các cấu kiện rui, mè, đòn tay, trần nhà và hệ thống cửa hư hỏng nặng. Do đó việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc Tỉnh ủy Thanh Hóa (thời kỳ 1967 - 1973) là thực sự cần thiết để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cũng như nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương, đất nước. Đây cũng là niềm mong mỏi của người dân không chỉ nơi đây.

Nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập của các tầng lớp nhân dân và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, ngày 17/10/2019 UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967 - 1973). Theo đó quy mô đầu tư gồm tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích: nhà làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, hội trường lớn, nhà truyền thống, bia giới thiệu di tích, hào, hầm chữ A, thiết bị nội thất, nhà vệ sinh, nhà bảo vệ; cải tạo đường bê tông hiện có trước di tích thành đường nhựa có dải phân cách; kè hồ, sân đường nội bộ và hạ tầng kỹ thuật. Xây dựng hoàn trả các công trình thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án công sở UBND xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư 29.800 triệu đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước 25.300 triệu đồng, vốn ngân sách huyện Thiệu Hóa 4.500 triệu đồng). Dự kiến thời gian làm việc không quá 3 năm (2020 - 2022).

Với sự quan tâm kịp thời, tin rằng Di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (thời kỳ 1967 - 1973) sẽ tiếp tục là nơi tham quan, nghiên cứu, học tập của các tầng lớp nhân dân và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Phương Anh


Phương Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]