Nhà văn Lê Xuân Giang và những nỗi ám ảnh không thể thoát ra
10 năm bám trụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, và đến nay sau 60 năm, ông đã xuất bản 4 cuốn sách viết về địa danh này. Đó là nhà văn, cựu chiến binh (CCB) Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Trung đoàn 228.
Nhà văn Lê Xuân Giang bên những kỷ vật của đồng đội tại nhà truyền thống Hàm Rồng.
Viết văn từ trong trận địa
Sinh ra ở làng Bàn Thạch, xã Xuân Quang (nay là xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân), chàng trai Lê Xuân Giang rất yêu thích học Toán, Lý và ước mơ trở thành kỹ sư. Tuy nhiên, khi đang học cuối năm lớp 10, chàng trai ấy lại tham gia cuộc thi học sinh giỏi văn của huyện. Vừa thi xong thì chiến tranh ào đến. Ông lên đường nhập ngũ, đóng quân tại Đại đội 4, Trung đoàn 228. Tại đây, ông được phân công làm lính rađa.
Cầu Hàm Rồng từ năm 1965 đến 1975 luôn được đế quốc Mỹ coi là “điểm tắc” huyết mạch nối hai miền Nam - Bắc. Chúng dùng mọi thủ đoạn, sử dụng đủ loại vũ khí hiện đại đánh phá cây cầu nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam. Cũng từ cây cầu này, với CCB Lê Xuân Giang, đó là ký ức và cũng là mối lương duyên đưa ông đến với con đường văn chương. Nhà văn Lê Xuân Giang kể lại: “Từ phong trào làm báo tường trong quân đội, năm 1966, lần đầu tiên tôi được in bài thơ trên báo Quân đội Nhân dân, thật vui sướng, đó là bài “Trận địa anh hùng". “Tôi đến Hàm Rồng trong đêm/ Lòng rực lửa giữa tuổi đời mười tám/ Trăng lên cao súng nghiêng nòng lấp loáng/ Đất anh hùng thôi thúc những con tim...”. Càng về giai đoạn sau, những năm 1971-1972, thực tế chiến tranh khép lại con đường đi học của tôi, ngày ngày chiến đấu, chỉ duy nhất một điều có thể giải tỏa căng thẳng đó là viết văn. Đêm đêm tôi cặm cụi viết. Các truyện ngắn lần lượt được in đó là “Kỷ niệm phía Tây trận địa”, “Con mắt trận đánh”, “Tiếng gọi của âm thanh”. Nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành nhà văn cho đến khi tốt nghiệp khóa 3, Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn, Báo chí, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Tôi trở về Thanh Hóa, từng làm việc ở Ban Tuyên giáo và sau này, sang Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Viết văn từ trong trận địa, nhưng trở thành một nhà văn chuyên nghiệp được đánh dấu mốc từ năm 1994 là vì thế".
Hàm Rồng oanh liệt bắn rơi 47 máy bay trong trận mùng 3 - 4/4/1965. Nhà văn Lê Xuân Giang nhớ lại: “Năm 2021, một nhà văn Mỹ đọc xong “Hàm Rồng những ngày ấy” (Từ Nguyên Tĩnh – Lê Xuân Giang in chung), khi sang Việt Nam đã tìm gặp tôi chỉ để hỏi một câu: Tại sao lực lượng không quân Mỹ lớn như thế mà không thể đánh gãy cầu Hàm Rồng nhỏ bé? Tôi khẳng định ngay: "Vì bộ đội Việt Nam dũng cảm hơn phi công Mỹ. Chúng tôi chiến thắng vì lòng dũng cảm”.
Gần 10 năm bám trụ bảo vệ cầu Hàm Rồng, ông Lê Xuân Giang cùng đồng đội nơi đây đã bắn rơi 117 máy bay, bắt sống 4 phi công. Đi cùng những chiến công ấy là những mất mát không nhỏ. Chỉ riêng Trung đoàn 228 Hàm Rồng đã có 220 chiến sĩ hy sinh để bảo vệ “niềm tin của bốn phương gửi về”. 10 năm đời người, ấy là biết bao ký ức để rồi từ đó các trang ký vô cùng sống động, hào hùng và cùng nhiều nước mắt của nhà văn Lê Xuân Giang ra đời.
"Nhà văn của cầu Hàm Rồng"
Với 4 cuốn sách đã xuất bản: “Dấu vết chiến tranh” (truyện ký, 1995); “Tường trình của một người lính” (ký sự, 2000); “Nơi neo đậu hồn quê” (truyện ký, 2010); “Chiếc cầu, chiếc cầu và chiếc cầu” (văn xuôi và thơ, 2024), Lê Xuân Giang đã định vị cái tên: Nhà văn của cầu Hàm Rồng.
Từ nơi chiến trường khói và đạn, ông hiểu được kỹ thuật, cách đánh. Chẳng hạn, phần lớn người ta quan niệm leo thang theo vĩ tuyến từ Nam ra Bắc, nhưng bên cạnh đó còn có leo thang cả thủ đoạn đánh phá, leo thang về vũ khí. Đọc cuốn sách “Chiếc cầu, chiếc cầu và chiếc cầu” (NXB Hội Nhà văn, 2024) với 20 truyện ngắn và truyện ký phần nào khẳng định, cả đời ông gắn liền với cây cầu.
“Nói về Hàm Rồng không chỉ có chiến thắng trong 2 ngày 3 - 4/4/1965, mà càng về sau tính chất ác liệt ngày càng lớn. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ví von của Thượng tướng Phùng Thế Tài khi nhìn thấy máy bay Mỹ đánh ta linh hoạt cơ động dọc, cơ động ngang, nhảy như “tôm tươi” đổ xuống sân gạch nóng”, nhà văn Lê Xuân Giang chia sẻ.
Thực tế chiến đấu như có “hồ” đã tạo cho ông thêm chất liệu để có những trang văn ăm ắp sự kiện, thấm đẫm đời sống. Là “Kỷ niệm phía Tây trận địa” bên cạnh những sự ác liệt của chiến tranh “một ngày báo động hàng chục lần” thì còn có những giờ phút bình yên ngắn ngủi. Đó là hình ảnh cô gái chăn dê mặc chiếc áo màu nâu, dáng người mảnh khảnh, tóc dài tết đuôi sam buộc khăn mùi xoa nổi lên giữa màu xanh khiến cả núi đồi đẹp như một bức tranh quê mộc mạc. Là “Con mắt trận đánh” với không khí trận địa pháo, đạn đã lên nòng: “Ngoài trời nắng chói chang, trong máy nóng hầm hập. Tín hiệu mục tiêu vẫn xồng xộc bay vào. Những con mắt sáng long lanh dán chặt vào các đèn tín hiệu. Tất cả cho sự chính xác của trận đánh. Trận địa nín thở chờ lệnh”. Là trong “Tiếng gọi của âm thanh”, tiếng hát, tiếng cười của các cô gái trong khi bom đạn giặc “tưới” lên đầu; là vì tiếng bom rền đạn nổ ấy mà bao bộ đội đã hỏng màng nhĩ.
Có mất mát, có thương đau, nhưng phía sau trận địa ấy, những chàng trai cô gái vẫn ca vang “đường ra trận mùa này đẹp lắm”, vì họ có niềm tin, có sự lạc quan.
Gần 10 năm ở trận địa, hơn ai hết Chính trị viên Lê Xuân Giang thổn thức với câu chữ. Viết trước tiên là thể hiện tâm tình người lính, nhưng viết còn là nhu cầu tự thân của chính ông. Bởi thế mà chúng ta mới có một nhà văn đã từng mặc áo lính cao xạ...
Và những điều còn dang dở
“Nhiều người đã viết về Hàm Rồng, nhưng có lẽ họ sớm nhận ra, nếu cứ ám mãi trong những tên người, tên đất, từng cự ly thì sẽ khó lòng thoát ra được. Chỉ có tôi, ám ảnh mãi không thôi”, nhà văn Lê Xuân Giang trải lòng.
Tất cả các sáng tác của ông đều xuất phát từ thực tiễn chiến đấu. Ông trăn trở: “Mình chỉ tiếc là không có được tác phẩm lớn, hoành tráng về Hàm Rồng. Còn rất nhiều đề tài, nhiều câu chuyện chưa được kể, chưa được các văn nghệ sĩ khai thác về Hàm Rồng. Đó là số phận của những con người thời hậu chiến".
Trong “Dấu vết chiến tranh” kể chuyện người lính mười năm ở một mỏm đồi và chỉ làm pháo thủ số 1 – pháo thủ dậm cò. Dấu vết để lại là hai bàn chân cái to, cái nhỏ. Cái to là bàn chân dậm cò. Dưới gan bàn chân ấy còn hẳn một cục chai to thô ráp màu trắng đục. Ngoài ra, “hai chân ấy bây giờ một thằng dài, một thằng ngắn hơn. Hơn nhau chỉ một ly thôi mà khi đi hơi lệch mình”. Thế mới thấy sự chịu đựng của người lính là vô cùng. Nhưng đó chỉ là dấu vết trên cơ thể, còn những dấu vết hằn in trong tâm hồn thì thường xuyên nhức nhói. Truyện “Ngôi nhà ngoảnh mặt về đồi 54” kể về cô gái tên Hương bỏ chồng vì chồng quá ghen, mà là ghen với ngọn đồi. Bởi “lúc nào rỗi rãi vợ anh lại vác ghế ra hè ngồi nhìn như bị hút hồn về phía ngọn đồi”. Người ta cứ đi tìm nguyên nhân nhưng tất cả là do chiến tranh, chiến tranh đã tạo nên hình ảnh anh bộ đội đẹp đến mức chẳng bao giờ cô Hương có thể quên.
Trải qua thực tiễn chiến tranh với nguồn tư liệu ngồn ngộn, với nhà văn Lê Xuân Giang vừa là điểm mạnh đồng thời cũng là điểm yếu như ông đã từng chia sẻ: “Tư liệu chỉ nên là “củi đuốc”. Tôi “chết” vì tư liệu quá nhiều, đến nỗi không thoát ra được để nhường chỗ cho trí tưởng tượng bay bổng. Tôi tin rằng, thế hệ hậu chiến sẽ nhìn Hàm Rồng ở một góc khác. Góc của tôi là nỗi ám ảnh về chiến tranh với những hình ảnh người lính dũng cảm, những chiếc máy bay bổ nhào, và cách đánh vỗ mặt của bộ đội ta...".
Nhận ra được điểm mạnh và yếu của chính bản thân, không phải là điều dễ dàng với một nhà văn. Cả một đời lính ở Hàm Rồng, cả nghìn trang văn chỉ viết về Hàm Rồng, sự “chung tình” ấy dễ mấy ai có được, làm được.
Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN
{name} - {time}
-
2025-04-04 13:00:00
Xanh mãi với thời gian
-
2025-04-04 10:53:00
Lê Thánh Tông - Minh quân trong lịch sử dân tộc
-
2025-04-04 08:00:00
[WOW! THANH HÓA] Khu tưởng niệm giáo viên và học sinh hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã