Nhạc sĩ Đoàn Dũng: Còn một chặng đường ở phía trước
40 năm gắn bó với ngôi trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhạc sĩ Đoàn Dũng không chỉ là một thầy giáo, anh còn là nghệ sĩ ghi ta, một người sáng tác âm nhạc.
Đêm nhạc Đoàn Dũng - 40 năm chặng đường âm nhạc có sự tham gia của ca sĩ Anh Thơ, học trò cũ của thầy giáo Đoàn Dũng.
Sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp, tháng 9/1984, anh được giữ lại trường làm giảng viên. Để nâng cao trình độ, trong 3 năm 1987-1990, anh tiếp tục học ghi ta ở Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Và đến năm 1993-1998, anh học Khoa Lý luận - Sáng tác - Chỉ huy.
Anh nhớ lại bài hát đầu tiên đem lại cảm xúc và động lực để anh tự tin hơn trong nghề nghiệp. Đó là ca khúc “Mùa xuân tình yêu” sau khi anh báo cáo tốt nghiệp năm 1998, đến năm 1999, ca khúc này được tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1999 và đã đạt Huy chương Bạc.
Cuộc đời anh là 40 năm trọn vẹn với nghề giáo viên. Nhưng, anh không chỉ chọn việc đủ ngày đủ giờ lên lớp, truyền thụ kiến thức cho sinh viên, anh còn muốn mình phải là nghệ sĩ sáng tạo, trăn trở băn khoăn để có những tác phẩm ghi dấu ấn tên mình. Ít ai gặp nhạc sĩ Đoàn Dũng có thể nghĩ anh chuẩn bị nhận tráp “nghỉ hưu”, bởi lúc nào anh cũng vui vẻ, nhiệt huyết. Anh nói: Với tôi cuộc đời lúc nào cũng là mùa xuân. Có lẽ vì thế mà trong các bài viết về quê hương, đất nước, hay viết về tình yêu... khi nào Đoàn Dũng cũng gắn với một mùa xuân tươi trẻ và phơi phới. Nguồn cảm hứng ấy khiến những ca khúc mùa xuân của anh dễ đi vào lòng người và được đồng nghiệp đánh giá cao. Đó là các ca khúc: Xuân hạnh phúc, Sức xuân, Đẹp như mùa xuân, Thanh Hóa thành phố mùa xuân...
Nhắc đến Đoàn Dũng là phải nhắc đến những bài hát gắn liền với xứ Thanh nơi anh sinh ra, trưởng thành và tạo nên tên tuổi. Từ nguồn cảm hứng ấy mà Sầm Sơn biển quê Thanh, Thanh Hóa nhớ lời Bác dạy, Vùng biển tôi yêu... ra đời. Có những điều tưởng khó đưa vào âm nhạc thì với các ca khúc do Đoàn Dũng sáng tác cứ hồn hậu mà trao gửi thông điệp tới mọi người.
Đoàn Dũng rất ít khi mang tác phẩm của mình đi thi, bởi quan điểm của anh là: Làm nghề có nhiều cách, được ghi nhận và trao phần thưởng ai cũng vui, nhưng hành trình của anh còn dài... Có lẽ vì thế mà năm 2012 anh mới gửi ca khúc “Sầm Sơn biển quê Thanh” tham dự và đã giành Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam. Sau 10 năm, năm 2022, lần thứ 2 “đi thi” qua bài hát thiếu nhi “Chào ngày mới” và rất vinh dự ca khúc đã đạt giải C Giải thưởng âm nhạc năm 2022 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đến năm 2023, nhân chuyến đi dạy ở Mộc Châu, vì phải ra đề cho các sinh viên viết bài hát mà anh làm mẫu ca khúc Về Mộc Châu. Đưa ca khúc lên youtube, chỉ trong 2 tháng đã có 90 nghìn lượt nghe. Từ hiệu ứng ấy, anh đưa Về Mộc Châu đi dự Liên hoan âm nhạc toàn quốc năm 2023. Rất bất ngờ bài hát đã đạt giải A và là 1 trong 6 bài được chọn biểu diễn báo cáo trong lễ tổng kết.
Trong suốt buổi nói chuyện về hành trình làm nghề và giữ lửa nghề, nhạc sĩ Đoàn Dũng nhắc nhiều đến vợ và hai người con trai. Đó cũng là lý do mà anh tổ chức đêm nhạc: Nhạc sĩ Đoàn Dũng - 40 năm chặng đường âm nhạc.
Để nói về thời điểm 40 năm, nhạc sĩ Đoàn Dũng chia sẻ: Năm nay, tròn 40 năm tôi công tác và chỉ còn ít tháng nữa là tới thời điểm tôi nghỉ bảo hiểm xã hội. Gắn bó một chặng đường dài từ khi Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa còn ở hệ trung cấp, rồi cao đẳng và đến nay là đại học, tôi có biết bao nhiêu kỷ niệm và dấu ấn với nhà trường. Đã có nhiều người động viên tôi làm đêm nhạc từ cách đây cả chục năm, nhưng thời điểm đó tôi nghĩ chưa có nhiều dấu ấn để làm.
Qua những đóng góp của anh trong sự nghiệp giáo dục, anh đã 4 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động; trong hoạt động nghệ thuật anh cũng đã đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải A Liên hoan âm nhạc toàn quốc... Tôi nghĩ điều đó hoàn toàn xứng đáng để anh “khoe” với bạn bè đồng nghiệp, nhưng hơn hết như cách anh nói là “để con cái và lớp thế hệ kế cận thấy ở mình một ý chí, sự đam mê và cống hiến”.
Nhạc sĩ Đoàn Dũng.
Thực tế, không phải cứ cả đời làm nhạc sĩ là có thể tổ chức cho riêng mình một đêm nhạc dù họ có năng lực, có khả năng; lại có người nhiều lần tổ chức đêm nhạc nhưng ít quan tâm tới chất lượng. Cuộc đời sáng tác của Đoàn Dũng có tới gần 300 tác phẩm bao gồm cả khí nhạc và ca khúc và để chọn 15 tác phẩm tâm huyết, gói ghém lại cả một hành trình làm nghề để trình diễn trong Đêm nhạc Đoàn Dũng diễn ra tối ngày 16/4 là không hề dễ. “Tôi muốn gửi trao tới những đồng nghiệp trẻ ở trường rằng nghệ thuật cần sự chắt chiu kỹ lưỡng, cần sự đam mê lớn. Nếu chỉ dạy tối ngày đầy công thì niềm đam mê sẽ dần dần giảm, thay vào đó cũng bỏ lỡ những phút giây thăng hoa”.
Đoàn Dũng hiện đang là giảng viên Khoa Âm nhạc, Trưởng Phòng hành chính – tổng hợp Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Anh đồng thời cũng là Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Thanh Hóa, Phó trưởng Ban Âm nhạc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Xem xong đêm nhạc, tôi có hỏi: Anh đã mãn nguyện chưa? Một đêm nhạc có sự tham gia của 2 cậu con trai, trong đó có Pianist Đoàn Lê Phan Anh, hiện là Giảng viên Piano Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Ngoài ra còn có cả những học trò cũ và học trò hiện nay trình diễn nhiều ca khúc. Anh chỉ cười, nói: Phía trước còn dài, tôi chưa thể mãn nguyện. Còn nhiều điều tôi vẫn phải tiếp tục phấn đấu. Bạn đừng nghĩ có tuổi rồi phấn đấu làm gì. Riêng làm nghệ thuật, có phấn đấu mới tạo nên nỗ lực, để từ đó mang lại hình ảnh tốt đẹp cho con cái tôi và đồng nghiệp nhìn vào.
Đêm nhạc Đoàn Dũng: 40 năm chặng đường âm nhạc diễn ra trong khoảng 90 phút, nhưng anh đã huy động tới 150 người tham gia. Không nhiều người biết rằng, để có một bài hát trình diễn trước công chúng thì ngoài sáng tác ca khúc, còn là hòa âm phối khí, chọn ca sĩ hát, tìm phòng thu, làm ban nhạc, tập trên sân khấu... Khán giả thưởng thức ca khúc từ 3,5 phút đến 5 phút nhưng tất cả các bộ phận thì phải luyện tập rất nhiều thời gian...
40 năm là khép lại một chặng đường viên chức Nhà nước, còn chặng đường đời tiếp theo với những thăng hoa chắc chắn sẽ đem lại cho nhạc sĩ Đoàn Dũng nhiều tự do, tự tại để các ca khúc của anh thêm thăng hoa, thêm bay bổng.
Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN
{name} - {time}
-
2024-11-29 08:11:00
Đỗ Đại - khai quốc công thần triều Lê
-
2024-11-27 14:38:00
Cô gái Thái đưa hương rừng xuống phố
-
2024-04-19 08:45:00
Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích trên đất Hoằng Đạt
Người thầy thuốc tận tâm, gương mẫu
Thái úy Lê Niệm: “Thanh danh trọn vẹn”
Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Bích Ngà: Người miệt mài gieo chữ
Nhà văn Phạm Công Thắng, ngòi bút của thân phận
Tướng công Nguyễn Trung Nghĩa
Chủ tịch Hội LHPN xã Nga Hải hết lòng vì phụ nữ nghèo
Lê Phụ Trần: Dũng tướng phò tá cơ nghiệp nhà Trần
Vị đại tá mê “chép sử”
Nữ sinh giành giải Nhất môn Ngữ văn quốc gia: “Tuổi trẻ không phải cái cớ để sống thờ ơ”