Nhịp cầu nối những bờ vui (Bài 3): Mơ một nhịp cầu
Muốn vượt qua sông thì phải bắc cầu. Cầu không có thì phải nhờ... đò. Biết bao giờ mới thôi gọi: “Đò ơi”.
Bến đò ở thôn Chòm Mốt.
Chờ đến bao giờ?
Câu chuyện về Dự án Thủy điện Hồi Xuân đang tạm dừng thi công cũng đã được nói nhiều, nhắc nhiều. Sự dừng thi công ấy tất nhiên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có một số hạng mục chưa được hoàn trả cho khu tái định cư Sa Lắng ở xã Phú Xuân (Quan Hóa). Đặc biệt, sự cam kết về một cây cầu bắc qua sông Mã đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Chờ đến bao giờ? Câu hỏi ấy vẫn luôn túc trực, xoáy sâu vào suy nghĩ của 54 hộ dân ở bản Sa Lắng. Cầu chưa được bắc qua sông thì phải nhờ đò. Lên đò “vượt” sông. Và “vượt” đến bao giờ cũng chưa thể biết.
Chỉ biết, ở đằng sau câu chuyện, đi đò vượt sông Mã với dằng dặc những sự khó phải đối diện, là sự cản trở về phát triển kinh tế của người dân, khó về học hành của con trẻ... Đơn cử như việc cây luồng của bà con bị mua với giá thấp vì cầu không có mà cũng khó về phương tiện vận chuyển nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái...
Vượt đò qua sông ở bản Sa Lắng với cái khó, cái khổ cũng như một số địa phương khác nhưng chỉ khác là Dự án Thủy điện Hồi Xuân “nợ” người dân một cây cầu mà chưa trả. Vậy nên, vì cái “nợ” ấy đã vô tình gieo vào bà con một sự trông mong rất lớn, vừa hoang mang vừa hồi hộp, rằng khi nào mình được “trả nợ” và liệu có được “trả nợ” như cam kết hay không...?
Chờ đến bao giờ? Cũng chính vì điều này mà mới đây, Đảng ủy, UBND xã Phú Xuân đã đưa cầu vào quy hoạch trong lộ trình từ nay đến năm 2030. “Trước mắt cứ đưa vào quy hoạch. Còn chờ thủy điện không biết đến bao giờ. Nếu có một cây cầu qua bản Sa Lắng thì đồng thời cũng sẽ giải quyết được việc đi lại của rất nhiều người dân ở các bản khác”, bà Hà Thị Cươi, Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuân cho biết.
Đưa cầu vào quy hoạch, một hy vọng lớn lại được mở ra. Cách đây hai năm, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cũng đã từng bày tỏ: “Trong trường hợp dự án không thể triển khai, thì mong muốn tỉnh sử dụng ngân sách hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh cho bà con trước. Khi dự án triển khai trở lại, thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại cho Nhà nước sau”.
Về một gia đình hơn 70 năm chèo đò...
“Bố tôi lái đò sau rồi đến chị gái, chị vợ và đến tôi. Tổng cả nhà tôi lái đò trên dòng sông Mã này cũng đã hơn 70 năm”. Chia sẻ này của anh Đỗ Văn Giáp, người lái đò ở thôn Chòm Mốt, xã Lương Trung (Bá Thước).
Học sinh Trường THCS Lương Trung đi đò đến trường.
Hơn 70 năm, trong đó riêng anh Giáp đảm nhận 26 năm, tức anh lái đò khi 24 tuổi. Công việc của anh được UBND xã Lương Trung hỗ trợ hơn 1,5 triệu đồng/tháng. Sự hỗ trợ này không phải địa phương nào cũng làm được. Vẫn biết là thế, sự hỗ trợ như nguồn động viên lớn, dù không nhiều nhưng nhìn lại thực tế, nếu không vì lương tâm, trách nhiệm thì mấy ai gắn bó được với một nghề mà luôn tiềm ẩn những hiểm nguy như chèo đò chở khách sang sông.
Nói chuyện người lái đò để nhìn một bức tranh không hề sáng sủa ở thôn Chòm Mốt trong rất nhiều năm qua. Một thôn nghèo có 136 hộ. Với họ, qua đò là con đường ngắn nhất để giao thương, buôn bán, học tập... Nếu tính một bài toán, thì qua đò chỉ khoảng 2km nhưng nếu đi đường bộ phải mất hơn 30km. “Đấy cũng là một trong những lý do khiến con đò tồn tại đến hôm nay dù trong điều kiện vô cùng khó khăn. Mùa mưa, nước lớn, đò không sang được. Khi thủy điện xả lũ, tích nước, đò cũng phải dừng hoạt động”, ông Trương Ngọc Thụ, Chủ tịch UBND xã Lương Trung cho biết.
Và học sinh của thôn Chòm Mốt, chắc chắn không thể tránh khỏi những thiệt thòi. Nhắc đến, thầy giáo Cao Văn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Trung bỗng ngậm ngùi. Vẫn biết việc qua đò khổ sở ra sao nhưng buồn là, cái khổ cứ kéo dài mãi khiến cho sự học của học sinh thôn nghèo cũng lênh đênh... “Nước dâng cao là nghỉ học. Nghỉ 1 tuần, nửa tháng. Như năm học vừa rồi, khi khai giảng đã qua được 15 ngày thì có nhiều em mới bắt đầu đi học. Thiệt thòi lắm chứ. Đồng thời cũng rất khó đối với nhà trường trong công tác dạy bù cho các em”, hiệu trưởng Cao Văn Cường trải lòng.
“Rất cần một cây cầu, điều mong muốn ấy, biết là khó nhưng chúng tôi chưa bao giờ dừng hy vọng”, Chủ tịch UBND xã Lương Trung, ông Trương Ngọc Thụ nói.
Bài và ảnh: Vi An
{name} - {time}
-
2025-01-12 11:23:00
Hồn quê trong chợ tết
-
2025-01-12 06:30:00
Dự báo thời tiết 1 2 /1: Thanh Hóa không mưa, trời rét đậm
-
2025-01-11 15:01:00
Bỏ phố về quê “làm bạn” với tre, trúc
Đề phòng cháy, nổ từ các thiết bị điện trong gia đình thời điểm cận Tết
Nhiều đường bay đã “cháy vé” dù được bổ sung thêm ghế cung ứng dịp Tết
Nhịp cầu nối những bờ vui (Bài 2): Hiến đất, hiến công trình vì... cầu
Dự báo thời tiết 11/1: Ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ và Thanh Hóa rét đậm
Từ khi có... “thủ lĩnh”
Nhịp cầu nối những bờ vui (Bài 1): Ký ức
Bản tin Tài chính 10/1: Giá vàng tiếp tục tăng dữ dội
Dự báo thời tiết 10/1: Không khí lạnh đã ảnh hướng tới Thanh Hóa