(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Pù Nhi phấn đấu mỗi năm giảm từ 7% hộ nghèo trở lên. Để đạt mục tiêu này, cấp ủy đảng, chính quyền xã tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo tại xã Pù Nhi

Từ kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Pù Nhi phấn đấu mỗi năm giảm từ 7% hộ nghèo trở lên. Để đạt mục tiêu này, cấp ủy đảng, chính quyền xã tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhiều nỗ lực trong xóa đói giảm nghèo tại xã Pù NhiTỉnh đoàn phối hợp với xã Pù Nhi tập huấn mô hình hỗ trợ cải tạo vườn tạp tại bản Pù Toong, xã Pù Nhi.

Nằm cách trung tâm huyện Mường Lát hơn 10 km về phía Tây, xã Pù Nhi có 1.214 hộ dân, với 5.640 nhân khẩu, bao gồm 6 dân tộc anh em là Mông, Thái, Dao, Mường và Khơ Mú cùng sinh sống (trong đó đồng bào Mông chiếm trên 73% dân số toàn xã). Xác định xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo sát với thực tế ở địa phương; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên thoát nghèo; đồng thời, tiếp nhận và sử dụng hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để làm “đòn bẩy” giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. UBND xã đã đề ra các giải pháp cụ thể, tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải thiện điều kiện sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Đồng chí Vũ Đình Tuấn, cán bộ chính sách xã Pù Nhi cho biết: Dựa vào số liệu điều tra hàng năm, Ban Chỉ đạo giảm nghèo của xã phân tích dữ liệu hộ nghèo từng thôn để có các giải pháp giảm nghèo. Với những hộ thiếu vốn thì chỉ đạo các bản rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn của từng hộ. Đấu mối chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi. Những hộ nghèo làm nông nghiệp - chuyển đổi ngành nghề, thiếu kỹ năng lao động thì ưu tiên tham gia chương trình đào tạo nghề. Ưu tiên dạy nghề, gắn với giải quyết việc làm; tạo điều kiện để người nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập, từ đó vươn lên trong lao động, sản xuất để từng bước thoát nghèo. Với những hộ thất nghiệp, thiếu việc làm, chưa tích cực lao động thì thông tin về thị trường lao động trong, ngoài nước, các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Phối hợp với phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng để cung cấp thông tin về thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động nhằm tăng cơ hội, khả năng tìm việc làm và học nghề cho người nghèo... Theo đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo do được tuyên truyền, vận động, được hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, biết tiết kiệm chi tiêu, tích lũy để tái sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Ngoài các giải pháp nêu trên, hàng năm, MTTQ cùng các đoàn thể tích cực chỉ đạo, phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, đồng thời giám sát việc tổ chức thực hiện trên cơ sở phạm vi hoạt động và chức năng, nhiệm vụ quy định. Các mục tiêu, nội dung, biện pháp xóa đói giảm nghèo cũng được đưa vào chương trình hoạt động, nhằm tạo chuyển biến nhận thức tự vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo; giúp hộ nghèo lập kế hoạch phát triển kinh tế, tạo thu nhập và nâng cao khả năng tiếp thu, tiếp cận thông tin và áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, vốn hỗ trợ của xã hội trong công tác giảm nghèo cũng như nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo. Nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả để tạo thêm việc làm cho người nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu hợp lý cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Lồng ghép thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn lực khác, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Ngoài ra, cấp ủy đảng, chính quyền xã tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ đến các hộ dân. Trong thời gian qua, xã đã trao trên 200 con trâu, bò, dê cho các hộ dân nghèo để tạo sinh kế. Đồng thời, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ xã đã xây dựng mô hình nuôi gà Mông; thực hiện dự án trồng cây ăn quả tại các bản: Cơm, Pù Ngùa, Pù Toong, Cá Nọi và Hua Pù... Với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền xã Pù Nhi và người dân trong công tác xóa đói giảm nghèo, đến nay, diện mạo nông thôn mới ở nơi đây đang dần khởi sắc. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 19 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 51,6% (giảm 8,4% so với năm 2021).

Bà Nguyễn Thị Thu, Bí thư Đảng ủy xã Pù Nhi cho biết: Từ một xã biên giới với nhiều khó khăn và lực cản, nhất là cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhưng hiện nay diện mạo Pù Nhi đang từng ngày khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Thành quả đó là nhờ Đảng bộ xã đã phát huy vai trò lãnh đạo, khơi dậy ý chí tự lực, tự vươn lên thoát nghèo bền vững của đồng bào các dân tộc địa phương. Từ kết quả đạt được, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Pù Nhi phấn đấu mỗi năm giảm từ 7% hộ nghèo trở lên. Để đạt mục tiêu này, cấp ủy đảng, chính quyền xã tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, nhằm thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại, nâng cao tinh thần tự giác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, giúp đồng bào phát huy nội lực từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bài và ảnh: Trần Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]