(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi nhà là tổ ấm, mỗi thành viên sẽ có thêm sức mạnh tinh thần để lao động, cống hiến, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh. Và tổ ấm được tạo dựng bởi rất nhiều yếu tố, mà mỗi thành viên trong gia đình sẽ làm nên một nhân tố của hạnh phúc.

Nhân tố của hạnh phúc

Khi nhà là tổ ấm, mỗi thành viên sẽ có thêm sức mạnh tinh thần để lao động, cống hiến, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh. Và tổ ấm được tạo dựng bởi rất nhiều yếu tố, mà mỗi thành viên trong gia đình sẽ làm nên một nhân tố của hạnh phúc.

Nhân tố của hạnh phúcĐại gia đình nhà cụ Nguyễn Hữu Lưu.

Gia đình 4 thế hệ của cụ Nguyễn Hữu Lưu (90 tuổi) thôn Gia Miêu, xã Hà Long, Hà Trung là một trong những gia đình “tứ đại đồng đường” điển hình của huyện. Hiện cụ đang sinh sống với con trai Nguyễn Hữu Lựu, cùng cháu và chắt. Đại gia đình gồm 8 người vẫn ngày ngày sinh hoạt dưới một mái nhà, không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận, là tấm gương cho nhiều gia đình khác trong xã noi theo.

Có 50 năm tuổi Đảng, cụ Lưu luôn là tấm gương để con cháu học tập. 4 thế hệ sống chung một mái nhà, mỗi người một tính cách nhưng hiếm khi nào xảy ra những tiếng cãi vã, hay mâu thuẫn. Theo cụ, để giữ cân bằng giữa các thành viên trong nhà, bậc làm cha, làm mẹ bao giờ cũng phải làm gương trước con cái, cháu chắt, phải biết phân biệt đúng sai, phải nắm được tâm lý của từng người mới có thể dễ dàng dạy dỗ, bảo ban.

Trong gia đình, cụ Lưu không sắp xếp công việc cho mỗi người mà ai cũng chủ động, tự giác làm. Khi thấy có hiểu lầm giữa các con cháu, cụ là người “cầm cân”, gọi con ra phân tích, ôn tồn chỉ bảo. “Tôi luôn nghiêm khắc nhắc nhở con cháu không được nặng lời, có chuyện gì phải bình tĩnh chia sẻ rõ ràng, nhờ vậy mà mọi người đều hiểu nhau hơn. Bản thân tôi cũng phải làm gương cho con cháu, không đối xử bất công, nặng nhẹ với bên nào, không trách mắng, lớn tiếng với các con. Nếu trong nhà luôn giữ nếp nhà thì mọi người sẽ đồng lòng, hòa thuận vui vẻ bên nhau”, cụ Lưu chia sẻ thêm.

Nhân tố của hạnh phúcChị Sướng và con dâu.

Với vai trò trung tâm, người “giữ lửa” chị Trần Thị Sướng, con dâu cụ Lưu nhưng cũng đã là mẹ chồng. Mặc dù được giáo dục nghiêm khắc nhưng chị không áp dụng cách dạy dỗ khắt khe của thời trước mà chọn lọc và tiếp thu cách giáo dục mới, tạo điều kiện cho đôi vợ chồng trẻ được giao lưu, phát triển sự nghiệp riêng. Tạo sự gắn kết giữa con dâu với gia đình, chị thường xuyên cùng con tham gia các hoạt động trong gia đình và xã hội như xem phim, tập thể dục, đi du lịch… để các thành viên trong gia đình có thêm sự sẻ chia và lắng nghe nhau.

Thấu hiểu và nhường nhịn cũng chính là bí quyết để gia đình 3 thế hệ nhà chị Mai Thị Thủy, thôn Thanh Hà, xã Lĩnh Toại, Hà Trung luôn chung sống hòa thuận, sum vầy. Đã hơn 10 năm làm dâu, phụng dưỡng bố mẹ chồng cao tuổi, theo chị Thủy, để có cuộc sống chung hòa thuận trong gia đình với 3 thế hệ thật không dễ dàng, bởi mỗi thế hệ có khoảng cách tuổi tác cách nhau vài chục năm, từ đó có sự khác biệt nhất định về tư tưởng, lối sống, quan điểm, phong cách. Do đó sẽ không tránh khỏi những va chạm, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, nói đơn giản nhất như việc ăn, ngủ, thế hệ trẻ hôm nay thường hay dậy muộn, ăn uống qua loa và không ý thức được việc sum họp trong các bữa ăn gia đình. Cùng với đó là thói quen giao tiếp, nói năng ồn ào, đơn giản, thích được tự do đi chơi, tụ tập về muộn, cuộc sống chưa chú trọng đến việc điều độ, đúng giờ giấc…

Hài hòa cùng các thành viên trong gia đình, bản thân chị Thủy trong cách ứng xử giao tiếp hàng ngày luôn làm gương cho con, trong đó chị luôn chú trọng đến hành động hiếu kính với bố mẹ hai bên. Và để các thành viên trong gia đình hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn, gia đình chị thường xuyên có những buổi nói chuyện thân mật, có thể là trước hay sau bữa cơm là thời điểm mọi người sum họp đầy đủ và thoải mái nhất.

Theo kinh nghiệm của những gia đình có 3, 4 thế hệ cùng chung sống, lợi ích lớn nhất có được là tình cảm. Ông bà đến tuổi về hưu, ở nhà giúp con cháu một số công việc nhỏ sẽ thấy mình là người có ích hơn. Mặt khác, việc ở cạnh con cháu cũng giúp người già yêu đời và an tâm hơn. Còn với những người trẻ, việc sống chung với ông bà sẽ giúp mỗi người phát triển hoàn thiện tính cách, sống tình cảm hơn, biết yêu thương, quan tâm chăm sóc những người lớn tuổi. Việc sống chung với ông bà cũng giúp những người trẻ giảm được nguy cơ sa đà vào các tệ nạn xã hội. Một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nhiều thế hệ sẽ được kế thừa và thẩm thấu được những giá trị truyền thống, đạo đức của gia đình ấy. Khi ra ngoài xã hội, đứa trẻ biết cách ứng xử với người trên, người dưới.

Thực tế, do điều kiện rất nhiều gia đình sống chung 3 thế hệ, nhất là ở vùng nông thôn, việc xây dựng tổ ấm là trách nhiệm cũng là nghĩa vụ của tất cả thành viên. Gia đình chính là nơi giữ tổ ấm yên bình trước giông bão.

Bài và ảnh: Phong Vân

Tin liên quan:
  • Nhân tố của hạnh phúc
    Giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của gia đình

    Xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH) từ lâu đã trở thành một phong trào thi đua không chỉ giữa các gia đình mà còn ở các địa phương. GĐVH đòi hỏi mỗi thành viên đều phải nỗ lực hoàn thiện mình, sống chuẩn mực, yêu thương lẫn nhau… Mỗi GĐVH sẽ là tấm gương, tạo hiệu ứng để gia đình khác phấn đấu, noi theo. Từ đó, phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp, là nền tảng xây dựng xã hội văn minh.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]