(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ năm 2017 đến nay, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đã giúp cho nhiều chị em thực hiện được ý tưởng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Các mô hình phụ nữ khởi nghiệp đã đem lại lợi ích cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế tại địa phương.

Nhìn từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”

Từ năm 2017 đến nay, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” đã giúp cho nhiều chị em thực hiện được ý tưởng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực. Các mô hình phụ nữ khởi nghiệp đã đem lại lợi ích cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế tại địa phương.

Nhìn từ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ngô Thị Hồng Hảo và lãnh đạo huyện Hà Trung thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm của HTX sản xuất và kinh doanh mắm tép do phụ nữ tham gia quản lý xã Yên Dương.

Với mong muốn khởi nghiệp ngay trên quê hương, chị Hà Thị Kiều ở thôn Lau, xã Điền Thượng (Bá Thước) đã chủ động học nghề thủ công mỹ nghệ mây tre đan và dạy nghề cho chị em trong thôn. Năm 2021, chị thành lập tổ hợp tác (THT) mây tre đan thôn Lau với 55 thành viên. Đến nay, THT đang tạo việc làm cho 130 lao động. Mỗi tháng, THT cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ các loại, trong đó có 70% sản phẩm được làm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để xuất khẩu. Mô hình khởi nghiệp của chị Kiều đã đạt giải ba cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” cấp vùng khu vực miền Trung năm 2024 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức.

Chị Hà Thị Thủy, thành viên THT mây tre đan thôn Lau cho biết: “Trước đây chưa có THT, chúng tôi chỉ làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Từ khi có THT, chị em chúng tôi có thêm việc làm, một tháng có thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng và còn tranh thủ làm được việc nhà, đưa đón con đi học”.

Được phát triển từ THT lên HTX sản xuất và kinh doanh mắm tép do phụ nữ tham gia quản lý xã Hà Yên (Hà Trung), nay là xã Yên Dương, HTX có 20 thành viên vừa được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 2 giá kệ trưng bày sản phẩm, 70 chum làm mắm, 1.250 lọ thủy tinh đựng sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Việc phát triển từ THT lên HTX là nhằm duy trì và phát triển nghề truyền thống mắm tép của địa phương từng là sản vật “tiến vua”, đồng thời nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu “mắm tép” Yên Dương, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hà Trung Lê Thị Gấm cho biết: Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, ngoài việc tín chấp với ngân hàng, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các ban, ngành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành viên HTX phát triển nghề vì đây là lợi thế của địa phương.

Một trong những hoạt động nổi bật của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thời gian qua là hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT) do phụ nữ tham gia quản lý. Hằng năm, các cấp hội đã rà soát, lựa chọn đăng ký thành lập HTX, THT để xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện. Cùng với đó, thông qua các chương trình, dự án, hội tranh thủ thêm các nguồn vốn lồng ghép vào hỗ trợ các mô hình KTTT về cây con giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp các mô hình nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Với cách làm trên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp hội phụ nữ Thanh Hóa đã hỗ trợ thành lập 33 mô hình KTTT, trong đó có 13 HTX, 20 THT, vượt chỉ tiêu đề ra. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh thành lập 365 mô hình KTTT, trong đó có 100 HTX, 109 THT do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nữ trên địa bàn.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, phụ nữ ngày càng mạnh dạn bắt nhịp với sản xuất, kinh doanh nên hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh ngày càng được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội chú trọng hơn. Hoạt động này thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ về khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Hàng năm, các cấp hội tổ chức cho các chị là nữ quản lý, thành viên các mô hình KTTT, hội viên, phụ nữ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các thành viên mô hình KTTT có cơ hội tiếp xúc để vận dụng vào thực tiễn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, hàng năm Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân nữ Thanh Hóa tổ chức cuộc thi “Ý tưởng, sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp” và “Ngày phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” thu hút hàng chục nghìn lượt hội viên, phụ nữ, người dân đến tham quan, mua sắm và tham gia chuỗi các hoạt động.

Để tiếp tục hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả hơn nữa, năm 2022 Hội LHPN tỉnh đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022-2030” được UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện năm 2023. Từ đề án này, trong 2 năm 2023-2024 Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 4 HTX, gồm: HTX Trồng cây nông sản xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa), HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc), HTX Chăn nuôi tổng hợp phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn), HTX sản xuất mắn tép do phụ nữ tham gia quản lý xã Yên Dương (Hà Trung). Đến nay, các HTX đang hoạt động tốt, thành viên có việc làm với thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/tháng.

Theo báo cáo của Hội LHPN tỉnh, thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” từ năm 2017 đến nay các cấp hội đã tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho trên 25.000 hội viên, phụ nữ; hỗ trợ trên 15.800 chị khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh. Sự đồng hành của các cấp hội đã động viên chị em phụ nữ hăng hái thi đua lao động sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và thoát nghèo bền vững. Đồng thời, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]