Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá
Độc giả Trần Trọng Thanh hỏi: “Câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” tôi thấy người ta hay dùng với nghĩa là phá hoại môi trường. Tuy nhiên, trang Bách khoa tri thức Việt Nam lại giải thích “Phá sơn lâm: Nghề khai thác rừng; Đâm hà bá: Nghề đánh bắt thủy sản. “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”: Khai thác rừng và đánh bắt thủy sản là hai nghề vất vả, cực nhọc”.
Vậy xin hỏi, nghĩa của câu này nên hiểu thế nào cho đúng?”
Trả lời: Trong 10 cuốn từ điển mà chúng tôi có trong tay, duy nhất có Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương thu thập câu “Nhứt phá sơn lâm; nhì đâm hà bá”, và cũng giải thích theo hướng như Bách khoa Tri thức: “(Đáng nể) bậc nhất là những kẻ dám khai phá núi non (để biến thành đồng ruộng); kế đến là những kẻ dám đâm chết hà bá (để biến hồ ao/sông suối thành nơi nuôi trồng/đánh bắt tôm cá giúp mọi người). Hay dùng để chỉ rõ tầm hệ trọng của công việc khai phá núi non cũng như sông suối, ao hồ”.
Tuy nhiên theo chúng tôi, Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá, là chỉ hành động phá hoại môi trường rừng núi và sông suối ao hồ, chứ không nói về hai nghề khai thác rừng và đánh bắt cá với nghĩa tích cực. Điều này có một số căn cứ sau đây:
- Thứ nhất: Trong câu “Khai sơn phá thạch - 開山破石, thì phá (xẻ ra) đối với khai (mở ra), đều được hiểu theo nghĩa tích cực, ý chỉ công việc xẻ núi, mở đường đặt nền móng cho sự nghiệp ban đầu đầy gian nan, thử thách. Còn với “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”, thì “phá” 破 (hủy hoại) đăng đối với “đâm” (làm tổn thương, gây nên cái chết cho đối tượng nào đó) đều được hiểu theo nghĩa tiêu cực.
- Thứ hai: Từ phân tích ở ý thứ nhất, chúng ta thấy “đốn củi, khai hoang”, hay “chài lưới ở sông biển”, “đánh bắt cá” không thể hiểu thành tội “phá”, “đâm”. Vì khai thác rừng để lấy gỗ phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống; đánh bắt cá làm thực phẩm cho con người là những việc làm hoàn toàn bình thường, đã diễn ra hàng ngàn năm qua. Khai thác ở mức hợp lý, bền vững, khai thác đi đôi với bảo vệ, hợp với quy luật của tự nhiên, thì rừng và nguồn lợi thủy sản vẫn tái sinh, tái tạo.
- Thứ ba: Hà Bá là vị thần miền sông nước (hiểu rộng là môi trường nước nói chung, bao gồm cả sông hồ, biển cả). Bởi vậy, Hà Bá là cách nói tượng trưng của dân gian, chỉ nguồn nước, môi trường sống của chính con người.
Xưa kia, có những kẻ bí mật đánh độc thượng nguồn sông suối, môi trường ao hồ nhằm tiêu diệt đối phương, hoặc phá hoại về kinh tế. Một khi nguồn nước đã bị nhiễm độc, thì toàn bộ hệ sinh vật, muôn loài thủy tộc trong đó sẽ cùng chung số phận, nghĩa là gây nên cái chết hàng loạt. Hủy hoại môi trường sông nước - vương quốc của hà bá - chẳng khác nào “đâm”, giết hà bá và hết thảy con dân của thần ở chốn thủy cung. Bởi vậy, dân gian coi việc hủy hoại nguồn nước, vùi lấp sông suối là tội nặng, việc làm thất đức, không tránh khỏi bị quả báo.
- Thứ tư: Sở dĩ xếp tội “phá sơn lâm” vào hạng “nhất”, vì rừng (đặc biệt là rừng đầu nguồn) quan trọng như lá phổi xanh điều hòa khí hậu, chống lũ cuốn, lũ quét; “sơn lâm” (hiểu rộng ra là muôn loài cỏ cây trên mặt đất) tựa cái bể chứa khổng lồ lưu giữ, điều tiết, cung cấp nguồn nước ngầm cho ao hồ, sông suối. Phá rừng không chỉ phá hoại môi trường sống của muôn loài muông thú, mà còn làm cạn kiệt nguồn nước; lũ lụt cuốn trôi nhà cửa vào mùa mưa, đất đá bị xói mòn, vùi lấp sông suối, con người phải hứng chịu hậu quả khôn lường. Thế nên dân gian còn có câu Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, là lời cảnh báo hậu quả mà con người phải gánh chịu khi tàn phá rừng. Nhiều khu rừng thiêng, “rừng ma” mà hầu như bản làng nào cũng có, chính là một cách tạo ra sự bất khả xâm phạm đối với những cánh rừng có vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường của người xưa.
Như vậy, “phá sơn lâm” là hành động gián tiếp “đâm hà bá”, tức cùng lúc ảnh hưởng tới cả sinh vật trên cạn lẫn dưới nước, dân gian xếp tội này đứng đầu là hợp lý.
- Thứ năm: Xưa kia, 4 nghề Ngư - Tiều - Canh - Mục - 漁樵耕牧 (đánh cá; đốn củi; làm ruộng; chăn gia súc) được ca ngợi như những công việc có thú vui riêng. Vậy, nếu hiểu “đâm hà bá” là nghề “chài lưới ở sông biển”, “đánh bắt cá” nói chung sẽ khó thuyết phục. Trường hợp cho rằng “đâm hà bá” là “nghề thợ lặn”, “phải trầm mình đáy sông lạnh giá, vật lộn giữa sự sống và cái chết để mưu sinh”, thì phải xếp thứ tự ngược lại mới đúng: “Nhất đâm hà bá, nhì phá sơn lâm”. Vì sao? Vì con người sinh ra vốn không phải để bơi lặn, mưu sinh dưới nước giống như loài tôm cá, nên nghề thợ lặn một khi gặp nạn, chẳng những mất mạng mà còn mất cả xác. Thế nên, không có cớ gì xếp “đâm hà bá” (hiểu theo nghĩa nghề thợ lặn, bắt cá tôm dưới đáy sông) xuống vị trí thứ hai, sau “phá sơn lâm” ?
Như vậy, “phá sơn lâm, đâm hà bá” ở đây theo chúng tôi phải hiểu là hành động khai thác mang tính hủy diệt, phá hoại môi trường sống trên cạn và dưới nước, khiến cho nguồn lợi tự nhiên không thể tái sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và muôn loài vạn vật. Đây chính là nhận thức rất đúng của dân gian về bảo vệ môi trường.
Mẫn Nông (CTV)
{name} - {time}
-
2024-12-09 17:22:00
Lại nói về câu “Ngọa tân thường đảm - Nằm gai nếm mật”
-
2024-12-09 15:29:00
Bún riêu và miến xào cua góp tên trong “bản đồ ẩm thực thế giới”
-
2024-10-07 15:49:00
Văn hóa tặng quà
Lan tỏa đam mê đọc sách
Gìn giữ cho muôn đời sau
Khi văn hóa dân gian hòa cùng tiếng sóng
Hiểu - Đường đến tự do
Từ “Họa xà thiêm túc”, đến “Như hổ thiêm dực”
Ðể di tích đồng hành với phát triển du lịch
Về thăm những di tích quốc gia đặc biệt
Triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đến với học sinh
Xu hướng mới của giới trẻ mang lại thách thức cho ngành du lịch Việt Nam