(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 10 năm, người dân xứ Thanh lại phải hứng chịu một cơn lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi cả nghìn héc ta hoa màu bị vùi lấp, lợn, gà, ngan ngỗng mất trắng. Song, với tinh thần “tương thân, tương ái”, sau khi lũ dữ qua đi tình người còn ở lại. Hàng trăm đơn vị thiện nguyện trong nước và nước ngoài đã cùng chung tay cứu trợ bà con vùng lũ. Nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, khôi phục sản xuất được ban hành... Đâu đó trên những cánh đồng, chồi xanh đang dần được bao phủ, thay cho màu của bùn đất.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xuân về vùng rốn lũ

Sau 10 năm, người dân xứ Thanh lại phải hứng chịu một cơn lũ lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi cả nghìn héc ta hoa màu bị vùi lấp, lợn, gà, ngan ngỗng mất trắng. Song, với tinh thần “tương thân, tương ái”, sau khi lũ dữ qua đi tình người còn ở lại. Hàng trăm đơn vị thiện nguyện trong nước và nước ngoài đã cùng chung tay cứu trợ bà con vùng lũ. Nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, khôi phục sản xuất được ban hành... Đâu đó trên những cánh đồng, chồi xanh đang dần được bao phủ, thay cho màu của bùn đất.

Gần 3 tháng trôi qua, chúng tôi trở lại với vùng rốn lũ huyện Thạch Thành, một trong những địa phương gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất sau lũ dữ. Dọc triền đê sông Bưởi, qua các xã Thạch Định, Thành Vinh, Thành Mỹ,... một màu xanh mơn mởn của rau màu, ngô đông và mía đang dần bao phủ, thay thế cho màu của bùn đất sau ngập lụt, một không khí đông vui, háo hức trên từng thửa ruộng, cánh đồng... Tất cả đang “chạy đua thời gian” để kịp có rau màu bán trong dịp tết! Trên những cánh đồng mía, thời điểm này, cũng là lúc bà con nhân dân các xã trên địa bàn huyện Thạch Thành vào đợt thu hoạch nhập cho nhà máy. Nhiều hộ ngậm ngùi khi sản lượng mía chỉ ước đạt từ 50 đến 60%, giá mía lại thấp... dẫn đến thu nhập cũng không cao. Dẫu vậy, trong tất cả những gì còn lại sau lũ thì cây mía vẫn còn là “cứu cánh” cho người dân vớt vát, có thêm thu nhập.

Bà Bùi Thị Ngoan (thôn Vân Phú, xã Thành Mỹ) tranh thủ đưa đứa cháu đi học lại vai cuốc ra đồng với 3 sào rau màu, ngô đông.“Phải tranh thủ thôi chú à! Còn mấy sào màu, rau, ngô, đậu cố vun tưới cho kịp lứa bán trước tết! Dự, năm nay giá rau, thực phẩm sẽ tăng nên tôi cũng như bà con thôn xóm Vân Phú đang nỗ lực hết sức chăm trồng”.

Theo chân bà Ngoan, trước mắt chúng tôi là cánh đồng màu thôn Vân Phú nằm nép mình bên bờ hữu sông Bưởi, lâu nay đây là vựa màu của hơn 100 hộ dân trong thôn. Mặc dù lạnh giá đầu sớm nhưng bà con đã có mặt đông đúc, í ới, chuyện trò rôm rả trên các thửa ruộng. Bà Ngoan bảo, toàn bộ rau màu bị cuốn đi bởi lũ đã mất trắng, đây là vụ kế cận thứ 2 cũng là trông chờ, niềm hi vọng cuối cùng của bà con để có tiền sắm sửa lo tết!. Nói rồi bà vội xắn ống quần lội toát xuống ruộng, cẩn thận nâng niu từng cánh rau bắp cải, bà cúi đầu kiểm tra xem bắp rau có bị sâu hại, dịch bệnh hay không. Bà hy vọng, “Cứ đà rét đậm này, trời không đổ sương muối, cộng với một phần phù sa sau lũ, rau bắp sẽ cuộn nhanh hơn, to chắc hơn! Và, nếu như những năm trước thu hoạch trừ chi phí cũng lời lãi được mươi triệu thì năm nay, sau vụ mất trắng vừa rồi tính lãi lời không có nhưng cũng vớt vát một vài triệu đồng lấy cái ăn tết”.

Tôi bỏ giầy, lội xuống đám ruộng! “Ấy chớ nhà báo, ruộng ướt vương bẩn hết quần áo bây chừ!” - Bà Ngoan vội xua tay!... Rồi như thấy sự chân thành của chúng tôi, bà cũng không cản, mà kể lại câu chuyện chạy lũ như còn chưa hết bàng hoàng. “Mười năm trước, cơn lũ lịch sử năm 2007 khiến cho cả trăm hộ dân trong xã, thôn bị chìm nghỉm phải di dời. Mười năm sau, bà con chúng tôi lại phải gồng gánh chạy lũ. Quái ác hơn, lũ đến nhanh, gia đình không kịp di dời đồ đạc, 4 tạ thóc trong nhà, vật dụng đồ đạc cùng lợn gà đều mất trắng”. Đau xót hơn cả, sau 3 ngày chạy lũ trở về, căn nhà đã không còn nguyên vẹn. Lũ đánh sập phần lớn, mấy mẹ con bà Ngoan lâm cảnh “màn trời chiếu đất” không dám bước chân vào nhà, sợ sập.“Cũng may còn có người thân, các tổ chức xã hội cưu mang. Sau gần 3 tháng gia đình đã được Mặt trận Tổ quốc tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng, các ngành, đoàn thể, tổ chức thiện nguyện quyên góp thêm được 20 triệu đồng, bà con lối xóm hỗ trợ ngày công, căn nhà bà Ngoan đang được khởi công xây dựng... Dự sẽ kịp có nhà đón tết cổ truyền dân tộc” - Bà Ngoan hi vọng.

Cũng theo bà Ngoan, ngoài được hỗ trợ làm nhà, bà còn được nhân dân lối xóm, cán bộ ngân hàng tạo điều kiện đưa vào danh sách để vay vốn ưu đãi NHCSXH. Bà Ngoan hi vọng đây sẽ là nguồn vốn để gia đình gượng dậy, vươn lên phát triển sản xuất. “Tôi sẽ đầu tư mua một cặp bò mẹ để chăn nuôi. Nhà có ruộng mía, có cây ngô, có bắp... nuôi bò cho nó đẻ rồi nhân lên, hy vọng sẽ thoát nghèo bền vững!”.

Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức từ thiện, bà con nhân dân góp tiền bạc, công sức xây dựng căn nhà mới cho hộ gia đình bà Bùi Thị Ngoan (thôn Vân Phú, xã Thành Mỹ) sau khi lũ đánh sập.

Ruộng bên, gia đình bà Trương Thị Nhị (thôn Vân Phong, xã Thành Mỹ) cũng đang tất bật với 3 sào cải bắp, đậu cu ve... Do trồng trước nên gia đình bà Nhị đã bắt đầu có thu nhập. 5 khẩu trong gia đình chia nhau ra làm, vợ chồng đứa con cả thì mang rau ra chợ xã, chợ huyện để bán. Riêng bà Nhị, do có kinh nghiệm nên tự chọn cho mình nhiệm vụ chăm trồng, gối vụ để liên tục có rau bán!... Hi vọng từ đây, 5 khẩu ăn của gia đình vẫn có một cái tết tươm tất, sum vầy.

Cũng như bà Ngoan, bà Nhị là cả trăm hộ dân thôn Vân Phong, Vân Phú và cả xã Thành Mỹ đang nỗ lực dành tất cả thời gian, vật lực để chăm lo cho vụ rau màu với nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện. Ông Trương Văn Hiền - Chủ tịch UBND xã Thành Mỹ cho biết: Trong đợt lũ vừa qua, xã Thành Mỹ gánh chịu thiệt hại nặng nề với 2 nhà bị cuốn sập; 12,18 ha lúa mất trắng; 25 ha hoa màu bị vùi lấp; 93 ha mía bị thiệt hại từ 30 đến 70%; hơn 1 nghìn con lợn, 7 nghìn con gia cầm và 10,04 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... ước tổng thiệt hại lên tới hơn 14 tỉ đồng. “Từ việc hỗ trợ giống, chính sách khoanh nợ, giãn nợ từ ngân hàng... cho đến thị trường tiêu thụ đều được các cấp, ngành chức năng từ tỉnh đến huyện tạo điều kiện. Đến nay, bà con đang nỗ lực cho những thu hoạch cuối cùng của vụ đông trước tết!” – ông Hiền nói.

Phóng viên trao đổi với hộ gia đình bà Trương Thị Nhị (thôn Vân Phong, xã Thành Mỹ).

Trước khi rời rốn lũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Vũ Ngọc Dương vỗ vai tôi khẳng định: Với mục tiêu không để hộ nào phải mất tết, vì ảnh hưởng của bão lũ! Ngoài công tác cứu trợ từ các tổ chức thiện nguyện trong và ngoài tỉnh, huyện cũng có những cơ chế chính sách chung tay. Cụ thể, sau lũ có tổng 128 đoàn chung tay hỗ trợ bà con với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng, và hơn 4 tỷ đồng quy hàng hóa, lương thực, thực phẩm. Trong sản xuất, hỗ trợ về giống hạt, con giống, phân bón; trong hạ tầng giao thông ngoài kinh phí từ ngân sách của huyện, còn cókinh phí hỗ trợ từ tỉnh, không để cho địa phương nào bị chia cắt, cô lập; riêng với những hộ gia đình có nhà cửa bị cuốn trôi, các tổ chức cũng chung tay, góp sức, góp công để các gia đình có nhà mới ăn tết. Hiện, huyện Thạch Thành đã trích ngân sách hỗ trợ hơn 138 tấn gạo đến các xã chịu ảnh hưởng do mưa lũ, mỗi đầu khẩu hộ nghèo, hộ mất mát do thiên tai 15kg gạo. UBND huyện cũng đang lập phương án quà tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn dự kiến sẽ cao hơn các năm trước...

Đất lũ Thạch Thành đang từng ngày được hồi sinh!

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]