(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, huyện Mường Lát đã tranh thủ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh để xây dựng nhiều mô hình sinh kế, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống của bà con Nhân dân.

Nhân lên những mô hình giảm nghèo vùng biên

Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, huyện Mường Lát đã tranh thủ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh để xây dựng nhiều mô hình sinh kế, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống của bà con Nhân dân.

Nhân lên những mô hình giảm nghèo vùng biênAnh Vi Văn Đợi, ở khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát chăm sóc trâu.

Những mô hình kinh tế mới

Ngược huyện Mường Lát thời điểm này, điều dễ nhận thấy chính là sự thay đổi rõ rệt trên những thửa ruộng, đồi vườn của bà con nơi đây. Không còn là sự độc canh của những cây trồng truyền thống, như cây lúa, cây ngô, cây xoan... mà thay vào đó là sự đa dạng các loại cây trồng mới, như: cam, đào, mận, măng tre bát độ... cho giá trị kinh tế cao.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Tặng Văn Lai, ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu là một điển hình. Ông là người tiên phong đưa giống cam Lào về bản để trồng thành mô hình, cho thu nhập cao. Ông Lai cho biết, đầu năm 2013, người thân tại huyện Viêng Xay (tỉnh Hủa Phăn, Lào) mang về biếu ông những quả cam bên Lào. Ông nếm thử và thấy rất ngon, vì vậy ông đã sang Lào tìm mua giống cam Lào về bản để trồng. Đến nay, với hơn 1ha cam, mỗi năm đem lại cho ông nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ông Lai còn nhiều hộ dân khác trong bản cũng đã học tập, nhân rộng mô hình này.

Không riêng gì các hộ dân ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu thành công với mô hình cây ăn quả, mà bà con tại nhiều địa phương huyện vùng biên nơi đây cũng đang có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Đơn cử như ở các xã Pù Nhi, Nhi Sơn thành công với mô hình trồng đào, mận; bà con ở các xã Trung Lý, Mường Lý, thị trấn Mường Lát thành công với cây sắn cao sản; xã Quang Chiểu thành công với mô hình lúa nếp cay nọi, măng tre bát độ...

Ngoài những mô hình trên, lĩnh vực chăn nuôi được xem là một trong những lợi thế của huyện Mường Lát. Nhờ mô hình chăn nuôi bò, gia đình anh Thao Văn Tông ở bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn đã thoát được nghèo. Anh Tông cho biết, là một hộ nghèo không xoay đâu ra nguồn vốn để đầu tư, anh đã được cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi. Từ cặp bò sinh sản ban đầu, đến nay, anh Tông đã sở hữu đàn bò gần 10 con, năm nào cũng có bò xuất bán và duy trì đàn lợn thịt từ 5 đến 7 con...

Tương tự, với anh Vi Văn Đợi, ở khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát, sau nhiều năm đi làm ăn xa không hiệu quả, với nguồn vốn tích cóp được, anh Đợi trở về quê chọn cho mình hướng đi riêng. Đó là chăn nuôi trâu, bò sinh sản, cung cấp bò giống cho người dân. Bên cạnh đó, anh Đợi còn đứng ra thu mua trâu, bò gầy yếu về vỗ béo bán lại bò thương phẩm cho thương lái. Hiện tại, trong chuồng trại của gia đình anh luôn duy trì đàn trâu, bò từ 40 đến 50 con, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Tranh thủ “nguồn lực”

Mường Lát là địa phương có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng việc tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các mô hình thế mạnh về nông - lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi.

Ông Trương Văn Bình, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Lát, cho biết: Tiến độ thực hiện đối với dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Mường Lát đang được đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Tổng vốn được giao năm 2024 (bao gồm vốn chuyển nguồn từ năm 2023 chuyển sang) là 14.636 triệu đồng. Đến đầu tháng 10/2024, có 19/21 dự án của 8 xã, thị trấn đã được bàn giao con giống và giải ngân vốn triển khai. Nhờ nguồn vốn triển khai một cách kịp thời đã giúp cho các địa phương hình thành nhiều mô hình kinh tế đem lại hiệu quả, như mô hình của anh Thao Văn Tông, Vi Văn Đợi hay ông Tặng Văn Lai... Qua những mô hình kinh tế đã, đang khơi gợi tinh thần thi đua sản xuất trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm theo từng năm. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Mường Lát còn 39%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 25 triệu đồng/năm.

Bà Trương Thị Huyên, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát nhận định: Một trong những tồn tại cố hữu của bà con Nhân dân huyện vùng biên Mường Lát là tư duy “trông chờ, ỷ lại”. Việc hình thành những mô hình kinh tế mới sẽ có những tác động tích cực góp phần thay đổi về tư duy sản xuất, canh tác lạc hậu truyền thống, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nâng cao giá trị sản xuất.

“Bên cạnh sự tranh thủ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù. Đây sẽ là cơ hội, động lực để huyện Mường Lát nỗ lực vươn lên, sớm thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2030 như mục tiêu kỳ vọng” - bà Huyên nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]