(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quân sự, kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và tiềm năng phong phú. Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, những năm gần đây Thanh Hóa đã và đang nổi lên như là một điểm sáng trong phát triển KT-XH.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vươn lên thành một cực tăng trưởng mới

Thanh Hóa là tỉnh có vị trí chiến lược quân sự, kinh tế quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời và tiềm năng phong phú. Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện, những năm gần đây Thanh Hóa đã và đang nổi lên như là một điểm sáng trong phát triển KT-XH.

Các đồng chí: Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa chứng kiến ký biên bản ghi nhớ đầu tư giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và các nhà đầu tư.

Thế và lực phát triển

Với diện tích tự nhiên 11.120 km2, dân số trên 3,64 triệu người, Thanh Hóa là tỉnh rộng thứ 5 và đứng thứ 3 về dân số cả nước. Là điểm cuối của Bắc Bộ và đầu Trung Bộ lại còn là vùng Tây Bắc nối dài, có rừng, có đồng bằng, có biển và những doi cát chạy dài, Thanh Hóa chính là vị trí mở, cửa ngõ vào Nam ra Bắc và cũng là điểm dừng chân trên đường hàng hải quốc tế. Chính những yếu tố về địa lý, tự nhiên đã đem đến cho mảnh đất này sự giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa khu vực và quốc tế. Bám sát đặc điểm đó, trên cơ sở sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã và đang quyết tâm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững.

Trong nhiều nhiệm kỳ gần đây, nhất là giai đoạn, 2011 - 2020, được sự quan tâm của Trung ương, cùng sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực của cả tỉnh, Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu quan trọng mà tỉnh chưa bao giờ có được. Kinh tế tăng trưởng nhanh và đột phá, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Đặc biệt, giai đoạn 2016 - 2020 tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân dự kiến đạt 12,5%, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (12%), gấp 1,54 lần so với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015. Lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 9,1%. Thanh Hóa đã nỗ lực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, phát triển hạ tầng tại các khu, điểm du lịch theo hướng hiện đại, cùng với chất lượng dịch vụ được nâng cao..., đã tạo ra sức hấp dẫn mới. Số lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 15,6%, doanh thu tăng bình quân 31,7%. Giai đoạn 2016 - 2020, dịch vụ tài chính, ngân hàng tiếp tục phát triển, vốn huy động tăng bình quân hàng năm 17,8%, dư nợ tăng bình quân 14,4%. Tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước bình quân hàng năm dự kiến đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước.

Từ năm 2016 đến nay Thanh Hóa đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 94.404 tỷ đồng và 3.305 triệu USD; đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 610 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Điểm nhấn nổi bật là năm 2020 quy mô của nền kinh tế lớn hơn gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước; thu ngân sách tăng đột phá và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước; từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn; du lịch hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nông nghiệp phát triển khá ổn định, hướng tới sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn. Là một trong những tỉnh có số lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ. Môi trường đầu tư và kinh doanh được cải thiện cùng với cải cách thủ tục hành chính đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài nhà nước; tạo được sự đột phá trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển, trong đó có vốn FDI, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước.

Thanh Hóa cũng đã thực hiện tốt công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là hạ tầng giao thông không ngừng được cải thiện, kết nối các đô thị, các trung tâm kinh tế trong và ngoài tỉnh. Một số cơ sở hạ tầng kinh tế quan trọng được hình thành như Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng Hàng không Thọ Xuân... Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường được tăng cường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện kịp thời, hiệu quả. Hợp tác quốc tế và liên kết vùng từng bước được thúc đẩy với một số kết quả tích cực ban đầu; thực hiện tốt công tác ngoại giao và hữu nghị với các tỉnh có chung đường biên giới với nước bạn Lào.

Đi cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đã có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được chăm lo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; ngành y tế có bước phát triển mạnh. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ, gấp 3,3 lần năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhất là ở các huyện miền núi. Hơn 60.000 lao động được giải quyết việc làm trung bình mỗi năm. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho KT-XH phát triển; biên giới và hải đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, sáng tạo, đạt nhiều kết quả; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ đảng, chính quyền được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới thiết thực, hiệu quả hơn.

Bước phát triển mới

Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã định hướng đường phát triển của Thanh Hóa trong giai đoạn mới đó là: Phát triển Thanh Hóa thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng - an ninh của khu vực và cả nước. Xây dựng Thanh Hóa trở thành địa phương giữ vai trò bảo đảm an ninh năng lượng cho quốc gia, đáp ứng cho phát triển kinh tế và quốc phòng. Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trên cơ sở khai thác và phát huy hiệu quả các lợi thế so sánh của tỉnh, đồng thời phát triển kinh tế theo 5 trụ cột để sớm đưa Thanh Hóa đạt được các mục tiêu để trở thành “Một tỉnh kiểu mẫu”. Với tư cách là một cực tăng trưởng mới, Thanh Hóa sẽ cộng hưởng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh có những tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh trong vùng Bắc Trung bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; giảm áp lực cho Hà Nội về cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; giảm áp lực cho ngân sách Trung ương khi Thanh Hóa cân đối được ngân sách; trở thành hình mẫu cho các tỉnh khác về sự kết hợp giữa phát triển nhanh và bền vững; giữa phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh và về sự phát triển cân đối giữa các vùng miền cũng như đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc.

Với những thành tựu mà tỉnh đã nỗ lực để đạt được cùng với khát vọng vươn lên mãnh liệt của hơn 3,6 triệu người Thanh Hoá cũng như yêu cầu phát triển tỉnh Thanh Hoá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia thì thời điểm Bộ Chính trị quyết định ban hành cho Thanh Hoá một nghị quyết, khẳng định quan điểm của Trung ương về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thanh Hoá trong vùng và cả nước; là sự hiện thực hoá lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm Thanh Hoá, tạo ra sự thống nhất cao trong tư tưởng và nhận thức của tất cả các cấp, từ đó mở đường cho việc đưa ra những giải pháp mới, đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút mọi nguồn lực, cả vật chất, tinh thần để đảm bảo sự phát triển nhanh, đột phá và bền vững của Thanh Hoá trong bối cảnh mới; đưa Thanh Hoá trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Hoàng Lan


Hoàng Lan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]