(vhds.baothanhhoa.vn) - Thay vì cuối tuần đi chơi, giải trí, những người trẻ xứ Thanh thuộc cộng đồng “Xanh Thanh Hóa” (trực thuộc cộng đồng “Xanh Việt Nam”) lại rủ nhau đi nhặt rác, với mục đích lan tỏa tình yêu môi trường và truyền cảm hứng sống xanh, sống trách nhiệm tới cộng đồng.

Nhặt rác cùng nhau - Truyền thông điệp sống xanh

Thay vì cuối tuần đi chơi, giải trí, những người trẻ xứ Thanh thuộc cộng đồng “Xanh Thanh Hóa” (trực thuộc cộng đồng “Xanh Việt Nam”) lại rủ nhau đi nhặt rác, với mục đích lan tỏa tình yêu môi trường và truyền cảm hứng sống xanh, sống trách nhiệm tới cộng đồng.

Nhặt rác cùng nhau - Truyền thông điệp sống xanhNhững bãi rác tự phát được xử lý nhằm trả lại không gian xanh cho môi trường.

Khởi xướng từ năm 2020, Clean up Việt Nam là chiến dịch nhặt rác bảo vệ môi trường do “Xanh Việt Nam” tổ chức thường niên mỗi năm 2 lần. Đây là chiến dịch chủ chốt nhằm nâng cao nhận thức giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và lan tỏa cảm hứng sống xanh trong cộng đồng.

Tại Thanh Hóa, sau thành công của 4 chiến dịch trước, với khoảng 600 bao rác được thu gom, chiến dịch Clean up lần thứ 5 tiếp tục thu hút hàng trăm tình nguyện viên đến từ các địa phương, với hơn 80 bao tải rác được thu gom.

Em Vũ Thị Thùy Trang (xã Hoằng Xuyên, Hoằng Hóa), trưởng ban điều phối chiến dịch lần 5 tại Thanh Hóa, cho biết: “Bên cạnh những người có ý thức giữ gìn không gian xung quanh, nhiều người vẫn vô tư xả rác bừa bãi như một thói quen. Người này vứt được, người khác cũng vứt được, vô tình hình thành nên những bãi rác tự phát, nhiều rác thải khó phân hủy như túi nilong, hộp xốp... tích tụ ngày một nhiều. Nhiệm vụ của chúng em là xử lý những bãi rác tự phát này, trả lại không gian cho môi trường”. Đây đã là lần thứ 2 Trang tham gia chiến dịch, mỗi lần em đều chụp rất nhiều hình ảnh để đăng tải trên các diễn đàn, mạng xã hội nhằm lan tỏa hình ảnh đẹp của bản thân và mọi người. Mong muốn của Trang là lan tỏa hình ảnh đẹp và “Truyền tải thông điệp rằng mọi người đều có thể bảo vệ môi trường thông qua các hành động nhỏ, từ đó góp thành một chiến dịch lớn có ý nghĩa để giúp môi trường trở nên trong sạch hơn”.

Nhặt rác cùng nhau - Truyền thông điệp sống xanhCác tình nguyện viên Thanh Hóa góp phần vào thành công của chiến dịch Clean up Việt Nam lần thứ 5.

Được biết, Vũ Thị Thùy Trang vừa thi tốt nghiệp THPT năm 2023, em tự tin mình sẽ trở thành sinh viên trong tương lai gần. “Em vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động thiện nguyện, nhất là các hoạt động về môi trường để bảo vệ môi trường xanh của chúng ta”, Trang cho biết thêm.

Còn với chị Nguyễn Hương Lan, xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) thì đây là lần đầu tiên chị tham gia chiến dịch. Sau khi tìm hiểu và biết cộng đồng Xanh Việt Nam là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động về bảo vệ môi trường và thiện nguyện. Với những chiến dịch mạnh mẽ về môi trường trong toàn quốc, chị đã trở thành tình nguyện viên của Xanh Thanh Hóa. Chị vui vẻ cho biết: “Cuối tuần thay vì đi cà phê thì mình đi nhặt rác làm sạch môi trường, tôi thấy đây là một hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực. Tất cả tình nguyện viên đều có chung mục đích tình yêu với môi trường nên dù thời tiết nắng nóng nhưng mọi người đều rất vui vẻ, nhiệt tình”, chị Lan dự định chiến dịch sau sẽ rủ thêm hai con nhỏ cùng tham dự, chị muốn con có ý thức bảo vệ môi trường từ sớm.

Mỗi lần thực hiện chiến dịch, thủ lĩnh của từng điểm cầu cùng các tình nguyện viên có sự chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Trong đó, để chiến dịch lan tỏa hiệu ứng tích cực, tất cả khẩu hiệu, pano, tuyên truyền của chiến dịch đều được làm từ rác tái chế. Đó là những pano đã bị vứt bỏ được giặt sạch sau đó kẻ vẽ lại, hoặc là những bìa cát tông cắt thành những hình thù ngộ nghĩnh rồi nhờ những bàn tay tình nguyện viên biến thành biển tuyên truyền bắt mắt... Trong thời gian diễn ra chiến dịch, tất cả tình nguyện viên đều không dùng đồ nhựa dùng một lần. Vật dụng cá nhân như cốc nước, túi đựng... đều là sản phẩm tái chế hoặc có thể dùng lại nhiều lần.

Nhặt rác cùng nhau - Truyền thông điệp sống xanhNhiều em nhỏ cùng tham gia chiến dịch.

Và điều quan trọng mà cộng đồng “Xanh Việt Nam” nói chung và “Xanh Thanh Hóa” nói riêng đã làm được là coi việc nhặt rác không những là trách nhiệm mà còn là niềm vui. Niềm vui vì chính mình được làm việc có ích cho cộng đồng, vui vì không gian sống xung quanh có thêm màu xanh, vui vì có nhiều người cùng chí hướng sẵn sàng góp sức... Làm được điều này, “Xanh Việt Nam” nhất là những trưởng nhóm Xanh biết cách truyền cảm hứng cho các tình nguyện viên. Tại Thanh Hóa, cộng đồng Xanh ban đầu chỉ có vài chục tình nguyện viên nhưng nay mỗi chiến dịch đều thu hút hàng trăm người. Đặc biệt, trong chiến dịch Clean up lần thứ 4, Thanh Hóa thu hút hơn 300 tình nguyện viên, với 176 bao rác được thu gom. Sức lan tỏa của những hành động đẹp, những bãi rác biến mất đã giúp ngày càng nhiều bạn trẻ trở thành tình nguyện viên của “Xanh Thanh Hóa”.

Chị Hà Thị Tuyết, thủ lĩnh “Xanh Việt Nam” tại Thanh Hóa, cho biết: “Chiến dịch nhặt rác mỗi năm tổ chức 2 lần, dù số lượng tình nguyện viên tham gia nhiều đến đâu cũng không thể nhặt hết rác trong 2 ngày đó. Điều chúng tôi muốn nhắn gửi thông qua chiến dịch về tình yêu môi trường tới thế hệ trẻ và người dân. Từ đó, quảng bá hình ảnh người dân Việt Nam trong màu áo cờ đỏ sao vàng chung tay nhặt rác làm sạch môi trường tới bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, chiến dịch cũng sẽ góp phần vào việc quảng bá, kích cầu du lịch và nâng cao đời sống người dân".

Thông qua việc dọn sạch những bãi rác tự phát, cộng đồng “Xanh Thanh Hóa” nói riêng và “Xanh Việt Nam” nói chung quyết tâm đưa Việt Nam từ top 4 quốc gia thải rác nhựa ra biển nhiều nhất thế giới trở thành top 5 quốc gia sạch đẹp nhất Đông Nam Á trước năm 2025. Đồng thời lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường thông qua hành động thiết thực, mọi người cùng nhau cúi xuống nhặt rác, ai cũng có thể làm sạch nơi mình đi qua. Đây là mục tiêu lớn nhất mà cộng đồng “Xanh Việt Nam” hướng tới.

Bài và ảnh: Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]