(vhds.baothanhhoa.vn) - Đương đầu với thử thách để hiện thực hóa ý tưởng, đề án khởi nghiệp, nhiều mô hình của đoàn viên, thanh niên đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, giúp đa dạng con đường lập thân, lập nghiệp…

“Ý tưởng khởi nghiệp”- 5 năm, một hành trình: Hiện thực hóa ý tưởng

Đương đầu với thử thách để hiện thực hóa ý tưởng, đề án khởi nghiệp, nhiều mô hình của đoàn viên, thanh niên đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, giúp đa dạng con đường lập thân, lập nghiệp…

“Ý tưởng khởi nghiệp”- 5 năm, một hành trình: Hiện thực hóa ý tưởng“Cô chủ nhỏ” Cao Thị Thắm với sản phẩm sữa thảo mộc Kyomi. Ảnh: Việt Anh

“Cô chủ nhỏ” của sản phẩm sữa thảo mộc Kyomi

Sữa hạt thảo mộc Kyomi là thức uống dinh dưỡng có nguồn gốc từ các loại hạt dinh dưỡng, các loại đậu, rau, củ, quả tự nhiên. Chủ của sản phẩm này là Cao Thị Thắm, 26 tuổi, quê xã Thuận Minh (Thọ Xuân). Trước đó vào năm 2020, ý tưởng làm sữa hạt thảo mộc đã được Thắm mang đến cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn tổ chức và đạt giải khuyến khích. Nhưng phải 2 năm sau đó, tức năm 2022, ý tưởng này mới thành hiện thực và chính thức ra mắt thị trường. Dù sản phẩm mới đến một số xã lân cận của huyện Thọ Xuân nhưng bước đầu đã được khách hàng tin dùng, ủng hộ.

Cách đây 4 năm, chủ của sản phầm sữa hạt Kyomi tốt nghiệp loại giỏi khoa Lịch sử Trường Đại học Hồng Đức. Không theo chuyên ngành đã học, Cao Thị Thắm tham gia làm công tác đoàn tại địa phương. Đến với sữa hạt Kyomi, cũng chưa hẳn là duyên mà bắt đầu từ câu chuyện về chính sức khỏe của chủ nhân. “Bản thân tôi cũng có chút vấn đề về sức khỏe nên muốn tìm đến một sản phẩm thực sự an toàn, lành mạnh để an tâm sử dụng”, chị Thắm nói. “Tôi đã tìm hiểu, học hỏi và nghiên cứu các công thức làm sữa hạt dinh dưỡng có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt tốt cho bà bầu, mẹ bỉm sữa, trẻ em và người già”.

Từ những nguyên liệu đồng quê, đơn giản là các loại đậu, ngô, khoai, bí đỏ hay cao cấp hơn là hạt mắc ca, hạt điều, hạnh nhân cùng phụ gia là đường thốt nốt, quả chà là hoặc táo đỏ, muối hồng để tạo ngọt đã mang đến sản phẩm sữa thảo mộc hay còn có tên gọi khác là sữa hạt thuần chay. Theo đó, với mỗi công thức khác nhau sẽ mang lại giá trị dinh dưỡng khác nhau, tùy vào sức khỏe của khách hàng để cung cấp những sản phẩm phù hợp.

1 năm mang Kyomi đến người tiêu dùng, tất nhiên phạm vi sử dụng đang còn bó hẹp nhưng thực tế, sản phẩm đã có một dấu ấn riêng đối với người sử dụng. Sản phẩm làm ra đến đâu hết đến đó, trung bình lợi nhuận từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Khi nói về mô hình của chị Thắm, Bí thư Đoàn xã Thuận Minh, chị Nguyễn Thị Thu Huyền - người từng đạt 2 giải ba cũng tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” do Tỉnh đoàn tổ chức bày tỏ sự tin tưởng. Chị nói: “Ở Thắm có đủ nhiệt huyết, đủ đam mê nên tôi tin mô hình sữa hạt thảo mộc sẽ phát triển được. Nhưng quan trọng nhất vẫn cần có những người tư vấn, hỗ trợ về chiến lược, về vốn…, nếu được giúp đỡ thì mô hình của bạn ấy sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn”.

Với Cao Thị Thắm, tham gia “Ý tưởng khởi nghiệp” như chị chia sẻ, giúp chị được trải nghiệm, có thêm kinh nghiệm để tự tin hơn. Đồng thời muốn nắm bắt cơ hội từ các chương trình, đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, tạo ra thu nhập. “Tôi muốn đưa các sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Làm đến đâu chắc đến đấy, thời gian tới, tôi sẽ phát triển mô hình thành cửa hàng dinh dưỡng, tuy nhiên để làm được cần sự hỗ trợ vốn để mua thêm máy nấu sữa hạt, đồng thời quảng cáo sản phẩm để người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn”, chị Thắm cho biết.

Trà linh chi và câu chuyện của những người đứng trên bục giảng

Tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên” lần thứ nhất năm 2021, nhóm tác giả Trịnh Lan Hồng và Phạm Thị Thanh Bình, Khoa Nông lâm ngư nghiệp Trường Đại học Hồng Đức đã đạt giải nhất với Dự án “Sản xuất trà linh chi Hồng Đức với quy trình khép kín từ nuôi trồng nấm đến chế biến sản phẩm trà”.

Sau hơn 1 năm, kể từ khi dự án này đạt giải, đáng mừng là từ ý tưởng đến hiện thực đã thành công. Để có sự thành công này, thực tế không gặp nhiều khó khăn, bởi Khoa Nông lâm ngư nghiệp đã có truyền thống trên 10 năm trồng nấm linh chi. “Những năm trước đây, khoa chỉ dừng ở nuôi trồng và tạo ra sản phẩm nấm linh chi quả thể dạng khô. Nhưng trên thực tế, nhiều khi uống không tiện vì nó đang ở công thức truyền thống, khi mua về, muốn uống thì phải nghiền, thái lát ra sau đó hãm sao lên, rất công phu”, thạc sĩ Trịnh Lan Hồng, trưởng nhóm dự án nói. “Khi dự thi, chúng tôi nghĩ đến sản phẩm trà, tức chuyển thể nấm linh chi quả thể dạng khô thành dạng trà túi lọc, sẽ tiện lợi hơn. Đấy là cơ duyên đầu tiên để chúng tôi tạo sản phẩm. Hơn nữa, nhóm quyết định tham gia cuộc thi, vừa để học hỏi kinh nghiệm, vừa để hướng dẫn cho sinh viên của mình”.

“Ý tưởng khởi nghiệp”- 5 năm, một hành trình: Hiện thực hóa ý tưởngMột công đoạn làm trà linh chi túi lọc. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Sau hơn 1 năm bắt tay vào thực hiện sản xuất trà linh chi, sản phẩm được đánh giá với hương thơm đặc trưng, ngon, dễ sử dụng. Đến thời điểm hiện nay, sản phẩm đang được phát triển mạnh, có nhiều tổ chức, cá nhân đặt hàng. Tuy nhiên, theo như chia sẻ của thạc sĩ Trịnh Lan Hồng: Chúng tôi không phải là đơn vị sản xuất, kinh doanh chuyên nghiệp mà xuất phát từ đơn vị nghiên cứu khoa học, mục đích vẫn là hướng đến khoa học và đào tạo cho sinh viên...

Thạc sĩ Trịnh Lan Hồng cho hay “cô chủ nhỏ” Cao Thị Thắm là hai trong số những gương mặt đạt giải bước ra từ cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp”. Trong họ vẫn đang hừng hực ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, những mong trên con đường lập thân, lập nghiệp ghi nhiều dấu ấn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống…

Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2022” đã khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng trong đoàn viên, thanh niên. Bước ra từ cuộc thi, nhiều ý tưởng khởi nghiệp thành công nhưng ngược lại, có những ý tưởng không thể thành hiện thực…

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]