(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đến nay, các ngành chức năng mới quản lý được 800/2.889 điểm giết mổ, số còn lại vẫn ngang nhiên hoạt động. Ai dám chắc chắn nguồn thịt từ hơn 2.000 điểm giết mổ đang trôi nổi bảo đảm an toàn về mặt chất lượng, và không tiềm ẩn mầm mống dịch bệnh nguy hiểm?

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều bất cập trong quản lý giết mổ gia súc, gia cầm

(VH&ĐS) Đến nay, các ngành chức năng mới quản lý được 800/2.889 điểm giết mổ, số còn lại vẫn ngang nhiên hoạt động. Ai dám chắc chắn nguồn thịt từ hơn 2.000 điểm giết mổ đang trôi nổi bảo đảm an toàn về mặt chất lượng, và không tiềm ẩn mầm mống dịch bệnh nguy hiểm?

Theo thống kê của ngành thú y, toàn tỉnh hiện có 2.889 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC), trong đó chỉ có 8 cơ sở giết mổ tập trung, nhưng hiện có 4 cơ sở không hoạt động, số còn lại là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại các hộ gia đình. Điều đáng nói là trong số các cơ sở giết mổ GSGC nhỏ lẻ, hộ gia đìnhđang hoạt động thì chỉ có khoảng 800 cơ sở (chiếm gần 30%) có sự kiểm soát của các ngành chức năng. Công tác kiểm soát giết mổ gia súc được giao cho các trạm thú y trên địa bàn huyện phụ trách. Trên thực tế, nhiều trường hợp chưa thực hiện lăn dấu kiểm soát tại nơi giết mổ.

Vì vậy, gia súc kể từ khi được các chủ lò mổ mua về nuôi nhốt đến khi bị giết thịt đưa ra chợ bán đều không qua khâu theo dõi, kiểm soát dịch bệnh. Nhiều trạm thú y hợp đồng thêm cán bộ thú y cơ sở để làm nhiệm vụ lăn dấu kiểm dịch tại các chợ. Tuy nhiên, cách làm này chỉ là kiểm soát “đằng ngọn” bởi theo Quyết định số 87 ngày 26/12/2005 của Bộ NN&PTNT thì gia súc giết mổ phải có giấy xác nhận vệ sinh thú y, kiểm dịch, phải đưa đến cơ sở giết mổ ít nhất 6 giờ đồng hồ và được cán bộ thú y, kiểm dịch viên theo dõi, khám kiểm tra kỹ càng cả trước, trong và sau khi giết mổ. Việc giết mổ và vận chuyển gia súc bắt buộc phải bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng công tác quản lý trong lĩnh vực này cũng còn nhiều bất cập.

Hiện tại, có nhiều điểm giết mổ gia súc do các hộ gia đình, cá nhân tự lập ra và hoạt động hoàn toàn tự phát. Khu giết mổ thường được bố trí ngay trong khu vực sinh sống của gia đình. Các hộ này tự mua gia súc từ các nơi về giết mổ rồi bán thịt cho các điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn mà chưa qua sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Đây là mối lo ngại về nguồn thực phẩm bẩn sẽ xuất hiện trên thị trường gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Khu giết mổ gia súc, gia cầm tại chợ Đông Thành, TP Thanh Hóa.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thanh Hóa - Đặng Văn Hiệp cho biết: Công tác quản lý giết mổ GSGC gặp rất nhiều khó khăn bởi các huyện, thị xã chưa thực sự quan tâm và chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn. Quỹ đất dành cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp hoặc giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc xây dựng các cơ sở giết mổ còn thiếu và chưa đáp ứng với tiến độ đề ra. Vốn bố trí cho công tác giết mổ thiếu, bên cạnh đó các cơ sở giết mổ gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Lực lượng ngành mỏng, các lò giết mổ gia súc phân tán trên địa bàn trải rộng và chủ yếu hoạt động vào ban đêm nên công tác kiểm soát, kiểm tra gặp nhiều trở ngại, đặc biệt cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cán bộ thú y các xã, phường, thị trấn còn nhiều bất cập.

Đối với giết mổ gia cầm, điều đáng nói là tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận đều không có lò giết mổ tập trung mà đang diễn ra tự phát, theo kiểu mạnh ai nấy làm vì vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát các ổ dịch cúm gia cầm. Mặt khác, khu vực giết mổ gia cầm không đảm bảo vệ sinh, lại xen lẫn với nơi bán thực phẩm khô, thực phẩm rau, củ, quả…, dẫn đến tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại chợ Đông Thành, TP Thanh Hóa, theo quan sát của chúng tôi, khu vực mua bán gia cầm sống ở đây hết sức lộn xộn, khách mua hàng tùy ý chọn lựa, thấy ưng ý con nào thì người bán lập tức giết thịt ngay tại chỗ. Cạnh đó, nồi nước sôi đục ngầu lẫn lộn lông gà, lông vịt được đun đi đun lại nhiều lần để nhúng gia cầm. Còn các hàng bán cá cũng bày ngổn ngang, nước thải khi làm thịt các loại chảy lênh láng, gây ô nhiễm mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có thể nói thực trạng giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện nay và sự thờ ơ của người tham gia giết mổ cũng như người tiêu dùng trong khâu vệ sinh phòng dịch là rất đáng lo ngại.

Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]