(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng lâu năm, những năm qua huyện Như Xuân xác định chè là một trong những cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân, từ đó vạch ra hướng đi phù hợp để phát triển cây trồng này.

Cây “xóa đói, giảm nghèo” ở huyện Như Xuân

Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng lâu năm, những năm qua huyện Như Xuân xác định chè là một trong những cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân, từ đó vạch ra hướng đi phù hợp để phát triển cây trồng này.

Cây “xóa đói, giảm nghèo” ở huyện Như Xuân

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc chè tại xã Cát Vân.

Cây chè là cây trồng phù hợp với vùng đất đồi, đặc biệt là các xã Cát Tân, Cát Vân, Hóa Quỳ, Yên Lễ (nay là thị trấn Yên Cát), Bình Lương, Thượng Ninh. Cây chè cho thu nhập tương đối ổn định và cao hơn nhiều so với thu nhập từ các loại cây công nghiệp khác.

Với kỳ vọng khôi phục và phát triển loại cây trồng truyền thống và trồng mới các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao để mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, huyện Như Xuân đã triển khai đề án “Phát triển vùng chè nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Việc xây dựng đề án nhằm xác định mục tiêu, giải pháp, chính sách phát triển bền vững cây chè, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa cung cấp nguyên liệu để phát triển ngành công nghệ chế biến chè phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Sau khi thực hiện đề án sẽ tạo ra vùng nguyên liệu chè 400 ha, sản lượng hàng năm tăng dần từ 3.000 tấn/năm đến 7.500 tấn/năm. Tạo công ăn, việc làm cho 400 hộ với 1.000 lao động…

Từ năm 2020 đến nay, diện tích cây chè ở huyện mới phát triển, mở rộng về quy mô từ 137 ha (chủ yếu là chè búp và chè xanh) lên 152,4 ha. Ngoài giống chè truyền thống, Như Xuân còn trồng thêm các loại giống mới cho năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với chế biến như chè Kim Tuyên, PH8, PH9. Đối với các giống chè mới, ngay năm đầu tiên, cây chè đã cho thu hoạch khoảng 1,3 tấn/ha/năm; năm thứ hai cho năng suất khoảng 2,5 tấn/ha/năm.

Nhằm tạo ra vùng sản xuất, kinh doanh, cung cấp các sản phẩm với số lượng lớn theo hướng hàng hóa, trên cơ sở nghiên cứu đặc tính của đất, điều kiện tự nhiên, ngoài việc sử dụng quỹ đất có sẵn, quỹ đất trồng lại, huyện Như Xuân đang tiến hành rà soát những diện tích đất trồng các loại cây không có hiệu quả kinh tế, kém hiệu quả sang quy hoạch trồng chè. Huyện phấn đấu thành lập 1 – 2 HTX chuyên thu mua và sơ chế chè nguyên liệu, cung cấp nguyên liệu qua sơ chế cho Công ty CP Chế biến chè Phương Đông (Nghệ An); đẩy mạnh liên kết, chuyển giao công nghệ sơ chế, chế biến chè nguyên liệu giữa doanh nghiệp, nhà máy chế biến với cơ sở thu mua, sơ chế; khuyến khích các hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, thiết bị công nghệ theo hướng kết hợp thiết bị hiện đại với thủ công để sơ chế chè nguyên liệu…

Nhận thấy một số loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp, năm 2021 gia đình anh Lê Quang Cường, xã Cát Vân đã chuyển sang trồng chè giống cây phát tán với diện tích hơn 1 ha. Nhờ chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, cây chè đều sinh trưởng, phát triển tốt, búp chè non mọc lên tua tủa, xanh ngát. Theo anh Cường, trung bình chè tươi có giá 15.000 đồng/kg, trong khi trà khô có giá từ 200.000 – 300.000 đồng/kg. Chè phát triển một năm mới cho thu hoạch, từ năm thứ 2 trở đi, trung bình thu hoạch mỗi tháng một lần. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về 65 - 75 triệu đồng, cao hơn so với trồng các loại cây khác như sắn, mía, keo...

Cây “xóa đói, giảm nghèo” ở huyện Như XuânHuyện Như Xuân phấn đấu sớm đưa cây chè trở thành sản phẩm đạt chất lượng OCOP cấp tỉnh.

Bà Hoàng Thị Lương, Chủ tịch UBND xã Cát Tân, thông tin: “Năm 2022, toàn xã có 32,6 ha chè. Với mong muốn đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao, xã đã tiến hành vận động cán bộ, người dân trong xã tự giác chuyển đổi cơ cấu cây trồng không có giá trị kinh tế sang trồng chè cao sản. Một số hộ dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng già cỗi, cho thu nhập thấp thay thế bằng cây chè như các hộ: ông Lê Xuân Khương, thôn Cát Xuân, trồng 1 ha; bà Đinh Thị Chi, thôn Thanh Vân, trồng 0,85 ha… Toàn bộ sản phẩm chè búp mà người dân thu hái đã được xí nghiệp thu mua, chế biến kịp thời, giúp họ yên tâm sản xuất”.

Ông Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: Tận dụng đặc thù địa hình đồi núi thấp và thổ nhưỡng phù hợp để trồng các giống cây lâu năm cho năng suất, đặc biệt là cây chè. Huyện đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chè nguyên liệu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha cho diện tích trồng mới tập trung từ 0,5 ha trở lên; thành lập 2 tổ công tác, phân công cụ thể cho các thành viên hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương thực hiện phát triển vùng nguyên liệu chè. Đồng thời, ký văn bản thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chè Phú Thọ, Công ty CP Chè Phương Đông về chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống. Song song với việc quy hoạch đưa cây chè vào nhóm cây trồng chính của huyện, hiện nay Như Xuân đang hỗ trợ các HTX xây dựng sản phẩm chè trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, hướng đến nâng cao chất lượng chè trên thị trường…

Bài và ảnh: Trung Lê



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]