(vhds.baothanhhoa.vn) - Tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động đã gây ra nhiều hệ lụy, nhiều trường hợp bị tai nạn thiệt mạng, bị phạt tù. Theo số liệu thống kê từ Công an tỉnh Thanh Hóa, từ trước đến nay, toàn tỉnh có 14.500 lao động sang Trung Quốc lao động chui. Trong đó có 2.500 người bị Trung Quốc bắt, trao trả; 22 người bị Trung Quốc đưa ra xét xử; 28 người bị tai nạn và chết; nhiều phụ nữ bị mất tích.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vượt biên sang Trung Quốc lao động ‘chui’ - Thực trạng và hệ lụy (Kì cuối): Nan giải lao động ‘chui’

Tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động đã gây ra nhiều hệ lụy, nhiều trường hợp bị tai nạn thiệt mạng, bị phạt tù. Theo số liệu thống kê từ Công an tỉnh Thanh Hóa, từ trước đến nay, toàn tỉnh có 14.500 lao động sang Trung Quốc lao động chui. Trong đó có 2.500 người bị Trung Quốc bắt, trao trả; 22 người bị Trung Quốc đưa ra xét xử; 28 người bị tai nạn và chết; nhiều phụ nữ bị mất tích.

Quyết liệt ngăn chặn

Trước vấn đề trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành pháp luật về biên giới quốc gia, xuất cảnh, nhập cảnh; nhận thức rõ phương thức, thủ đoạn và hậu quả của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê để không nghe lời rủ rê, lôi kéo của kẻ xấu.

Vừa qua, ngày 2/2, Công an huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã khởi tố vụ án và bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Hoằng (SN 1968, trú xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia) về hành vi đưa người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Tại cơ quan công an, Hoằng khai nhận, từ năm 2014 đến nay đã tổ chức và đưa được 5 công dân ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương và xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia đi xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép.

Tiếp đến, ngày 26/2, Công an huyện Quảng Xương đã phát hiện và ngăn chặn 10 công dân xã Quảng Nham đang chuẩn bị lên xe khách chạy tuyến TP Vinh - Lạng Sơn để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Được biết, những người trong số này đều không có công ăn việc làm ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có một số người đang lao động tại Trung Quốc trở về quê ăn Tết, khi đi đã rủ thêm anh em, bạn bè, người thân. Khi phát hiện vụ việc, Công an huyện Quảng Xương đã xử lý bằng cách tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và ký cam kết không tái phạm; đồng thời, giao chính quyền địa phương theo dõi và quản lý.

Gần đây nhất, ngày 13/3, Công an huyện Hậu Lộc đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Phạm Văn Hùng (SN 1996) ở xã Hưng Lộc về hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Theo kết quả điều tra ban đầu, Phạm Văn Hùng vốn là một lao động trái phép nhiều năm ở Trung Quốc. Đầu năm 2016, sau khi về quê ăn tết, Hùng đã rủ rê, lôi kéo và tổ chức đưa nhiều công dân trên địa bàn các xã: Hưng Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc xuất cảnh lao động trái pháp luật tại Trung Quốc.

Ngày 9/3, Công an huyện Cẩm Thủy đã bắt giữ đôi vợ chồng có hành vi tổ chức đưa công dân đi lao động trái phép tại Trung Quốc là Nguyễn Thị Hồng và Hoàng Quốc Tuấn. Trong ảnh: Hoàng Quốc Tuấn tại cơ quan Công an huyện Cẩm Thủy.

Tiếng nói người trong cuộc

Trải qua quãng thời gian bị giam giữ nơi đất khách, trắng tay trở về nước cộng thêm một khoản nợ vay mượn để làm lộ phí, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng, sợ hãi. Anh Nguyễn Văn Quang (sinh năm 1987, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc) ngậm ngùi cho biết: “Đang lúc thất nghiệp, nghe bạn bè rủ sang Trung Quốc làm nghề đánh cá thuê, tôi cùng vài anh em nữa bắt xe ra Quảng Ninh đi qua đò, trèo qua rào chắn sang bên đất Quảng Tây thì bị Công an Trung Quốc bắt do nhập cảnh trái phép. Tôi bị giam giữ gần 4 tháng, trong trại tạm giam có nhiều người Việt Nam do không chấp hành theo nội quy của tù như ngủ không đúng giờ, ý kiến về chất lượng bữa ăn nên bị đánh đập, bỏ đói. Bây giờ tôi quá sợ không dám đi nữa...”.

"Những người ở quê như chúng tôi muốn đổi đời mà không có học thức chỉ có con đường đi lao động chân tay. Quê không có việc đành liều mạng sang Trung Quốc, mà đi theo đường xuất khẩu lao động chính ngạch thì tiền đâu để đi. Dù biết vượt biên sang Trung Quốc lao động chui là phạm pháp, là nguy hiểm đến tính mạng nhưng đôi khi phải đánh đổi" - anh Quang chia sẻ.

Chị Ng. (xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc) đến nay vẫn chưa vơi nỗi đau, tiều tụy trước sự ra đi của chồng. Đầu năm 2017, nghe theo lời rủ rê của một số người quen biết, hai vợ chồng sang Trung Quốc lao động "chui". Ở Trung Quốc, vợ chồng chị làm thuê cho một cơ sở sản xuất nhựa, lương được trả theo sản phẩm, mọi chi phí ăn ở tự chịu. Sau nhiều ngày lao động mệt nhọc, anh S. chồng chị Ng., đã kiệt sức, bất ngờ đột tử nơi xứ người.

Chị Ng. cho biết: “Phần lớn chúng tôi cũng vì hoàn cảnh khó khăn, muốn thoát li hi vọng được đổi thay cuộc sống, con cái sau này đỡ khổ. Không ai muốn phải biền biệt gia đình, phải xa con, xa mẹ già...để sống cuộc sống luôn bị rình rập, đe dọa và rồi phải bỏ mạng nơi xứ người như chồng tôi.”

"Giá như người dân chúng tôi có nhiều thông tin hơn nữa về các công ty môi giới đi theo đường chính thống mà Nhà nước cho phép. Mong sao Nhà nước mình và bên Trung Quốc hợp tác để khi lao động qua bên đó có thể yên tâm làm việc, không bị nơm nớp lo bị bắt, bị đánh" - Chị Ng. bày tỏ.

Nan giải lao động "chui"

Vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động chui người dân phải chịu nhiều rủi ro là sự thật. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng này đến nay vẫn là bài toán khó.

Đề cập đến nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng lao động “chui” gia tăng những tháng đầu năm, Thượng tá Nguyễn Hữu Hùng - Trưởng Công an huyện Vĩnh Lộc cho biết; nguyên nhân sâu xa của tình trạng lao động xuất cảnh trái phép là do đời sống khó khăn, thiếu việc làm. Chính vì vậy, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, thu hút doanh nghiệp đầu tư mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật của một bộ phận quần chúng còn nhiều hạn chế, trong khi đó các chế tài xử phạt đối với những đối tượng này lại không đủ mạnh để răn đe.

Công an huyện Hậu Lộc tuyên truyền vận động nhân dân ký cam kết không xuất cảnh lao động trái phép.

Trung tá Vũ Đức Tĩnh - Phó trưởng phòng Bảo vệ Chính trị, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng số người xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 14.500 người. Số người hiện còn ở lại lao động chui năm 2017 là 2.619 người.

“Trước đây số người sang Trung Quốc tập trung chủ yếu ở một số huyện ven biển, nhưng hiện nay đã xuất hiện ở gần hết các huyện trong tỉnh. Trong những năm qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã vận dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để xử lý, ngăn chặn nên số người sang Trung Quốc đã giảm. Đến nay, đã động viên được 1.500 cá nhân cam kết không xuất cảnh trở lại Trung Quốc, 963 gia đình cam kết kêu gọi người thân đang lao động trái phép tại Trung Quốc trở về”. - Trung tá Vũ Đức Tĩnh nói.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Thị Nhung - Phó Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết: Trong số lao động chui ở cả 27 huyện thị, thành phố tại Trung Quốc, các huyện như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia... có nhiều người đi làm thuê nhất. Tới đây, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu tạo việc làm mới cho lao động; hỗ trợ các trường hợp được trao trả về vay vốn ưu đãi lập các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống...

Có thể nói, tìm việc làm tạo thu nhập là nhu cầu chính đáng, nhất là với đồng bào vùng nông thôn, miền núi cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng, đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự xã hội. Hằng ngày, vẫn còn nhiều người dân bất chấp hệ lụy để tiếp tục vượt biên lao động "chui" ở Trung Quốc. Mong rằng các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, tuyên truyền, vận động nhanh chóng chấm dứt tình trạng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động chui.

Trên thực tế, phần lớn các nghề và công việc mà người lao động xuất cảnh sang Trung Quốc làm thuê đều có mức thu nhập khá hấp dẫn. Bình quân người lao động làm việc tại Trung Quốc có mức thu nhập từ 300-500 nghìn đồng/ngày và khoảng 9-10 triệu đồng/tháng. Nếu so với thu nhập của người lao động ở địa phương nơi đi thì thu nhập tại Trung Quốc cao hơn. Các nghề có mức thu nhập thấp nhất cũng khoảng 200-300 nghìn đồng/ngày (làm thuê, buôn bán, dịch vụ nhỏ...). Trong khi cơ hội việc làm ở địa phương rất thấp, không có nguồn thu phụ, đời sống gia đình khó khăn... đây cũng chính là nguyên nhân khiến người lao động đã theo bạn bè, người thân hoặc bị cò mồi đưa sang các tỉnh biên giới Trung Quốc làm việc bất hợp pháp với hy vọng có được thu nhập tốt hơn để nuôi sống gia đình.

Doãn Tài


Doãn Tài

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]