(vhds.baothanhhoa.vn) - Xin cảm ơn những tháng năm được gắn bó với mái nhà mang tên Báo Văn hóa và Đời sống - nơi cho chúng tôi được thỏa tình yêu với nghề đã chọn. Dù ở môi trường nào, hoàn cảnh nào, những con người gắn bó với tờ Báo Văn hóa và Đời sống sẽ luôn can trường, mạnh mẽ, giữ mãi bầu nhiệt huyết, tình yêu nghề để tiếp tục dâng cho đời hương thơm và trái ngọt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vững tin ở ngày mai

Xin cảm ơn những tháng năm được gắn bó với mái nhà mang tên Báo Văn hóa và Đời sống - nơi cho chúng tôi được thỏa tình yêu với nghề đã chọn. Dù ở môi trường nào, hoàn cảnh nào, những con người gắn bó với tờ Báo Văn hóa và Đời sống sẽ luôn can trường, mạnh mẽ, giữ mãi bầu nhiệt huyết, tình yêu nghề để tiếp tục dâng cho đời hương thơm và trái ngọt.

Đi để trở về

Vững tin ở ngày mai

Nhà báo Kiều Huyền

Tôi từng nghĩ, đã đi là không bao giờ quay trở lại. Ấy thế mà khi hụt hơi tôi lại chỉ mong được trở về. Đương nhiên, quê nhà tôi ấy, vững chãi và bình yên hơn nhiều, nơi ấy có bố mẹ tôi luôn giang cánh tay chờ tôi sà vào.

Đó là năm 2015, tôi quyết định về Báo Văn hóa và Đời sống, thay vì mong muốn của bố tôi: Không phải đi đâu, về làm ở văn phòng đại diện. Lúc đó tôi ngoài 35 tuổi và thực sự muốn khám phá mảnh đất thân thuộc - mà nhắc đến địa điểm nào tôi cũng lơ ngơ, ngoài mấy con đường từ trường cấp 3 về nhà, vài ba quán cóc vỉa hè, và quán chè đậu đãi đầu ngõ.

Về tờ báo tỉnh, hay đúng hơn là tờ báo ngành Văn hóa, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự ấm áp. Hầu hết các phóng viên, biên tập viên đều trẻ, trẻ hơn tôi rất nhiều, chính vì thế mà mọi người xuề xòa, dễ chịu, ít “soi” nhau. 5 năm gắn bó, quãng thời gian chưa dài nhưng đủ để tôi hiểu phần nào hoàn cảnh từng người, tâm tính từng người, và cũng đủ để tôi biết thế mạnh của mỗi thành viên trong tòa soạn.

Tôi vẫn nhớ khi tôi ra mắt cuốn sách Chạm mặt, nhiều người đã rất lo cho tôi vì từ trước đến giờ ở đây ít người tổ chức ra mắt sách. Tôi hiểu trong cái lo âu ấy chứa đựng sự động viên. Bởi suy cho cùng với người viết điều quan trọng hơn tất cả là được “trình làng”, là có người đọc, có nơi chốn giãi bày. Dẫu có lúc chùng chiềng, có băn khoăn đi tiếp hay rẽ một lối khác nhưng sự thực kể từ lúc đó tôi coi đây là nhà của mình, một ngôi nhà ấm áp và nhiều tiếng cười.

Ngôi nhà ấy chúng tôi hàng ngày gặp nhau, kể cho nhau nghe chuyện gia đình, chuyện mẹ chồng nàng dâu, chuyện con cái, chuyện tuổi trẻ vùn vụt trôi và tuổi già đang sầm sập tới... những câu chuyện không đầu không cuối nhưng chẳng có hồi kết bởi đó là cuộc sống giằng níu, gắn kết chúng tôi.

Khi tôi được phân công về phụ trách phòng phóng viên, cũng là lúc Báo Văn hóa và Đời sống ở vào giai đoạn báo chí đang được quy hoạch lại. Tâm trạng các thành viên trong phòng nhiều lúc xôn xao, phân tán và không ít lo âu. Tuy nhiên, chúng tôi thường động viên nhau, dù đi đâu về đâu nghề viết sẽ gắn bó, kết nối mọi người và cùng nhau sẻ chia với cộng đồng.

Chặng đường tiếp theo chúng tôi sẽ hòa nhập vào môi trường mới, có những đồng nghiệp mới, nhưng tôi tin rằng tinh thần của những người làm báo Văn hóa và Đời sống sẽ phần nào được “chuyển hóa” vào một ấn phẩm mới.

Chuyến đi này chúng tôi được về một nơi khang trang hơn, to đẹp hơn và chuyên nghiệp hơn. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ “Khi ta ở cũng là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”, hy vọng rằng, chúng tôi không chỉ được đón nhận như một người bạn, một đồng nghiệp, mà còn là người thân trong một mái nhà.

Mùa xuân ở lại

Vững tin ở ngày mai

Nhà báo Đỗ Đức

Báo Văn hóa và Đời sống là nơi ghi dấu quãng đường tươi trẻ với niềm đam mê, sự năng động, xông xáo của tôi.

Tốt nghiệp đại học ra trường, mưu sinh ở Hà Nội gần năm trời, tôi khăn áo về quê xin cộng tác, rồi được tuyển dụng làm phóng viên hợp đồng với Báo Văn hóa và Đời sống. Tôi và rất nhiều người trẻ của cơ quan thừa hưởng môi trường làm việc đã được định hình và thương hiệu lớn trong làng báo xứ Thanh, được xây từ mồ hôi, công sức, trí tuệ, tâm huyết của các bác, anh, chị đi trước. Những bài viết của Văn hóa - Thông tin, như “Huyện tang”, “Cõng lũ về ruộng”, “Vực xoáy Nam Giang”... cứ thôi thúc tôi tìm tòi, khám khá và sáng tạo, những mong tiếp bước được các bậc tiền bối.

Tôi được anh Lê Nam khi ấy là Phó Tổng Biên tập (nay là Tổng Biên tập) giúp đỡ, động viên, giúp nuôi dưỡng ước mơ và nghị lực làm báo ngay từ những ngày đầu xin về cộng tác với báo, rồi hợp đồng thử việc. Tôi đã có thêm niềm tin từ những lời động viên của anh Tuấn Anh, Huy Tưởng, chị Mai Tuyết, anh Phạm Ngọc... để vững bước hơn trên những cung đường cơ sở. Và tôi đã được đền đáp, trở thành phóng viên chính thức của Văn hóa và Đời sống sau những cố gắng, nỗ lực của sức trẻ, sự quan tâm, giúp đỡ của các cô, chú, anh, chị trong cơ quan và đồng nghiệp.

Qua thời gian, Báo Văn hóa và Đời sống ngày càng phát triển, gặt hái được nhiều thành công. Từ 1 kỳ báo trong tuần đã được nâng lên 2 kỳ và có trang thông tin điện tử tổng hợp vào năm 2012. Những thành công đó càng đã tiếp thêm sức mạnh niềm tin, thôi thúc những người trẻ như tôi nỗ lực, cố gắng bằng tất cả những gì có của sức trẻ.

Thời Văn hóa và Đời sống, những người trẻ chúng tôi tiếp tục làm nên những bài báo có hiệu hứng xã hội, nhiều bài viết phản ánh góc khuất của xã hội, phê phán thói hư tật xấu, tình trạng xuống cấp đạo đức, tham những, cửa quyền... được dư luận đánh giá cao, được các cấp, ngành vào cuộc xử lý dứt điểm. Cũng có nhiều bài viết biểu dương những điển hình tiên tiến, những cách làm hay, những hành động đẹp thể hiện nghĩa cử, hình ảnh tốt đẹp của người Thanh Hóa. Nhưng hơn hết trên các số Báo Văn hóa và Đời sống là một xứ Thanh có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, giàu sắc thái văn hóa đang mạnh mẽ vươn mình trỗi dậy phát triển. Đó là cách tôi và những người trẻ góp sức mình để định vị, gìn giữ thương hiệu, bản sắc không hề bị trộn lẫn của Văn hóa và Đời sống trong làng báo chí xứ Thanh nói riêng và báo chí nước nhà nói chung.

Hơn 5 năm quăng quật trên những cung đường cơ sở và sự kiện, tôi được điều động làm công tác thư ký tòa soạn, “trói chân” ở gầm bàn từ năm 2015 đến nay. Những ngày đầu bỡ ngỡ ấy tôi đã được Tổng Biên tập Lê Nam và bác Trịnh Duy Hoàng - nguyên là Trưởng phân xã Thanh Hóa - Thông tấn xã Việt Nam chỉ dẫn nhiệt tình về công việc và bồi đắp thêm niềm đam mê, nhiệt huyết người trẻ. Tôi nhập cuộc bằng những lần tham mưu cho Tổng Biên tập ban hành các đề cương theo tuần, theo tháng làm cơ sở cho Ban Biên tập phân công công tác phóng viên, rồi biên tập trình bày các số báo. Từ việc cơ cấu lại các chuyên trang, mở mới chuyên mục phù hợp, kịp thời với thực tiễn, đến việc xây dựng các tuyến bài, chuyên đề để nâng cao chất lượng nội dung tờ báo. Nhiều chuyên mục, tuyến bài trong số đó đã thu hút được sự trở lại đều đặn, thường xuyên của những cây viết tên tuổi của làng văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí và giới nghiên cứu văn hóa xứ Thanh, như Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, Nhà nghiên cứu Phạm Tấn, Nhà nghiên cứu Cao Sơn Hải, Nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, Nhà văn Nguyễn Minh Khiêm, Nhà văn Nguyễn Văn Đệ... Cùng với sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của những đội ngũ phóng viên, biên tập viên, chất lượng nội dung và hình thức trình bày của tờ báo được nâng cao hơn một mức.

Sự trưởng thành của Văn hóa và Đời sống được khẳng định qua những đánh giá cao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của độc giả, của đồng nghiệp, bạn văn và những Giải A, Giải B Giải Báo chí Trần Mai Ninh, hay giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên giải Búa Liềm vàng). Đó còn là số lượng báo phát hành được nâng lên, phạm vi phát hành được mở rộng, là những hoạt động từ thiện xã hội với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng mỗi năm... Thành công rất nhiều, nhưng đó cũng là yêu cầu phải có từ thực tiễn hoạt động báo chí sinh động và chuyển biến mau lẹ.

Đó là những dấu ấn khó phai, xây đắp niềm tự hào trong tôi về tờ báo mà mình đã chọn, gắn bó để cống hiến. Lòng thầm vui vì tôi và những người trẻ của tờ báo Văn hóa và Đời sống hôm nay đã góp một phần nhỏ bé vào truyền thống, thương hiệu của tờ báo mà các bậc tiền bối đã dày công tạo dựng.

Thông tin quy hoạch báo chí đã đến từ mấy năm trước, lúc ấy tôi buồn vì mình còn nhiều dự định dang dở, tờ báo còn nhiều hoài bão chưa thành. Nhưng rồi, tôi nghĩ, Văn hóa và Đời sống khép lại, ấn phẩm khác sẽ mở ra, tốt đẹp và tươi sáng hơn. Còn chúng tôi sẽ về dưới mái nhà Báo Thanh Hóa, với những mong tiếp tục rèn rũa, cống hiến để trưởng thành hơn.

Tôi gác lại những đề tài, ý tưởng nội dung ở Báo Văn hóa và Đời sống trong niềm tin và ngày mai tươi sáng. Lòng thấy may mắn được gặp và cảm ơn các anh, chị, em trong cơ quan đã giúp tôi trưởng thành hơn sau mỗi bài báo, số báo. Đó là kỷ niệm đẹp về tháng ngày tươi trẻ, như mùa xuân của cuộc đời, làm hành trang để tôi vững bước trên những cung đường tác nghiệp còn dài.

Giữ mãi nhiệt huyết, đam mê và tinh thần vươn lên.

Vững tin ở ngày mai

Nhà báo Ngọc Huấn (thứ hai từ trái sang)

Có ai đó từng nói “Thành công là một hành trình dài. Ở đó, có lúc bạn chạy rất nhanh, nhưng có khi kiệt sức đi chậm lại, thậm chí chấn thương phải tạm dừng. Nhưng nếu nỗ lực để về đích thì dù kết quả thế nào cũng đã là thành công”. Và với tôi, những năm tháng gắn bó với Báo Văn hóa và Đời sống được viết, được cống hiến và bằng sức trẻ của mình được làm những điều ý nghĩa, đó cũng đã là thành công.

Tháng 6/2012, tôi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ra trường, hầu hết chúng bạn trong lớp ở lại Thủ đô làm việc, sinh sống, còn tôi về quê và gắn bó với tờ báo Văn hóa và Đời sống cho đến nay. Trải qua thời gian học việc, thử việc, làm việc chính thức... đủ mọi vui, buồn trong nghề, có lúc chán nản khi gặp khó khăn, nhưng mỗi lần cầm trên tay tờ báo, thấy tin, bài của mình xuất hiện và được bạn đọc đón nhận thì mọi khó khăn tan biến và luôn động viên mình cần cố gắng hơn nữa để trưởng thành, có nhiều bài viết hấp dẫn, mang hơi thở cuộc sống.

Quãng thời gian gắn bó với tờ báo, quên sao được những lần tác nghiệp khó khăn nhưng ấm áp tình người. Quên sao được bản Sa Ná, xã Na Mèo, Quan Sơn khi tôi dừng chân - mọi thứ sau lũ vào tháng 8/2019 trở nên hoang tàn, nhà cửa bị cuốn trôi, cây cối ngổn ngang dọc lối đi vào bản, tiếng khóc của người dân mất người thân vang lên khắp bản một cách đau đớn, não nề. Đàn ông trong bản chuẩn bị hòm, ván, rửa lại chiếc quan tài “dự trữ” đã bị bùn đất vùi lấp vấy bẩn để chuẩn bị khâm liệm cho những người xấu số bị mất tích do lũ vừa được tìm thấy. Phụ nữ già, trẻ liên tục gào khóc. Trái tim con người có sắt đá cỡ nào, người dưng cỡ nào nhưng khi chứng kiến đau đớn, hoang tàn, bi thương bao trùm khắp bản chắc hẳn cũng phải rơi lệ. Quên sao được, đôi mắt những đứa trẻ người dân tộc Mông chơi bên hiên nhà, đôi mắt trong veo hồn nhiên nhưng còn thoảng nỗi lo lắng, sợ hãi khi những gì chúng vừa chứng kiến thiên tai gây ra. Không khí tang thương bao trùm trong căn nhà nhỏ của gia đình anh Thao Văn Súa - Trưởng Công an xã Nhi Sơn (Mường Lát) đã hi sinh khi đi vận động bà con đến nơi an toàn trong trận lũ tháng 8/2019. Nỗi đau vẫn còn hằn lên trong đôi mắt của vợ và con gái anh Súa. Người mẹ già đau đớn ôm lấy ngực, nước mắt khóc cạn vì con giờ chỉ nấc nghẹn... Nhưng tôi tin, người mẹ, người vợ sẽ vượt qua nỗi đau, họ tự hào vì anh đã biết hi sinh bản thân mình cho người khác.

Qua thời gian, sự bình tĩnh, can đảm của những lần tác nghiệp nơi vùng lũ, hay những lần trèo đèo, lội suối, ăn cơm, uống nước, ngủ nhà dân càng bồi đắp thêm tình yêu với nghề mà mình chọn, bản lĩnh hơn để tiếp tục dấn thân, xông pha mà không sợ nguy hiểm. Dù khó khăn trong nghề, nhưng được lựa chọn tôi vẫn lựa chọn những chuyến đi khó khăn ấy. Xin cảm ơn những tháng năm được gắn bó với mái nhà mang tên Báo Văn hóa và Đời sống - nơi cho tôi được thỏa tình yêu với nghề mà tôi đã chọn. Dù ở môi trường nào, hoàn cảnh nào, tôi tin rằng, những con người gắn bó với tờ Báo Văn hóa và Đời sống sẽ luôn can trường, mạnh mẽ, giữ mãi bầu nhiệt huyết, tình yêu nghề để tiếp tục dâng cho đời hương thơm và trái ngọt.

Trưởng thành từ ngôi nhà Văn hoá và Đời sống

Vững tin ở ngày mai

Nhà báo Hoài Anh

31 năm xây dựng và trưởng thành của tờ báo, cũng là gần 10 năm bản thân được đồng hành, gắn bó. Từ một cái tin bé tí được chạy ở góc trang, phía cuối đề tên mình... Giờ đây, mỗi một số báo được xuất bản đều có những tin, bài đều đặn gửi đến độc giả. Đó là thành quả ngọt ngào của cả quá trình phấn đấu, trưởng thành của bản thân từ ngôi nhà chung - Báo Văn hoá và Đời sống.

Ngay sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình I, mơ ước cháy bỏng của bản thân lúc ấy là được làm việc tại Báo Văn hoá và Đời sống. Bởi trước đó, tôi đã có khoảng thời gian gắn bó trong đợt thực tập tốt nghiệp tại tờ báo. Với tôi, ấn tượng ban đầu về tờ báo đó là môi trường làm việc hoà đồng của một tập thể, nơi cho ra đời những ấn phẩm với nội dung đa dạng, dễ đọc, dễ cảm nhận. Và đó còn là nơi có bác Tổng Biên tập già cần mẫn, với mái tóc phớt bạc, chậm rãi mà nghiêm nghị. Là nơi mọi người đối với nhau bằng tình thân.

Cũng may mắn, sau khi thử sức ở một tờ báo thường trú vài tháng, tôi được nhận về công tác ở tờ báo mình mong muốn, đó là vào năm 2012. Cơ quan cũ của chúng tôi nằm trên đường Lê Hoàn, cơ sở vật chất không được khang trang cho lắm. Nhưng đó là những ngày tháng đáng nhớ, là những kỷ niệm tôi sẽ không bao giờ quên được trong cuộc đời mình. Đó là những năm tháng phấn đấu không mệt mỏi, là những tủi hờn của “buổi đầu” vào đời, là những đêm trằn trọc mất ngủ bởi chưa hoàn thành bài viết... Ngày ấy, đứa phóng viên trẻ như tôi, chưa từng ngại khó, không ngại khổ, cũng chẳng ngại nắng mưa... Điều tôi và có lẽ nhiều phóng viên trẻ khác sợ nhất đó là cuộc gọi của bác Tổng biên tập - Phạm Minh Trị. Và có một điều chắc chắn rằng, cuộc gọi ấy khi nào cũng là mời lên phòng để chỉ ra lỗi “đặc biệt quan trọng” trong bài viết. Thú thật, bản thân tôi cũng một vài lần bị bác gọi lên như thế, cảm giác lo sợ lắm, run lắm. Nhưng mỗi một lỗi được bác chỉ ra đều khiến tôi ghi nhớ cho đến tận bây giờ và không bao giờ tái phạm.

Giờ đây, khi tờ báo sắp sửa thực hiện Đề án quy hoạch báo chí, nghĩ lại chặng đường đã qua, tôi âm thầm cảm ơn tất cả, cảm ơn sự nghiêm khắc từ những ngày đầu của bác Tổng Biên tập, cảm ơn những người anh, người chị đồng nghiệp đã giúp đỡ tôi, động viên tôi từ những “bước tập đi” đầu tiên... Cảm ơn nghề đã mang đến cho tôi những mối quan hệ thân tình. Cảm ơn những tình cảm chân thành của người dân, của địa phương, cơ sở tôi từng tác nghiệp... Để từ một cái tin “Giải Việt dã Báo Thanh Hoá tại Hà Trung” được in ở góc tờ báo, từ một niềm vui nhỏ nhoi giờ đây được nhân lên trong niềm tự hào lớn. Sắp tới, chúng tôi - những người đồng nghiệp sẽ còn gặp lại nhau, còn đồng hành cùng nhau ở một tờ báo mới. Và chúng tôi tin rằng, với những gì đã được rèn luyện, trưởng thành ở Báo Văn hoá và Đời sống, chúng tôi sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, là người phóng viên chân chính ở một tờ báo mới.

Nghề báo và những buồn vui

Vững tin ở ngày mai

Nhà báo Nguyễn Đạt

Có đi mới cảm nhận được, mới được trải nghiệm biết bao những khó khăn, những buồn, vui của bà con dân bản, có lúc với họ xây được một cây cầu cho con em mình đến trường đã là cái gì đó rất lớn lao rồi, có khi lại chỉ mong sao cho những mảnh đời bất hạnh có chỗ nương tựa, khi thì rét buốt lại mong sao con em mình có cơm no, áo ấm... có bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui trong nghề báo không thể nào nói hết. Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ thông qua bài viết của mình. Niềm vui và nước mắt luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì không hẳn tôi mà hầu hết các nhà báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp.

Cũng có những kỷ niệm mà giờ đây nhớ lại, tôi vẫn thấy lâng lâng một niềm vui khó tả. Đó là lần tôi viết bài về hoạt động văn hóa - văn nghệ ở những xã khó khăn của huyện miền núi Quan Hóa. Trước khi đi, mặc dù, đã được báo trước, đường cực kỳ khó đi, và có thể sẽ đi bộ, thế nhưng tôi vẫn quyết tâm và chuẩn bị mọi thứ thật cẩn thận. Và rồi đúng 5h30 phút sáng tôi hăng hái lên đường. Quả thật tất cả những gì diễn ra ở thực tế khác xa với những gì tôi tưởng tượng. Những con đường đất, sỏi lẫn lộn, bé tí, hai bên đường đi toàn là núi và rừng. Đoạn thì đi xe máy được, đoạn thì đi bộ, hôm đó đúng ngày trời mưa tầm tã, đúng một buổi sáng tôi cũng vào được đến xã và đúng lúc này cơn mưa núi cũng bất chợt xối xả. Thế nhưng, đáp lại tôi cảm nhận được tình cảm ấm áp cũng những người dân dành cho mình bằng bữa cơm trên nhà sàn hay đơn giản là những bắp ngô nướng. Rong ruổi 3 ngày cùng cán bộ văn hóa và những người dân ở các xã Hiền Kiệt, Phú Lệ... tôi cũng thu thập được những tài liệu mà tôi cần để chuẩn bị cho bài viết. Chia tay các cán bộ xã và người dân trong ngậm ngùi và cũng có những giọt nước mắt... tôi hứa sẽ trở lại.

Có lăn xả với nghề mới biết, làm báo không hề đơn giản như nhiều người nghĩ, nhất là khi đi điều tra. Có những vụ việc mà phóng viên phải dùng đến sự khôn khéo, tự tin thì quá trình tác nghiệp mới có kết quả. Tôi còn nhớ lần điều tra theo đơn thư bạn đọc tại một số khu tái định cư trên địa bàn TP Thanh Hóa về việc thiếu hạ tầng điện nước, chủ đầu tư bàn giao mặt bằng chậm... Những lần chúng tôi liên lạc để tác nghiệp đều bị chủ đầu tư từ chối hoặc tìm cách né tránh, thậm chí họ còn cho bảo vệ đuổi phóng viên, dọa nạt, thu máy ảnh... Vì vậy, để có được tư liệu cũng như ảnh minh họa cho bài báo, chúng tôi đã phải cải trang và giấu đồ nghề để lọt được vào bên trong gặp gỡ người dân, chụp ảnh viết bài nộp về cho tòa soạn...

Trong đời làm báo, còn biết bao kỷ niệm khó có thể kể hết. Đây chỉ là những kỷ niệm rất nhỏ ở Báo Văn hóa và Đời sống mà chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ quên.

Tôi viết thú chơi

Vững tin ở ngày mai

Nhà báo Hoàng Việt Anh

Năm 2011, tôi bắt đầu về làm việc tại Báo Văn hóa và Đời sống. Cũng trong năm này, tôi được giao phụ trách chuyên mục Thú chơi. Trong 2 năm gắn bó với chuyên mục, thú vị là tôi có dịp được gặp nhiều “đại gia” nên thỉnh thoảng vẫn cứ nói đùa: mình là người giàu nhất...

Còn nhớ, 9 năm về trước, người giao cho tôi chuyên mục này là anh Vũ Tuấn Anh - lúc bấy giờ là Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa và Đời sống. Khi lãnh đạo giao việc thì không thể từ chối mà nhận thì thêm nhiều nỗi lo, lo nhất là sợ không hoàn thành nhiệm vụ.

Với tôi, thú chơi là một cái gì đó không lạ nhưng xa vì để biết được một người nào đó thích chơi gì, đam mê gì, sưu tầm như thế nào quả là không dễ. Khó hơn là tìm người đó ở đâu để có thể cho tôi tiếp cận lấy thông tin. Vì sau này tôi mới ngỡ ra một điều là khi đã tìm được người chơi rồi chưa hẳn họ đã cho mình thông tin bởi có những người muốn giữ bí mật về thú chơi của họ, họ không thích bị trưng bày trên mặt báo. Nhưng 2 năm với thú chơi, với tôi đó là một cuộc hành trình vui.

Báo Văn hóa và Đời sống lúc ấy ra một tuần một số. Tòa soạn thì yêu cầu cứ cách 2 số phải có một bài cho chuyên mục này, có nghĩa là 1 tháng tôi phải có 2 bài thú chơi. Rất may là trong cuộc hành trình ấy, tôi nhận thêm được sự trợ giúp của chính những nhân vật tôi đã viết đó là họ lại giới thiệu cho tôi về những người chơi khác.

Như tôi đã chia sẻ, đi viết thú chơi giúp tôi được gặp nhiều “đại gia”. “Đại gia”ở đây được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi những người có đam mê, có tiền thì mới thực hiện được mơ ước của bản thân, từ đó họ mới đi sưu tầm những món đồ mà họ “ôm ấp” trong lòng bấy lâu. Nhưng cuộc chơi của đam mê có khi chưa hẳn phải tính đến tiền nhiều, có chăng ít thôi nhưng họ cứ theo đuổi và tích cho mình một “khối tài sản” mà nếu đổi ra tiền sẽ không lớn nhưng trong suy nghĩ của tôi thì dù giá trị kinh tế nhiều hay ít không quan trọng bằng giá trị lớn hơn nữa đấy chính là giá trị về văn hóa, giá trị của sự tìm tòi, công sức...

Như cuộc gặp đầu tiên trong cuộc hành trình với thú chơi đó là Thiều Quang Tùng - một trong những nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng của xứ Thanh. Anh còn có một niềm đam mê thú chơi cổ vật từ nhỏ. Có bao nhiêu vốn liếng anh cũng dồn hết cho việc sưu tầm cổ vật. Thời điểm của cách đây 9 năm, khi tôi gặp Thiều Quang Tùng, lúc đấy anh 46 tuổi. Khi đó anh đã sưu tầm trên 300 hiện vật đồ đá, đồ gốm, đồ đồng Đông Sơn và gần 50 hiện vật đồ gốm thời Lý - Trần - Lê. Tôi còn nhớ câu nói của Quang Tùng: “Chơi cổ vật, niềm đam mê vẫn chưa đủ, phải có sự am hiểu, có kinh nghiệm, như thế mới tôn vinh được giá trị của nó. Tôi phải cảm ơn thú chơi này vì chính nhờ nó mà tôi hiểu được nhiều hơn về giá trị văn hóa truyền thống, khởi nguồn cho tôi phục hồi nghề đúc đồng truyền thống Đông Sơn”.

Sau Quang Tùng, tôi lại có dịp gặp gỡ với Hoàng Tuấn Liêm với thú sưu tầm xe phân khối lớn, trong đó có cả dòng xe cổ và đại, có những con xe được sản xuất từ năm 1936... Dàn xe khủng này không chỉ để chơi mà còn làm nhiệm vụ tuyên truyền các sự kiện của tỉnh, thành phố. Tiếp đó là nhiếp ảnh gia Lê Hạc với hơn 1.500 chiếc ấm, cổ đại, hiện đại đều có. Là một Trần Thuật với thú chơi kỳ quặc đó là đục, đẽo, gọt, tỉa những gốc, rễ cây chết thành gà, cáo, công, rắn... Hàng trăm tác phẩm nghệ thuật đã ra đời, có tác phẩm đã được trả tới nghìn đô nhưng ông không bán. Là một Nguyễn Hữu Ngôn bỏ ra hàng chục năm đi sưu tầm hơn 100 chiếc cối đá...

Thú chơi, cứ đi là gặp, cứ tìm là đến... Với người chơi, đó là một cái duyên. Và với tôi, đó là nhân duyên vì đã giúp tôi được gặp những “đại gia” để tôi không những hoàn thành nhiệm vụ mà còn đưa đến độc giả những cách nhìn, những cảm nhận... Sau này, khi khép lại chuyên mục, tôi vẫn nhận được cuộc gọi từ những nhân vật tôi đã viết, đơn giản chỉ là họ muốn thông báo cho tôi biết là vừa sưu tầm được thêm sản phẩm mới, mời tôi ghé chơi..., hay là cuộc gọi của độc giả nhắn cho tôi biết ở nơi nào đó lại có những con người với những thú chơi khác...

9 năm đã qua, hôm nay giở lại bỗng thấy bùi ngùi. Xin cảm ơn thú chơi đã cho tôi có cơ hội để trò chuyện, để ám ảnh những đam mê cùng người chơi, để tận mắt được diện kiến những kỳ tích tuyệt vời... Tất cả đã trở thành kỷ niệm và cho tôi xin được cất vào miền ký ức...

Nơi ươm niềm đam mê

Vững tin ở ngày mai

Nhà báo, họa sĩ Ngọc Hiếu

Tới giờ tôi có thể khẳng định nghề chọn người, chứ người rất khó chọn nghề. Tôi là một họa sĩ rồi đi viết báo, làm báo, rồi trở thành một nhà báo. Với tôi Báo Văn hóa và Đời sống là nơi ươm mầm những hoài bão và giúp tôi hiện thực hóa những ước mơ của mình.

Tốt nghiệp chuyên ngành mĩ thuật, ra trường, sau thời gian tuyển dụng, học việc, rồi thử việc, tôi được tòa soạn Báo Văn hóa và Đời sống nhận vào làm việc tại Ban Thư ký tòa soạn với công việc chính là họa sĩ trình bày trang báo in. Ở đây, tôi được sống với chuyên môn là họa sĩ qua những thiết kế trang báo, thiết kế bìa, hay vẽ tranh minh họa...

Từ những công việc như vậy ở Báo Văn hóa và Đời sống, tôi được trả lương, thù lao thiết kế và nhuận tranh minh họa.... Có thu nhập, tôi thiết nghĩ, để được công nhận và trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, mọi người biết đến tôi cần cố gắng nhiều hơn nữa, tôi tham gia Câu lạc bộ họa sĩ trẻ Lam Sơn với những họa sĩ Thanh Sơn, Phạm Thắng, Lê Hải Anh, Lê Thanh, Nguyễn Khoa... Được các họa sĩ động viên, sau nhiều lần tham gia gửi tác phẩm hội họa tôi vinh dự được treo tranh các triển lãm trong tỉnh, rồi khu vực Bắc miền Trung... Khi đủ điều kiện, tôi được Họa sĩ Nguyễn Hoàng Linh giúp đỡ giới thiệu xét kết nạp vào Ban Mĩ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa.

Nhớ năm 2015 là năm Du lịch Quốc gia - Thanh Hóa, đồng chí Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa trực tiếp về Báo Văn hóa và Đời sống trao quyền quản trị trang thông tin điện tử giới thiệu quảng bá hình ảnh đất, con người xứ Thanh. Và tôi được Ban Biên tập Báo tin tưởng giao nhiệm vụ chủ động biên tập, tổng hợp tin, bài đưa lên không gian mạng của trang điện tử. Với lợi thế làm tại Ban thư ký nên công việc tổng hợp tin tức, bài viết đối với tôi cũng không mấy khó khăn. Cuối năm ấy, hoàn thành nhiệm vụ rất hiệu quả, được lãnh đạo Sở và Ban Biên tập báo ghi nhận, đánh giá cao: trong 1 năm thực hiện với gần 1.000 tin bài, trong đó rất nhiều bài được biên dịch từ tiếng Anh do nhà báo Nguyễn Thanh Chung cùng thực hiện.

Như lẽ tự nhiên, tôi xin đi theo các anh chị phóng viên trong những chuyến tác nghiệp đường dài với những Nhà báo Đỗ Đức, Thúy Hòa, Quốc Thịnh. Từ niềm đam mê với nghề, tôi tích cóp, học hỏi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm báo. Tôi bắt đầu với chụp ảnh, viết những mẩu tin ngắn, rồi đến tin sâu, lâu dần viết được bài phản ánh, rồi ghi chép...

Tôi còn nhớ, lúc anh Lê Nam làm Trưởng đại diện Báo Đại đoàn kết giờ là Tổng Biên tập Báo Văn hóa và Đời sống, có nói “chú phải viết báo và trở thành nhà báo”. Anh cũng là người đăng bài đầu tiên cho tôi trên báo in, bài: “Cảnh tiên nơi cõi trần”, cả nguyên trang báo, hôm ký nhuận bút vui mừng, sung sướng vô cùng... đó là nguồn động viên lớn thôi thúc tôi với nghề báo. Về sau tôi có thêm nhiều tin bài hơn, rồi tôi mon men sang viết tản văn “Qua miền lau trắng”, “Nhớ bát riêu cua mẹ nấu”, “Đèn ông sao của bố”... rồi truyện ngắn gửi cộng tác ở tạp chí, các báo khác “Đêm ba mươi ở viện”, “Thư gửi vợ” in trên Tạp chí Sức khỏe cộng đồng... Giờ đây, sau gần chục năm công tác ở cơ quan báo chí, nghề báo đã ngấm vào huyết mạch, tôi vẫn đi và viết, vẫn vẽ tranh, thiết kế (design) báo in, vững và tự tin với nghề.

Với tôi nghề báo là cả niềm đam mê, cũng như ăn, như uống và như thở vậy. Báo Văn hóa và Đời sống là nơi với những kỷ niệm đẹp, nơi ươm niềm đam mê nghề báo của tôi và rất nhiều thế hệ anh, chị đi trước. Vui vì tờ báo đã hoàn thành sứ mệnh của mình, đóng lại để mở ra một chân trời mới, tầm cỡ hơn, tốt đẹp hơn...



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]